BÁO ĐỘNG ĐỎ: 2,2 triệu ha đất bị hủy hoại bởi phân bón vô cơ
Trong những năm qua, việc lạm dụng và sử dụng phân bón vô cơ diễn ra tràn lan đã hủy hoại ít nhất 2,2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp (đất bạc màu, chua, mặn…). Trước thực trạng đó, hôm nay (9.3), Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về phân bón hữu cơ.
Xung quanh vấn đề này, PV NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Trung (ảnh) – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT).
Lạm dụng phân bón vô cơ
Xin ông đánh giá về việc sử dụng phân bón hữu cơ so với cơ cấu phân bón vô cơ hiện nay và vì sao chúng ta cần phải chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ?
Bộ NNPTNT đang khuyến khích việc sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng. Ảnh: T.L
Hơn 400 đại biểu dự hội nghị phân bón hữu cơHôm nay 9.3, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về phân bón hữu cơ với sự tham dự của trên 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Dự kiến, hội nghị sẽ bàn về việc khuyến khích doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu, uy tín về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối; kiến nghị chính sách hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, phục vụ phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học.
- Trước hết, phải khẳng định phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta vẫn thiên về sử dụng phân bón vô cơ, mà lãng quên dần việc sử dụng phân bón hữu cơ. Hiện nay, từ số lượng sản phẩm đến sản lượng, phân bón vô cơ đều vượt hữu cơ dẫn đến tình trạng hủy hoại môi trường đất, gây ra các hiện tượng như đất bạc màu, phèn chua, tạo ra các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Có thể nói, khi lạm dụng phân bón vô cơ, chúng ta sẽ lãng phí một nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất phân bón hữu cơ và nguồn này sẽ thải ra môi trường. Theo thống kê, hàng năm ở nước ta có 184 triệu tấn phụ phẩm có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, trong đó các phế phẩm trong chăn nuôi là 85 triệu tấn, trồng trọt 46 triệu tấn, than bùn 1,7 tỷ m3, rác thải sinh hoạt 22 triệu tấn… Hiện tại cả thế giới nói chung đang hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, riêng ở nước ta, Chính phủ cũng sắp ban hành nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ NNPTNT, cần có những chính sách cụ thể để thực thi vấn đề này.
Cụ thể, cần chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ, trung bình hàng năm cả nước sử dụng hết 26,7 triệu tấn phân bón vô cơ, trong khi hữu cơ chỉ chiếm 2,5 triệu tấn. Chính vì thế, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về phân bón hữu cơ nhằm đánh giá lại các giải pháp để thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ.
Ông có thể cho biết số lượng phân bón hữu cơ so với vô cơ hiện nay?
Video đang HOT
- Theo ước tính, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm hữu cơ và 13.423 sản phẩm vô cơ). Hiện nay, trên toàn quốc có 180 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 cơ sở sản xuất phân bón đã được Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20.000 – 500.000 tấn/năm).
Chúng tôi đang tính toán và định hướng, các doanh nghiệp phải dần chuyển sang sản xuất phân bón hữu cơ, từ 5,3% như hiện nay lên 10%. Ngoài việc sản xuất ở các hộ gia đình, cố gắng tăng sản lượng sản xuất phân bón hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm. Sau hội nghị này, Bộ NNPTNT sẽ có báo cáo với Chính phủ ban hành chỉ thị về sản xuất phân bón hữu cơ trong thời gian tới, đồng thời tăng cường thông tin truyền thông về vấn đề này.
Đóng cửa những doanh nghiệp vi phạm
Một trở ngại lớn nhất trong việc khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay là chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất phân bón hữu cơ. Vậy Bộ NNPTNT dự kiến sẽ ban hành những chính sách gì để thúc đẩy, thưa ông?
- Chúng tôi dự kiến ban hành các cơ chế về thuế, đất đai, thủ tục công nhận, chứng nhận sản phẩm thông thoáng hơn nữa. Cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua vì quá chú trọng đến phân bón vô cơ, nên sản lượng của ngành này ngày càng lớn, chiếm đến 93%, hình thành nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn về phân bón vô cơ.
Vì thế, để hình thành nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Bởi tình hình đã nguy cấp lắm rồi khi có 2,2 triệu ha đất canh tác ở nước ta đang bị hủy hoại bởi phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, như cầu của con người đang hướng tới việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất.
