Báo động những vụ án mạng liên quan đến người mắc bệnh tâm thần
Thật đau lòng, khi trong thời gian gần đây, tại địa bàn Quảng Trị xảy ra hai vụ án mạng mà người gây ra những cái chết oan nghiệt ấy là những đối tượng đã có tiền sử của căn bệnh tâm thần. Từ những vụ án này cho thấy, vấn đề đặt ra cho công tác quản lý bệnh nhân tâm thần là không kém phần quan trọng.
Những người tâm thần gây án
Ngược thời gian về đêm 15/12/2010, khi trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Malaysia diễn ra khoảng 5 phút thì Lê Văn Khỏe (30 tuổi), ở làng Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, nổi cơn cáu gắt, nói đội Việt Nam sẽ thua, không xem gì nữa. Biết cơn điên trong người con tái phát, ông Lê Văn Diệu (76 tuổi) chiều con tắt tivi.
Từ lúc đó, Khỏe nói và chửi bới liên tục, nhưng không đập phá gì. Đêm đó, như bao đêm con trai út trở bệnh, hai vợ chồng ông Diệu thức trắng. Khoảng 4h30, bà Lợi (mẹ Khỏe) trở dậy nhúm lửa nấu cơm, lấy cái ăn cho con. Khỏe can ngăn mẹ: “Chờ sáng đã, mạ nấu làm chi cho sớm”. Bà Lợi vẫn lúi húi soạn sửa. Bỗng nhiên, Khỏe lao xuống bếp hất đổ nồi cơm đang nấu, ném tung chén bát xoong chảo…
Ông bà Diệu hoảng quá, ông chạy trước, bà theo sau, chạy ra khỏi nhà tạm lánh. Nhưng không biết vì lý do gì, bà Lợi đột ngột quay trở lại. Bà Lợi vừa vào đến sân, Khỏe bất ngờ từ trong nhà lao ra, trên tay cầm cuốc bổ xuống đầu mẹ. Bà mẹ ngã xuống… Ông Diệu sức đã yếu, chân chậm, bất lực không cứu nổi vợ. Còn Khỏe sau đó leo lên giường nằm.
Video đang HOT
Đối tượng Hồ Văn Nghịch (người ngồi giữa có dấu x).
Sau khi bị bắt, phát hiện tinh thần của Khỏe bấn loạn nên cơ quan Công an đã gửi Khỏe đến Bệnh viên Đa khoa Quảng Trị điều trị và giám định pháp y tâm thần. Khỏe nằm bệnh viện trong nhiều trạng thái khác nhau, có lúc phá phách, có lúc chẳng nói gì, chỉ im lặng với đôi mắt ngây dại. 10 ngày liền, khỏe không ăn, chỉ uống nước. Tuy nhiên, theo người nhà, việc Khỏe nhịn ăn không phải là lần đầu.
Qua hai mươi ngày điều trị, ngày 4/1, Khỏe mới có chút tỉnh táo và cũng là lúc nhận ra mình đã giết mẹ. Nỗi đau và cú sốc đó làm tinh thần bệnh nhân này càng hoảng loạn hơn….
Khoảng 8h sáng 5/3, cả bản A Môr (xã A Xing huyện Hướng Hóa) bàng hoàng khi phát hiện thi thể một cô gái trẻ được giấu sơ sài bởi những cành cây che tạm, những vết thương đang còn rỉ máu. Nạn nhân được xác định là Hoàng Thị L., 16 tuổi, quê quán Quảng Ninh, Quảng Bình, vào vùng núi Hướng Hóa buôn bán mưu sinh.
Thường ngày vào mỗi sáng, L. cùng nhiều chị em dùng xe máy đưa hàng hóa gồm rau quả, thịt cá… vào các xã vùng Lìa để bán. Đường sá đi lại khó khăn, nhưng bù lại thu nhập cũng tạm ổn. Vậy nhưng, sáng mùng 5-3 trở thành một buổi sáng oan nghiệt đối với L. Nạn nhân đã bị kẻ thủ ác dùng đá đập vỡ đầu đến chết.
Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ một con dao, một cây sắt nhọn. Riêng chiếc xe máy mà nạn nhân dùng thồ hàng là biến mất. Xác định tính chất nghiêm trong của vụ án, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã tích cực phối hợp với Công an huyện Hướng Hóa và Bộ đội Biên phòng nhanh chóng vào cuộc làm rõ nguyên nhân cái chết của Hoàng Thị L.
Qua điều tra, xác định Hồ Văn Nghịch (23 tuổi), trú tại xã A Xing chính là thủ phạm gây án giết người, cướp tài sản nói trên. Tuy nhiên, sau khi xảy ra án mạng cho đến chiều tối ngày 5/3, Nghịch biến mất. Đến khuya ngày 5/3, khi cả bản làng đã chìm vào giấc ngủ, Nghịch trở về trên chiếc xe máy của L. nhưng không về nhà cha mẹ đẻ mà về nhà chú ruột. Sau đó Nghịch đem xe giấu gần trường học.
Sáng 6/3, cả xã A Xing lại hoảng loạn trước hình ảnh Nghịch treo cổ trên cành cây cao, cách mặt đất khoảng 6m. Cái cây vốn là nơi Nghịch thường ngày vẫn leo trèo vui đùa cùng đám trẻ con trong bản nay chứng kiến cái chết của Nghịch. Cái chết là sự trốn chạy sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật nay mai.
Nguyên nhân của những bi kịch
Qua công tác điều tra cũng như tìm hiểu của chúng tôi thì cái chết đau lòng của người mẹ sau cơn điên loạn của Lê Văn Khỏe không phải tự nhiên bột phát. Thực ra, Lê Văn Khỏe đã bị bệnh thần kinh không ổn định từ ngày còn học lớp 5.
Chứng động kinh thường xuyên và những cơn lăn đùng bất tỉnh đã không cho Khỏe tiếp tục đến trường được nữa. Và 20 năm qua, sau một lần thăm khám, Khỏe uống thuốc thần kinh đều đặn do trạm xá xã cấp phát. Tuy nhiên, hai năm gần đây, bệnh của Khỏe có tần số lên cơn nhiều hơn, mỗi cơn động kinh kéo dài hơn trước kèm theo đó là việc đập phá đồ đạc.
Đã nhiều lần khi lên cơn điên, Khỏe chạy ra đường kêu gào, gặp ai hỏi cũng đánh. Có lần người anh rể vào can ngăn đã bị Khỏe cắn đứt cả đốt ngón tay. Và đỉnh cao cho những cơn điên ấy, Khỏe đã cướp mất mạng sống của mẹ mình. Và bây giờ sau khi bị bắt, Khỏe đang được bắt buộc đưa đi chữa trị bệnh tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Còn Hồ Văn Nghịch, kẻ thủ ác gây ra cái chết tức tưởi của cô gái trẻ Hoàng Thị L., thì cho tới lúc treo cổ tự vẫn trên cành cây cao, người nhà của Nghịch mới cho hay, đối tượng vốn bị bệnh tâm thần nhưng điều trị ngoại trú. Cuốn sổ theo dõi điều trị ngoại trú chi ghi duy nhất một lần cấp thuốc vào năm 2003! Có lẽ vì thấy Nghịch không có phá phách hay biểu hiện gì nghiêm trọng nên gia đình đã không mấy quan tâm và bỏ quên tình trạng bệnh của Nghịch?!
Từ những vụ án đau lòng trên cho thấy vấn đề đặt ra cho công tác quản lý bệnh nhân tâm thần là vô cùng quan trọng. Vấn đề quản lý người tâm thần để phòng ngừa tội phạm đang là mối băn khoăn lớn của mọi người. Việc xảy ra các vụ án mạng chính vì các đối tượng này không được quan tâm đúng mức, chữa trị không dứt điểm
Theo CAND