Báo đảng Trung Quốc biểu dương người đầu tiên cảnh báo sớm về coronavirus mới
Ngày 7/2, Hoàn cầu Thời báo – phụ bản Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng bài ca ngợi bác sĩ Li Wenliang (Lý Văn Lượng), người qua đời hôm qua vì nhiễm coronavirus mới, được coi là người đầu tiên cảnh báo về dịch coronavirus mới trước khi loại virus chết người và lây lan nhanh này được nhận diện.
Bác sĩ Li Wenliang. Ảnh: Hoàn cầu Thời báo.
Nhà dịch tễ học số 1 của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc, ông Zeng Guang nói: “Họ biết được sự việc trước khi dịch coronavirus mới bùng phát”. Họ ở đây chính là bác sĩ Li và 7 nhân viên y tế khác, 8 cư dân của thành phố Vũ Hán.
Khi Vũ Hán xuất hiện những bệnh nhân viêm phổi lạ, anh Li (34 tuổi) đã cảnh báo cho 7 cựu sinh viên y khoa qua ứng dụng WeChat rằng, một số bệnh viện trong thành phố xuất hiện người nhiễm coronavirus giống SARS, cần hết sức cảnh giác. Lúc đó chưa có chứng cứ khoa học về sự tồn tại của coronavirus mới nhưng nhận định của bác sĩ Li sau này được chứng minh là rất chính xác.
Làm việc tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, bác sĩ Li ban đầu cảnh báo các cựu sinh viên y khoa cùng lớp với mình về loại virus chết người hồi tháng 12/2019, thúc giục họ cẩn trọng. Ngày 30/12/2019, anh nhận được một bệnh án của một bệnh nhân gợi ý rằng dương tính với coronavirus giống như SARS.
Bác sĩ Li liền thông báo thông tin này trong nhóm chat, nói rằng có 7 ca nhiễm “SARS”. Ngày 3/1/2020, cảnh sát Vũ Hán khiển trách bác sĩ Li vì tội lan truyền “tin đồn trên mạng” và yêu cầu anh ký tên vào thư khiển trách. Bảy người bạn của anh cũng bị cảnh sát khiển trách vì tội “phao tin đồn nhảm” về sự bùng phát của coronavirus mới.
Sau đó, bác sĩ Li trở lại làm việc. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm coronavirus, anh bắt đầu ho vào ngày 10/1, rồi sốt vào hôm sau. Cuối cùng, anh nhập viện ngày 12/1 rồi qua đời sáng 6/2.
Một số người Trung Quốc nói rằng, chính quyền địa phương nợ bác sĩ Li một lời xin lỗi chính thức. “Chúng ta đã mất một người hùng”, một người nói và giải thích rằng, nếu lời cảnh báo của anh được ghi nhận, tình hình dịch bệnh có thể đã không tồi tệ như hiện nay.
Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc công bố bài viết với tiêu đề “Quản lý tin đồn về dịch viêm phổi mới (do virus corona mới gây ra)”, có đề cập trường hợp xử lý tin đồn dịch bệnh ở Vũ Hán, thể hiện sự ủng hộ đối với bác sĩ Li.
Bài viết có đoạn: “Chúng ta nên hiểu sự khoan dung vừa phải của pháp luật đối với cá nhân.Ví dụ, trong tám trường hợp do Cơ quan Công an Vũ Hán xử lý có “7 trường hợp SARS được xác nhận tại Chợ trái cây và hải sản Nam Trung Quốc”. Nếu hiểu một cách máy móc, chúng ta thực sự có thể kết luận rằng, theo quan điểm thực tế, SARS không xảy ra trong đợt dịch viêm phổi mới và đó là sự bịa đặt thông tin sai lệch và thông tin đã gây rối trật tự xã hội.
Video đang HOT
Theo quy định của pháp luật, việc hành vi bịa đặt và phổ biến thông tin sai lệch phải chịu hình thức kỷ luật, hoặc bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị phạt hình sự là chính đáng. Tuy nhiên, hóa ra mặc dù viêm phổi mới không phải là SARS, nhưng nội dung được công bố bởi người đăng thông tin không hoàn toàn bịa đặt. Nếu công chúng nghe “tin đồn” này vào thời điểm đó và áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm ngặt và tránh đi chợ động vật hoang dã dựa trên sự hoảng loạn về SARS, thì đây có thể là cách tốt hơn để chúng ta ngăn chặn và kiểm soát dịch viêm phổi mới ngày hôm nay”.
Các bác sĩ Trung Quốc động viên nhau. Ảnh: CNS.
“Tôi sẽ làm việc ở tiền tuyến khi tôi hồi phục”
Bác sĩ Li quê ở tỉnh Liêu Ninh, theo học Đại học Vũ Hán, chuyên ngành y học lâm sàng từ năm 2004.
Sau ba năm làm việc ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, anh trở lại Vũ Hán và làm việc tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán.
Khi bác sĩ Li nhập viện vì nhiễm coronavirus mới, vợ anh đang mang thai và sức khỏe không tốt.
“Tôi sẽ làm việc ở tiền tuyến khi tôi hồi phục”, anh nói trên giường bệnh.
Tính đến cuối ngày 6/2, tổng cộng 1.540 bệnh nhân nhiễm coronavirus mới ở Trung Quốc đại lục hồi phục và được xuất viện, 636 người tử vong và 31.161 người nhiễm virus, Tân Hoa Xã sáng 7/2 dẫn thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc.
Bệnh nhân nhiễm coronavirus mới khen ngợi các nhân viên y tế tại Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa Xã.
GIA BẢO
Theo Tiền phong
Bác sĩ đầu tiên cảnh báo virus corona qua đời vì corona
Bác sĩ Li Wenliang, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán qua đời vì chính căn bệnh này.
Fox News đưa tin, ông Li Wenliang, 34 tuổi, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, một trong 8 người đầu tiên cảnh báo các đồng nghiệp và nhân viên y tế về sự nguy hiểm của virus corona, qua đời tại thành phố Vũ Hán sau khi bị nhiễm virus này.
Tờ Global Times của Trung Quốc xác nhận trên tài khoản Twitter.
Bác sĩ Li Wenliang trước và sau khi nhiễm virus corona chủng mới.
Theo Global Times, ông Li qua đời lúc lúc 21h30 giờ địa phương (20h30 giờ Hà Nội). Vợ người bác sĩ này đang mang thai cũng bị nhiễm virus corona.
Ngày 30/12, Li Wenliang quăng bom vào nhóm trò chuyện với các bạn học cũ ở trường y trên Wechat khi tiết lộ 7 bệnh nhân từ một chợ hải sản địa phương được chẩn đoán mắc căn bệnh giống SARS và đang được cách ly trong bệnh viện.
Li nói rằng theo một xét nghiệm mà anh biết, căn bệnh này xuất phát từ một loại virus corona cùng loại với virus SARS gieo rắc nỗi kinh hoàng cách đây 17 năm.
" Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn cùng lớp đại học của mình cẩn thận", Li nói.
Nhưng sau vài giờ, ảnh chụp màn hình tin nhắn của Li bị lan truyền ra ngoài nhóm và chia sẻ chóng mặt trên các trang mạng xã hội.
Không lâu sau khi tin nhắn được phát tán, Li bị cảnh sát Vũ Hán triệu tập và trở thành một trong những chuyên gia bị giới chức theo dõi vì lo ngại lan truyền thông tin về loại virus khi đó vẫn còn là bí ẩn.
Vào ngày Li nhắn tin cho bạn bè, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán thông báo cho các tổ chức y tế của thành phố về một loạt bệnh nhân từ chợ hải sản Hoa Nam mắc căn bệnh viêm phổi không rõ ràng. Thông báo đi kèm cảnh báo: " Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng không được phép tiết lộ thông tin điều trị của bệnh nhân cho công chúng khi không được cho phép".
Đầu giờ chiều 31/12, các cơ quan y tế Vũ Hán họp khẩn để thảo luận về dịch. Vào thời điểm này, Li được các quan chức tại bệnh viện triệu tập để giải thích về lý do anh nắm được thông tin.
Cuối ngày hôm đó, chính quyền Vũ Hán tuyên bố về dịch cho Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Bắc Kinh.
Hôm 3/1, anh bị gọi tới một đồn cảnh sát địa phương và bị khiển trách vì "lan truyền tin đồn", "phá vỡ nghiêm trọng trật tự xã hội" thông qua tin nhắn của mình.
Trong tin nhắn, Li nói virus mà các bệnh nhân mắc phải là một loại virus corona khác. Li phải ký vào một biên bản thừa nhận hành vi sai trái và cam kết sẽ không tái phạm hành vi trái pháp luật như vậy.
Li nói anh sợ sẽ bị giam giữ. May mắn, anh được rời khỏi đồn cảnh sát sau 1 giờ và trở lại làm việc tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.
Vào ngày 10/1, sau khi vô tình điều trị cho một bệnh nhân tăng nhãn áp bị nhiễm virus corona, Li bắt đầu ho và sốt. Anh nhập viện hôm 12/1. Trong những ngày tiếp theo, tình trạng của Li xấu đi đến nỗi anh được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ thở oxy.
Ngày 30/1, anh đăng trên Weibo xác nhận mình bị virus corona.
Dịch viêm phổi do virus corona đến nay đã xuất hiện tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 566 người chết và hơn 28.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
SONG HY (Nguồn: CNN, Fox News)
Theo vtc.vn
Nhật Bản ghi nhận 14 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới Nhật Bản ghi nhận 14 trường hợp nhiễm virus corona trong khi nước này đưa dịch viêm phổi cấp vào danh sách "bệnh truyền nhiễm được chỉ định" từ ngày 1/2 đến 7/2 sau khi chuyến bay thứ ba chở công dân Nhật Bản trở về từ Vũ Hán. Trước những lo ngại ngày càng gia tăng ở Nhật Bản về sự lây...