Dự kiến, Bộ NNPTNT sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách ưu đãi, hấp dẫn chưa từng có cho doanh nghiệp như đẩy mạnh công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, áp dụng công nghệ mới, hạn chế dần việc sản xuất phân bón vô cơ, để từ đó vừa tạo ra các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ mới, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ chuyển dần sang sản xuất phân bón hữu cơ.
Chất lượng phân bón cũng là vấn đề được quan tâm. Song song với việc thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ, Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng?
- Chúng tôi sẽ tập trung vào công tác thanh tra, chuyển từ thanh tra định kỳ sang thanh tra đột xuất để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Sẵn sàng đóng cửa và rút hết các giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm. Công tác này sẽ được làm trên diện rộng, tại nhiều địa phương với sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng như Cục Bảo vệ thực vật, Văn phòng 389, Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương, C49 – Bộ Công an…
Song song với đó, chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát, đánh giá lại các phòng thử nghiệm, đưa các chuyên gia độc lập vào kiểm tra, đánh giá. Khi mới tiếp nhận từ Bộ Công Thương về, có tới 41 phòng thử nghiệm được chỉ định, song sau một thời gian chúng tôi đánh giá lại, đến nay chỉ còn 12 phòng đạt yêu cầu để tiến hành thử nghiệm và tới đây sẽ tiếp tục đánh giá lại.
Đặc biệt, sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng 3 phòng kiểm chứng có chức năng kiểm tra, đánh giá lại kết quả của các phòng thử nghiệm, cũng như giải quyết các tranh cãi về chất lượng sản phẩm. Kết quả của phòng kiểm chứng sẽ là cơ sở để Bộ NNPTNT công nhận về chất lượng sản phẩm phân bón.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Hợp tác Việt Nam- Nhật Bản: Đào tạo nông dânkỹ năng quản trị và ứng dụng công nghệ cao
Sau chuyến thăm và làm việc tại 2 nước Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tháng 4 vừa qua, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.ƯHội Nông dân Việt Nam (NDVN) Lại Xuân Môn cho biết, Hội NDVN và các đối tác Nhật Bản sẽ sớm xúc tiến việc hỗ trợ đào tạo NDVN kỹ năng quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...
Thưa ông, sau chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, T.Ư Hội NDVN đã có những đề xuất cụ thể gì với Đảng, Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
- Sau chuyến đi này chúng tôi đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể gửi Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn và đoàn công tác gặp gỡ ông Tsutomu TAKEBE - cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản (TOA) tại trụ sở của TOA. Ảnh: Xuân Định
Thứ nhất, về chính sách đất đai, cần duy trì diện tích đất lúa đủ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và một phần dự trữ. Không tập trung sản xuất quá nhiều lúa, bởi xuất khẩu lúa gạo giá trị rất thấp. Cho phép và khuyến khích chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp.
Thứ hai, về chính sách khoa học công nghệ, cần tăng cường đầu tư và có chính sách khuyến khích phát triển nghiên cứu có chọn lọc, nhất là nghiên cứu giống mới có năng suất, chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ bảo quản, chế biến. Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng với các viện khoa học để nghiên cứu sản xuất các loại giống cây trồng chủ lực quốc gia nhằm giúp người ND sản xuất với năng suất, chất lượng, hiệu quả, thân thiện với môi trường, tránh tình trạng như hiện nay ai cũng sản xuất giống dẫn đến khó kiểm soát, nông dân mua phải giống giả, kém chất lượng thiệt hại lớn đến sản xuất, thu nhập, đời sống. Có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho ND thông qua xây dựng các mô hình, kết hợp lý thuyết và thực tiễn theo phương thức song hành, ND dạy ND.
Chủ tịch Lại Xuân Môn (phải) cùng đoàn công tác thăm trang trại sử dụng sản phẩm phân bón và chất dinh dưỡng hữu cơ của Công ty Shimamoto tại tỉnh Shiga (Nhật Bản). . Ảnh: Xuân Định
Thứ ba, về chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản, chợ đấu giá nông sản để giúp ND chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng bị ép cấp, ép giá, được mùa - mất giá. Đẩy mạnh đầu tư chế biến nông sản để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, vừa phục vụ thị trường trong nước vừa hướng tới xuất khẩu, đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản hàng hóa.
