Báo động tình trạng lệch lạc ‘thần tượng’ của giới trẻ
Giờ đây, thần tượng của giới trẻ không còn gói gọn trong những diễn viên, tài tử, ngôi sao trong các lĩnh vực. Khái niệm “thần tượng” đã mở rộng đến những người có sức ảnh hưởng đến giới trẻ. Trong đó, có cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực.
Ảnh minh họa.
Khi “thần tượng” sa lưới pháp luật
Mới đây, sự việc “ Huấn Hoa Hồng” bị bắt đi cai nghiện khiến nhiều người phải giật mình nhìn nhận lại khái niệm “thần tượng” của giới trẻ. Trước khi bị bắt, Huấn từng là “người nổi tiếng”, được một số không ít các bạn trẻ hâm mộ.
Trên trang cá nhân của mình, Huấn thường xuyên tung các hình ảnh xăm trổ, chơi ngông như độ xe, đua xe, không đội mũ bảo hiểm chạy tốc độ cao. Ra đời sau, để thu hút khán giả, Huấn “ăn theo” các nhân vật đi trước như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền bằng cách thách thức trên mạng, đòi giao đấu, giành phần “giang hồ” hơn. Không những thế, Huấn còn lập các công ty lấy danh nghĩa “ Facabook châu Á” để chuyên cá độ, cho vay nặng lãi…
Điều đáng nói là hành động của Huấn diễn ra một thời gian dài, thu hút lượng người xem, hâm mộ đông đảo, từ đó Huấn thu về nguồn lợi khổng lồ để càng trở nên ngông cuồng hơn. Huấn tuyên bố, từ Youtube, một ngày Huấn kiếm hơn 2 triệu đồng.
Người này cũng thường đăng tải những lời tri ân dành cho “fan” của mình. Để thu hút người xem, Huấn thường xuyên tổ chức các trò chơi như đoán biển số tặng xe độ, comment tặng thẻ cào… Sau đó, nhiều người tố là trúng giải nhưng không nhận được quà.
Video đang HOT
Trước đó, nhiều hiện tượng “giang hồ mạng” cũng trở thành thần tượng giới trẻ như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Phúc XO… Các nhân vật này lần lượt đều đã sa lưới pháp luật. Điều đáng nói là dù hành vi có sai trái, ngông cuồng, nhưng những người này không sợ hãi, lập kênh riêng, liên tục khoe khoang trên mạng. Một bộ phận giới trẻ không phân biệt đúng sai, lao vào hâm mộ, tung hô.
“Mầm độc” phải chặn đứng
Sau sự việc Huấn bị bắt, một phụ huynh đã lên mạng bày tỏ tâm tư của mình: “Khi báo chí đưa tin ầm ầm là Huấn Hoa Hồng bị bắt, tôi mới giật mình vì bình thường hay nghe hai thằng con trai ở nhà hay nhắc “Huấn Hoa Hồng”, còn thường rủ nhau vào kênh Youtube của nhân vật này theo dõi, ủng hộ. Tôi cũng không để ý vì cứ nghĩ là một ca sĩ choai choai nào đó. Giờ ầm ĩ lên, mới biết hóa ra người này chuyên cho vay nặng lãi, vi phạm luật giao thông, ngông cuồng, lại nghiện ma túy”.
Chia sẻ của phụ huynh này khiến nhiều bậc cha mẹ khác phải giật mình khi con cái cũng có những “thần tượng” như trên. Họ “tá hỏa” khi nghe tin thần tượng của con mình vào tù. Thực tế, hiện tượng lệch lạc trong việc thần tượng đã có từ lâu và qua mỗi một giai đoạn lại có một “phong trào” mới. Cách đây năm, bảy năm, cư dân mạng trẻ tuổi lao vào hâm mộ những trường hợp tạo scandal bằng khoe thân quá đà như Eli Trần, Bà Tưng…
Thời gian sau đó, những người phát ngôn bất chấp, ngông nghênh lại trở thành thế hệ thần tượng mới như Trang Khàn, Lisa Chửi. Tiếp đến là thời của các thần tượng lắm chiêu, lấy những trò ruồi hoặc khuyết điểm bản thân ra mua vui, thu hút thiên hạ như Kenny Sang, Tùng Sơn, Lệ Rơi… Một năm gần đây, lại đến thời của các Vlogger “nông dân nấu nướng khổng lồ” và các giang hồ mạng xăm trổ.
Giới trẻ thường bị thu hút về những gì khác lạ, gây sốc, đặc biệt. Nếu như thời trước, khi mạng xã hội chưa phát triển, hầu hết chỉ có những nghệ sĩ hoặc những người có khả năng trong nhiều lĩnh vực mới có thể trở thành những người nổi tiếng, thu hút công chúng.
Nhưng giờ đây, khi mạng xã hội phát triển như vũ bão, gu thưởng thức ngày càng “mì ăn liền”, thì cộng đồng mạng đòi hỏi sự xuất hiện và thay đổi liên tục các hiện tượng, các trò vui. Từ đó mà sinh ra những người lợi dụng tâm lý này để “diễn trò kiếm tiền”.
Tuy nhiên, hiện tượng này không chỉ dừng ở chuyện kiếm tiền, muốn làm nổi hay thỏa mãn tò mò. Đó là dấu hiệu của sự lệch lạc nhận thức, sự sai lệch trong nhìn nhận đúng sai, tốt xấu, tích cực hay tiêu cực trong giới trẻ. Cơ quan chức năng không mạnh tay với những “thần tượng như thế”, các bậc phụ huynh lơ là bỏ qua, dư luận xã hội không lên tiếng, tẩy chay thì đây sẽ là những “mầm độc” đầu độc cả một thế hệ tương lai.
Ngọc Mai
Theo baophapluat
Chuyên gia lý giải việc "giang hồ mạng" có "đất diễn"
PGS-TS Trịnh Hòa Bình- Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, "giang hồ mạng" có "đất diễn" là vì công nghệ chi phối cuộc sống.
Trong khi giới trẻ luôn có xu hướng tìm tòi những điều độc đáo, dị thường, khác đời, đôi khi là lệch chuẩn.
Ông nhận xét thế nào về hiện tượng "giang hồ mạng" thu hút nhiều người trên mạng xã hội bằng những video nhảm nhí, dung tục, thậm chí khuyến khích vi phạm pháp luật nhưng nhiều người trẻ lại xem họ như là hình tượng?
- Xưa nay, chúng ta chỉ biết đến thần tượng âm nhạc, thần tượng toán học chứ ít ai ngờ rằng giờ đây một bộ phận lớn giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ ở nông thôn lại còn thần tượng giang hồ trên mạng xã hội.
Qua câu chuyện này, rõ ràng thấy thị hiếu văn hóa, năng lực cảm thụ các hình tượng văn hóa của giới trẻ chúng ta hiện nay có những sự méo mó, biến tướng nhất định. Sở dĩ những "giang hồ mạng" này có thể trở thành thần tượng của giới trẻ là bởi họ nắm bắt được tâm lý của giới trẻ rất tốt. Họ biết cách làm hình ảnh, làm truyền thông nên tạo được sự tò mò, phấn khích trong giới trẻ. Thêm vào đó cách ăn nói tục tĩu, thiếu văn hoá, có sự gần gũi với sở thích của một bộ phận người trẻ nên dễ nhận được sự đồng cảm.
Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện về phông văn hoá hay việc làm truyền thông khá tốt của nhóm "giang hồ mạng" là câu chuyện thiếu sân chơi cho giới trẻ. Rõ ràng đằng sau hàng triệu lượt theo dõi, hang nghìn lượt chia sẻ like (thích) kia là sự thiếu thốn thông tin độc đáo, những sân chơi bổ ích cho giới trẻ. Đây cũng là điều khiến các em tiếp cận với những kênh văn hoá chưa chính thống, thiếu chất lượng.
"Thánh chửi" Dương Minh Tuyền được nhiều người trẻ "chào đón" tại Hưng Yên. ảnh: T.L
Những "thần tượng giang hồ mạng" sẽ tác động như thế nào tới thay đổi về mặt nhận thức, hành vi của giới trẻ, thưa ông?
- Những người lớn, có đủ nhận thức đều hiều rằng, những hành vi nói tục, chửi thề, đòi "xử" người khác theo kiểu giang hồ, làm kinh tế bằng cho vay nặng lãi... là những hành vi không thể chấp nhận được. Thậm chí một số hành vi trong số ấy còn là những hành vi có thể dẫn tới vi phạm pháp luật hoặc kích động làm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ theo hướng tiêu cực. Không thể phủ nhận những hành vi kiểu đánh hội đồng của 5 nữ sinh tại Hưng Yên cũng là một trong những hành vi côn đồ, được khởi phát từ việc truyền bá bạo lực và lối sống "đàn anh, đàn chị" của đám "giang hồ mạng". Đặc biệt, hình ảnh những "giang hồ mạng" xuất hiện với tần suất dày đặc, chuyên nghiệp, gieo rắc những hành vi lệch chuẩn có tính lây lan rất nhanh khi được giới trẻ like và chia sẻ.
Vậy theo ông, cần phải làm gì để kiểm soát hiện tượng "giang hồ mạng", tránh lây nhiễm lối sống tiêu cực cho giới trẻ?
- Theo quy luật bất cứ hiện tượng, thần tượng mạng xã hội nào rồi cũng sẽ lắng xuống khi cộng đồng mạng tìm được mục tiêu mới hơn, lạ hơn để theo dõi, thế nhưng về lâu dài điều đó cũng sẽ tác động lâu dài tới việc hình thành nhân cách của người trẻ.
Do vậy, thay vì đợi hiện tượng này lắng xuống, các cơ quan chức năng cần phải có những chế tài mạnh tay hơn với những kẻ tự xưng "giang hồ", gieo rắc những lối sống lệch chuẩn. Bản thân người dùng mạng xã hội cần nâng cao khả năng thẩm định, chọn lựa thông tin. Trẻ em khi tham gia mạng xã hội cần phải được sự cho phép, quản lý của bố mẹ, thầy cô. Đứng trước những thông tin có hại thì cần loại bỏ, tố cáo để nhà quản lý mạng xoá bỏ. Đáng tiếc, ở Việt Nam, việc báo cáo ("report") vẫn chưa được sử dụng hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Hiểm họa lệch chuẩn thần tượng Những ngày gần đây, truyền thông nhắc nhiều đến câu chuyện về "giang hồ mạng" bỗng nhiên trở thành thần tượng chỉ qua vài video "sống ảo". Điều này đã khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng con em họ sẽ bị ảnh hưởng bởi thứ văn hóa lệch chuẩn. Vậy phải làm gì để định hướng góp các em tiếp...