Bảo Chung: Vì tham 5000 đồng mà trở thành danh hài
“Tôi đem hai tiểu phẩm giúp mình giành giải Đệ Nhất danh hài đi diễn tiệc cưới nhưng không ai cười. Tôi diễn tới đâu, mồ hôi tuôn tới đó”, nghệ sĩ Bảo Chung nhớ lại.
Danh hài Bảo Chung xuất thân là kép chính của bộ môn nghệ thuật cải lương. Dù vậy, tấu hài mới là lĩnh vực đưa tên tuổi Bảo Chung lên như ngày hôm nay.
Nghệ sĩ lúc chưa có tên tuổi ai cũng rất khổ
Thời còn đi hát cải lương của anh như thế nào?
Tôi có nhiều kỷ niệm vui lắm, toàn sự cố thôi. Lúc đó, tôi chưa có tên tuổi và đang hát chính ở đoàn Hậu Giang. Bữa đó sân khấu tối thui mà có cảnh bay lên không trung.
Vì tối quá, tôi rút nhầm sợi dây mão đội đâu. Tưởng mình rút đúng dây rồi nên phi lên, nào ngờ rơi xuống dưới sân khấu chỗ khán giả ngồi. Mọi người trong đoàn nhao nhao “đâu rồi đâu rồi”, còn khán giả thì la lên hỏi “ sao không, sao không”.
Đi diễn, các nghệ sĩ khác hay về nhà dân ngủ còn tôi thích ngủ ở sân khấu. Khi còn hát cho đoàn Bảo Toàn miền Trung, một lần diễn xong tôi dải chiếu xuống gầm sân khấu ngủ.
Nửa đêm trời đổ mưa lớn, tôi ngủ say không biết. Tôi có thói quen khi ngủ phải đắp chăn và trùm kín đầu. Đang ngủ thấy ngộp thở quá, mở chăn ra, quơ tay thì thấy xung quanh toàn nước. Tôi mệt quá, lại làm biếng nên kệ cho ngập, ngủ tiếp. Vậy mà cũng ngủ được.
Hình như nghệ sĩ nào khi chưa có tên tuổi cũng đều trải qua không ít gian khổ?
Chẳng có ai tự động sung sướng đâu bạn. Tất cả những người nghệ sĩ lúc chưa có tên tuổi đều rất khổ. 100 người như 1. Chính vì thế khi nổi danh, tôi ưa giúp đỡ những nghệ sĩ khó khăn.
Có anh bầu show kia nghèo lắm. Khi tôi đã nổi tiếng, anh ấy mời tôi xuống hát. Về tới nơi, nhìn cái sân khấu là tôi chóng mặt. Sân khấu nhỏ xíu, chỉ chừng 3, 4 mét vuông. Dàn trống thì bị hư, đánh kêu bụp bụp, beng beng. Tôi nghe mắc cười quá, diễn không được
Hài Bảo Chung: Tuyển chọn ca sĩ
Nhiều người bán đĩa lậu video “Mưa bụi” cũng mua được mấy căn nhà
Đang là anh kép cải lương bỗng nhiên anh rẽ sang hài. Câu chuyện đó là như thế nào, thưa anh?
Hồi đó tôi là một trong 3 kép chính ở đoàn Bảo Toàn miền Trung. Tuy kép chính nhưng tôi ưa giỡn chọc ghẹo mọi người. Một lần, anh Vũ Đức chuyên đóng hề trong đoàn xin nghỉ phép về Sài Gòn. Ông bầu Bảo Toàn nhờ tôi đóng thế.
Ngày đó, một đêm diễn là 15.000 đồng. Ông bầu nói, nếu Bảo Chung chịu diễn thế Vũ Đức thì sẽ trả thêm 5.000 đồng là hai chục. Vì ham 5.000 mà tôi nhận lời. Có lẽ được Tổ đãi, tối đó khán giả cười rần rần. Cũng từ đó, tôi hát vai hề luôn.
