Báo chí quốc tế đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Obama
Hàng loạt tờ báo, hãng thông tấn lớn đưa tin và bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, dự đoán xem ông sẽ có “quyết định lịch sử” nào.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama được nhìn nhận như một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Việt – Mỹ đang ngày càng trở nên khăng khít. Ảnh minh họa: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần tới có chuyến thăm Việt Nam ba ngày, từ 23/5 đến 25/5. Sự kiện được báo chí quốc tế quan tâm bởi ông Obama mới chỉ là tổng thống Mỹ thứ ba đến Việt Nam từ sau khi chiến tranh kết thúc, đồng thời đây cũng là chuyến công du Việt Nam đầu tiên của ông Obama trong hai nhiệm kỳ.
New York Times trong bài viết với tiêu đề “Obama đến Việt Nam, hướng tới tương lai hơn là nhìn về quá khứ” cho rằng chuyến thăm lần này sẽ trở thành tâm điểm của báo giới. “Hàng trăm phóng viên, nhà báo, nhà quay phim sẽ theo sát mọi bước đi” của ông Obama, tờ báo viết.
Chuyến công du Việt Nam không chỉ giúp tổng thống Mỹ củng cố chính sách xoay trục sang châu Á mà mặt khác, đây còn là cơ hội để ông thắt chặt mối quan hệ về an ninh, kinh tế với một đối tác đang ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực, cây bút Gardiner Harris từ báo này bình luận. Ngoài ra, chuyến công du sẽ làm “trào dâng cảm xúc” trong lòng các cựu binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam và tiếp tục kéo dài tranh cãi dường như chưa bao giờ dứt về hậu quả của cuộc chiến năm xưa.
Trang tin điện tử IBTimes miêu tả Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Chuyến thăm của ông Obama là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối quan hệ an ninh, kinh tế Việt – Mỹ đang ngày một khăng khít. Chuyến công du càng có ý nghĩa hơn khi mà nó diễn ra chỉ vài tháng sau khi Mỹ, Việt Nam cùng 10 quốc gia khác ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cánh cửa rộng để Mỹ tiếp cận gần hơn với Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực về mặt thương mại.
Tờ Strait Times của Singapore dẫn lời ông Daniel Kritenbrink, giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng về Vấn đề châu Á, cho hay những bước tiến triển trong quan hệ Việt – Mỹ là rất đáng chú ý.
“Tôi thấy rất ấn tượng, nếu không muốn nói là ngoạn mục, mỗi khi nghĩ đến việc chúng ta đã đi xa đến đâu cũng như những tiến bộ mà người dân, chính phủ hai nước đạt được. Thực tế, chúng ta hiện hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đối với tất cả mọi vấn đề, từ kinh tế và quan hệ thương mại đến quân sự”, ông Kritenbrink nói.
Theo báo này, ông Obama sẽ tập trung bàn thảo về TPP và mối quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới.
Chicago Tribune hôm qua đăng tải một bài xã luận bàn về mối quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ trước thềm chuyến thăm. Tờ báo điểm lại lần cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W. Bush đến Việt Nam hồi năm 2000 và 2006, đồng thời khẳng định Việt Nam hiện là đối tác kinh tế đặc biệt quan trọng của Mỹ ở châu Á.
Video đang HOT
Một số trang tin, tờ báo, tạp chí, hãng thông tấn lớn, có uy tín, nhưReuters, AP, Forbes, USA Today… đều nhận định vấn đề Biển Đông và khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam sẽ là hai trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Obama.
Theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia an ninh quốc phòng tại Học viện Quốc phòng Australia, đây là thời điểm chính trị phù hợp để tổng thống Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
USA Today dẫn lời ông Thayer nhận xét Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, chẳng hạn như xử lý bom mìn còn sót lại và khắc phục hậu quả chất độc da cam mà Mỹ từng rải xuống Việt Nam. “Chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí, đưa ra cam kết về xử lý chất độc da cam, đó là những di sản của ông Obama. Di sản đó sẽ được chính quyền kế cận tiếp nối thực hiện”, ông nhấn mạnh.
Reuters dẫn thông báo từ Nhà Trắng cho biết ông Obama đang cân nhắc kỹ lưỡng “quyết định lịch sử” dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Theo hãng tin Anh, những ý kiến ủng hộ việc gỡ bỏ hoàn toàn hoặc ít nhất nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong bộ máy chính quyền Mỹ cũng như tại Đồi Capitol (quốc hội Mỹ) bởi bước đi này sẽ góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai nước cựu thù, đưa Hà Nội và Washington đến gần nhau hơn để cùng đối phó với các nguy cơ về an ninh trong khu vực.
Động thái dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ cho phép Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang trong bối cảnh căng thẳng khu vực không ngừng gia tăng trước những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, báo Sydney Morning Herald của Australia nhận định.
Báo Stars and Stripes thì cho rằng khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, Mỹ sẽ có thể cung cấp cho Việt Nam các công nghệ, phương tiện giám sát trên biển quan trọng, ví dụ như máy bay trinh sát chống ngầm P-3 Orion.
Cùng chung quan điểm, hãng tin AP suy đoán ông Obama sẽ tháo gỡ những hạn chế về buôn bán vũ khí đối với Việt Nam nhân chuyến thăm lần này. Điều đó giúp loại bỏ “dấu tích cuối cùng” của cuộc chiến tranh năm xưa.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam hiện nay là vấn đề nhân quyền. Một số tổ chức, cá nhân ở Mỹ đã yêu cầu ông Obama xem xét kỹ vấn đề này, coi đây như một điều kiện để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí.
