Báo động tỷ lệ đoàn viên trong học sinh tại các trường phổ thông ở TPHCM
Theo đồng chí Phạm Kiều Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên trường học, Thành đoàn TPHCM, tỷ lệ đoàn viên trong học sinh của nhiều trường học trên địa bàn TP hiện nay còn thấp.
Trong đó, đáng chú ý là khối các trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Sáng 17-10, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp với Thành đoàn TPHCM tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác Đoàn tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP năm học 2019-2020.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Kiều Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên trường học, Thành đoàn TPHCM cho biết, tỷ lệ đoàn viên trong học sinh của nhiều trường học trên địa bàn TP hiện nay còn thấp. Trong đó, đáng chú ý là khối các trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Cụ thể, một số đơn vị có tỷ lệ đoàn viên trên tổng số học sinh chưa đến 10% như Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh (3,53%), Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 7 (4,52%), Trường THPT Trần Cao Vân (5,26%), Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (5,60%)…
Năm học 2018-2019, tỷ lệ đoàn viên trung bình tại các cơ sở trường học toàn TP là 48%, tăng 1,8% so với năm học 2017-2018. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các chi đoàn chưa đồng đều, nhiều chi đoàn chưa đảm bảo duy trì sinh hoạt hàng tháng, công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận học sinh chưa quan tâm đến hoạt động phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn, chưa được định hướng, vận động để phấn đấu rèn luyện trở thành đoàn viên.
Ngoài ra, công tác Đoàn ở nhiều nơi cũng gặp khó do nhân sự trợ lý thanh niên thường xuyên thay đổi, công tác phát triển đảng viên trong đối tượng đoàn viên ưu tú là học sinh còn hạn chế do các quy định về độ tuổi, quy trình thẩm định lý lịch…
Video đang HOT
Cần tạo thêm nhiều sân chơi, phát triển phong trào Đoàn cho học sinh tại các trường phổ thông
Trước thực tế đó, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các đơn vị trường học trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh, trong đó có việc nâng cao chất lượng hoạt động phong trào, chất lượng các cơ sở Đoàn theo chỉ đạo của UBND TP, các trường cần nâng cao hơn nữa công tác phối kết hợp giữa quận, huyện đoàn và cấp ủy, ban giám hiệu trường học, thông tin, trao đổi chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời để công tác chỉ đạo đạt kết quả cao hơn.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đặc biệt lưu ý các trường chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh sống có lý tưởng, nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình khi đứng vào hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đó, các trường cần quan tâm đến nội dung, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên.
Riêng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, ngành GD-ĐT TPHCM rất chia sẻ với các đơn vị về điều kiện cơ sở vật chất, số lượng học sinh hiện nay đang theo học gây khó cho việc nâng cao chất lượng công tác Đoàn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các nhà trường quan tâm và có nhiều phương pháp, cách thức để quản lý học sinh, giúp học sinh nắm vững các chủ trương, chính sách, có ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các phong trào, hoạt động tình nguyện nhằm giáo dục toàn diện cho các em.
THU TÂM
Theo sggp
Học sinh lớp 9 đoạt giải nhất cuộc thi "Xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ"
Sáng 12-10 đã diễn ra vòng chung kết và trao giải cuộc thi tìm kiếm ý tưởng "Xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ" do Đường sách TPHCM phối hợp với Thành đoàn TPHCM tổ chức.
Nhóm tác giả Nghiêm Quỳnh Anh trình bày về ý tưởng xây dựng tủ sách tại trạm xe buýt. Ảnh: THU HƯƠNG
Phát động từ tháng 4-2019, với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, tạo thói quen đọc sách trong đoàn viên, thanh thiếu nhi và người dân thành phố. Cuộc thi đã thu hút 74 ý tưởng, dự án của các cá nhân, tập thể tham gia với những sáng kiến khuyến khích công chúng đọc sách nhiều hơn.
Qua quá trình đánh giá và xem xét, ban giám khảo cuộc thi đã tìm ra 11 ý tưởng xuất sắc bước vào chung kết, đây đều là những ý tưởng sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tiết kiệm chi phí, phổ biến trên nhiều lĩnh vực và có tính khả thi. Trong đó, cụ thể như ý tưởng xây dựng trạm trao đổi sách tại đường sách; xây dựng kênh website là nơi chia sẻ, giao lưu của những người yêu sách; xây dựng những tập phim sitcom xoay quanh mối quan tâm, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống bằng việc lồng ghép các quyển sách có nội dung liên quan đến vấn đề đó; kết nối những quán cà phê trở thành điểm đọc sách dành cho người yêu sách; thực hiện máy in hóa đơn có đính kèm nội dung giới thiệu sách nhằm tạo sự tò mò cho người đọc; vận động thực hiện tủ sách tại gia đình, tạo thói quen cho từng thành viên đọc sách,....
11 ý tưởng của các tác giả, nhóm tác giả xuất sắc bước vào chung kết. Ảnh: THU HƯƠNG
Kết quả cuộc thi, giải nhất thuộc về tác giả Lê Phương Thảo Vy - học sinh lớp 9 trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý với ý tưởng "Tủ sách kết nối tại các chung cư". Giải nhì thuộc về nhóm tác giả Nghiêm Quỳnh Anh - Đoàn trường ĐH Kinh tế TPHCM cho ý tưởng "ACA - Tủ sách thông minh"- là ý tưởng xây dựng tủ sách đặt tại các trạm xe buýt trên địa bàn thành phố có ứng dụng công nghệ. Giải ba dành cho tác giả Lê Thị Kim Thoa - Chi đoàn giáo viên trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa với ý tưởng "Tuổi trẻ đọc sách - Nâng tầm cuộc sống"- là chuỗi hoạt động xây dựng thói quen đọc sách trong trường học gồm tổ chức tọa đàm về sách, hướng dẫn học sinh chia sẻ cảm nghĩ về sách.
Tác giả Lê Phương Thảo Vy - học sinh lớp 9 trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý giành giải nhất cuộc thi. Ảnh: THU HƯƠNG
Lý giải việc lựa chọn ý tưởng của tác giả Lê Phương Thảo Vy - thí sinh nhỏ tuổi nhất vinh dự nhận được giải nhất chung cuộc, bà Quách Thu Nguyệt - thành viên ban giám khảo cho biết: "Vì ý tưởng này đã thực thi có hiệu quả, và thực sự đối với chung cư, đặc biệt là những gia đình trẻ ở các chung cư có rất nhiều người muốn làm điều đó, thế nhưng còn nằm trong phạm vi ý tưởng thôi mà họ chưa thực hiện được. Và điều bất ngờ là em Thảo Vy lại làm được, em cho chúng tôi nhìn thấy sự tự tin và chúng tôi đánh giá cao tinh thần dấn thân được thể hiện rõ trong dự án này. Việc làm của em hoàn toàn tự nguyện với mong muốn để những trẻ em ở chung cư mình có điều kiện được đọc sách, giải trí, phải nói đây là ý tưởng thú vị. Đồng thời, để ý tưởng này có thể phát triển và duy trì, tôi cho rằng tác giả cần được tiếp thêm nguồn lực tài chính, sự ủng hộ của ban quản lý chung cư, các hộ dân, nguồn lực nhân sự - điều này em có thể kết nối với những nhóm khác như ý tưởng "Cộng đồng Sharebook", "Sách chuyền tay",.. để có thể cùng nhau lan tỏa hoạt động hiệu quả hơn nữa".
Bà Quách Thu Nguyệt - thành viên ban giám khảo đặt câu hỏi cho các tác giả. Ảnh: THU HƯƠNG
Theo đó, tổng giải thưởng cuộc thi trị giá gần 100 triệu đồng, trong đó giải nhất trị giá 30 triệu đồng. Sau cuộc thi, ban tổ chức sẽ tiếp sức, kết nối, tạo điều kiện để đưa các ý tưởng đi vào thực tiễn, đóng góp vào việc xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ và người dân thành phố.
THU HƯƠNG
Theo sggp
Hà Nội đã thu hoạch trên 62% diện tích lúa mùa 2019Thành đoàn TPHCM phát động đợt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng trong đoàn viên thanh niên Đợt hoạt động Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Thành đoàn TPHCM phát động diễn ra từ tháng 9-2019 đến tháng 2-2020. Trong đợt hoạt động này, các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên TP sẽ ra sức phát huy trí tuệ, sức trẻ, xung kích, tình nguyện thực hiện tốt công trình cấp thành...