Báo chí quốc tế sôi sục vì cuộc tranh luận cuối giữa Trump và Clinton
Việc phiên tranh luận tổng thống Mỹ cuối cùng mở đầu và kết thúc mà không có cái bắt tay nào giữa hai ứng viên đang trở thành một chủ đề thu hút nhiều chú ý.
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton tại phiên tranh luận tổng thống lần ba. Ảnh: Reuters
Hàng loạt trang báo, hãng tin lớn trên thế giới hôm nay cùng đưa tin nổi bật về phiên tranh luận tổng thống Mỹ thứ ba, cũng là lần cuối cùng của hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng Donald Trump và Hillary Clinton. Đặc biệt, việc nhà tài phiệt New York và cựu ngoại trưởng Mỹ từ chối bắt tay kể cả khi mở màn lẫn lúc kết thúc chương trình thu hút được nhiều quan tâm.
“Clinton và Trump xuất hiện trên bục phát biểu tại Đại học Nevada, Las Vegas, họ lại bỏ qua cái bắt tay truyền thống giống như những gì từng xảy ra tại cuộc tranh luận hồi tuần trước ở St. Louis, Missouri. Nhưng lần này họ còn không bắt tay lúc cuộc tranh luận khép lại”, Reuters viết.
Theo hãng tin của Anh, cuộc tranh luận tổng thống thứ ba là cơ hội hiếm hoi còn lại để cả hai ứng viên lật ngược tình thế. Ông Trump có thể tận dụng thời cơ để giành ủng hộ từ những cử tri còn phân vân, trong khi đó phiên tranh luận là sân khấu để Clinton dõng dạc tuyên bố vì sao bà xứng đáng là người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama.
Reuters đánh giá hai ứng viên tổng thống Mỹ đã có một cuộc tranh luận căng thẳng, đi sâu vào nhiều vấn đề như phá thai, kiểm soát súng đạn hay nhập cư. Đôi bên “thỉnh thoảng phản ứng một cách giận dữ”.
Kênh CNN, Mỹ, nhật báo Straits Times của Singapore, trang tin Times of India của Ấn Độ cùng rất nhiều tờ báo khác cũng đưa riêng các bài viết về việc Trump và Clinton không bắt tay.
Hãng thông tấn AP trong khi đó lại đăng một bài kiểm chứng các thông tin mà ông Trump và bà Clinton đưa ra trong cuộc tranh luận. Theo AP, “Donald Trump đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm thiếu chính xác về ngành sản xuất ở Mỹ còn Hillary Clinton thì vẫn tiếp tục biện hộ rằng kế hoạch chi tiêu bà theo đuổi không làm gia tăng nợ của nước Mỹ”.
New York Post đánh giá phiên tranh luận tổng thống lần ba mở đầu khá suôn sẻ khi các ứng viên chủ yếu tập trung vào những vấn đề chính sách. Tuy nhiên, càng về cuối, cuộc đối đầu càng trở nên nóng hơn khi đôi bên liên tiếp tung ra những đòn tấn công cá nhân nhằm vào đối thủ.
Video đang HOT
Bà Clinton. Ảnh: Reuters
Kết quả từ một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy 52% số người được hỏi nói bà Clinton chiến thắng cuộc tranh luận cuối. Tỷ lệ dành cho ông Trump là 39%.
Song bình luận viên Richard Walker từ kênh truyền hình DW, Đức, cho rằng không có người chiến thắng rõ ràng trong phiên tranh luận tổng thống cuối cùng.
“Cả hai ứng viên ở một chừng mực nào đó đều thể hiện khá vững vàng”, ông nhận xét. Nhưng theo Walker, nhà tài phiệt New York vẫn không làm được gì nhiều trong việc gây ấn tượng đối với các cử tri nằm ngoài nhóm ủng hộ cốt lõi.
Politico lại tỏ ra nghiêng về phía bà Clinton khi đăng bài viết với nhan đề “Clinton giáng đòn mạnh vào Trump”. Trang tin này cho rằng bà Clinton đã “kiểm soát tốt sân khấu tranh luận ở Las Vegas, giăng bẫy Donald Trump ở vấn đề nhập cư và mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Cùng chung quan điểm, theo cây bút Anthony Zurcher từ BBC, Trump đã “không có một buổi tối tốt đẹp” ở Las Vegas.
Mặt khác, việc Trump né tránh trả lời câu hỏi của người điều phối về việc liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử cuối cùng hay không cũng khiến giới chuyên gia chú ý.
Bình luận viên Jake Tapper từ CNN đánh giá Trump rõ ràng đã trở thành người thua cuộc khi ngụ ý rằng ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử.
Theo cây bút Stephen Collinson cũng từ CNN, việc Trump từ chối nói sẽ chấp nhận kết quả bầu cử nếu ông thua cuộc trước bà Clinton mở ra khả năng dẫn tới một tương lai mà ở đó các nguyên tắc đã góp phần củng cố nền dân chủ Mỹ suốt hơn hai thế kỷ qua bị phá vỡ.
South China Morning Post thì cho rằng ông Trump đã “gây choáng váng” khi ngỏ ý không chấp nhận kết quả bầu cử và gọi đối thủ Clinton là “mụ đàn bà xấu xa” khi phiên tranh luận chuẩn bị kết thúc.
Bên cạnh đó, hành động khiếm nhã của ông Trump cũng khiến mạng xã hội sôi sục. “Đó là một trong những sự xen ngang kỳ lạ nhất của ông Trump và nó mau chóng thu hút khán giả xem tranh luận trực tiếp tại nhà và khiến mạng xã hội Twitter cũng dậy sóng”, New York Magazine bình luận.
