Báo động sai phạm trong quản lý chất thải y tế
Hiện nay, trung bình mỗi ngày các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước thải ra 400-500 tấn chất thải y tế, trong đó khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại. Điều đáng nói là tại nhiều bệnh viện, việc quản lý các chất thải y tế nguy hại này vẫn chưa đúng quy định, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Phân loại rác thải tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ, Thái Bình
Sai phạm diễn ra phổ biến
Tại Hội thảo liên ngành về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế diễn ra ngày 18-6, tại Hà Nội, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an cho biết, các hành vi vi phạm về môi trường chủ yếu tại các cơ sở y tế là quản lý chất thải y tế nguy hại không đúng quy định. Tại một số cơ sở y tế còn xảy ra tình trạng nhân viên lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo để trộm cắp, mang các chất thải y tế ra ngoài bán. Thậm chí tại nhiều cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn tái diễn nhiều lần. Những lỗi sai phạm khác như để lẫn chất thải y tế nguy hại với các chất thải y tế thông thường, nước thải y tế xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý… cũng diễn ra khá phổ biến ở cả bệnh viện công lẫn cơ sở y tế tư nhân.
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, những năm gần đây, Cục đã phát hiện và phối hợp với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố xử lý hơn 60 vụ việc vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế. Đơn cử, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ bị phạt 360 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa TP Hồ Chí Minh bị phạt 260 triệu đồng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm về xử lý nước thải. Ngoài ra, nhiều đơn vị y tế cơ sở có nguy cơ phát tán bức xạ vượt tiêu chuẩn cho phép, nhiều bệnh viện còn chôn lấp rác thải y tế hoặc đốt thủ công, gây ô nhiễm môi trường…
Video đang HOT
Đặc biệt, nhiều vụ sai phạm về quản lý chất thải y tế ngoài việc ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ môi trường còn khiến dư luận hết sức bất bình. Vào tháng 4-2013, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện một phòng khám Đa khoa ở phía Nam Hà Nội vứt chất thải y tế là thai nhi sau nạo hút vào bồn cầu và xả xuống bể phốt. Tháng 6-2013, phát hiện một bệnh viện tư nhân trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) mang chất thải y tế nguy hại ra vứt tại khu tập kết rác thải sinh hoạt của phường sở tại. Hay trước đó cũng từng xảy ra vụ một cán bộ trong ngành y tế bị bắt quả tang khi chở 2 túi nilon đen đựng 30kg nội tạng người vứt vào khu tập kết rác của Bệnh viện Giao thông vận tải (Hà Nội)…
Cần sự quan tâm thỏa đáng
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để hạn chế và khắc phục được các sai phạm trong vấn đề quản lý rác thải y tế hiện nay đòi hỏi cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe hơn. Thực tế tại nhiều địa phương thời gian qua xảy ra tình trạng cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra kiểm tra đã phát hiện được những cơ sở có hành vi vi phạm rất rõ ràng trong việc quản lý, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nhưng lại không có căn cứ để xử phạt. Có những đơn vị được đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho hệ thống xử lý chất thải rắn của bệnh viện nhưng gần một năm sau hệ thống này vẫn không vận hành, để mặc rác thải chất đống sau bệnh viện gây ô nhiễm môi trường.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế cho rằng, những hành vi vi phạm như vậy là không thể chấp nhận, cần phải bị xử phạt nghiêm khắc. Theo ông Nguyễn Huy Nga, hiện Bộ Y tế đã đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội không chi trả tiền bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế nếu để vi phạm gây ô nhiễm môi trường, gây tổn hại cho bệnh nhân.
Tuy vậy, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng chỉ ra, một trong những khó khăn rất lớn hiện nay là đa số bệnh viện còn thiếu kinh phí cho việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Theo thống kê báo cáo của các địa phương, hiện mới có khoảng 54% các bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế. Nhiều bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế nhưng đã xuống cấp, quá tải, cần đầu tư xây dựng mới trong khi giá thành đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý chất thải y tế rất cao, chưa kể kinh phí để vận hành hệ thống này rất tốn kém. Bên cạnh đó, các bệnh viện đều thiếu nhân sự có trình độ và chuyên môn trong quản lý chất thải y tế… Đây là những bài toán cần sớm được giải.
