Báo động thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang tăng mạnh nhưng theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn khi không có dung dịch cao phân tử HES 200.000, Dextran 40 để chống sốc sốt xuất huyết.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cập nhật tình trạng sức khỏe một bệnh nhi mắc sốc sốt xuất huyết cho phụ huynh – Ảnh: X.MAI
Theo các bác sĩ điều trị, việc thay thế dung dịch cao phân tử khác chỉ là phương pháp tạm thời, không đạt kết quả tối ưu.
Bệnh viện thay thế dung dịch cao phân tử khác
Trong hội nghị tập huấn hướng dẫn tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue do Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ngày 22-6, cục này cho hay hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn khi không có dung dịch cao phân tử HES 200.000 dalton, Dextran 40 để chống sốc sốt xuất huyết.
Các chuyên gia đã họp xem xét, đề xuất tạm thời sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 daltol 6% hoặc Gelatin succninylated 4% trong trường hợp có chỉ định sử dụng cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết.
Đại diện Cục Quản lý dược cho biết đã nhận được công văn của một số bệnh viện và các sở y tế báo cáo khó khăn trong cung ứng dịch truyền cao phân tử trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-6, bác sĩ Đỗ Châu Việt – trưởng khoa hồi sức nhiễm COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho biết hiện khoa đang điều trị nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết từ nặng đến rất nặng. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), ông Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho biết hiện bệnh viện đang điều trị gần 50 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trẻ nguy kịch đang nằm tại khoa hồi sức tích cực, 6 trẻ nằm ở khoa cấp cứu.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, 3 tháng gần đây trong tổng số 500 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú, có khoảng 100 trường hợp bị sốc sốt xuất huyết diễn biến nặng.
Việc điều trị các ca sốc sốt xuất huyết phải cần dung dịch cao phân tử HES 200.000, đặc biệt là dung dịch Dextran 40 rất phù hợp cho trẻ em. Tuy nhiên tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử HES 200.000 và Dextran 40 đã diễn ra từ đầu tháng 5.
Hiệu quả điều trị không tối ưu
Theo nhiều bác sĩ điều trị, việc dùng dung dịch cao phân tử khác thay thế HES 200.000 và Dextran 40 trong điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết là được, tuy nhiên không đạt hiệu quả tối ưu.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt cho hay dung dịch cao phân tử nào cũng có thể điều trị được bệnh sốt xuất huyết. Nếu cần có thể kết hợp thêm albumin, không nhất định phải HES 200.000 hoặc Dextran 40. Bộ Y tế đã bổ sung vấn đề này trong phác đồ điều trị cách đây 2 tháng.
Theo bác sĩ Việt, việc điều trị thành công các ca sốt xuất huyết phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, năng lực, kỹ năng, cách theo dõi, trang thiết bị y tế… của các cơ sở khám chữa bệnh. “Cao phân tử chỉ là một phần trong chuỗi mắt xích đó và loại cao phân tử nào cũng có thể điều trị được, bên cạnh phải kết hợp nhiều giải pháp để hồi sức bệnh nhi sốt xuất huyết. Dù bệnh viện vẫn gặp vài khó khăn nhưng tất cả đều cố gắng thích ứng vượt qua”, bác sĩ Việt chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Tương tự, để không gián đoạn việc điều trị trẻ sốc sốt xuất huyết cần dung dịch cao phân tử phù hợp, bác sĩ Minh Tiến cho hay bệnh viện đã áp dụng phương án thay thế dung dịch cao phân tử khác, cụ thể là HES 130.000, đồng thời phối hợp với dung dịch albumin. “Phương án này cũng giúp cứu sống nhiều trường hợp nặng. Tuy nhiên, dung dịch albumin thì rất đắt đỏ. Việc thay thế dung dịch cao phân tử chỉ là phương án tạm thời chứ hiệu quả điều trị không cao”, bác sĩ Tiến nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) – để điều trị sốc sốt xuất huyết có thể thay thế bằng các loại khác như Dextran 70, Haesteril, Gelafuldin. Tuy nhiên Dextran 40 vẫn được đánh giá là phù hợp, mang lại hiệu quả cao trong chỉ định cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết.