Sau đó, tôi về đoàn Sài Gòn 1, Sài Gòn 3 và gặp anh Văn Chung, Bảo Quốc. Số tôi đi đâu cũng được người ta thương nhận làm đệ tử, con nuôi. Hồi mới về đoàn, không có tuồng nên tôi ngồi coi mấy anh trong đoàn hát. Không những thuộc tuồng mà tôi nhiễm anh Văn Chung hồi nào không hay.
Một lần anh Văn Chung đi show, tôi được diễn thế. Trưởng đoàn thấy tôi hát y Văn Chung thì bắt đầu để ý. Từ sau đó, tôi có uy tín dần và được anh Văn Chung nhận làm đệ tử.
Tại đây, tôi nổi lên với vở “Chắp cánh chim bằng”. Sau đó, về đoàn Trần Hữu Trang, tôi nổi thêm vai trưởng ấp trong vở “Bài ca tìm mẹ”. Một đêm diễn là 50.000 đồng.
Đang diễn ở Trần Hữu Trang tôi được bầu show Duy Ngọc gọi đi tấu hài. Một đêm diễn hai tụ điểm, mỗi tụ điểm 50.000 đồng. Vì ham số tiền gấp đôi hát cải lương nên tôi đi tấu hài.
May mắn là tôi có năng khiếu viết kịch bản nên khi Tùng Lâm nghỉ ở Trần Hữu Trang thì hai anh em ráp vô tấu hài hát liên khúc.
Thời đó tấu hài chỉ là hai người nói qua nói lại, chính tôi là người chế thêm liên khúc vào như Tình xa, Cò nhà và được khán giả rất thích.
Khi “Mưa bụi” ra mắt, tên tôi bắt đầu nổi lên. Đó là năm 1993, băng video ca nhạc đầu tiên được bán ra ngoài thị trường. “Mưa bụi” được khán giả yêu thích đến mức nhiều người bán đĩa lậu cũng mua được mấy căn nhà ở Sài Gòn.
Không buồn khi là Đệ Nhất danh hài nhưng không được đồng nghiệp công nhận
Cái tên Bảo Chung một thời rất được khán giả miền Bắc ái mộ, hẳn là anh cũng đi diễn miền Bắc không ít. Nhưng nghệ sĩ miền Nam nào lần đầu ra Bắc diễn cũng bị khớp, hụt hẫng vì khán giả không nghe, không hiểu. Anh có vậy không?
Nhiều lắm. Hồi đỉnh cao của “Mưa bụi”, một năm tôi diễn miền Bắc 6 tháng, Sài Gòn 3 tháng và 3 tháng đi nước ngoài. Tôi, anh Duy Phương, Hồng Vân, Tài Linh, Đình Văn là được khán giả thích nhất.
Mỗi lần ra Bắc diễn là đều phải có tiểu phẩm mới nhưng gặp rất nhiều sự cố.
Đúng như bạn nói, những danh hài ở miền Nam quen nói nhanh đến khi ra Bắc diễn nói khán giả không nghe được, không ai hiểu nên không ai cười.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên đem tiểu phẩm “Bao Công Kỳ cục án” ra Vinh diễn. Suốt 15 phút, khán giả không ai cười. Đêm sau là diễn ở Hà Nội mà cứ tình hình này thì nguy to. Diễn xong, tôi buồn lắm, thức sáng đêm không ngủ được.
5 giờ sáng tôi qua đánh thức Tấn Hoàng dậy. Hai anh em xuống dưới ngồi uống trà và bàn về kịch bản. Phải viết lại, phải dựng lại, làm thêm cái kiệu đi bằng chân có ô của em bé che bên trên lúc Bao Công thăng đường. 7 giờ sáng chúng tôi lên xe ra Hà Nội để tối diễn.
Kiệu không có người khiêng, tôi tự bê đi ra. Chắc tổ nghiệp thương, tôi vừa bước ra sân khấu, khán giả cười vỗ tay không ngớt, phải tầm 5 phút sau tôi mới diễn được. Tinh thần lên, tôi diễn duyên dáng suốt 5 đêm ở Hà Nội.
Diễn cho người Bắc xem, lâu lâu mình phải biết chêm vô mấy từ của người Bắc như “vô tư”, “ông này tinh tướng nhỉ”, khán giả rất thích, vỗ tay rần rần.
Đêm thứ 6, chúng tôi diễn phục vụ cho bác Võ Văn Kiệt xem. Bác thích lắm. Báo chí khen ngợi. Về Sài Gòn, rạp Hòa Bình nghe báo chí khen quá mời diễn 3 đêm liên tiếp. Báo chí tới lăng xê. Tôi đem kịch bản này đi thi Danh hài TPHCM và dành Huy chương vàng – Đệ Nhất danh hài năm 1999-2000.
Ở miền Nam có hai người được cả khán giả và đồng nghiệp xưng tụng Đệ Nhất danh hài và Đệ Nhị danh hài là NSƯT Bảo Quốc và nghệ sĩ Duy Phương. Bản thân anh hai lần đạt huy chương vàng cuộc thi Danh hài TPHCM năm 1996 và năm 2000 nhưng đồng nghiệp không ai gọi anh bằng danh xưng Đệ Nhất danh hài. Anh có chạnh lòng không?
Về cảm xúc cá nhân, tôi không buồn vì bản thân tôi không thích danh xưng đó cũng như tôi không thích danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Nếu thích, tôi đã là Nghệ sĩ ưu tú lâu rồi nhưng tôi không muốn mình bị ràng buộc, bị áp lực lên sân khấu sẽ mất duyên.
Tôi cũng sợ người ta gọi mình là Đệ Nhất danh hài dù tôi hai lần đạt huy chương vàng cuộc thi đó. Tôi luôn coi anh Bảo Quốc như người anh cả mà tôi ái mộ. Nghệ danh Bảo Chung của tôi được ghép từ tên của anh Bảo Quốc và thầy tôi – nghệ sĩ Văn Chung mà ra.
Các bầu show mời tôi đều ghi Danh hài hải ngoại Bảo Chung hoặc Đệ Nhất danh hài Bảo Chung, tôi đã nói họ đừng ghi như vậy nhưng không được. Bầu show nói để họ còn bán vé thì mình đành chịu.
Khi báo chí phỏng vấn, tôi cũng luôn dặn đừng ghi Đệ Nhất danh hài, tôi không muốn làm mất lòng ai.
Đệ Nhất danh hài vẫn đi diễn tiệc cưới
Khi thành danh có tên tuổi hầu như chẳng nghệ sĩ nào chịu đi hát, đi tấu hài ở đám cưới. Còn anh thì ngược lại. Lần đầu tiên đi diễn ở đám tiệc của anh như thế nào?
Hồi đó anh Duy Phương làm bầu show. Anh nhận hai tiệc cưới ở Chợ Lớn và mời tôi. Tôi đem hai tiểu phẩm giúp mình giành giải Đệ Nhất danh hài đi diễn nhưng không ai cười.
Tôi diễn tới đâu, mồ hôi tuôn tới đó. Tôi nói với anh Duy Phương “Em diễn không hay hay sao mà không ai cười”? Anh Duy Phương bảo “Diễn đám tiệc là để lấy tiền. Kệ đi, hát kiếm tiền đi”.
Qua đám tiệc thứ hai cũng y chang. Mọi người không ai cười. Lúc đó tôi hụt hẫng lắm và rất sợ. Mình đang diễn sân khấu quen khán giả cười quá trời mà diễn đám tiệc không ai cười tiếng nào.
Sau lần đó, tôi không nhận diễn đám tiệc nữa.
Chẳng phải hiện tại anh đang diễn sự kiện nhiều hơn cả sân khấu ư?
Đúng. Khi về Việt Nam, sân khấu không còn. Cả Sài Gòn chỉ có mỗi Trống Đồng hoạt động, tôi phải chấp nhận đi event, đám tiệc để được làm nghề. Và thực sự thì diễn sự kiện như vậy lương rất cao, gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần diễn sân khấu nên mình phải đi chứ.
