Báo chí như âm ly để làm tăng tiếng nói của Quốc hội, UBTVQH
“Tôi cho rằng việc không cho báo chí theo dõi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) như vừa qua là cách làm hạn chế điều Quốc hội đang phấn đấu. Đó là tính chuyên nghiệp, năng lực, kỹ năng của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong việc thực thi trách nhiệm của mình” – ĐBQH, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói khi trao đổi với Dân Việt.
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 12 báo chí không được theo dõi qua phòng máy. Ảnh: TTXVN
Nhiều năm qua, báo chí luôn được theo dõi và phản ánh các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (cơ quan thường trực của Quốc hội) nhưng theo thông báo từ phiên họp thứ 12 (11.7) trở đi báo chí chỉ được vào 5 phút đầu, cuối giờ Văn phòng Quốc hội sẽ có thông cáo báo chí. Ông có suy nghĩ gì về quy định được cho là đi ngược lại quy chế đã được UBTVQH đặt ra?
- Cho dù trong lời giải thích của Tổng Thư ký Quốc hội đã nói đây là thử nghiệm và sẽ điều chính dần, tuy nhiên rõ ràng từ chỗ phiên họp của UBTVQH được thông tin rộng rãi kéo dài hàng chục năm, nay trở thành khắt khe hơn với báo chí, ít nhất về mặt thời gian được tiếp cận với cuộc họp nên gây sự băn khoăn cho giới truyền thông.
Vấn đề này tôi nghĩ không chỉ ở cương vị ĐBQH mà người dân họ cũng sẽ đặt câu hỏi tại sao? Vì khi giải thích Tổng Thư ký Quốc hội có đưa ra hiện tượng trong phiên họp của UBTVQH, người phát biểu thảo luận có thể lỡ lời, có thể thế này thế kia, nếu có phóng viên theo dõi có thể họ hiểu sai rồi thông tin không đúng.
ĐBQH Dương Trung Quốc.
Tôi cho rằng cách giải thích đó chưa đủ thuyết phục. Bởi lẽ, chúng ta ngày càng ý thức được mỗi ĐBQH là chính khách, lâu nay chúng ta vẫn nói đến tính chuyên nghiệp của Quốc hội, Quốc hội cũng như lãnh đạo Quốc hội cũng muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH.
Mặc dù Quốc hội có tính cơ cấu, bên cạnh đó là đào tạo khả năng phát biểu, khả năng tranh luận cho ĐB còn hạn chế, tuy nhiên cần phải nhìn ra hạn chế đó để phấn đấu chứ không nên tìm cách tạo môi trường phù hợp cho mình.
Để ngày càng trở nên chuyên nghiệp, các vị ĐBQH cũng như Ủy viên UBTVQH phải phát biểu một cách chính xác, đàng hoàng, phát biểu sao cho không thể lỡ lời. Chúng ta không phải ở trong môi trường chính trị kiểu đa nguyên, đa đảng để có sự tranh giành quyền lực, tranh giành ảnh hưởng, những phát biểu là để tìm ra tiếng nói chung, tìm ra sự đồng thuận.
Tôi cho rằng việc không cho báo chí theo dõi phiên họp của UBTVQH như vừa qua là cách làm hạn chế điều Quốc hội đang phấn đấu. Đó là tính chuyên nghiệp, năng lực, kỹ năng của ĐBQH trong việc thực thi trách nhiệm của mình.
Về phía báo chí tham gia thông tin nghị trường, ông có nhìn nhận đánh giá gì không?
- Đúng là nói đi cũng phải nói lại, phải nhìn từ hai phía. Phía anh em phóng viên báo chí theo dõi nghị trường cũng phải nâng cao năng lực thông tin, phản ánh một cách đúng đắn, trách nhiệm. Ví dụ, biết người phát biểu lỡ lời nên tránh câu đó đi, cố gắng làm cho rõ vấn đề ra, đừng khai thác cái đó như một yếu tố để tạo giật gân.
Tôi nghĩ báo chí không phải là gì đó tuyệt đối. Kinh nghiệm từ bản thân tôi cho thấy dù đã trả lời báo chí rất nhiều lần nhưng không phải không có sự e ngại khi trao đổi, trả lời phỏng vấn báo chí.
Video đang HOT
Sợ nhất là báo chí không phản ánh đúng ý kiến của mình, nhiều khi là từ văn nói khi biên tập chuyển sang văn viết hoặc một vấn đề từ chỗ giải trình có đầu và cuối lại bị cắt đoạn thành sai lệch bản chất thông tin.
Bên cạnh đó là kỹ năng nghề nghiệp, nhất là với anh em phóng viên chưa có kinh nghiệm, thậm chí không có tâm khiến sản phẩm thông tin dễ bị lệch lạc.
Phân tích như vậy để thấy trong câu chuyện trên cần phải điều chỉnh từ hai phía. Trong xu hướng hiện nay Quốc hội cần phải tạo ra môi trường thông tin ngày càng thoáng hơn nhưng ngược lại báo chí càng phải chặt chẽ hơn trong việc phản ánh thông tin nghị trường nói riêng.
Các phiên họp của UBTVQH phần lớn là cho ý kiến vào các dự án luật. Đối với dự các án luật hiện nay cơ quan chủ trì soạn thảo đều đưa lên mạng để xin ý kiến rộng rãi. Việc UBTVQH thảo luận về dự án luật lại không cho báo chí theo dõi để thông tin một cách sinh động, đa chiều có phải đi ngược lại xu hướng chung thưa ông?
- Tôi nghĩ hai vấn đề có khác nhau, một dự thảo luật là cái cố định được đưa ra lấy ý kiến, còn thảo luận là sự trao đi đổi lại, khi đã thảo luận chắc chắn có những ý kiến khác biệt, thậm chí đối chọi nhau…
Thông thường trong các phiên thảo luận thì rất dễ xảy ra những vấn đề như Tổng Thư ký Quốc hội nói là lỡ lời, vô tình nói ra cả vấn đề bí mật của Nhà nước. Điều quan trọng là người đưa tin không nên khai thác vào những chỗ đó, chỉ nên phản ánh tinh thần chung.
Báo chí của chúng ta khi thông tin nghị trường nhiều khi đi vào vấn đề tiểu tiết, mặc dù tiểu tiết có giá trị của nó. Nhưng quan trọng nhất là giá trị đó có tương xứng với trách nhiệm của anh khi được theo dõi và phản ánh hoạt động nghị trường không.
Nhiều năm nay các phiên họp của UBTVQH đều được báo chí theo dõi và phản ánh sinh động, đa đạng, nay báo chí bị hạn chế thay vào đó là việc phát thông cáo. Cách làm như vậy làm tiếng nói của UBTVQH không còn được như trước thưa ông?
- Tôi cho rằng, cái này là trách nhiệm chỗ ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với vai trò là cơ quan điều hành, tổ chức. Tuy nhiên nên cố gắng tranh thủ ý kiến của các vị ĐBQH chứ không chỉ riêng ý kiến của người dự họp.
Quốc hội đòi hỏi tính công khai minh bạch, còn Chính phủ chỉ công khai cái mà đã được quyết định. Chính vì thế Chính phủ cần họp kín đôi khi là đúng. Còn đã là hoạt động của Quốc hội cần phải lấy tính minh bạch cho người dân là quan trọng, trừ những trường hợp đặc biệt được luật quy định.
Nếu chỉ vì một số người không thích báo chí theo dõi để được thoải mái hơn khi phát biểu mà đưa ra quy định trên liệu có đáng không, thưa ông?
- Qua trả lời trên báo của Tổng Thư ký Quốc hội, tôi thấy rằng nhiều người có sự lo ngại khi phát biểu tại phiên họp có báo chí theo dõi. Phải thừa nhận rằng đó là lo lắng có thật, lo lắng chính đáng. Tuy nhiên, để khắc phục sự lo lắng đấy bằng cách khép cửa với báo chí thì tôi e là đi ngược lại xu thế. Quốc hội cũng như UBTVQH cần mở rộng cửa để báo chí thông tin nhưng cũng yêu cầu báo chí có những điều kiện cao hơn.
Ví dụ, phải có đội ngũ những cơ quan báo chí, những phóng viên chuyên theo dõi nghị trường. Họ nắm chắc các hoạt động của Quốc hội, có quan hệ tốt với các ĐBQH, có trách nhiệm cao khi đưa tin. Bên cạnh đó là bộ phận lãnh đạo của cơ quan báo chí phải có sự thẩm định, sàng lọc kỹ lưỡng khi đưa tin nghị trường. Như vậy sẽ tạo ra sự tin cậy lẫn nhau.
Rõ ràng báo chí phải được nhìn nhận như sự nối dài hay nói cách khác là cái âm ly làm tăng tiếng nói của Quốc hội, nối dài tầm nhìn của Quốc hội. Chính vì thế không nên hạn chế hoạt động của báo chí.
Xin cảm ơn ông (!)
“Qua trả lời trên báo của Tổng Thư ký Quốc hội, tôi thấy rằng nhiều người có sự lo ngại khi phát biểu tại phiên họp có báo chí theo dõi. Phải thừa nhận rằng đó là lo lắng có thật, lo lắng chính đáng. Tuy nhiên, để khắc phục sự lo lắng đấy bằng cách khép cửa với báo chí thì tôi e là đi ngược lại xu thế. Quốc hội cũng như UBTVQH cần mở rộng cửa để báo chí thông tin nhưng cũng yêu cầu báo chí có những điều kiện cao hơn”, ĐBQH Dương Trung Quốc.
Theo Danviet
Những câu nói gây chú ý tại các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tại những phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây, những nội dung thảo luận sôi nổi, những câu nói thẳng thắn của lãnh đạo Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được báo chí phản ánh một cách chân thực, sinh động. Dân Việt xin tổng hợp lại những câu nói đó.
Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: I.T)
Thủ tục hành chính với dân bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm!
Cho ý kiến dự án luật Dược (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ngày 23.2.2016, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đã lưu ý đến tình trạng sản xuất, làm và bán thuốc giả; kể cả việc cấp các chứng chỉ hành nghề.
Nói về cấp phép chứng chỉ hành nghề, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phải chặt chẽ nhưng không được gây phiền hà. "Thủ tục hành chính đối với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm. Có tiền là cấp, không có tiền là không cấp. Phải đơn giản tối đa thủ tục hành chính. Luật mình cho tự do kinh doanh, trị bệnh cứu người, không được cấm, chỉ cấm trị bệnh lếu láo", ông Hùng nhấn mạnh.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. (Ảnh: I.T)
Ăn của dân không từ một cái gì
"Tiền của các cháu dân tộc thiểu số còn bị biển thủ đến gần 3 tỷ đồng, liều vacxin tiêm cho một cháu, lại san ra tiêm cho hai cháu... Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì".
Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nguyễn Thị Doan nói như vậy tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11.9.2013.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. (Ảnh: I.T)
Qua vụ việc Đồng Tâm cẩn rút kinh nghiệm trong xử lý tình huống
Góp ý vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2017, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15.5, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng: Qua vụ việc nóng như ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cần rút kinh nghiệm kể cả trong xử lý tình huống. Trước vụ việc căng thẳng mà đối thoại với dân chậm sẽ rất bất lợi. Vụ việc căng thẳng mà để kéo dài, các thế lực thù địch có cơ hội phá hoại.
Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (Ảnh: I.T)
Rừng bị viêm đại tràng nặng
Cho ý kiến dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16.3, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt bình luận "về cơ bản rừng đã phá hết do phá rừng. Nhìn bên ngoài xanh tốt nhưng bên trong viêm đại tràng nặng...".
Có Chính phủ lo về nợ công thì làm bừa, làm ẩu
Góp ý vào Luật quản lý nợ công (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20.3, cũng Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhận định rằng: Nếu mở rộng thêm đối tượng như nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công thì rất nguy hiểm.
"Nếu mở rộng đối tượng thì sẽ tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa, làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế..." - Tướng Việt băn khoăn.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: I.T)
Bài thi của nhiều vụ trưởng, GĐ Sở chữ viết nguệch ngoạc
"Tôi chấm lại một số bài thi phúc tra, lẽ ra không nên cho đi thi vì nhiều bài viết nguệch ngoạc, tự trọng rất kém. Đó toàn là cấp vụ trưởng, giám đốc sở. Đây là điều thực sự đáng báo động về năng lực", ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII cho biết như vậy khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11.5.2015.
Những phát biểu thẳng thắn, thậm chí gay gắt như trên của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới nghe qua có thể gây "sốc". Tuy nhiên ngẫm kỹ người ta đều thấy đó là những phát biểu tâm huyết, phản ánh sinh động thực tiễn đời sống xã hội mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm được bằng những lần tiếp xúc cử tri, những lần đi giám sát thực tế, được bà con nhân dân, cử tri gửi gắm... Và nhờ đó, các cơ quan quyền lực cao nhất sẽ tìm ra được những giải pháp phù hợp, sửa đổi, điều chỉnh các dự thảo luật sao cho sát với thực tiễn nhất, để luật đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Khi báo chí phản ánh một cách kịp thời, sinh động các phiên họp, thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến với nhân dân, cử tri cả nước, cử tri sẽ thấy rằng những vị đại diện cho nhân dân, do nhân dân bầu ra đã hiểu được và chuyển tải được tâm tư, suy nghĩ của mình tới các cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Bắt đầu từ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 12 (khóa XIV), báo chí sẽ không được thẽo dõi các phiên họp này qua phòng máy như trước đây. Thay vào đó, sau mỗi buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ gửi các thông cáo báo chí cho các cơ quan thông tin đại chúng. Sau khi nhận được thông cáo báo chí do Văn phòng Quốc hội gửi nhiều phóng viên theo dõi nghị trường lâu năm đều tỏ ý băn khoăn bởi họ thấy các thông cáo báo chí đều có những hạn chế nhất định mà chỉ khi phóng viên được trực tiếp tham dự phiên họp, các hạn chế này mới được tháo gỡ.
Theo Danviet
Tổng thư ký Quốc hội nêu lý do ông Đinh La Thăng về đoàn Thanh Hóa Chiều 19.5, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Tại đây, báo chí đã đặt câu hỏi: Căn cứ pháp lý nào để Ủy ban Thường vụ Quốc hội...