Bảo đảm đủ vật liệu xây dựng, không lùi tiến độ cao tốc Bắc – Nam
Các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ vật liệu xây dựng cho thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết.
Trên đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Cuộc họp diễn ra chiều 14/9.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 vật liệu đắp nền
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư.
Công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần được bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đạt 98,4%. Hiện đã khởi công xây dựng 10/11 dự án thành phần, đã triển khai thi công 25,09% tổng giá trị các hợp đồng; 1 dự án thành phần còn lại đang chuẩn bị khởi công xây dựng.
Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu đơn vị thi công đã có nhiều nỗ lực và có những kết quả, chuyển biến tích cực, tuy nhiên các dự án thi công gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ. Trong đó 2 vướng mắc lớn là thiếu vật liệu đất đắp nền và tiến độ giải phóng mặt bằng. Đây cũng là 2 nội dung được bàn kỹ để tìm giải pháp tại hội nghị trực tuyến này.
Trước đó, sau khi đi kiểm tra thực tế các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào ngày 30/6/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành và bàn giao mặt bằng chậm nhất vào ngày 30/7/2021. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tại hội nghị, hiện vẫn còn khoảng 10,50 km chưa bàn giao mặt bằng; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết thêm, hiện nay vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn chưa được tháo gỡ, dự án vẫn thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 để tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác đối với các mỏ cấp phép mới như: cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất,… theo quy định của Luật Khoáng sản.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Video đang HOT
Cho ý kiến tại cuộc họp, ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Vinaconex (đơn vị thi công một số gói thầu tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông) cho biết, hiện nhà thầu đã huy động hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm cán bộ kỹ sư để phục vụ thi công các dự án. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nên hiện đang phải nằm chờ, dẫn điến thiệt hại rất lớn cho nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án trọng điểm quốc gia.
Vì vậy, nhà thầu kiến nghị các địa phương xem xét rút ngắn các thủ tục cấp phép cho các mỏ đất để sớm có vật liệu đắp cho các dự án. “Đề nghị các địa phương quan tâm đến việc nâng công suất khai thác cho các mỏ phục vụ riêng cho các dự án cao tốc, đặc biệt là các mỏ mới. Bởi đây mới là con số quyết định cho việc lấy được bao nhiêu đất đưa vào phục vụ thi công dự án chứ không phải là trữ lượng của mỏ” – ông Dương Văn Mậu nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện nhà thầu Vinaconex, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các đơn giá vật liệu, nhân công, thiết bị đầu vào đều có xu hướng tăng cao, có những vật liệu tăng đột biến như giá thép tăng 35-50%, giá cát, đá tăng 20-30%, giá xi măng, bê tông tăng khoảng 10-15%,… Điều này làm tăng giá thành chung của gói thầu lên khoảng 20-30%. Hiện nay các gói thầu trên tuyến cao tốc Bắc – Nam đang áp dụng hình thức điều chỉnh giá theo chỉ số giá và nguồn chỉ số giá theo các tỉnh nơi có gói thầu đi qua. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ số giá của các tỉnh ban hành chỉ mang tính chất chung cho địa phương mà không phù hợp với tính chất đặc thù, quy mô của tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Do đó, nhà thầu kiến nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu xây dựng chỉ số giá riêng cho tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông để phù hợp với sự biến động thực tế giá thị trường và phù hợp với tính chất, quy mô đặc thù của tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, 3 tháng sau khi Nghị quyết 60 của Chính phủ ban hành, đến nay có 24 giấy phép mỏ được cấp mới, 8 giấy phép nâng công suất khai thác mỏ, 36 giấy phép được cấp phép thăm dò.
Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường tại các dự án thành phần, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, cần tiếp tục nâng công suất khai thác các mỏ đất đắp theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương, đảm bảo về môi trường, an toàn, vệ sinh lao động; không giới hạn về công suất nâng so với công suất ghi trong giấy phép khai thác.
Về giá vật liệu xây dựng, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, 2 tháng qua, giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã giảm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề xuất, đối với cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia nên cho phép xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh với điều kiện đảm bảo an toàn vì thi công theo tuyến, công trường xa khu dân cư.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến việc huy động nhân lực, vật tư, thiết bị,…(đối với các dự án mới khởi công); vận chuyển vật liệu, xăng dầu, phụ tùng thay thế cho các thiết bị đặc chủng bị hư hỏng trong quá trình thi công,… gặp khó khăn do các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Đảm bảo đủ vật liệu xây dựng, không lùi tiến độ cao tốc Bắc Nam
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bước đầu khắc phục thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng. Trong thời gian qua, nhiều địa phương giãn cách xã hội do dịch COVID-19, tuy nhiên các Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đã nỗ lực khắc phục, đảm bảo công tác phòng chống dịch để duy trì công trường, không để gián đoạn thi công, từ đó có cơ sở để cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo đủ vật liệu xây dựng cho xây dựng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam. Muốn vậy, các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu phải xác định rõ trách nhiệm để cùng có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc hiện nay.
Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực tế để chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để kịp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhà thầu phải cam kết đảm bảo đảm cung ứng đủ vật liệu xây dựng theo đúng hồ sơ dự thầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 60 của Chính phủ, các chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu với yêu cầu cao nhất là đảm bảo đáp ứng đủ vật liệu cho các công trường xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết; yêu cầu các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2021. Các nhà thầu phải có giải pháp bù tiến độ đã chậm trên công trường như tăng ca, tăng phương tiện, thiết bị, nhân lực trên công trường. Đồng thời, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh, thiết lập và giữ vững các công trường xanh, định kỳ xét nghiệm COVID-19 hàng tuần cho công nhân trên công trường.
Cầu Mỹ Thuận 2 nguy cơ chậm tiến độ vì giá thép tăng cao
Theo đại diện Ban Quản lý dự án giao thông 7 (Đại diện chủ đầu tư cầu Mỹ Thuận 2 - Bộ GTVT), bên cạnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại địa phương, ảnh hưởng tới nhân lực tại dự án, việc giá nguyên vật liệu xây dựng, nhất là giá thép tăng cao tới 35% so với thời điểm khởi công, đang khiến cầu Mỹ Thuận 2 đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Tiến độ cầu Mỹ Thuận 2
Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2199/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2018, có điểm đầu tại KM101 126 khớp nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối tại Km107 740 khớp nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dự án dài 6,61 km, trong đó cầu chính dài 1,906 km; đường dẫn và cầu chính trên tuyến dài 4,704 km, là công trình đường bộ cấp đặc biệt của ngành GTVT, thuộc địa phận hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 3.389,6 tỷ đồng.
Thi công đường găng phục vụ dự án đang gặp khó vì thiếu đất đắp.
Dự án gồm 5 gói thầu xây lắp, đến nay đã triển khai đồng loạt 4 gói thầu, riêng gói XL03B (phần thân, trụ tháp và dây văng) đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, sẽ triển khai từ tháng 10/2021. Gói thầu XL01 thi công đường dẫn phía tỉnh Tiền Giang, được triển khai từ tháng 3/2020, dự kiến hoàn thành tháng 3/2022. Dự án hiện đã được chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng 5,94 km (đạt 98,8%). Tính chung, đến đầu tháng 7/2021, dự án đạt tiến độ tổng thể khoảng 30%.
Trong 4 gói thầu đang triển khai thi công, gói thầu XL01 đạt sản lượng 47,5%, gói thầu XL02 đạt gần 27%, gói thầu XL04 đạt hơn 32%, đạt tiến độ yêu cầu. Riêng gói thầu XL03A mới đạt 6,9%, tiến độ chậm do việc thi công cọc thử tại trụ T15, T16 ở 2 bờ Tiền Giang, Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhà thầu cam kết vẫn đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ theo hợp đồng vào 31/12/2021. Đến đầu tháng 7/2021, gói thầu XL03A đã thi công được 4/60 cọc khoan nhồi, dự kiến hoàn thành toàn bộ cọc trước ngày 17/10/2021.