Theo ANTD
Môi trường tại các tỉnh lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy: Nhiều doanh nghiệp vi phạm
Qua chuyến khảo sát môi trường tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy (Hà Nam, Nam Định) do Tổng cục Môi trường tổ chức mới đây, có thể thấy vấn đề ô nhiễm môi trường được xem là điểm nóng cần được quan tâm đầu tư, xử lý không chỉ ở các khu công nghiệp mà cần được chú ý cả tại các cụm công nghiệp, làng nghề.
Việc xây dựng các công trình hạ tầng xử lý ô nhiễm môi trường đòi hỏi nguồn vốn lớn
Hạ tầng còn thiếu
Ông Vũ Hữu Song - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: "Toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích hơn 1.700 ha, trong đó có 4 khu đã đi vào hoạt động. Tại 4 khu này, mới chỉ có duy nhất Khu công nghiệp Đồng Văn I có hệ thống thu gom và xử lý nước thải công nghiệp với công suất 1.000m3/ngày đêm đang hoạt động, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp trong khu".
Khu công nghiệp Đồng Văn II đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị cho nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 2.000m3/ngày đêm và đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Các Khu công nghiệp Châu Sơn, Hòa Mạc đang tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, dự kiến cuối năm 2014 sẽ đi vào hoạt động. Trong khi đó, toàn bộ các Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh đều chưa đầu tư được hệ thống xử lý nước thải tập trung, vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề là rất đáng lo ngại.
Tại Nam Định, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trưởng của tỉnh cho biết, trên địa bản tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là hơn 930ha. Thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các khu công nghiệp đều đã tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (riêng Khu công nghiệp tàu thủy Vinashin chưa thực hiện).
Khu công nghiệp Hòa Xá đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 công suất 4.500m3/ngày đêm. Khu công nghiệp Bảo Minh đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1. Khu công nghiệp Mỹ Trung đang làm thủ tục vay vốn đề đầu tư dự án xử lý nước thải tập trung. Trong số 20 cụm công nghiệp, mới có 4 cụm được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.
Toàn tỉnh Nam Định có 90 làng nghề, trong đó 42 làng nghề có phát sinh chất thải thuộc diện ô nhiễm và 11 làng nghề đang gây ô nhiễm ở mức độ cao cần được ưu tiên xử lý. Tại các làng nghề như cơ khí Bình Yên, Vân Chàng, Đồng Côi... các chất thải chưa được xử lý an toàn đã tác động xấu tới môi trường và sức khỏe người dân.
Có những doanh nghiệp làm đối phó
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, số lượng các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp thực hiện với hình thức đối phó hoặc không đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải và bảo vệ môi trường mà xả thải trực tiếp ra ngoài gây ô nhiễm. Cơ sở hạ tầng của một số khu công nghiệp và hầu hết các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được xây dựng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam cho biết thêm, hiện nay không riêng Hà Nam mà các tỉnh trên toàn quốc đều đang trong giai đoạn "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư, doanh nghiệp vi phạm là dễ xảy ra nếu không kiểm tra chặt chẽ. Chỉ riêng trong đợt phối hợp giữa Chi cục và đoàn thanh tra mới đây đã phát hiện 8 doanh nghiệp vi phạm.
Cũng ở tình trạng tương tự, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cũng cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên việc tự giác chấp hành, áp dụng đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một số đơn vị còn chưa chấp hành nghiêm túc trong việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Đặc biệt vẫn còn một số cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.
Theo ANTD
Doanh nghiệp "lách" bằng mọi cách Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý nước thải của các doanh nghiệp hết sức tinh vi. Tình trạng doanh nghiệp không chịu kê khai nộp phí bảo vệ môi trường diễn ra rất phức tạp, điều này cho thấy ý thức trách...