‘Báo đen’ K2 – xe tăng chuyên đối phó Triều Tiên của Hàn Quốc
Xe tăng K2 vừa tổng hợp ưu điểm của các dòng xe Đức, Pháp và Nga, vừa sở hữu thiết kế riêng phù hợp với địa hình trên bán đảo Triều Tiên.
Để đối phó với một trong những lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới của Triều Tiên, Hàn Quốc đã thiết kế xe tăng K2 “Black Panther” (Báo đen), mẫu xe tăng nội địa có khả năng thích nghi tuyệt vời với địa hình rừng núi trên bán đảo, theo War Is Boring.
Theo chuyên gia quân sự Ed Kim, Hàn Quốc bắt đầu xem xét việc phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực trong thập niên 1970, sau khi Triều Tiên đưa vào biên chế xe tăng T-62 trang bị pháo 115 mm có uy lực vượt trội so với xe tăng M-48 Patton sử dụng pháo 90 mm.
Dù được Mỹ cấp phép lắp ráp biến thể tăng Abrams cải tiến mang tên K1, Hàn Quốc vẫn chỉ sở hữu rất ít công nghệ khi có tới 80% linh kiện phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Mỹ. Điều đó thôi thúc nước này khai thác triệt để công nghệ nhằm phát triển một mẫu xe tăng nội địa có thể đối phó với mối đe dọa từ quốc gia láng giềng. Kết quả là xe tăng K2 ra đời.
Hàn Quốc bắt đầu phát triển K2 từ năm 1995 với chi phí 260 triệu USD. Thiết kế loại xe này trên lý thuyết được cho là tương đương, thậm chí tốt hơn các xe tăng hiện đại của NATO. Hàn Quốc đã tham khảo các mẫu thiết kế và công nghệ trên thế giới, từ đó tìm cách kết hợp thành một chiến xa uy lực mang bản sắc riêng.
Từ thiết kế nguyên bản của Đức, Hàn Quốc đã phát triển biến thể pháo Rheinmetall L55 120 mm với nòng dài hơn 1,3 m so với pháo L44 120 mm trên xe tăng M1A1 Abrams và Leopard 2 cũ. Nhờ vậy, pháo L55 có áp suất bên trong lớn hơn và sơ tốc đầu nòng vượt trội, giúp tăng tầm bắn nói chung và sát thương của đạn xuyên động năng nói riêng.
Một chiếc K-2 Black Panther được trưng bày tại Hàn Quốc. Ảnh: War is Boring.
Tổ hợp nạp đạn tự động được phát triển dựa trên hệ thống nạp đạn từ tăng AMX-56 Leclerc của Pháp. Đạn pháo được nạp từ phía sau tháp pháo thông qua một băng chuyền, giúp K2 có tốc độ bắn lý thuyết tới 15 viên/phút.
Hệ thống kiểm soát hỏa lực sử dụng công nghệ chuyển giao từ tập đoàn Thales của Pháp. Đây là hệ thống tối tân với khả năng tự động hóa cao, khi đã khóa mục tiêu, pháo chính có thể tự động bám bắt mà không cần con người can thiệp, giúp tân binh Hàn Quốc có thể học cách vận hành nhanh chóng.
Video đang HOT
Tăng K2 có thể lội sông sâu tới 4,2 m nhờ hệ thống thông hơi được chế tạo như tháp chỉ huy. Đây là thành quả nghiên cứu từ 35 xe tăng T-80 mà quân đội Hàn Quốc mua từ Nga trong những năm cuối thập niên 1980.
Động cơ và hệ thống truyền động của K2 được phát triển dựa trên mẫu MTU-890 V12 công suất 1.500 mã lực của Đức. Hàn Quốc phải mất tới 7 năm để tái thiết kế và cho ra mắt bản sao chép chấp nhận được của dòng động cơ này, nhưng tính năng vẫn thua kém bản gốc do Đức chế tạo. 100 xe tăng K2 đầu tiên được trang bị động cơ MTU, trong khi các lô tiếp theo sử dụng động cơ nội địa Hàn Quốc.
Dù chịu ảnh hưởng của các thiết kế nước ngoài, K2 cũng có một số cải tiến đáng chú ý. Nổi bật nhất là hệ thống giảm xóc bằng thủy lực và khí, được cải tiến từ xe tăng K1, giúp nó hạ thấp hoặc nâng cao gầm xe theo mọi hướng. Thiết kế này giúp K2 ẩn náu ở tư thế cúi thấp (hull down) trong chiến thuật phòng thủ. Khi đó, chỉ có phần tháp pháo nhô cao trên vật cản, còn thân xe được che chắn hoàn toàn trước hỏa lực đối phương.
Xe tăng K-2 khai hỏa trong một cuộc diễn tập. Ảnh: War is Boring.
K2 là xe tăng duy nhất được tích hợp radar bước sóng mm trong hệ thống kiểm soát hỏa lực. Do địa hình đồi núi đặc thù trên bán đảo Triều Tiên, pháo chính trên xe tăng có nguy cơ mất chính xác khi xe di chuyển. Radar bước sóng mm giúp hệ thống kiểm soát hỏa lực dự đoán được địa hình gồ ghề và hoãn nổ pháo cho đến khi nó ổn định đường ngắm tới mục tiêu.
Về vũ khí, bên cạnh đạn nổ lõm HEAT và đạn xuyên động năng (APFSDS), K2 còn được trang bị loại đạn riêng được gọi là “Đạn thông minh tấn công nóc xe của Hàn Quốc” (KSTAM) có tầm bắn 8 km. Do địa hình đồi núi có nhiều thung lũng nhỏ giúp xe tăng địch ẩn náu, khi tăng K2 hạ thấp khung gầm, nó có thể nâng pháo chính tới góc gần giống với pháo cối. Sau đó, đạn KSTAM có thể được phóng ra theo quỹ đạo cầu vồng để vượt vật cản.
Khi khai hỏa, quả đạn này sẽ bung dù, chọn mục tiêu và lao thẳng vào phần nóc có giáp mỏng của xe tăng đối phương. Loại đạn tương tự cũng được Đức và Israel biên chế, nhưng chỉ dành cho pháo binh bởi xe tăng của họ không thể nâng pháo chính tới góc bắn cần thiết.
Tăng K2 sử dụng giáp phức hợp với cấu tạo bí mật. Phần trước xe có thể chịu được đạn xuyên động năng từ pháo L55 ở tầm gần, trong khi các bộ phận dễ bị tấn công ở bên sườn và nóc xe được trang bị giáp phản ứng nổ. Với trọng lượng chỉ 55 tấn, nó nhẹ hơn 10 tấn so với các xe M1A2 hoặc Leopard 2A6.
Dù Hàn Quốc muốn xuất khẩu chiếc tăng này, mức giá tới 8,5 triệu USD/chiếc đã cản trở việc bán ra nước ngoài. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán hợp đồng trị giá khoảng 300 triệu USD với yêu cầu chuyển giao công nghệ để chế tạo xe tăng Altay vào năm 2008.
Duy Sơn
Theo VNE
Lính Mỹ dùng súng ngắn chặn đứng xe tăng Đức
Khi khẩu pháo bị kẹt đạn, hạ sĩ Warner rút khẩu súng ngắn M1911 để tiêu diệt chỉ huy xe tăng Đức, đẩy lui đợt tấn công của đối phương.
Lính Mỹ tập bắn với súng ngắn M1911. Ảnh: Olive-drab.
Ngày 16/12/1944, phát xít Đức phát động cuộc tấn công bất ngờ với quy mô lớn vào rừng Ardennes, tuyến phòng thủ mỏng ở thị trấn Butgenbach, Bỉ do một tiểu đoàn bộ binh Mỹ trấn giữ, theo WATM.
Hạ sĩ Henry F. Warner, một người lính thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 26, sư đoàn bộ binh 1 của Mỹ, được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng pháo chống tăng. Dù thiếu thốn nhiều thứ như quân số, súng máy, lựu đạn, họ vẫn quyết tâm giữ vững thế trận phòng thủ.
Khẩu đội súng chống tăng của Warner đóng quân dọc tuyến đường thuộc trục chính. Nhờ chiến dịch đánh tiêu hao sinh lực đối phương của các đơn vị bạn, Warner cùng đồng đội có thời gian đào công sự và lập thế trận phòng ngự.
Sáng ngày 20/12, ít nhất 10 xe tăng yểm trợ bộ binh Đức hành quân qua tuyến đường do Warner và đồng đội đảm nhiệm phòng ngự, đánh thẳng đến vị trí phòng thủ Mỹ.
Đơn vị pháo chống tăng của Sư đoàn 26. Ảnh: Trung tâm Lịch sử Quân sự Mỹ.
Các pháo thủ chống tăng và bazooka đã bắn cháy xe tăng Đức ở khoảng cách gần khi chúng cố gắng vượt qua phòng tuyến. Trong sáng hôm đó, 3 xe tăng Đức tiến đến vị trí của Warner. Với khẩu pháo 57 mm, hạ sĩ này nhanh chóng hạ gục chiếc đầu tiên chỉ bằng một phát bắn.
Hai chiếc còn lại vẫn tiến lên, Warner tiếp tục bắn một phát trúng đích, loại chiếc xe tăng thứ hai khỏi vòng chiến đấu. Lúc này, chiếc thứ ba tiến sát vị trí của Warner nhưng khẩu pháo 57 mm lại bị kẹt đạn. Warner cố gắng sửa nó khi chiếc tăng Đức chỉ còn cách vài mét. Không còn cách nào khác, Warner rút khẩu súng ngắn M1911 và bắn liên tiếp về phía xe tăng Đức.
Bất chấp hỏa lực dữ dội từ bộ binh Đức xung quanh, Warner đã dùng khẩu súng ngắn bắn hạ chỉ huy xe tăng Đức đang nhô người lên trên tháp pháo, buộc xe này phải rút lui. Sự yểm trợ của pháo binh cùng hành động chiến đấu dũng cảm của Warner khiến đội hình tấn công của quân Đức tan rã.
Warner và đồng đội trong Tiểu đoàn 2 tiếp tục chiến đấu, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công với quân số lớn của bộ binh Đức. Quân Đức rút về tuyến sau, nã cối và đạn pháo vào vị trí lực lượng phòng thủ trong cả ngày và đêm hôm đó.
Buổi sáng hôm sau, lính Đức tiếp tục tổ chức tấn công, Warner sử dụng pháo 57 mm để chống trả. Khi thấy một xe tăng Panzer của địch, Warner lập tức bắn chính xác vào động cơ khiến nó bốc cháy, nhưng cũng bị thương do trúng đạn súng máy. Bất chấp đau đớn, Warner cố gắng nạp đạn để phá hủy xe tăng Đức, nhưng trúng một loạt đạn súng máy khác và qua đời.
Chân dung Henry F. Warner. Ảnh: First Division Museum.
Vì hành động dũng cảm ngăn chặn cuộc tấn công bằng xe tăng của quân Đức, hạ sĩ Warner được truy tặng Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất của các lực lượng vũ trang Mỹ. Sự hy sinh của Warner đã khích lệ tinh thần đồng đội, giúp họ cầm cự trong các đợt tấn công liên tiếp sau đó, khiến quân Đức bị cầm chân rất lâu so với dự kiến.
Duy Sơn
Theo VNE
Tập đoàn Uralvagonzavod: Việt Nam mua trăm chiếc T-90 nếu... Theo ông Vladimir Roshupkin, Tổng giám đốc tập đoàn Uralvagonzavod, mức giá 4,5 triệu USD/chiếc T-90 là khá cao và Việt Nam sẽ mua tới cả trăm chiếc nếu được giảm giá. Ông Vladimir Roshupkin nói rằng hiện còn quá sớm để nói về hợp đồng, số lượng cũng như trang thiết bị đi kèm xe tăng T-90. Hai bên đang trong quá...