Báo chí quốc tế ấn tượng với bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam
Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo báo giới quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore tối ngày 31/5.
Các hãng thông tấn nổi tiếng đều quan tâm đến kêu gọi xây dựng lòng tin của Thủ tướng cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam thông qua bài phát biểu.
Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La vào tối ngày 31/5 ở Singapore, hãng tin NHK của Nhật đặc biệt quan tâm đến kêu gọi đoàn kết khu vực, cùng xây dựng một giải pháp có tính ràng buộc về pháp lý đối với các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông. Theo hãng thông tấn này, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “dường như liên hệ tới các tranh chấp lãnh thổ ngày một gay gắt ở Biển Đông, giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines”.
NHK cũng quan tâm đến kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc phải từng bước xây dựng được lòng tin. Đây cũng là điều được nhiều hãng thông tấn tập trung đưa tin. Trích dẫn bài phát biểu, hãng tin BBC cho biết, “Thủ tướng Việt Nam kêu gọi “xây dựng lòng tin chiến lược” ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm giảm căng thẳng trong vùng”".
BBC cũng đặc biệt quan tâm đến kỳ vọng vào vai trò của các nước lớn trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hãng tin này đã trích đăng một phần bài phát biểu của Thủ tướng: “Nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới”; hay “Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế.”
Đoàn kết nội khối ASEAN và xây dựng “lòng tin chiến lược” cũng là 2 trọng tâm mà hãng thông tấn Reuters đưa tin về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. “Thủ tướng Việt Nam đã kêu gọi đoàn kết trong các nước Đông Nam Á, khi Trung Quốc áp đặt chủ quyền của mình ở vùng biển giàu dầu lửa Biển Đông, cảnh báo bất kỳ xung đột nào cũng có thể gây tổn hại tới thương mại quốc tế và kinh tế toàn cầu”, hãng Reuters đưa tin.
Video đang HOT
Theo hãng thông tấn này, căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ giữa 6 nước châu Á tuyên bố chủ quyền tăng cao trong những tuần gần đây, khi tàu Trung Quốc xuất hiện gần chiếc tàu Philippines đã chủ đích cho đánh đắm gần một bãi cạn vào năm 1999 như một cách để xác nhận chủ quyền của mình. Và hãng thông tấn này từ đó liên hệ tới một đoạn trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.”
Và hãng tin này dẫn cảnh báo của Thủ tướng trong bài phát biểu, “Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”.
Tờ Channel News Asia hay Strait Times của Singapore cũng tập trung nhấn mạnh đến kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ tăng cao trong những năm gần đây, đe dọa đến sự phồn thịnh của khu vực. Tờ Strait Times ấn tượng với câu nói “Mất niềm tin là mất tất cả” trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng khi nhắc đến những xung đột dai dẳng trong khu vực.
Trong khi đó, hãng thông tấn Pháp AFP và BBC cũng chú ý đến thông báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
Ngoài ra, BBC nhấn mạnh đến lời tái khẳng định chính sách quốc phòng vì hòa bình và tự vệ, không liên minh quân sự với nước nào của Việt Nam.
Trước khi Thủ tướng phát biểu, báo chí nước ngoài cùng nhiều học giả quốc tế cũng đã đặt nhiều kỳ vọng vào bài phát biểu dẫn đề đầu tiên của một thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn an ninh quan trọng này, qua đó thể hiện vai trò và vị thế then chốt của Việt Nam trong khu vực và đây cũng là cơ hội để cộng đồng quốc tế hiểu thêm kế hoạch, chính sách của Việt Nam cũng như quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề trong khu vực và quốc tế.
Theo Dantri
Đối thoại Shangri-La và vai trò của ngoại giao quốc phòng
Ngoại giao quốc phòng, mà tiêu biểu là hình mẫu Đối thoại Shangri-La, hứa hẹn sẽ là cơ chế đa phương về an ninh và quốc phòng có đầy đủ khả năng trong việc định hình nền tảng an ninh của khu vực trong thời gian tới.
Môi trường an ninh Châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, với sự tăng lên cả về mật độ lẫn mức độ các điểm nóng đe dọa leo thang thành xung đột. Giải quyết những nguy cơ này đòi hỏi các quốc gia thành viên trong khu vực phải tăng cường hợp tác và đối thoại toàn diện, trên nhiều kênh ngoại giao, nhiều cấp độ và nhiều phương diện khác nhau. Ngoại giao quốc phòng, mà tiêu biểu là hình mẫu Đối thoại Shangri-La, hứa hẹn sẽ là cơ chế đa phương về an ninh và quốc phòng có đầy đủ khả năng trong việc định hình nền tảng an ninh của khu vực trong thời gian tới.
Hiện nay, các vấn đề an ninh khu vực đều có liên quan tới lợi ích của nhiều quốc gia hay nhóm quốc gia. Không những thế, những tác động dự đoán của các vấn đề này sẽ không chỉ dừng lại ở những quốc gia có liên quan trực tiếp, mà còn lan rộng đến các quốc gia khác cả trong và ngoài khu vực. Đơn cử là các vấn đề tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Những điểm nóng về an ninh này một mặt đe dọa trực tiếp đến an ninh của các quốc gia có tranh chấp, mặt khác tác động không nhỏ đến vấn đề an ninh hàng hải và lợi ích của các quốc gia không liên quan tới tranh chấp.
Tương tự, sự trỗi dậy của Trung Quốc với quá trình phát triển mạnh mẽ về quốc phòng khiến các nước láng giềng quan ngại, nghi ngờ về các động thái quân sự của cường quốc này.