“Trong trường hợp thiếu Dextran, các bác sĩ có thể thay thế bằng cao phân tử Gelafuldin cũng đạt được hiệu quả bù dịch. Tuy nhiên, sử dụng Gelafuldin tỉ lệ rối loạn đông máu sẽ cao hơn, bệnh nhân cũng đối diện với biến chứng nhiều hơn”, bác sĩ Cấp thông tin.
Bác sĩ Cấp cho biết thêm, hiện sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại miền Nam. Miền Bắc đỉnh điểm dịch sốt xuất huyết thường vào tháng 10 hằng năm. “Hiện bệnh viện đang lên dự trù và đấu thầu để có nguồn thuốc sử dụng. Tuy nhiên, việc đấu thầu cũng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, nguồn nhập khẩu”, bác sĩ Cấp chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong ảnh: khoa sốt xuất huyết – huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – Ảnh: X.MAI
Nguyên nhân do đâu?
Trả lời vấn đề này, Cục Quản lý dược cho biết hiện dịch truyền HES 200.000 daltol đã ngừng sản xuất trên thế giới. Trong khi đó, dịch truyền Dextran chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Trước đó, năm 2020, Cục Quản lý dược đã làm việc và cấp phép khẩn nhập khẩu thuốc Dextran 40 (cơ sở sản xuất: Thai Otsuka Pharmaceutical Co.,Ltd) với số lượng 50.000 túi cho Công ty cổ phần dược phẩm trung ương CPC1, để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.
“Thực tế, số lượng thuốc Dextran 40 mà công ty nhập khẩu nhập về Việt Nam là 9.000 túi. Tuy nhiên có rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh dự trù thuốc với số lượng ký hợp đồng và số lượng đặt hàng thấp hơn nhiều. Thậm chí, không lấy hàng theo kế hoạch dẫn đến công ty còn tồn kho gần 3.500 túi đã hết hạn và chờ thiêu hủy.
Bên cạnh đó, Dextran 40 không phải là mặt hàng sẵn có. Công ty nhập khẩu cũng phải đặt trước 3 – 4 tháng mới có thể có hàng. Trong khi đó, bệnh viện gửi dự trù, đấu thầu mua sắm phải mất 5 tháng. Có nghĩa là nếu thời điểm này bắt đầu đặt mua thì nhiều tháng sau mới có hàng”, vị này cho hay.
Bên cạnh đó, vị này thông tin thêm Dextran 40 hiện nay chỉ do 1 công ty nhập khẩu. Hiện, cục đã làm việc với đơn vị sản xuất và nhập khẩu để có thể “xem xét” cung cấp sớm cho Việt Nam trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết tăng cao và đã đạt được thỏa thuận, dự kiến sẽ sớm có thuốc về Việt Nam.
Cục Quản lý dược cũng kiến nghị các bệnh viện dự trù mua sắm, ký hợp đồng từ 6 tháng trước khi bắt đầu thời điểm dịch bệnh để có nguồn hàng cung ứng kịp thời.
Có 63.000 ca sốt xuất huyết, 29 ca tử vong trong gần 7 tháng
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là gần 48.000 (tăng 96% so với năm 2021), số ca tử vong tăng 24 trường hợp. Việt Nam cũng là nước có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất so với Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Người bệnh kêu thiếu thuốc, đại diện các bệnh viện nói gì?
Tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở nhiều nơi, từ tuyến cơ sở tới trung ương, khiến bệnh nhân thiệt thòi, bác sĩ mệt mỏi.
Nhiều bệnh viện trên cả nước đang đối diện thực trạng thiếu trang thiết bị y tế, nhất là thuốc phục vụ người dân. Lãnh đạo các đơn vị đưa ra nhiều nguyên nhân và đang tìm giải pháp cho vấn đề này.
Nhiều bệnh viện thiếu thuốc do liên quan đấu thầu
Ông N.T.H. (52 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vừa đưa người nhà đi khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên theo diện bảo hiểm y tế (BHYT). Ông phải chi nhiều tiền để mua thuốc chữa bệnh vì trong bệnh viện không có. "Tuần nào tôi cũng phải đi mua, có toa thuốc 4-5 triệu đồng mà không được thanh toán BHYT", ông H. nói.
Nhiều bệnh nhân ở Đắk Lắk cũng than gặp khó khi mua thuốc tại các nhà thuốc của bệnh viện. Thực trạng thiếu thuốc điều trị cũng được một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xác nhận. Vị này cho biết, nguyên nhân là chưa thể thực hiện các gói thầu mua sắm lớn thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Đắk Lắk.
"Những gói thầu thuộc diện mua sắm của bệnh viện, chúng tôi đã thực hiện xong. Tuy nhiên, các gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế thuộc thẩm quyền của Sở Y tế, đấu thầu tập trung của Bộ Y tế đến nay vẫn làm. Chúng tôi đang làm báo cáo về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc", lãnh đạo này cho biết thêm.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, tới đây, Sở chủ trì cuộc họp, báo cáo UBND tỉnh để tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh.
Một người nhà bệnh nhân không mua được thuốc trong Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và cả ở các quầy thuốc tư bên ngoài.
Tình trạng thiếu thuốc cũng được ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa ( Quảng Trị). Lãnh đạo trung tâm xác nhận thiếu thuốc và vật tư y tế xuất phát từ tình trạng trì trệ trong đấu thầu.
"Thiếu thuốc men, vật tư y tế tại thời điểm này ảnh hưởng lớn đến việc khám, chữa bệnh tại đơn vị và cũng chồng thêm khó khăn với những bệnh nhân nghèo. Để hỗ trợ bệnh nhân cũng như đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, đơn vị huy động nhiều nguồn lực, áp dụng nhiều biện pháp nhưng không đạt hiệu quả cao", lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa nói.
Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E ( Hà Nội) - tình trạng thiếu thuốc không phải mới, nhiều năm qua vẫn xảy ra nhưng nhỏ lẻ, lần này nghiêm trọng. Quá trình mua sắm cần đấu thầu mất 4 - 5 tháng. Các khoa, phòng khám thống kê, dự trù trang thiết bị, làm kế hoạch mua sắm (phải duyệt hồ sơ và lựa chọn đơn vị trúng thầu).
BS Hựu cho hay quy trình thầu chậm có nhiều lý do, ví dụ bệnh viện dự kiến mua 1.000 viên thuốc nhưng sang năm dùng lên 1.500 viên. Khi đó, bệnh viện phải bổ sung thầu. Trước đây, thiếu hụt thuốc có thể vay đơn vị cung cấp, mượn trước rồi làm hồ sơ trả sau, nhưng hiện tại không thể linh động như vậy.
Bệnh viện E đang làm thầu để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, cố gắng đẩy nhanh thủ tục hành chính nhưng vẫn có điều kiện khách quan từ nhà cung cấp không thể triển khai được. Thực tế, có sản phẩm chỉ một nhà cung cấp nên không kịp sản xuất, phân phối.
" Bác sĩ cũng mệt mỏi với thực trạng thiếu thuốc. Họ hàng ngày phải giải thích để người bệnh chia sẻ, nhưng nhiều bệnh nhân và người nhà lại có hành động đôi co", BS Hựu nói.
Theo một đại diện của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bệnh viện thiếu một số thuốc như kháng sinh hoạt chất Meropenem (nhóm 1), thuốc điều trị đái tháo đường Metformin và nhóm thuốc Chen giao cảm. Lý do chủ yếu là gặp khó khăn trong đấu thầu. Trong đó, thuốc kháng sinh hoạt chất Meropenem nằm trong đấu thầu tập trung quốc gia, hiện chưa có kết quả trúng thầu.
Bệnh viện đã chủ động mua một số loại để điều trị cho bệnh nhân nặng, nhưng không thể đủ. Ví dụ, Metformin - thuốc điều trị đái tháo đường - thuộc nhóm đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Nếu không có kết quả sớm, nguy cơ thiếu thuốc sẽ trầm trọng.