Được biết sắp tới, T.Ư Hội NDVN và các đối tác Nhật Bản có kế hoạch hợp tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Cụ thể kế hoạch này thế nào, thưa ông?
- Đúng như vậy, T.Ư Hội NDVN và Viện Nghiên cứu Đông Á (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần vào việc mở rộng, phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Qua các buổi làm việc và tiếp xúc, phía Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, khẳng định Việt Nam rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp. Nếu nông dân được đào tạo bài bản, khoa học công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất, Việt Nam có thể trở thành cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới. Hai bên thống nhất sẽ tiến hành trao đổi nhân lực trong việc "Sản xuất thực phẩm, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn"; tổ chức học tập và nghiên cứu về hệ thống kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, các công nghệ nông, lâm, ngư nghiệp tiên tiến của Nhật Bản thông qua việc phối hợp tổ chức đưa cán bộ, hội viên, NDVN sang Nhật Bản học tập theo chương trình thực tập sinh.
Nhà nước cần có chính sách bảo đảm nguồn vốn cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi bằng từ 0-50% so với lãi suất ngân hàng thương mại, thủ tục thuận tiện để nông dân vay phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Cùng với đó là chính sách bảo hiểm để nông dân có thể tham gia được bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để nông dân có chế độ lương hưu khi đến tuổi 60". Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn
Thưa Chủ tịch, Nhật Bản sẽ hỗ trợ chúng ta những gì để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp?
- Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến; kinh nghiệm tổ chức hệ thống phân phối, kinh doanh hàng hóa trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp cho Việt Nam; phát triển các dự án công nghệ mới, mô hình kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp áp dụng các quy trình sản xuất an toàn và các kỹ thuật canh tác có tính bền vững, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam ở trong nước và xuất khẩu ra thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó Nhật Bản sẽ hợp tác với chúng ta trong các phong trào xây dựng nông thôn và tổ chức NDVN, đặc biệt là các chính sách nhằm tạo việc làm, nâng cao sức khỏe, phúc lợi cho người dân ở vùng nông thôn; xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành nông, lâm, ngư nghiệp và bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Trong chuyến đi vừa qua, đoàn T.Ư Hội NDVN đã làm việc và thống nhất ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Arrowfield (Nhật Bản) nhằm chuyển giao công nghệ sản xuất và ứng dụng phân bón hữu cơ tại Việt Nam. Cụ thể 2 bên đã đạt được thỏa thuận gì, thưa ông?
- Arrowfield là công ty chuyên phát triển và cung ứng nguồn nhân lực toàn Nhật Bản; sản xuất phân bón hữu cơ dạng bột và dạng lỏng, các chất phục vụ sản xuất phân hữu cơ, các chất dinh dưỡng cải tạo đất, các loại màng, túi bảo quản sản phẩm đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm, kéo dài thời gian sử dụng... Công ty mong muốn hợp tác với Hội NDVN trong việc cung ứng các sản phẩm chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Nhật Bản sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ để xây dựng các cơ sở sản xuất mẫu, nhằm chuyển giao công nghệ giúp nông dân Việt Nam có thể tự sản xuất phân bón hữu cơ...
T.Ư Hội NDVN và Công ty Arrowfield đã thống nhất sẽ ký thỏa thuận hợp tác vào trung tuần tháng 5.2017 để thử nghiệm, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp với NDVN; xúc tiến việc xây dựng các cơ sở sản xuất mẫu nhằm chuyển giao công nghệ giúp NDVN có thể tự sản xuất phân bón hữu cơ; đưa thực tập sinh là NDVN sang Nhật Bản làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh của công ty và các đối tác khác. Hai bên cũng sẽ phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và NDVN thay đổi hành vi trong bảo quản nông sản và sử dụng các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường...
Xin cảm ơn ông!
Theo danviet
Ủ rơm với phân chuồng - bí quyết người Thái làm cho rau xanh mướt Đó là cách làm sáng tạo của người dân ở bản Nà Nghè, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, (Sơn La). Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con chuyển sang trồng rau vụ đông để tăng thu nhập. Điều đặc biệt là ở đây bà con không dùng phân hóa học bón rau mà chỉ ủ rơm trộn với phân chuồng làm...