Báo động trẻ em nhiễm bệnh tình dục người lớn
Số trẻ nhiễm bệnh về tình dục đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM tăng gấp 5 lần so với trước đây; chưa kể số bệnh nhân từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ… chuyển sang
Tại phòng khám lâm sàng Bệnh viện (BV) Da liễu TP HCM, người cha đang loay hoay các thủ tục xét nghiệm cho con. Em N.T.T (15 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) được đưa đi khám với bàn tay và hậu môn xuất hiện nhiều vết loét.
Tăng đột biến
Kết quả xét nghiệm xác định T. bị giang mai. Nguyên nhân nhiễm bệnh do quan hệ tình dục đồng tính với một bạn trai quen trên mạng.
Tại phòng xét nghiệm BV Da liễu TP HCM, một bé gái 6 tuổi (ngụ tỉnh Bình Phước) được mẹ đưa đến khám trong tình trạng tiểu buốt, tiểu lắt nhắt kèm theo những đợt sốt cao, vùng kín có nhiều huyết trắng… Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị bệnh lậu.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng Khoa Lâm sàng 3 BV Da liễu TP HCM, cho biết rất nhiều lần khám cho trẻ bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, sùi mào gà, giang mai… Thường trẻ từ 2 đến 10 tuổi mắc bệnh là do bị lạm dụng tình dục. Cũng có trẻ vì tò mò nên bị lợi dụng và cả trường hợp tự nguyện quan hệ dẫn đến lây bệnh.
Riêng với những trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh, nguyên nhân là do sự chủ quan của người mẹ trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc người thân không vệ sinh trước khi chăm sóc bé. Ca gần đây nhất là bé trai (18 tháng tuổi, ở quận 7, TP HCM) bị mắc sùi mào gà do người cha vô tình truyền virus cho con trong lúc chăm sóc.
Nhiều trẻ bị nhiễm bệnh tình dục người lớn, đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM
TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu TP HCM, cho rằng thống kê cho thấy nếu trong năm 2015 chỉ có 28 trường hợp trẻ bị bệnh lây qua đường tình dục được BV tiếp nhận điều trị, năm 2018 là 85 trường hợp thì chỉ trong 11 tháng của năm 2019, con số này lên đến 146. Đây là mức đáng báo động.
Video đang HOT
Viện Sức khỏe Tâm thần mỗi ngày cũng tiếp nhận tới 400 bệnh nhân, tăng gấp 4 lần so với cách đây 3 năm, trong đó nhiều ca bệnh lý liên quan đến sức khỏe tình dục.
Hệ lụy suốt đời
“Hiện nay, trẻ em dậy thì sớm hơn, bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng xã hội và internet, trẻ tiếp cận những video “người lớn” ngày càng dễ dàng. Trong khi đó, các em còn thiếu kiến thức về quan hệ an toàn nên dễ bị lây nhiễm bệnh qua đường tình dục và khi nhiễm bệnh thường không nhận biết được hoặc giấu gia đình đến điều trị tại các cơ sở thiếu uy tín, dẫn đến bệnh nặng hơn gây khó khăn cho việc chữa trị” – BS Thanh Thơ nhìn nhận.
Với những trẻ bị tấn công tình dục, các chuyên gia cảnh báo trẻ sẽ bị sang chấn nặng nề, từ thể chất đến tinh thần và hệ lụy kéo dài suốt cuộc đời. Những “bi kịch” thường gặp ở trẻ sau biến cố này là mệt mỏi, đau dạ dày, đau đầu; biểu hiện tiêu cực về nhận thức và hành vi, cảm thấy bất an, lo sợ, xấu hổ, giận dữ, muốn trả thù, cảm thấy không được an toàn, giảm lòng tin vào mọi người xung quanh và đặc biệt rất xấu hổ, cô đơn…
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, một nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ gái thanh thiếu niên bị tấn công tình dục thì 88% có nguy cơ bị trầm cảm; 71% có nguy cơ lo âu; 80% nguy cơ mắc một loại rối loạn tâm thần.
Để bảo vệ trẻ trước các bệnh lây qua đường tình dục, BS Thanh Thơ khuyến cáo đối với phụ nữ, nếu đã lên kế hoạch có con, cần đi khám để phát hiện các bệnh lý phụ khoa, bệnh lây qua đường tình dục. Khi có thai, nên có chế độ khám thai và làm xét nghiệm tầm soát định kỳ các bệnh lây qua đường tình dục để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, tránh các hậu quả trầm trọng có thể xảy ra cho cả thai nhi và người mẹ.
Người lớn trước khi chăm sóc trẻ cần phải vệ sinh tay sạch sẽ, nhằm phòng tránh tình trạng lây truyền virus cho trẻ. Đối với trẻ dưới 10 tuổi, cha mẹ cần dạy bé các kỹ năng như giữ khoảng cách với người lạ, tránh xa nơi vắng vẻ, không được để người lạ đụng chạm vào cơ thể. Đặc biệt, với vùng kín thì chỉ có mẹ, bà, bác sĩ khám bệnh mới được đụng vào.
Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ và nhà trường nên trang bị kiến thức về giới tính để trẻ tự bảo vệ bản thân. Tăng cường việc giám sát, quản lý, giáo dục con em mình trong việc tiếp cận mạng xã hội, xem những video “người lớn”… Các bậc cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến tâm lý, các hành vi của con, thường xuyên nói chuyện và hỏi thăm về cảm xúc của con.