Sau này, tôi ngộ ra một điều. Thứ nhất khách đám tiệc lần đó là người Tàu, mình nói nhanh quá, họ không nghe kịp. Thứ hai, diễn đám tiệc, họ mải ăn, mải nói chuyện, thậm chí quay lưng lại với sân khấu thì việc họ không cười là bình thường.
Mới đây, tôi đi diễn một đám tiệc cưới hơn 1.600 khách. Tôi vừa đến, khán giả bu lại xin chụp hình, hỏi thăm. Tôi cười mỏi miệng. Họ phải thương mình thì mới như vậy nhưng lúc diễn cũng chẳng ai cười. Không phải mình diễn dở mà là miệng họ đang ngậm thức ăn thì không thể rần rần như lúc mình diễn sân khấu được.
Bù lại tôi nhận được những niềm vui khác. Chẳng hạn, chủ nhân đám tiệc rất vui. Họ hãnh diện vì đám cưới của họ có ngôi sao để lưu lại làm kỷ niệm trong album ảnh và video.
Danh hài Bảo Chung ngồi ghế nóng gameshow.
Hay diễn ở dưới quê, khách khứa tuy ăn uống không cười nhưng lối xóm nghe có Bảo Chung về, họ kéo lại xem rất đông. Họ đứng ngoài rìa coi, tiếng cười vọng lên làm mình rất có hứng diễn.
Khi hiểu được tâm lý như vậy thì không còn sợ diễn đám tiệc nữa mà xem nó là công việc của mình.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Theo Trí Thức Trẻ
Danh hài Bảo Chung: Một ngày kiếm vài cây vàng đưa vợ giữ hết
"Thời hoàng kim, tôi làm một đêm mấy cây vàng nhưng đưa vợ giữ hết, mỗi ngày xài chưa hết 100.000 đồng", danh hài Bảo Chung kể.
Tôi gặp danh hài Bảo Chung tại một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ giữa buổi chiều khá nóng của Sài Gòn.
Trước mỗi câu hỏi của tôi, anh đều nhấp một ngụm trà, rít một hơi thuốc lá rồi mới trả lời nhưng gọn ghẽ và vào thẳng vấn đề...
" Anh em hải ngoại về nước không phải vì bên đó không có chỗ diễn"
Vài năm trở lại đây, nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn ồ ạt. Là người trong cuộc, anh lý giải điều này như thế nào?
Anh em hải ngoại về nước không phải vì bên đó không có chỗ diễn. Ở Mỹ, người nào hot lắm thì mỗi tuần cũng chỉ diễn hai show cuối tuần, những ngày còn lại nằm chơi. Trong khi ở Việt Nam, anh em được làm hàng đêm.
Người ta nói "văn ôn võ luyện", khi mình không luyện thường xuyên thì đầu và nghề sẽ bị mòn, không sáng tạo được. Hầu hết những anh em nghệ sĩ ra nước ngoài đã quen cuộc sống rồi thường không muốn về Việt Nam nhưng đã về thì ai cũng thích làm nghề trong nước bởi công việc nhiều hơn.
Riêng cá nhân tôi, 8 năm trước qua Mỹ định cư. Suốt 4 năm liền không về nước. Qua năm thứ 5, tôi mới về Việt Nam quay Vân Sơn 49. Khi về, thấy mình được mời nhiều quá nên tôi quyết định đi lại giữa hai nước luôn.
Năm trước, tôi diễn ngoại quốc nhiều nhưng năm nay, tôi gần như chỉ làm trong nước. Một năm chỉ có 2 tuần diễn ở Mỹ.
Tôi chưa bao giờ nhận mình là danh hài hải ngoại như một số bầu show quảng cáo. Hoài Linh, Bảo Liêm, Vân Sơn, Chí Tài nổi lên từ hải ngoại sau đó về Việt Nam hoạt động thì mới là danh hài hải ngoại. Còn tôi sinh ra, lớn lên, làm nghề và được khán giả biết tên tuổi là từ Việt Nam, chẳng qua sau này tôi qua Mỹ định cự thôi.