Giá thép tăng cao đang khiến các nhà thầu dự án "điêu đứng".
Ông Đinh Công Minh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 7 (QLDA) cho biết, Ban đã chỉ đạo nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt đối với gói thầu XL03A thi công đường găng phục vụ vận chuyển máy móc, vật liệu vào dự án. Tuy nhiên, tiến độ gói thầu đang gặp khó khăn vì nguồn đất đắp, khó cán đích theo kế hoạch trước ngày 31/12/2021.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng tại dự án hiện đã được các địa phương bàn giao 98%, nhưng vẫn còn 12 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có 11 hộ thuộc phạm vi xử lý nền đất yếu, bù lún của các gói thầu XL01, XL02 và công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư (phía tỉnh Tiền Giang) chưa hoàn thành...
"Méo mặt" vì giá thép
Theo ông Đinh Công Minh, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh hưởng đầu tiên là công tác huy động nguồn nhân sự lành nghề và người lao động làm việc trên công trường khó khăn, do phải giãn cách, cách ly phòng dịch.
Các trụ cầu cạn tại đường dẫn lên cầu chính thuộc gói thầu XL04 đã hoàn thành.
Bên cạnh đó, nguồn cung vật liệu gặp khó khăn và không ổn định do việc khai thác, sản xuất, vận chuyển bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu xây dựng như đất đắp, cát, đá sỏi... tăng khoảng 15 - 20% so với cuối năm 2020 đang khiến cá nhà thầu xây lắp dự án điêu đứng vì chi phí phát sinh cao.
Thành hình đường dẫn lên cầu chính nhìn từ trên cao thuộc gói thầu XL04.
Đặc biệt, giá thép tăng đột biến trong những tháng qua khiến tất cả các nhà thầu dự án như "ngồi trên đống lửa", vì chưa thi công đã biết lỗ. Cụ thể, theo rà soát của Ban Quản lý dự án 7, giá thép trên thị trường tỉnh Tiền Giang tháng 12/2020 công bố: Thép phi 18 mm có giá 14.500 đồng/kg, tại Vĩnh Long là 14.600 đồng/kg bao gồm VAT, còn giá thép hiện đã tăng lên khoảng 19.300 đồng/kg, tăng khoảng 35%. Tính chung, với mức tăng đột biến này, chi phí vật liệu thép các gói thầu của dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã tăng khoảng 135 tỷ đồng.
"Ban Quản lý dự án 7 đã có các văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng phương pháp điều chỉnh giá trong hợp đồng theo phương pháp bù trực tiếp hoặc tách riêng hạng mục công việc có sử dụng vật liệu thép để áp dụng công thức điều chỉnh riêng. Đồng thời, cho phép thuê tư vấn xác định chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh giá hợp đồng theo khoản 4, 5 Điều 27 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP", ông Đinh Công Minh chia sẻ.
Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành bắc qua sông Tiền song song với cầu Mỹ Thuận hiện nay.
Qua tìm hiểu, dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được Quốc hội, Chính phủ giám sát chặt chẽ công tác giải phóng mặt bằng và gỡ vướng nguồn cung vật liệu. Bộ GTVT đã đề nghị 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long sớm hỗ trợ giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, siết chặt quản lý giá vật liệu để các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công, cũng như sớm hoàn thành khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Hy vọng, những vướng mắc của dự án hiện nay sẽ sớm được tháo gỡ, cán đích đúng hẹn theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra.
Cao tốc Bắc-Nam đang bị khan hiếm về nguồn vật liệu xây dựng Một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đang gặp thực trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng và đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công, hoàn thành công trình này. Khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng và giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt...