Báo chí nước ngoài viết về kế hoạch chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội
Các hãng truyền thông nước ngoài như The Sun, Daily Mail, RFA đã đưa tin về kế hoạch chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh tại Hà Nội, gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Bài báo trên trang The Sun Daily của Mỹ. ( Ảnh chụp màn hình)
Truyền thông nước ngoài đã đưa tin về việc giới chức thủ đô Hà Nội hôm qua 20/3 quyết định dừng kế hoạch thay thế hàng nghìn cây xanh hai bên các tuyến phố, sau khi kế hoạch này gây bất bình trong dư luận vì lo ngại có thể ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và một số vấn đề khác.
Tờ The Sun Daily đã đăng tin về kế hoạch chặt hạ cây xanh của Hà Nội. Một bài báo có tiêu đề “Kế hoạch đốn hạ cây xanh của Hà Nội khiến công chúng bất bình” được đăng tải trên tờ báo hôm qua.
Bài báo viết rằng kế hoạch chặt hạ 6.700 cây xanh tại Hà Nội vấp phải sự phản đối kịch liệt của công chúng, đồng thời nhắc đến trang mạng xã hội Facebook mang tên “6.700 người vì 6.700 cây xanh” phản đối kế hoạch chặt hạ hàng loạt cây tại Hà Nội. Theo The Sun Daily, trang Facebook này đã nhận được 23.000 lượt thích chỉ trong 3 ngày.
Báo trên cho biết: “Kế hoạch này đã khiến công chúng rất bất bình. Nhiều người cho rằng nó gây lãng phí và ảnh hưởng đến màu xanh của thành phố. Trong khi đó, có ít nhất 500 cây xanh trên đường phố thủ đô Việt Nam đã bị đốn hạ”.
Tờ báo cũng dẫn nguồn tin của báo Dân Trí cho hay: “Đến ngày 20/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tuyên bố dừng kế hoạch thay thế cây xanh hai bên tuyến phố hiện nay, đồng thời yêu cầu phải thay thế cây xanh mới tại các vị trí các cây đã hạ để đảm bảo mật độ theo quy hoạch”.
Video đang HOT
Đài châu Á Tự do hôm qua đã đăng tải bài viết của tác giả Joshua Lipes. (Ảnh chụp màn hình)
Đài châu Á Tự do (RFA) hôm qua đã đăng tải bài viết của tác giả Joshua Lipes với tựa đề “Thủ đô Việt Nam tạm ngưng kế hoạch chặt cây xanh do vấp phải sự phản đối của người dân”.
Bài báo viết rằng: “Chính quyền thủ đô Hà Nội của Việt Nam hôm nay 20/3 đã phải tạm dừng kế hoạch chặt hạ hàng ngàn cây xanh nằm dọc hai bên các tuyến phố sau khi người dân phản đối dữ dội, đồng thời tiến hành một chiến dịch kêu gọi trên mạng”.
“Mùa mưa đang tới, chính quyền thành phố Hà Nội đã quyết định sẽ chặt hạ 6.700 cây xanh để tránh nguy hiểm cho người đi bộ trong khuôn khổ dự án nhằm cải tạo cảnh quan đô thị”, tác giả Lipes viết.
RFA đưa tin trước khi chiến dịch chặt hạ cây bắt đầu, một số người dân đã đưa vấn đề này lên mạng xã hội, lập một nhóm trên Facebook để phản đối kế hoạch này, kêu gọi dán lên những cây dự kiến bị chặt dòng chữ “Tôi đang khỏe mạnh, xin đừng giết tôi”. Nhóm này đã được 40.000 lượt thích cho đến ngày thứ Sáu.
Daily Mail cũng dẫn lại bài viết của một hãng thông tấn Mỹ với tiêu đề: “Thủ đô Việt Nam đảo ngược kế hoạch chặt hạ cây do phản đối của người dân”.
Bài báo cho hay trên các phương tiện truyền thông xã hội, một chiến dịch phản đối đã diễn ra khi chính quyền Hà Nội bắt đầu chặt 500 trong tổng số 6.700 cây xanh trong thành phố. Bài báo nhắc đến thủ đô Hà Nội là thành phố được mệnh danh là “Paris của châu Á”.
Trong bài viết, tác giả nhận định việc chính quyền thành phố Hà Nội thông báo dừng kế hoạch chặt cây thể hiện tác dụng của sự góp ý, phản biện của người dân qua các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook, đối với những quyết sách của chính quyền.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo dantri
Gay cấn chuyện chặt cây trên thế giới
Trên thế giới, việc chính quyền quyết định chặt bỏ cây xanh trên các tuyến phố, công viên đều vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Có những cuộc biểu tình khiến chính quyền nhượng bộ, nhưng cũng có cuộc bị trấn áp mạnh tay.
Giăng băng-rôn phản đối chặt cây ở thành phố Bangalore của Ấn Độ (Ảnh: Esgindia)
Đầu tháng 2 vừa qua, nhiều người dân Anh ở thành phố Bristol xuống đường biểu tình, thậm chí ngồi trên cây suốt đêm, để phản đối việc chặt hàng loạt cây xanh phục vụ dự án xây dựng tuyến xe buýt mới, báo Anh The Telegraph đưa tin. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục dự án, và định trồng 1.700 cây mới gần các tuyến xe buýt mới. Đợt biểu tình kéo dài suốt 6 tuần gây tổn thất hàng trăm nghìn bảng Anh.
Năm 2010, hơn 1.000 người Đức ở thành phố Stuttgart thực hiện chiến dịch biểu tình ngồi để phản đối việc phá bỏ công viên Schlossgarten để xây nhà ga mới. Cuộc biểu tình thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có cả người già và trẻ em. Dự án gây tranh cãi một phần vì chi phí quá cao (5,38 tỷ USD), một phần vì cây cối trong công viên Schlossgarten bị chặt hạ. Dự án cũng bị chỉ trích vì phá vỡ cảnh quan của thành phố.
Tháng 9/2011, khi chính quyền thành phố Bangalore của Ấn Độ có kế hoạch chặt bỏ một số cây cổ thụ dọc đường Sankey, nhiều nhà hoạt động, người dân đã tham gia biểu tình, không rời khỏi những cây này suốt 24 giờ, và treo băng-rôn "No Trees No Future" (Không có cây, không có tương lai). Ngày hôm sau, đoàn biểu tình diễu qua văn phòng thị trưởng để nộp lá đơn tập hợp chữ ký yêu cầu chính quyền hỏi ý kiến người dân trước khi chặt hạ cây xanh, hãng tin Ấn Độ PTI đưa tin.
Trước Ngày Đa dạng sinh học Thế giới, hơn 100 cá nhân và đại diện các tổ chức ở Bangalore tập trung trước Sở Quản lý rừng của bang Karnataka để phản đối dự thảo sửa đổi Đạo luật Bảo tồn cây Karnataka. Nếu được thông qua, luật mới sẽ đưa 41 cây khỏi phạm vi được bảo vệ của luật, nghĩa là việc chặt những cây này không đòi hỏi phải xin phép. Trước sự phản đối rộng khắp, dự thảo sửa đổi đạo luật đã bị loại bỏ.
Kế hoạch chặt bỏ 6.700 cây của thành phố Hà Nội cũng được phản ánh trên báo chí nước ngoài. Hãng tin Anh Reuters hôm qua đưa tin, chính quyền thành phố phải dừng việc chặt hàng ngàn cây xanh sau khi kế hoạch này vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân vì lo ngại nó sẽ phá hoại hình ảnh của một trong những thành phố đẹp nhất thế giới.
Sự chỉ trích trên các mạng xã hội trở nên gay gắt sau khi 500 cây bị chặt hạ ở Hà Nội- thành phố được mệnh danh là "Paris của châu Á", Reuters đưa tin. Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời một người dùng Facebook tên là Mai Nguyen: "Hôm nay, tôi nói với các con tôi về việc 6.700 cây trên khắp 190 con phố Hà Nội sẽ bị chặt trong vài ngày nữa. Con gái tôi đã khóc, còn con trai tôi tức giận". Người phụ nữ này đã kêu gọi bạn bè chia sẻ bức ảnh có thông điệp: "Cứu lấy cây của chúng ta!".
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp)
Tiền Phong
Hà Nội họp báo thông tin "chớp nhoáng" vụ chặt hạ 6.700 cây xanh Hơn 20 ý kiến đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh, tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ trả lời nhanh việc nhận lỗi, xin tiếp thu ý kiến và chuyển sở ngành trả lời báo chí sau. Chiều 20/3, mở đầu buổi họp báo về việc thực hiện...