Sau 8 năm trở về, anh thấy khán giả ngày xưa và bây giờ đón nhận mình như thế nào?
Đương nhiên là thay đổi nhiều. Bây giờ là đương thời của những cái tên như Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành... Khán giả vẫn đón nhận tôi nhưng với tư cách là một nghệ sĩ tên tuổi ngày xưa thôi.
Ngày xưa một đêm diễn 2.000, 3.000 khán giả. Cả thành phố hàng chục tụ điểm sáng đèn. Họ đến để thưởng thức nghệ thuật, để được gặp thần tượng mà mình yêu mến trên phim ảnh.
Còn bây giờ, tụ điểm không còn. Cả thành phố chỉ sân khấu Trống Đồng hoạt động mà đêm nào nhiều nhất cũng chỉ 1.000 khán giả trở lại. Họ gặp Bảo Chung vẫn yêu mến xin chụp hình, ôm ấp nhưng họ đến không phải để xem mình diễn như trước.
Thời đại công nghệ, internet phát triển quá mạnh, trên youtube, tivi cái gì cũng có. Họ chỉ cần ngồi nhà là đã xem được đầy đủ nên không có nhu cầu xem nghệ sĩ diễn trực tiếp như trước. Chỉ những khán giả yêu thích nghệ sĩ, yêu thích sân khấu lắm và có tiền mới đến sân khấu.
Chưa kể gameshow, livestream quá nhiều. Ngày xưa một tiểu phẩm tôi diễn từ 3 đến 5 năm khán giả vẫn thích xem nhưng bây giờ chỉ 3 tháng là nhàm.
Lý do rất dễ hiểu là mình diễn ở trên, dưới khán giả ngồi livestream. Diễn hài phải có yếu tố bất ngờ thì khán giả mới cười. Nay mình diễn điểm này, khán giả livestream chia sẻ trên facebook. Qua tới điểm sau, mình chưa nói, đám nhỏ ở dưới đã thuộc rồi thì làm sao cười.
Cách thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày nay buộc nghệ sĩ phải lao động và sáng tạo liên tục. Nhưng cũng chính điều đó dẫn tới tình huống "quá tải". Nghệ sĩ không đáp ứng kịp ý tưởng, tiểu phẩm nên đa số các tiểu phẩm được hình thành sơ sài, diễn cương, làm kiểu chộp giật...?
Bạn nói đúng. Cách thưởng thức của khán giả thay đổi thì buộc nghệ sĩ phải lao động không ngừng. Lười là chết.
Ngày xưa, diễn một tiểu phẩm mấy năm khán giả vẫn thích nên mình lười sáng tạo. Thậm chí có những tiểu phẩm tôi xin đổi mà bầu show và khán giả không chịu, bắt diễn đi diễn lại.
Nhưng bây giờ, một tiểu phẩm mà diễn 3 buổi là khán giả nói có đó mà làm đi làm lại hoài. Bây giờ là thời mì ăn liền. Xu hướng của khán giả là thích cười liền.
Hồi mới về nước, làm việc với các diễn viên trẻ tôi bị khớp. Thế hệ chúng tôi từ xưa đến giờ làm gì cũng phải có kịch bản. Đọc kịch bản, tôi biết vai mình như thế nào. Tôi không thể nói sơ sơ, ráp sơ sơ với nhau rồi nhảy lên sân khấu diễn cương được.
Không chỉ sân khấu mới có kiểu kịch bản vài trang rồi diễn viên tự xây đắp cho ra nhân vật của mình đâu, quay ti vi bây giờ cũng vậy. Kịch bản chỉ là khung sườn thôi.
Hồi mới về, mỗi ngày quay 5, 7 tiểu phẩm khiến tôi đau đầu lắm vì mình phải nghĩ liên tục. Họ đưa ra kịch bản mà không có gì để diễn, lại phải nghĩ sao cho có cái làm. Nhưng cũng chính vì thế mà diễn viên trẻ ngày nay khá đa năng, các bạn có tư duy về kịch bản rất tốt.
Tôi mất 3 tháng để làm quen với xu hướng mới này. Tôi phải vận dụng hết kinh nghiệm, chất xám ra để làm. Như tôi vừa nói với bạn, mấy năm ở Mỹ, ít hoạt động nên đầu mình bị "mòn". Tôi không suy nghĩ nhanh nhạy được nên phải làm quen lại.
Cũng may tôi tiếp thu lẹ nên mình chỉ chậm chứ chưa đến nỗi. Khi làm việc quen, hiểu ý nhau thì diễn trơn tru và ăn rơ.
Thời hoàng kim, một đêm cát xê mấy cây vàng
Bên cạnh đàn anh lẫy lừng như Bảo Quốc, Duy Phương thì Hồng Tơ, Bảo Chung là những cái tên đình đám một thời. Anh có thể giúp khán giả trẻ bây giờ hiểu hơn về thời hoàng kim trong sự nghiệp của mình?
Thời điểm đó tấu hài rất thịnh. Cả thành phố hàng chục sân khấu đêm nào cũng sáng đèn như sân khấu Trống Đồng, 126, Chăm Pa, Điểm hẹn Sài Gòn, Nhà hát Thành phố, Đầm Sen, Sở Thú, Mai Vàng, 135 Hai Bà Trưng, Lan Anh, rạp Hòa Bình...
Thế hệ đi trước có anh Bảo Quốc, Duy Phương. Tôi và Hồng Tơ nổi lên sau đó. Ngày thường chạy 3, 4 show. Cuối tuần 7-8 show, dịp lễ Tết thường gấp đôi.
Có những ngày biểu diễn ở Sở Thú Thảo Cầm Viên, tôi đi xe máy mà phải đậu cách 200m để chạy bộ vào vì quá đông và đường kẹt xe. Tài xế ngồi giữ xe, diễn xong tôi lao ra là chạy tiếp điểm khác cho kịp giờ.
Đương thời, nghệ sĩ nào cũng tiêu tiền như nước. Còn anh?
Người khác tôi không biết nhưng Bảo Chung không biết đến tiền. Tôi làm được bao nhiêu đưa vợ giữ hết. Tôi chỉ biết làm nghệ thuật thôi.
Ngày đó tôi làm một đêm cát xê mấy cây vàng nhưng tiền xài mỗi ngày chưa hết 100.000 đồng. Đi diễn, ăn uống có gia đình lo. Xăng xe có tài xế lo. 100.000 đồng là để dằn túi uống nước mà nhiều khi cũng không uống vì đi phim, cơm nước có đoàn phim lo.
Tôi đi làm vì ham việc, ham nghề chứ không phải ham tiền. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi cát xê thế này thế kia. Thời đó, tôi nổi tiếng ngang Hồng Tơ nhưng quay phim xong, họ trả tôi 200.000, trả Hồng Tơ 700.000, tôi cũng không nói.
Tôi không dám nhận mình dễ thương nhưng dễ chiều người ta. Thế nào cũng được. Tôi chưa bao giờ nói lương với bầu show. Nhờ mình làm rẻ lại dễ thương nên có show hoài. Người này mời, người kia mời, việc làm không có thời gian nghỉ.
Sau video quay với anh Bảo Quốc, Duy Phương, tôi được bầu show bên Mỹ chú ý. Họ gọi về đặt hàng và yêu cầu phải có Bảo Chung. Bầu show tự nâng giá lên 400.000 rồi 600.000, 800.000, 1 triệu lúc nào tôi cũng không để ý vì được mời quay là mừng lắm rồi.
Từ từ, cát xê của tôi lên 3 triệu, Hồng Tơ vẫn 700.000 đồng. Anh Bảo Quốc quay một tuồng 1.5 triệu nhưng Rạng Đông trả tôi 3 triệu, tương đương 6, 7 chỉ vàng.
Giờ anh còn giữ thói quen làm được nhiêu đưa vợ hết còn mình chỉ cầm 100.000 đồng nữa không?
Không. Giờ tôi tự quản lý tiền của mình. Thứ nhất là vì bây giờ show không còn được như xưa. Bây giờ một tháng mình chỉ làm nửa tháng thôi. Ví dụ, hôm nay nhận show này 20 triệu. Ngày mai mình nghỉ thì phải tính tiêu xài thế nào cho hợp lý.
Ngày xưa chưa có ngân hàng, nghệ sĩ nào cũng nhận tiền mặt. Diễn xong, bầu show bỏ bao thơ cát xê rồi về. Còn bây giờ có tài khoản ngân hàng, bầu show trả thẳng cát xê vô đó, không sợ ai giật nợ. Nhưng nhiều khi hát xong đi về, cảm giác buồn buồn như mình không có lương dù họ đã trả đầy đủ vào tài khoản của mình rồi.
Lúc đương thời, anh có bị bệnh ngôi sao không?
Lúc đương thời việc không hết thì làm gì có thời gian mà bệnh ngôi sao. Hồi đó, Việt Nam lần đầu tiên có video ca nhạc, cải lương nên ai cũng làm say mê. Càng tên tuổi lớn, càng làm cật lực.
Nhiều khi cầm bánh mì ăn, nuốt chưa tới họng đã phải quẳng bánh ra để chạy lên sân khấu diễn, nước cũng không kịp uống. Chạy xe honda ngoài đường, tài xế chở vừa đi vừa ăn. Ăn xong, mình ngồi trước chở cho tài xế ăn.
Diễn tiểu phẩm xong là 12 giờ khuya, chạy vô phòng thu, thu tới 2, 3 giờ sáng rồi lăn ra ngủ luôn, 6 giờ sáng lại dậy chạy ra đoàn phim.
Cứ như vậy. Có những ngày, chạy ngang qua nhà mấy lần mà không tạt được về nhà vài phút. Điểm diễn và nhà cách nhau một đoạn mà phải chạy đi ngay. Diễn lẹ điểm này rồi sang điểm kia. Diễn nhanh quá, bầu show cự không chịu.
Có những đêm chạy 5 show, từ tỉnh này qua tỉnh kia. Chạy nhanh tới nỗi mình nghĩ chỉ cần đụng cục đá là xe có thể lật bánh tai nạn. Mà hên, không có chuyện gì xảy ra.
Công việc hiện tại của anh vẫn là tấu hài nhưng anh có dự định diễn kịch dài không?
Tôi từng diễn ở sân khấu Hồng Vân nhưng cảm thấy tốn thời gian quá. Tôi lớn tuổi rồi, có thể chỉ diễn được 5, 10 năm nữa là phải nghỉ.
Tôi thích đi diễn tỉnh, gặp trực tiếp khán giả ở xa hơn. Ngày trước tôi đi diễn, còn bây giờ là vừa đi diễn vừa đi du lịch. Tôi tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương để tư duy viết kịch bản cho những dự án tiếp theo.
Hiện tại, tôi chủ yếu diễn tỉnh và sự kiện. Ngoài ra tôi đi phim, quay MV ca nhạc cho đàn em. Sắp tới, tôi sẽ làm sitcom hài trên kênh youtube của tôi. Tôi tự viết kịch bản, đạo diễn và đóng chính luôn. Dự án này gồm 50 tập, mỗi tập từ 5-7 phút. Tháng 11 tôi sẽ bấm máy.
Cảm ơn anh đã chia sẻ và chúc anh sức khỏe, đắt show!
Theo Trí Thức Trẻ
Cuộc sống hiện tại của những sao Việt từng vỡ nợ hàng tỷ đồng Từng là những tên tuổi vô cùng nổi tiếng trong showbiz Việt, họ đã có thời gian lâm vào cảnh khốn cùng vì nợ nần. Cuộc sống hiện tại của họ ra sao? Từng lâm vào cảnh khốn cùng khi vướng phải những khoản nợ với con số lên đến hàng tỷ đồng, cuộc sống của những sao Việt này giờ ra sao?...