Báo động nạn trộm cắp điện
Nâng cao vai trò giám sát trong vi phạm sử dụng điện không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành điện mà còn có sự vào cuộc của cả người dân, chính quyền và các ban, ngành chức năng của địa phương.
Thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp điện trên địa bàn một số tỉnh miền Bắc đang diễn ra ở mức báo động và có chiều hướng gia tăng. Việc làm này không những làm thất thoát điện năng, tài sản của nhà nước, mà còn làm tăng nguy cơ mất an toàn trong cung ứng và sử dụng điện, thậm chí có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng người dân.
Báo động các vụ việc vi phạm
Từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã kiểm tra và phát hiện 2.355 vụ trộm cắp điện, xử lý bồi thường trên 4 triệu kWh, tương đương với hơn 9 tỷ đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Hải Phòng, đơn vị chiếm 10% sản lượng của EVN NPC thời gian này đã phát hiện và bắt quả tang 45 vụ trộm cắp điện với giá trị bị mất hàng trăm triệu đồng.
Các hình thức trộm cắp điện rất tinh vi, phức tạp như câu móc điện trực tiếp vào đường dây điện hạ áp, phá khóa, phá chì hoặc làm giả chì niêm phong của cơ quan kiểm định đo lường chất lượng, thậm chí còn tác động trực tiếp vào bên trong công tơ làm sai lệch nguyên lý, tiêu chuẩn của công tơ, dẫn đến công tơ chạy chậm gây thất thoát điện năng, đặc biệt tại các khu vực lưới điện nông thôn vẫn còn hình thức bán điện qua “cai thầu” điện.
Nổi bật nhất là các vụ trộm cắp điện lớn ở xã Lê Thiện, huyện An Dương và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Phát, huyện An Lão có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Hiện trường một vụ trộm công tơ điện tại Hà Nội. (Nguồn: An ninh Thủ đô)
Kiểm tra viên điện lực trong khi kiểm tra sử dụng điện theo thẩm quyền tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ điện năng Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, có sự chứng kiến của các ngành chức năng huyện An Dương, đã phát hiện trộm cắp điện và lập biên bản xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực xảy ra tại hai trạm biến áp (TBA): Dụ Nghĩa 1 và Dụ Nghĩa 2.
Kẻ gian đã phá chì niêm phong công tơ điện tử để tác động vào bên trong làm sai lệch đo đếm, sau đó kẹp chì lại bằng chì giả hòng che lấp hành vi trộm cắp điện.
Video đang HOT
Kết quả giám định của Viện Đo lường Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho thấy chỉ số sai số tại công tơ của Hợp tác xã này là -87,5%, tức sản lượng điện mất trung bình khoảng 87,5%.
Nếu tính toán theo Quyết định 31/2006/QĐ-BCN ngày 6/9/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về Quy định kiểm tra hoạt động điện lực, thì sản lượng Hợp tác xã này phải bồi thường cho bên bán điện do hành vi trộm cắp điện là 161.590 kWh, tương ứng gần 260 triệu đồng.
Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hải Phòng cũng trùng hợp với kết luận của Công ty Điện lực Hải Phòng.
Gần đây nhất là hai vụ trong tháng Chín, cũng tại xã Lê Thiện, huyện An Dương, Kiểm tra viên Điện lực Công ty Điện lực Hải Phòng, qua kiểm tra bắt quả tang Hợp tác xã Dịch vụ Lê Thiện thay chì niêm phong, thay bánh răng bên trong công tơ cơ khí để trộm cắp điện.
Hành động này đã được lập biên bản xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, có sự xác nhận của đại diện chính quyền xã. Giá trị tiền điện bị lấy cắp theo Quyết định 31 khoảng 170 triệu đồng.
Đáng chú ý, tại Nhà máy sản xuất sắt xốp thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Phát-Khu công nghiệp Cầu Vàng 2, huyện An Lão, Kiểm tra viên Điện lực Công ty Điện lực Hải Phòng cũng bắt quả tang bên mua điện thay chì niêm phong, tác động các công tơ điện tử đo đếm phía cao thế làm sai lệch đo đếm để trộm điện.
