Báo đảng Trung Quốc đăng 10 lời khuyên cho Bắc Kinh ở Biển Đông
10 kiến nghị của giáo sư Carl Thayer về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông nhấn mạnh, muốn giành được sự ủng hộ, Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer và 10 lời khuyên chân tình dành cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 2/8 đăng 10 kiến nghị của giáo sư Carl Thayer về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông nhấn mạnh, muốn giành được sự ủng hộ, Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer bình luận, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc nên nhận ra rằng nỗ lực của Bắc Kinh thuyết phục các nước khác về “chủ quyền lịch sử” hay “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ ở Biển Đông ít có khả năng thành công mà chỉ làm gia tăng đối đầu và căng thẳng.
Chỉ cần Bắc Kinh thực hiện theo “10 đề nghị khiêm tốn” này, giáo sư Carl Thayer quả quyết rằng thái độ của khu vực với Bắc Kinh sẽ thay đổi, lợi ích của Trung Quốc sẽ được phát huy bởi luật pháp quốc tế.
Thứ nhất, Trung Quốc nên chấp nhận thực tế rằng tất cả các quốc gia trong khu vực thực sự chào đón Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, không nước nào muốn đối đầu với Trung Quốc chứ đừng nói tới kiềm chế hay ngăn chặn Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc đã từng trải qua thời kỳ bị thực dân đô hộ.
Do đó Trung Quốc nên xem lại 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và chân thành áp dụng nó trong quan hệ ngoại giao với khu vực. Nó rất quan trọng trong việc Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn xử lý sự khác biệt dựa trên sự tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng chung sống hòa bình.
Thứ hai, Trung Quốc nên xác nhận rằng họ tham gia hệ thống luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc nên đảm bảo rằng tất cả các thỏa thuận và điều luật trong nước của họ phù hợp với luật pháp quốc tế. Chỉ có như thế mới giúp Trung Quốc mạnh mẽ hơn về pháp lý và làm nền tảng cho hoạt động ngoại giao.
Thứ ba, Trung Quốc nên làm rõ yên sách về “chủ quyền lịch sử” hay “chủ quyền không thể tranh cãi” với độ chính xác. Cho đến bây giờ Bắc Kinh nói quá nhiều lần rằng họ có đủ bằng chứng cho yêu sách của mình nhưng chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng chi tiết nào. Ví dụ đặc biệt nhất là bản đồ 9 đoạn (nay là 10 đoạn) hình chữ U thì đã bị các chuyên gia pháp lý quốc tế cho rằng nó chỉ là một mẩu thông tin không có giá trị yêu sách chủ quyền.
Thứ tư, Trung Quốc nên phác thảo sách trắng về các cơ sở để họ khiếu nại (cái gọi là – PV) “chủ quyền lịch sử” hay “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ ở Biển Đông. Các quan chức Trung Quốc đôi khi đề cập đến khái niệm “ pháp luật quốc tế khác”, nhưng việc họ sử dụng những bản đồ “từ thời nhà Nguyên” không nhận được sự hỗ trợ của luật pháp quốc tế hiện đại.
Ví dụ, Trung Quốc muốn yêu sách chủ quyền với các tính năng đảo, đá, rặng san hô trên Biển Đông thì họ phải đưa ra tài liệu bằng chứng chi tiết về việc họ đã chiếm hữu hòa bình và duy trì thực thi chủ quyền đối với các tính năng này như thế nào.
Thứ năm, Trung Quốc nên thay đổi chủ trương tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các vùng biển và các tính năng đảo, đá, rặng san hô trên Biển Đông chỉ được giải quyết trực tiếp qua đàm phán song phương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền vẫn khăng khăng theo đuổi quan điểm sai trái “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác” ở Biển Đông dẫn tới nhiều hoạt động của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng.
Video đang HOT
Nhiều nhà ngoại giao Đông Nam Á đã phàn nàn với giáo sư Carl Thayer rằng Trung Quốc họ đặt “điều kiện tiên quyết” trong đàm phán song phương về Biển Đông là đối phương phải “thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông” rồi mới đàm phán gì thì đàm phán?! Trung Quốc nên dừng điều này lại.