Ông Trump. Ảnh: Reuters
Vũ Hoàng
Theo VNE
Chuyên gia Mỹ: 'Trump khó thay đổi cục diện trong tranh luận lần ba'
Giới quan sát Mỹ nhận định ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa sẽ không tạo nên bất ngờ gì trong cuộc tranh luận trực tiếp ngày mai, điều đó càng làm giảm cơ hội bước qua cánh cửa Nhà Trắng của ông.
Cuộc tranh luận thứ ba giữa bà Clinton và ông Donald Trump được dự báo khó có bất ngờ. Ảnh: Patch
"Không có lý do gì khiến cuộc tranh luận lần ba giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton sẽ khác với hai cuộc trước đó. Ông Trump đã thiết lập nên bầu không khí "cơ bắp" của các cuộc tranh luận", Giáo sư Ross Baker, Đại học Rutgers, Mỹ, đánh giá với VnExpress.
Cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào 9h tối 19/10, theo giờ miền Đông ở Bắc Mỹ (8h sáng 20/10 giờ Hà Nội), tại Đại học Nevada, thành phố Las Vegas, bang Nevada.
Ông Baker cho rằng nội dung chính tranh luận sẽ xoay quanh các vấn đề cá nhân của hai ứng viên, hơn là tập trung vào các vấn đề chính sách của nước Mỹ.
Cùng có chung quan điểm, Tiến sĩ Chris Haynes, Đại học New Haven, dự báo cuộc tranh luận lần ba sẽ không mang lại bất ngờ gì cho công chúng.
"Tôi nghĩ lúc này bất ngờ duy nhất là không có điều bất ngờ. Chiến dịch tranh cử năm nay đã có quá nhiều lối hùng biện, chiến thuật và hành động bất ngờ, đặc biệt là về phía ông Trump. Do đó tôi không thấy trước điều gì gây ngạc nhiên", Haynes nói.
Theo chuyên gia này, tỷ phú Mỹ sẽ tiếp tục lên án bà Clinton như ông đã thể hiện trong hai tranh luận trước. Có thể ông sẽ tập trung vào các email mới bị công bố của cựu ngoại trưởng.
Hôm 8/10, trang web Wikileaks đã công bố các bài phát biểu được ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton giấu kín nhiều năm qua. Bà từng từ chối công khai các bài phát biểu từ năm 2013 và 2014, được cho là giúp bà thu về khoảng 26 triệu USD. Wikileaks cũng tung ra hàng nghìn email chứa các cuộc trao đổi của trợ lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, John Podesta, từ nhiều năm trước và cả tháng trước. Ông Podesta cáo buộc vụ rò rỉ là một vụ tấn công mạng của Nga và có thể chúng đã bị làm giả.
Theo Tiến sĩ Haynes, tỷ phú Mỹ sẽ tiếp tục lên án hệ thống chính trị của nước này, tấn công truyền thông và các đảng chính trị. Trước diễn biến đó, bà Clinton sẽ giành được lợi thế lớn nếu thể hiện sự "thanh cao" như Đệ nhất phu nhân Michelle Obama nói, tập trung vào tầm nhìn lâu dài cho nước Mỹ khi bà trở thành tân tổng thống. Tuy nhiên ông Haynes cho rằng sự thể hiện của cựu ngoại trưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các câu hỏi do Chris Wallace, điều phối viên cuộc tranh luận, nêu ra.
Nói về những điều hai ứng viên tổng thống cần làm sau cuộc tranh luận cuối này, Tiến sĩ Haynes cho rằng bà Clinton cần vẽ bức tranh rõ ràng về tầm nhìn của nước Mỹ mà bà muốn tạo dựng, hợp tác với các thành viên đảng Cộng hòa để tìm ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhất của Mỹ. Chuyên gia này cũng cho rằng bà Clinton nên thực hiện nhiều chương trình talk show như Ellen, The View, để thể hiện hình ảnh mềm mại hơn.
Về phía tỷ phú Trump, tiến sĩ Haynes đánh giá ông cần "hạ nhiệt" thuật hùng biện của mình và cư xử giống như một ứng viên tổng thống hơn. Vấn đề chính của ông Trump là tính khí của ông. Những điều như tuyên chiến với Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Paul Ryan, cáo buộc hệ thống bầu cử tồi tệ hay bất công, gièm pha chương trình giải trí Saturday Night Live (SNL), chỉ càng làm tăng phản ứng tiêu cực với ông Trump. Trong chương trình của SNL hôm 3/10, diễn viên Alec Baldwin đã hóa trang thành ông Trump, miêu tả lại cuộc tranh luận đầu tiên một cách hài hước. Nói cách khác, ứng viên của đảng Cộng hòa cần kiềm chế và lắng nghe lời khuyên của người quản lý chiến dịch tranh cử của ông là Kellyanne Conway. Tuy nhiên chuyên gia Haynes khẳng định ông Trump sẽ không thực hiện những điều đó.
"Tôi không nghĩ tỷ phú Mỹ sẽ có thêm người ủng hộ. Hầu hết cử tri đến lúc này đã đưa ra quyết định sẽ bầu ai. Số lượng cử tri chưa quyết định còn rất ít, nếu ông Trump có nhận được thêm vài người thì điều đó cũng không thể ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng", Giáo sư Baker nhấn mạnh.
Việt Anh
Theo VNE
Lo ngại Trump thua cuộc có thể kích động bạo lực ở Mỹ Những cáo buộc gian lận của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump có thể kích động tâm lý bạo lực đối với các cử tri ủng hộ trong trường hợp ông thất bại trước bà Hillary Clinton với cách biệt sít sao. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa cho rằng cuộc bầu cử đã bị sắp đặt gây bất lợi cho...