Ông Trần Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty cho biết đây là hành vi trộm điện lớn, tinh vi và phức tạp nhất từ trước đến nay vì công tơ này là loại công tơ điện tử công nghệ cao và lại đo đếm phía cao thế 35kV.
Sau khi ký biên bản thừa nhận hành vi trộm điện, bên mua điện đã tạm thời bồi thường cho bên bán điện 151 triệu đồng để được đóng điện tiếp tục sản xuất.
Hiện nay, Sở Công Thương Hải Phòng đã chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra là Sở Công an thành phố.
Còn trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên điện lực Hải Dương đã phối hợp với Ban chuyên án Công an tỉnh Hải Dương phát hiện và đưa ra truy tố trước pháp luật vụ trộm cắp điện tại các huyện Tứ kỳ, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện và Chí Linh.
Tòa án Nhân dân huyện Tứ Kỳ và Bình Giang đã đưa ra xét xử 22 đối tượng trộm cắp điện; trong đó có 10 đối tượng bị xử phạt tù giam từ 42 tháng trở xuống còn lại 12 đối tượng bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của EVN NPC, mặc dù các chi nhánh điện lực có nhiều cố gắng trong việc kiểm tra sử dụng điện tại khách hàng nhưng hiện tượng vi phạm sử dụng điện vẫn theo chiều hướng tăng và tập trung chủ yếu ở khu vực mới tiếp nhận với hình thức vi phạm phổ biến là câu móc điện trực tiếp trên lưới.
Trong khi việc xử lý những trường hợp trộm cắp điện vẫn còn hạn chế thì đối với trường hợp trộm cắp điện có sản lượng lớn, từ 3.000kWh trở lên, rất ít đơn vị chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng hình sự để truy tố theo thẩm quyền….
Nâng cao vai trò giám sát
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Công ty Điện lực Hải Phòng đã có văn bản báo cáo thành phố và các ngành chủ quản; đề nghị lãnh đạo các ban, ngành thành phố và các quận, huyện tích cực phối hợp với công ty xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp điện; đồng thời đề nghị khách hàng sử dụng điện nâng cao nhận thức pháp luật, tuân thủ Luật Điện lực và hợp đồng mua bán điện, sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Trên cơ sở đó, căn cứ theo Điều 19 Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thẩm quyền ra quyết định xử phạt của Thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Công Thương Hải Phòng, Sở đã báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố, trưng cầu giám định công tơ đo điện, làm cơ sở giải quyết theo pháp luật và chuyển hồ sơ cả ba vụ việc sang cơ quan điều tra là Sở Công an thành phố tiến hành khởi tố vụ án.
Chánh thanh tra Sở Công Thương Hải Phòng, ông Dương Đức Hùng nhận định việc tác động vào viên chì của công tơ là thủ đoạn ăn cắp điện tinh vi. Nếu sản lượng điện càng lớn thì càng ăn cắp nhiều. Riêng việc can thiệp vào công tơ điện tử thì duy nhất tại Hải Phòng đã xuất hiện hành vi phạm tội này.
Theo Quyết định 31, nếu sản lượng vượt quá con số 3000 kWh phải chuyển sang cơ quan điều tra.
Hiện Sở Công Thương đã hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước của mình. Trên cơ sở chờ kết quả điều tra của cơ quan công an, về trách nhiệm của mình, Sở sẽ phải ra quyết định xử phạt hành chính hoặc xem lại khả năng thu hồi giấy phép kinh doanh điện năng của các đơn vị trên nếu các đơn vị này không đủ điều kiện kinh doanh, hoạt động điện lực.
Ngay cả việc Ủy ban Nhân dân huyện An Dương chậm trễ ra quyết định xử phạt Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ điện năng Dụ Nghĩa, Sở cũng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện kiểm điểm và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố.
Để nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra trong sử dụng điện, từ nay đến cuối năm, EVN NPC đang xây dựng và ban hành Quy trình kiểm tra giám sát mua bán điện áp dụng thống nhất trong toàn Tổng Công ty; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng kìm kẹp chì, niêm chì tại các công ty điện lực theo quy định; đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát trình tự thay thế công tơ định kỳ, cháy kẹt nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm trong quá trình thực hiện và ngăn ngừa những hành vi tiêu cực xảy ra.
Đặc biệt, Tổng Công ty cũng chú trọng kiểm tra hệ thống đo đếm giao nhận điện giữa các đơn vị, nhất là nhóm đối tượng khách hàng có nguy cơ trộm cắp điện cao như: khách hàng sản xuất tư nhân, khách hàng mà chi phí điện năng chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, những khu vực có tổn thất cao, tổn thất biến động bất thường… và khu vực nông thôn mới tiếp nhận, để kịp thời phát hiện các sai lệch, hư hỏng về hệ thống đo đếm và các vi phạm sử dụng điện.
Theo 24h
Bô xít Tân Rai có thể ra lò sản phẩm vào năm sau
Sau 4 lần lùi thời gian xuất xưởng, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết sẽ cho ra lò sản phẩm đầu tiên vào tháng 1/2013 thay vì cuối năm nay như dự kiến.
Một nguồn tin từ tập đoàn Công nghiệp Than Khoang sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay hiện nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) vẫn chưa chạy chính thức. Kế hoạch của Tập đoàn là cuối năm nay ra lò sản phẩm đầu tiên song có khả năng phải lùi sang đầu năm sau mới xuất xưởng. "Do việc vận hành nhà máy alumin Tân Rai rất phức tạp nên nhà máy vẫn đang trong quá trình hiệu chỉnh lại các thông số để đồng bộ tất cả các khâu", nguồn tin này cho hay.
Vinacomin đã 4 lần lỗi hẹn xuất xưởng sản phẩm alumina. Quý II/2011, Dự án Tổ hợp Bô xít nhôm Tân Rai hứa sẽ ra lò sản phẩm alumina đầu tiên. Tuy nhiên, do một số nhà thầu phụ có tốc độ thi công chậm nên kế hoạch phải lùi sang đầu quý III/2011. Sau đó, Vinacomin lại hoãn kế hoạch xuất xưởng sang đầu quý II năm nay và hiện kế hoạch này lại lùi sang đầu năm sau.
Trước đó, Vinacomin cho biết chưa chính thức ký hợp đồng với các đối tác song có nhiều đơn vị muốn đàm phán. Đơn cử như hai công ty Chalco (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản) đã bắt đầu đàm phán với tập đoàn từ năm ngoái để mua alumina sản xuất từ dự án bô xít Tân Rai.
Vinacomin đang triển khai 2 Tổ hợp bô xít nhôm Tân Rai và Nhân Cơ. Sản lượng alumina tại nhà máy Tân Rai trước mắt sẽ đạt 300.000 tấn và tăng lên 520.000 tấn trong những năm tiếp theo. Dự án Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông sẽ bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2014 với sản lượng 300.000 tấn và có thể lên tới 650.000 tấn vào năm 2016.
Vinacomin cũng cho biết, khoản nợ quá hạn của EVN đối với Vinacomin lên đến gần 2.000 tỷ đồng, vừa qua EVN đã trả được khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại khoảng 500 tỷ đồng. Từ 15/9 đến hết năm 2012, EVN có kế hoạch mua than của Vinacomin để sản xuất điện với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay EVN đã giảm lượng mua than, không mua theo kế hoạch, dự kiến giảm xuống chỉ còn 550 tỷ đồng. Trong 2 tháng cuối năm, EVN chỉ mua than chạy điện với giá trị khoảng 300 tỷ đồng.
Phía PetroVietnam cho biết, EVN vừa trả cho tập đoàn khoảng 1.000 tỷ đồng tiền nợ cũ từ trước năm 2010. Số nợ còn lại khoảng 13.000 tỷ đồng, EVN cam kết đến hết năm 2013 sẽ trả dứt điểm khoản nợ trên.
Theo VNE
Điện lực, hàng không, viễn thông thiệt hại nặng nề vì bão Sau hai ngày cơn bão số 8 quét qua, nhiều khu vực ở miền Trung bị mất điện, hàng loạt chuyến bay bị hoãn. Cột viễn thông của Mobifone đứt gẫy làm "bay" nhà của một người dân ở Nam Định. Theo thông báo mới nhất vào sáng nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình thời tiết khu vực...