Thứ sáu, Trung Quốc nên gác sang một bên yêu sách chủ quyền và thỏa thuận về tình trạng hiện tại, tôn trọng luật pháp quốc tế. Trung Quốc và các bên nên kiềm chế đơn phương đưa ra các hoạt động “thực thi chủ quyền”.
Thứ bảy, các bên liên quan ở Biển Đông bao gồm Trung Quốc kiềm chế không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, tạm gác vấn đề chủ quyền và tạm thời phân mốc giới khu vực hàng hải đợi cho đến khi vấn đề chủ quyền được giải quyết. Trong thời gian này các bên liên quan có thể thỏa thuận hợp tác về quản lý đánh bắt cá, phát triển dầu khí và tài nguyên thiên nhiên.
Thứ tám, Trung Quốc nên xem xét lại lập trường của mình về việc từ chối ra tòa hay chấp nhận trọng tài quốc tế. Một thẩm phán Trung Quốc đã trở thành thành viên của tòa trọng tài quốc tế và đủ điều kiện phân xử các vụ kiện về chủ quyền dưới ánh sáng công pháp quốc tế. Nếu một thẩm phán Trung Quốc được các nước khác chấp nhận để thẩm phán này phân xử vấn đề lãnh thổ giữa họ thì tại sao Trung Quốc lại không thể chấp nhận một thẩm phán quốc tế người nước ngoài phân xử trong trường hợp này?
Nhiều quốc gia như Indonesia, Malaysia và Singapore đã từng giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua trọng tài. Trung Quốc có thể tìm thấy trọng tài quốc tế là một cách hữu ích để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với láng giềng.
Thứ chín, Trung Quốc nên dừng chỉ trích tiến trình pháp lý mà Philippines đệ trình lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, đồng thời ngừng tuyên truyền về việc bảo lưu quyền không tham gia các giải pháp trọng tài, tài phán quốc tế.
Philippines không khiếu nại Trung Quốc về vấn đề chủ quyền mà Bắc Kinh đòi bảo lưu quyền từ chối tham gia trọng tài theo quy chế UNCLOS, mà Philippines khiếu nại về việc Trung Quốc áp dụng, giải thích sai UNCLOS để đơn phương khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Cuối cùng, nếu tòa án trọng tài ra phán quyết rằng khiếu nại của Philippines là đúng, Trung Quốc nên xem xét lại quyết định tẩy chay tiến trình tố tụng này. Điều quan trọng là theo quy định của UNCLOS, các phán quyết của tòa án trọng tài phải được thi hành ngay một cách vô điều kiện.
Nếu Trung Quốc từ chối thực hiện phán quyết của tòa án sẽ làm suy yếu luật pháp quốc tế. Một khi thực sự Trung Quốc có đủ bằng chứng về (cái gọi là – PV) chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông, hãy tham gia tranh luận trước tòa.
Chỉ cần Trung Quốc tuân thủ pháp luật quốc tế, điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều không chỉ cho Bắc Kinh mà còn cho khu vực, biến đối đầu vật lý giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thành một cuộc đối đầu pháp lý. Điều này sẽ có đóng góp rất lớn và ý nghĩa vào việc dùy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở Đông Nam Á, một chiến thắng cho tất cả các bên.
Theo Giáo Dục
Tình hình trên Biển Đông đẩy quan hệ Mỹ Trung xuống dốc
Khi quan sát bằng mắt thường thì hàng trăm hòn đảo, bãi đá ngầm nằm rải rác trên Biển Đông dường như không có ý nghĩa gì là quan trọng song nó có thể đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Chính sách đầu tư phát triển quân đội hùng mạnh của Trung Quốc cùng thái độ ngày càng hung hăng trong cuộc chiến tranh giành chủ quyền các hòn đảo, bãi đá, dải đá ngầm không người ở và thậm chí là các quần đảo lớn, đang đẩy nguy cơ bùng nổ xung đột giữa Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng tiến sát gần hơn.
Trong khi đó, Mỹ - quốc gia có tới 3 đồng minh thân thiết đang tranh giành chủ quyền với Trung Quốc, lại có trách nhiệm bảo vệ các quốc gia này khỏi những cuộc tấn công từ con rồng châu Á.
Đặc biệt, trong tình cảnh hiện nay, nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự lại càng hiện hữu khi các tàu Trung Quốc trái phép xâm phạm chủ quyền và chủ động đâm va, gây thiệt hại cho tàu chấp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra, chiến đấu cơ Trung Quốc còn nhiều lần chơi trò mèo vờn chuột với máy bay Nhật Bản trên không phận biển Hoa Đông.
Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh và 4 tàu chiến hộ tống tới hải phận biển Hoa Đông sau khi Mỹ đưa máy bay ném bom B-52 tới không phận này hồi tháng 11 năm ngoái.
Nguy hiểm hơn chính là thái độ cảnh giác cao độ giữa Washington và Bắc Kinh, có thể dẫn tới sự tan rã của tinh thần hợp tác giải quyết các vấn đề chung mang tính toàn cầu như cuộc khủng hoảng Trung Đông, biến đổi khí hậu và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Trong 2 ngày từ 9 - 10/7, Ngoại trường Mỹ John F. Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ tới Bắc Kinh tham dự diễn đàn Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên lần thứ sáu. Trong khi, Mỹ vẫn đang tập trung theo dõi các vấn đề liên quan tới Iraq, Syria, Ukraine và Nga, một số chuyên gia lại cho rằng mối quan hệ Mỹ - Trung hiện đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất kể từ khi cựu Tổng thống Richard M. Nixon tới họp bàn với cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1972.
"Mối quan hệ Mỹ - Trung hiện đang xuống dốc tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Tình hình tại Đông Á hiện nay cũng bất ổn hơn so với các thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh", tờ Washington Post dẫn lời giáo sư Robert Ross - chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Boston.
Trong khi đó, chính sách ngoại giao tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hay còn gọi là "trục châu Á" lại được Trung Quốc nhìn nhận như một phần trong nỗ lực kiềm chế sự lớn mạnh của Bắc Kinh từ Washington.
Đặc biệt khi Mỹ nỗ lực cải thiện mối quan hệ gắn bó với các quốc gia trong khu vực như với Việt Nam và tái cam kết bảo vệ các đồng minh châu Á thân thiết như Nhật Bản và Philippines cũng như sẵn sàng hỗ trợ phòng thủ quân sự cho quốc gia này đã khiến Bắc Kinh cho rằng Washington đang khuyến khích các quốc gia láng giềng với Trung Quốc mạnh mẽ và quả quyết hơn trong tuyên bố chủ quyền.
"Rõ ràng, các tranh chấp chủ quyền chỉ là vấn đề giữa hai bên nhưng Mỹ đã lựa chọn cho mình một bên để ủng hộ. Đây là chuyện không công bằng", Đô đốc Sun Jianguo, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nói.
Còn tại Washington, luồng quan điểm đối nghịch nhìn nhận thái độ quả quyết của Trung Quốc trước các tuyên bố chủ quyền qua việc đe dọa bằng vũ lực là nhằm mục đích cuối cùng đẩy Mỹ ra khỏi khu vực châu Á.
Bất ổn chưa từng có tiền lệ
Mối quan hệ Mỹ - Trung cũng từng rất căng thẳng, đặc biệt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này chưa từng có tiền lệ về mặt nền tảng và cấu trúc.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thiết lập "Vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông, bao trùm không phận quần đảo tranh chấp với Tokyo nhưng nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản, Senkaku/Điếu Ngư.
