Báo chí Pháp: “Những mưu đồ đế quốc của Bắc Kinh khiến Việt Nam nổi giận”
Ngày 20/5, tờ Thế giới ( Le Monde) của Pháp có bài viết với tựa đề: “Những mưu đồ đế quốc của Bắc Kinh khiến Việt Nam nổi giận”.
Phóng viên tờ Nhân đạo (L’humanite) trả lời PV Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ tham vọng bá quyền của Trung Quốc đe dọa đến hòa bình khu vực và thế giới.
Bài báo trên tờ Le Monde của Pháp (Ảnh chụp màn hình)
Bài báo trên tờ Thế giới (Le Monde) mở đầu với nhận định: “Nói rằng Trung Quốc không tạo được sự tin tưởng, nhất là với các nước láng giềng, là một cách nói tránh cho lịch sự. Nói rằng Trung Quốc đang được nhận thức, với chiều hướng ngày càng tăng ở châu Á, như một dân tộc có những mưu đồ đế quốc, từ bây giờ là một sự hiển nhiên. Người Việt Nam, bất chấp sự xung khắc lâu đời với người láng giềng phương bắc, luôn lựa chọn con đường ngoại giao để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ…”.
Bài báo viết lại nguồn gốc sự việc như sau: Vào tháng 4/2014, CNOOC, Tổng công ty dầu khí Trung Quốc, đã quyết định đặt một giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông mà không có bất kỳ sự tham vấn nào trước đó với Hà Nội. Sự khiêu khích ngang nhiên này của Trung Quốc đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam hôm 7/5. Họ đã gửi lực lượng chấp pháp ra hiện trường để nói thẳng với “kẻ xâm lược”. Các tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng bắn về phía các tàu Việt Nam trước khi đâm thẳng vào các tàu của Việt Nam…
Bài báo viết: Người Việt Nam, ý thức được sự cần thiết phải duy trì được mối quan hệ kinh tế không thể thiếu với Trung Quốc, cho rằng các con đường thương lượng luôn tốt hơn các con đường đối đầu.
Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của giàn khoan, mà theo chuyên gia về các vấn đề chiến lược Trung Quốc, Shi Yinhong thì đó là kết quả của “những quyết định ở cấp cao nhất”, đã dẫn đến một sự xuống cấp mạnh trong quan hệ Việt-Trung.
“Trung Quốc: Đường lối dân tộc chủ nghĩa song hành với hiện đại hóa quân đội”
Bài báo trên tờ Thế giới viết về tham vọng bá quyền của Trung Quốc như sau: “Sức mạnh đang lên của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là kinh tế. Trung Quốc ngày càng bộc lộ đường lối dân tộc chủ nghĩa song hành với việc hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân”. Và theo bài báo: “Theo một cách nào đó, ông Tập Cận Bình đại diện cho một quyết tâm chính trị không lay chuyển của Trung Quốc là phải thống trị như một cường quốc khu vực. Trung Quốc đòi hỏi tất cả các vùng biển phía Nam có gắn tên mình ở đó. Đó là chưa kể đến những tranh chấp ở phía Bắc với Nhật Bản trong biển Hoa Đông”.
Về quan điểm của chính phủ Việt Nam, bài báo viết: “Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, đã bày tỏ thái độ cứng rắn sau những cuộc bạo động ngày 13 – 14/5. “Trung Quốc nói là Việt Nam phải rút đi (khỏi khu vực mà công ty Trung Quốc đặt giàn khoan). Nhưng đây là nhà chúng tôi. Tại sao chúng tôi phải rút?’ – ông tuyên bố”.
Giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Video đang HOT
Đồng quan điểm phản đối tư tưởng bá quyền của Trung Quốc, nhà báo Lina Sankary của tờ Nhân đạo (L’Humanite) của Pháp, người phụ trách viết bài về căng thẳng trên biển Đông cho biết: “Thực sự trong những ngày qua, có những đụng độ qua lại đáng lo ngại giữa Trung Quốc và Việt Nam quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được Công ước quốc tế của LHQ về Luật biển năm 1982 công nhận. Phải nói rõ là Luật quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển này nên Trung Quốc không được phép có những hành động như thế.
Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà là từ vài năm nay chúng ta được chứng kiến những khiêu khích dùng sức mạnh kiểu này từ phía Bắc Kinh, không chỉ với Việt Nam mà còn với Nhật Bản hay Philippines. Đó là điều hết sức đáng lo ngại cho hòa bình trong khu vực nên cần phải kêu gọi mọi người phản ứng. Trong các tranh chấp với các nước, chiến lược của Trung Quốc luôn là dùng sức mạnh để áp đảo. Nói cách khác là họ đang tìm cách quân sự hóa các tranh chấp”.
Cũng theo nhà báo Lina Sankary, Việt Nam đã, đang và sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi giương cao ngọn cờ chính nghĩa và công lý.
“Việt Nam sẽ có sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Ngày nay, không một ai không nghi ngờ về thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông và những điều này đều mang lại tác động đến ý kiến của công luận, của truyền thông và các đảng phái chính trị.