Ảnh: Erin A. Kirk-Cuomo
Vì thế, để tìm kiếm giải pháp thiết thực cho các điểm nóng an ninh, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần tạo lập thêm các cơ chế ngoại giao quốc phòng đa phương và bình đẳng. Đa phần các cơ chế đa phương cũ vẫn chưa đạt được những hệ quả như mong đợi. Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khu vực này đã xuất hiện một diễn đàn an ninh tiêu biểu như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) - một "diễn đàn kênh 1" hay Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) - một "diễn đàn kênh 2" bao gồm giới học giả và các nhà phân tích có uy tín.
Thế nhưng, ARF với ASEAN là trọng tâm và thành phần tham gia chỉ là các Bộ trưởng ngoại giao của các nước trong khu vực, còn các chuyên gia của CSCAP thì không có tác động nhiều đến quyết sách quốc gia, những vấn đề về an ninh vẫn chưa được đạt được hiệu quả trao đổi do chưa "đúng người - đúng bệnh".
Vẫn còn một cơ chế ngoại giao quốc phòng khác hiện nay đang thu hút được nhiều sự quan tâm của khu vực: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng của ASEAN (ADMM ). Thế nhưng, cơ chế ngoại giao kênh 1 này mặc dù có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, tuy nhiên vẫn chưa chứng tỏ được năng lực trong việc tìm kiếm các giải pháp thiết thực cho an ninh khu vực. Với hạt nhân là một ASEAN không có sự đoàn kết và thống nhất về quan điểm, cơ chế này dễ dàng chịu tác động chia rẽ từ nhân tố Trung Quốc.
Có thể nhận ra được "bài toán" tạo dựng một mô hình ngoại giao quốc phòng đa phương hiệu quả cần đảm bảo được 2 yếu tố: tính chính danh (sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng) và tính đa phương (không chịu sự chi phối của một quốc gia). Mô hình Đối thoại Shangri-La có lẽ về lý thuyết đảm bảo được cả 2 yếu tố trên khi vừa có sự tham gia của các quan chức và các chuyên quốc phòng của các nước, vừa đảm bảo có sự hiện diện của nhiều đối trọng quyền lực trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, ... và đặc biệt là Hoa Kỳ.
Chính vì thế, cơ chế ngoại giao quốc phòng này không đơn thuần tạo điều kiện để các vấn đề an ninh khu vực được bàn luận đa phương; mà còn tạo điều kiện cho các quốc gia tự tổ chức các buổi gặp gỡ, tạo dựng các cam kết an ninh quốc phòng cho riêng mình. Cho đến sau năm 2011, khi nước Mỹ tuyên bố chiến lược xoay trục hướng về Châu Á, các nội dung nghị sự nổi bật được đề cập là tự do hàng hải ở biển Đông, các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực và đặc biệt là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ luôn luôn hiện diện tại Shangri-la suốt tứ năm 2004 đến nay, trong khi những người đồng cấp bên phía Trung Quốc không muốn tham gia Hội nghị do cơ chế đa phương của nó ảnh hưởng tới một số lợi ích về quốc phòng và an ninh của Bắc Kinh.
Các Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ) hay ARF khi họ có thể đối thoại song phương với từng nước có liên quan. Thế nhưng, liệu chăng "ngày hội" Shangri-La có thật sự là viên gạch nền tảng cho việc thể chế hóa an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương? Điều đó còn tùy vào ai là "nhân vật chính" của ngày hội, là an ninh chung của khu vực, là Trung Quốc, hay là Hoa Kỳ?
Đối thoại Shangri-La được coi là một trong những diễn đàn an ninh lớn và quan trọng nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay. Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 31/5 đến 5/6 tập trung vào những vấn đề an ninh nóng bỏng nhất hiện nay. Năm nay, điều được đặc biệt chú ý chính là việc tham gia và đọc Diễn văn chính thức (Keynote speech) của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Theo giáo sư Carl Thayer, việc đọc diễn văn mở màn là một trách nhiệm vô cùng nặng nề khi phải trình bày rõ ràng về các chính sách đối ngoại, an ninh và phòng thủ của Việt Nam, tuy nhiên điều này cũng mở ra một cơ hội hiếm có để Thủ tướng Việt Nam có thể đóng vai trò then chốt trong việc định hình các cuộc thảo luận sau đó nếu ông đưa ra được một bài diễn văn mở màn thật hay vào buổi tối khai mạc hội nghị. Từ đó gia tăng uy tín và vị thế của Việt Nam như một quốc gia nỗ lực đóng góp vào an ninh chung của khu vực. Hơn nữa, sự tham gia của Thủ tướng Việt Nam, thay vì bộ trưởng hoặc thứ trưởng như hàng năm được Tiên sỹ John Chipman, Tông giám đôc và CEO của IISS (đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La) nhìn nhận như một nhân tố quan trọng, có thể tạo ra sức nặng đáng kể trong các buổi thảo luận cốt lõi về các vấn đề an ninh khu vực.
Theo Dantri
Mỹ muốn xây dựng "quy tắc ứng xử" an ninh mạng với Trung Quốc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 31/5 tuyên bố muốn thiết lập "các quy tắc ứng xử" với Trung Quốc và các nước khác trong lĩnh vực an ninh mạng, trong bối cảnh tấn công tin tặc gia tăng, đặc biệt là việc mới đây báo chí Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp hàng loạt thông tin quân sự của...