Tấm bản đồ chỉ rõ sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tới tháng Ba năm nay, tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã phong tỏa, ngăn chặn, không cho tàu của Philippines tiếp vận nhu yếu phẩm cho các binh sĩ đóng quân tại bãi Cỏ Rong.
Sau 2 tháng, Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc còn ngang nhiên xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông. Theo các quan chức Mỹ, hành động này đã thể hiện rõ lập trường ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền.
Trong khi, Trung Quốc đơn phương tuyên bố, quốc gia này đã xác lập chủ quyền tại nhiều khu vực rộng lớn trên Biển Đông nhưng lối hành xử hiếu chiến của Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã khiến giới chuyên gia phải ngạc nhiên. Thậm chí, động thái này của Trung Quốc cũng đã đi ngược lại những tuyên bố hồi năm ngoái của Bắc Kinh về việc cải thiện mối quan hệ hợp tác với các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Một số chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn vin vào những mối đe dọa từ bên ngoài để đẩy nhanh các chương trình cải cách sâu rộng bao gồm quân đội trong nước. Trong khi đó, một số người nhận định rằng đơn giản, Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh khi xây dựng một trật tự mới tại châu Á theo cách của Bắc Kinh thay vì chịu sự chi phối của Mỹ.
Tuy nhiên, phần lớn đồng thuận với ý kiến Trung Quốc tỏ rõ sự hiếu chiến vì Bắc Kinh đang nắm trong tay lực lượng hải quân hiện đại và hải cảnh chuyên nghiệp.
Rõ ràng, sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc đang đẩy Mỹ bị kẹt giữa hai sự lựa chọn. Một là thực hiện cam kết bảo vệ các quốc gia đồng minh châu Á. Hai là duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Máy bay ném bom B-52 thả bom trong một cuộc diễn tập.
Tuy nhiên trong vài tháng gần đây, Washington dường như đã nghiêng về sự lựa chọn thứ nhất. Điển hình, Mỹ đã điều các máy bay ném bom B-52 bay qua vùng phòng không mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố và đe dọa tái cân bằng sức mạnh quân sự tại châu Á nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự bành trướng trên Biển Đông.
Hồi tháng Tư, Tổng thống Obama đã thực hiện chuyến thăm tới các quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Tại Nhật Bản, ông Obama trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên thẳng thắn khẳng định hiệp ước quốc phòng chung Mỹ - Nhật bao gồm trách nhiệm của Washington bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. còn tại Philippines, Tổng thống Obama đã ký một hiệp ước quốc phòng mới có thời hạn 10 năm.
Hồi tháng Năm, phản ứng trước lời cáo buộc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel về việc Trung Quốc "hăm dọa, ức hiếp và đe dọa bằng vũ lực" trong các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung đã gọi những lời bình luận của ông Hagel là "xa vời" và "sặc mùi lãnh đạo, kích động cũng như đe dọa".
Cựu chuyên gia phân tích cao cấp về Trung Quốc thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Johnson nhận định "chủ nghĩa phiêu lưu" đang được thúc đẩy tại Trung Quốc do một số quan chức nước này cho rằng Washington đang thiếu nhất quán và quyết tâm. Theo Trung Quốc, việc Mỹ không trừng phạt chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường cũng như thất bại trong việc ngăn chặn Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đã biến Washington trở thành "con hổ giấy".
Tuy nhiên, ông Johnson cũng cảnh báo Bắc Kinh sẽ phạm phải sai lầm khi đánh giá thấp cam kết bảo vệ châu Á của Mỹ. "Mỹ hiện là một gã khổng lồ đang ngủ nhưng nếu ai đó mạnh tay khiêu khích, Mỹ sẽ sẵn sàng huy động sức mạnh".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.
Theo Infonet
Nhật muốn bắt tay Úc đối phó Trung Quốc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tăng cường quan hệ với Úc trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng Hàn Quốc, Trung Quốc. Theo giới phân tích, vấn đề hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn sẽ "chiếm lĩnh sân khấu" khi ông Abe đến Canberra trong ngày 7-7. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ củng cố mối...