Economic Times đánh giá lần đến Việt Nam của ông Obama sắp tới không chỉ mở ra một chương mới cho quan hệ song phương mà đây còn là sự kiện mang tính cột mốc. Nhật báo Ấn Độ điểm qua lịch trình làm việc của tổng thống Mỹ trong thời gian ở Việt Nam và kết luận mối quan hệ Việt – Mỹ đang dần trở nên “sâu sắc” và “đa dạng” hơn theo thời gian.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Quan chức Mỹ tiết lộ lịch trình của Tổng thống Obama tại Việt Nam
Hai quan chức cấp cao Mỹ hôm qua tổ chức họp báo, công bố các nội dung đàm phán trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters.
Giám đốc Cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về Các vấn đề châu Á Daniel Kritenbrink và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel hôm qua tổ chức họp báo tại Washington để trao đổi thông tin về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Kritenbrink cho biết chuyến thăm giúp củng cố cam kết của ông Obama về tái cân bằng châu Á. Đây là chuyến thăm thứ 10 của ông với tư cách tổng thống đến khu vực. "Chuyến thăm có hai yếu tố quan trọng trong tái cân bằng. Thứ nhất là thiết lập quan hệ đối tác mới với những quốc gia đang trỗi dậy trong khu vực như Việt Nam. Thứ hai là tăng cường quan hệ với đồng minh như Nhật Bản", ông Kritenbrink cho biết.
Tổng thống Obama khởi hành đến Việt Nam vào ngày 21/5. Tại Hà Nội, ông Obama sẽ dự nhiều cuộc gặp và sự kiện với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Trần Đại Quang và có thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông dự kiến có bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ và gặp gỡ thành viên xã hội dân sự.
Tổng thống Obama sau đó đến thành phố Hồ Chí Minh, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI), doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tổng thống Obama thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam về cách tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, nhân dân với nhân dân, an ninh, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới.
Về hợp tác kinh tế, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm nổi bật cả tiến trình và tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ. Tác động chiến lược và kinh tế từ TPP sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Một số thỏa thuận thương mại tiềm năng khác cũng có thể được đề cập đến.
Về hợp tác an ninh, một trong những yếu tố định hình quan hệ đối tác Việt - Mỹ trong thế kỷ 21, hai nước có cùng cam kết thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp ở châu Á - Thái Bình Dương để các quốc gia có thể theo đuổi mục tiêu một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Hợp tác quân sự song phương bao trùm nhiều lĩnh vực, từ viện trợ nhân đạo và thảm họa đến gìn giữ hòa bình. "Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Việt Nam về cách thức hai bên có thể phối hợp để tăng cường năng lực an ninh trên biển của Việt Nam", ông Kritenbrink nói.
Về hợp tác giữa nhân dân với nhân dân và giáo dục, hai hoạt động này giúp tăng cường lòng tin và sự hiểu biết giữa người dân hai nước. Việt Nam là quốc gia có nhiều sinh viên du học tại Mỹ nhất trong số các nước Đông Nam Á, gần 12.000 người Việt Nam đang tham gia YSEALI. Điều đó cung cấp nền tảng mạnh mẽ cho phát triển quan hệ song phương trong các thập kỷ tới.
Về các vấn đề khu vực và thế giới, Việt Nam và Mỹ đang hợp tác trên mọi lĩnh vực từ sức khỏe, không phổ biến vũ khí, biến đổi khí hậu đến gìn giữ hòa bình, chống buôn lậu động vật hoang dã.
"Tất cả những lĩnh vực hợp tác và kết quả chúng tôi đạt được trong hơn 20 năm qua tạo ra nền tảng vững chắc cho các thành tựu chúng tôi sẽ đạt được trong 20 năm tới và xa hơn", ông Kritenbrink nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel. Ảnh: Reuters.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Russel, Việt Nam là đối tác của Mỹ trong TPP, trong bảo vệ Công ước Luật Biển và thượng tôn pháp luật trên biển, trong giải quyết hòa bình tranh chấp và căng thẳng trên Biển Đông.
"Việt Nam còn là đối tác trong việc gìn giữ sông Mekong, nguồn tài nguyên đối với cuộc sống của hàng triệu người và nhiều quốc gia nó chảy qua", ông Russel nói.
Trả lời câu hỏi về khả năng Tổng thống Obama sẽ thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết đây là vấn đề được đưa ra định kỳ. Mỹ năm 2014 đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí liên quan đến an ninh trên biển. Khi đó, Mỹ thông báo các hợp đồng mua bán sẽ được xem xét tùy từng trường hợp và nhân quyền là một vấn đề cần cân nhắc.
Sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Nhật Bản cuối ngày 25/5 và dự hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ở Ise-Shima trong hai ngày 26 và 27/5.
Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp thăm Việt Nam trong hơn 20 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Bill Clinton năm 2000 là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Ông George W. Bush thăm Việt Nam năm 2006.
Như Tâm
Theo VNE
Đệ nhất phu nhân Mỹ sẽ không đến Việt Nam cùng Obama Bà Michelle Obama cùng các con gái sẽ không tới Việt Nam cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tuần tới. Bà Obama trong chuyến thăm Campuchia năm ngoái. Ảnh: Reuters "Tôi có thể xác nhận rằng cả đệ nhất phu nhân lẫn các con tổng thống đều không có kế hoạch tới Việt Nam cùng ông", Lisa Wishman, tùy viên báo chí...