Trên địa bàn TP HCM hiện có hơn 2 triệu trẻ em. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng với cách thức ngày càng tinh vi. Từ năm 2015 đến tháng 6-2019, TP HCM có 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại (43 trẻ trai, 739 trẻ gái). Trước vấn nạn này, mới đây UBND TP HCM đã kiến nghị thành lập lực lượng cảnh sát chuyên biệt để bảo vệ trẻ.
Dạy con “3 không”
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục giới tính, thầy cô và cha mẹ cần hướng dẫn cho con 3 kỹ năng để đối phó với nạn tấn công tình dục. Đó là:
1. KHÔNG SỢ HÃI: Dạy cho con biết khi gặp kẻ xấu phải bình tĩnh tìm cách ứng phó, báo động xung quanh để nhận được sự giúp đỡ nhanh nhất.
2. KHÔNG IM LẶNG: Sự im lặng của con có thể làm cho kẻ xấu thực hiện hành vi này với những bạn khác nữa, phải nói ra để trừng trị, chia sẻ, trấn an…
3. KHÔNG THỎA HIỆP: Dạy con nhận biết những hành vi xấu – tốt, không để bị dụ dỗ (chẳng hạn như hình thức tặng quà, bánh, kẹo…) .
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH
Theo nguoilaodong
Những dấu hiệu từ "chuyện ấy" cho thấy bạn nên đi bác sĩ gấp
Các chuyên gia Anh đã liệt kê ra một số dấu hiệu tưởng chừng không liên quan trong hoặc sau "chuyện ấy" có thể là triệu chứng báo động của một bệnh tình dục.
Theo thống kê tại Anh, mùa lễ hội cũng là mùa của... các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), bởi sự vui vẻ dường như khiến nhiều người trẻ tìm kiếm sự lãng mạn, bắt đầu những mối quan hệ mới nhiều hơn. Đó cũng là lúc bạn nên chú ý tới một số dấu hiệu đặc trưng báo hiệu các STI phổ biến.
1. Chlamydia
Đây là bệnh tình dục thuộc hàng phổ biến nhất, rất dễ lây. Thống kê tại Anh cho thấy số ca nhiễm lên tới 200.000. Các triệu chứng của nó khá mơ hồ, tuy nhiên đủ để bạn nên nghi ngờ và tìm đến bác sĩ: cảm giác đau hoặc nóng rát khi quan hệ, có dịch bất thường ở cơ quan sinh dục. Nữ giới có thể cảm thấy đau bụng dưới trong hoặc trong "chuyện ấy", bị chảy máu sau đó; nam giới có thể có cảm giác đau ở tinh hoàn.
Những dấu hiệu khó chịu tưởng chừng như mơ hồ, không rõ ràng trong "chuyện ấy" có thể là tín hiệu báo động cho một bệnh tình dục nghiêm trọng - ảnh minh họa từ Internet
2. HPV
Đây là loại STI phổ biến thứ 2 tại Anh, hay gây ra những mụn nhỏ ở khu vực sinh dục, mụn thường đau, có thể ngứa hoặc đỏ, thỉnh thoảng chảy máu. Nên lưu ý là loại STI này lây cả qua tiếp xúc da kề da, tức lây cả khi bạn chưa "quan hệ" thực sự.
3. Bệnh lậu
Bệnh lậu là bệnh do vi khuẩn, ước tính phân nửa nữ bệnh nhân và 10% nam bệnh nhân không biết mình đã nhiễm. Triệu chứng là đau, nóng rát trong "chuyện ấy", có dịch bất thường. Phụ nữ còn có thể bị đau bụng giới, chảy máu giữa các chu kỳ kinh hoặc sau quan hệ; nam giới có thể bị sưng bao quy đầu, đau tinh hoàn. Bệnh này nếu để lâu có thể gây vô sinh.
4. Herpes
Tùy chủng, nó gây mụn rộp ở quanh miệng hoặc khu vực sinh dục. Đó là các mụn nước nhỏ, đau, ngứa. Một số người gặp khó khăn khi tiểu tiện.
5. Giang mai
Bệnh này do vi khuẩn gây ra. Người bệnh ban đầu sẽ xuất hiện vết loét không đau nhưng có khả năng lây nhiễm cao ở khu vực quanh miệng hoặc khu vực sinh dục. Vết loét có thể tự biến mất trong vài tuần, nhưng chỉ là tạm ẩn mình để chuyển tới giai đoạn nặng hơn của bệnh. Đây cũng là STI nặng nhất trong danh sách nên bạn cần đến bác sĩ gấp ngay khi phát hiện vết loét lạ.
A. Thư
Theo The Sun/nguoilaodong
Bé trai 15 tuổi mắc giang mai vì quan hệ với người quen qua mạng Trong những năm gần đây, số lượng trẻ em mắc các bệnh lây qua đường tình dục ngày càng gia tăng. Ngoài bị lây nhiễm trong quá trình sinh hoạt, nhiều bé mắc bệnh do tự nguyện quan hệ tình dục. Nhiều năm khám bệnh lây qua đường tình dục (BLQĐTD), bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Thơ - Phó trưởng...