Lãnh đạo một bệnh viện khác ở Hà Nội cũng chia sẻ việc đang thiếu một số hóa chất cơ bản về miễn dịch, hoặc hóa chất xác định xem người bệnh có bị nhồi máu cơ tim hay không. Vì thế, nếu không phải trường hợp cấp cứu, trong thời gian chờ hóa chất, bệnh viện sẽ gửi mẫu xét nghiệm sang cơ sở y tế uy tín khác để đảm bảo thời gian trả kết quả cho người bệnh. Hiện, bệnh viện này không mua được nhiều mặt hàng thuốc cũng liên quan lý do đấu thầu.
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tại TP.HCM, Sở Y tế khẳng định về cơ bản các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo cung ứng đủ thuốc. Hầu hết bệnh viện đã và đang tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định. Tuy nhiên, giám đốc một số bệnh viện cho rằng có tình trạng thiếu thuốc nhưng là vấn đề tồn tại từ rất lâu. Việc này có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngành Y tế TP.HCM công bố nguyên nhân gây ra việc thiếu một số loại thuốc như Dopamin, dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn. Các loại phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolamg khó tìm do nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc công ty trên thế giới ngừng sản xuất.
Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện còn bị động trong mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Nếu chờ kết quả của Trung tâm Mua sắm Tập trung thuốc Quốc gia, thuốc có thể bị thiếu. Nếu chủ động đấu thầu, khả năng gặp khó khăn trong thanh toán khi kết quả đấu thầu của Trung tâm Mua sắm Tập trung thuốc Quốc gia thấp hơn giá mua của các bệnh viện...
Ông Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, nêu tâm lý e ngại đấu thầu. Sắp tới, khi các gói thầu của bệnh viện hết hiệu lực và Nghị định 98 được áp dụng trong đấu thầu trang thiết bị, vật tư, thuốc men với những quy định cụ thể, sẽ có khó khăn. Theo đó, tất cả giá thuốc, hóa chất, vật tư thiết bị y tế, máy móc phải kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế nên các đơn vị tham gia cần thời gian thực hiện.
"Các đơn vị làm các thủ tục như giá kê khai, công khai tất cả giá đấu thầu trước đây, cũng như những gì liên quan mua bán đều phải công khai trên hệ thống. Tuy nhiên, một số đơn vị, công ty chưa kê khai kịp, một số kê khai rồi lại thay đổi giá, thêm vấn đề thẩm định giá, báo giá..., vì vậy nảy sinh nhiều vướng mắc", bác sĩ Nhân nói.
Một cán bộ Sở Y tế tỉnh Đắk Nông xác nhận, hiện các doanh nghiệp kinh doanh thuốc chữa bệnh, vật tư y tế vẫn chưa xây dựng được bảng giá công khai (theo yêu Nghị định 98 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế) và họ cũng ngần ngại cung ứng thuốc.
"Có lẽ vì sợ hụt thu. Ngoài ra, sau dịch COVID-19, tình trạng BHYT đang nợ tiền quá nhiều, kèm tâm lý sợ thanh tra nên doanh nghiệp rất ngại bán thuốc và vật tư y tế cho các cơ sở y tế công lập", vị này cho hay.
Bộ Y tế thừa nhận do tâm lý sợ sai
Theo thông tin ngày 17/6 từ Bộ Y tế, hiện có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Lý do tiếp theo dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là công tác mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, trong các năm 2020-2021, hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh sáng 20/6, Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở thời gian qua. Thứ trưởng cam kết, sau khi nhận được phản ánh của các địa phương, cơ sở y tế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu, Bộ Y tế sẽ phối hợp, làm việc với bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ.
Đau bụng, chảy máu chân răng, bé trai bị sốc sốt xuất huyết nặng Bệnh nhi tên P. (14 tuổi, Tây Ninh) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh trong tình trạng đau bụng, chảy máu chân răng Ngày 12.6, ThS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết ngay khi tiếp nhận tại Khoa Cấp cứu, các bác...