Tôi nghĩ là ngay cả quan hệ kinh tế lớn giữa Trung Quốc và các nước phương Tây cũng không thể ngăn trở một sự đoàn kết như thế. Phía Việt Nam hoàn toàn có lý lẽ hợp pháp theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và tôi nghĩ không ai lại mong muốn và lợi ích gì nếu một cuộc xung đột lớn bùng nổ, thế nên một sự đoàn kết quốc tế với Việt Nam có thể dễ dàng được xây dựng quanh cuộc khủng hoảng này” – nhà báo Lina Sankary nhận định.
Theo Thùy Vân
VOV
Việt Nam-Philippines quan ngại sâu sắc tình hình đặc biệt nguy hiểm trên Biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino hôm 21/3 cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino trong cuộc gặp chiều nay tại Phủ tổng thống Philippines tại Manila.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Philippines, tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Tổng thống Philippines Aquino, chiều nay hai nhà lãnh đạo đã tiến hành họp hẹp và hội đàm hai đoàn trong bầu không khí cởi mở, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Hai nhà Lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình và những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino đã kiểm điểm, đánh giá tình hình hợp tác giữa hai nước và cùng nhất trí cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp, khẳng định tiếp tục tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp sẵn có theo tinh thần "Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo" cũng như các thỏa thuận cấp cao đã có giữa hai nước.
Hội đàm hai đoàn diễn ra trong bầu không khí cởi mở, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Hai nhà Lãnh đạo cũng đạt được những nhận thức chung quan trọng về phương hướng phát triển quan hệ song phương cũng như hợp tác ở khu vực trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được về quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định Dẫn độ; nghiên cứu thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm hậu cần, công nghiệp quốc phòng; tích cực tham vấn, ủng hộ nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực về quốc phòng an ninh như ADMM, ADMM , ARF...
Quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm trên Biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino tại cuộc họp báo chung chiều nay.
Trong cuộc hội đàm chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines cũng tái khẳng định hợp tác biển đại dương là một trụ cột trong quan hệ hai nước; nhất trí tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp lập trường, hợp tác có hiệu quả tại các cơ chế song phương như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác biển và đại dương, Nhóm Chuyên gia pháp lý về các vấn đề hợp tác trên biển; thúc đẩy hợp tác nghề cá, hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển, khí tượng thủy văn và bảo vệ môi trường biển.
Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Philippines khẳng định "hai nước đã đối mặt với thách thức chung với tư cách là quốc gia biển và các nước thành viên của ASEAN. Và tôi cho rằng việc tăng cường hợp tác giữa Philippines và Việt Nam sẽ cho phép chúng ta bảo vệ tốt hơn các nguồn lợi thủy sản của mình".
Tổng thống Philippines cũng cho biết hai bên cũng trao đổi ý kiến về hợp tác giữa cảnh sát biển của Philippines và cảnh sát biển Việt Nam, như phòng chống và cơ chế ứng phó tràn dầu, các cơ chế về cứu hộ cứu nạn, các cơ chế trao đổi thông tin như đường dây nóng nhằm "bảo vệ các nguồn lợi thủy sản và để chống lại các hoạt động phi pháp trên biển và các vùng lân cận giữa hai nước."
Ngoài ra Philippines và Việt Nam cũng kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Lập ban công tác chung xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ đối tác chiến lược
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Aquino tại Phủ tổng thống Philippines.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp hiện có, Việt Nam-Philippines nhất trí cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện lên tầm cao mới.
"Chúng tôi nhất trí cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Philippines, đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện lên tầm cao mới. Theo đó, chúng tôi nhất trí lập Ủy ban công tác chung do hai Bộ Ngoại giao đứng đầu để xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ Đối tác Chiến lược, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực để sớm trình Lãnh đạo Cấp cao hai nước quyết định", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines sau cuộc hội đàm.
Trong khi đó Tổng thống Philippines Aquino bày tỏ mong đợi hai bên sẽ sớm "đưa ra các điều kiện và thiết lập các yếu tố quan trọng để hướng tới lộ trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược".
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD vào năm 2016, tạo thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ... đồng thời khuyến khích tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và du lịch...
Bên cạnh hợp tác song phương, hai nhà Lãnh đạo cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác, phấn đấu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vào năm 2015; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên ASEAN trong khuôn viên Intramuros Manila.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên ASEAN trong khuôn viên Intramuros Manila. Tối cùng ngày, Tổng thống Philippines Aquino mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên cùng đi trong đoàn.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn kinh tế về Đông Á 2004 (WEF Đông Á 2004) và thăm làm việc tại Philippines từ 21-22/5 có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công An, Công thương, Kế hoạch-Đầu tư và Đại sứ Việt Nam tại Philippines.
Thùy Trang
Từ Manila
Theo Dantri
Việt Nam tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đã tuyên bố tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình Ngày 21/05/2014, liên quan đến việc Việt Nam tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy...