Báo chí không làm thay cơ quan điều tra
“Báo chí không phải là cơ quan điều tra, vì thế không nên yêu cầu báo chí làm thay chức năng của các cơ quan điều tra” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến trao đổi.
Ông Lê Như Tiến.
Ông Tiến nói: Báo chí có quyền điều tra độc lập, thu thập nguồn tin riêng của mình, để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc và định hướng dư luận. Nhưng báo chí không làm nhiệm vụ điều tra để cung cấp tin cho các cơ quan điều tra, vì đấy không phải chức năng của báo chí.
Báo chí điều tra độc lập
Thưa ông, Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi trình UBTVQH mới đây quy định cơ quan báo chí phải cung cấp thông tin khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền. Ông bình luận gì về quy định này?
Quy định yêu cầu báo chí phải cung cấp thông tin điều tra của mình cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền (Điều 101 Dự thảo Luật PCCTN sửa đổi) không phù hợp. Ngay trong phiên họp của UB TVQH cũng đã có những ý kiến không tán thành quy định này.
Bởi vì, các cơ quan điều tra trong hệ thống tư pháp của chúng ta (điều tra, truy tố, xét xử) đã có đầy đủ rồi. Chức năng của những cơ quan điều tra này là chuyên về điều tra, họ phải làm tốt chức năng đó của mình. Còn báo chí – thực chất chỉ là một kênh cung cấp thông tin cho dư luận và nhân dân.
Báo chí có quyền điều tra, thu thập nguồn tin riêng của mình theo luật định và phải chịu trách nhiệm về nguồn tin. Để đạt tới sự chân thực, báo chí phải điều tra độc lập. Kết quả điều tra nhằm cung cấp thông tin, định hướng dư luận bằng việc đăng tải trên mặt báo.
Báo chí không điều tra để cung cấp thông tin cho các cơ quan điều tra. Bản thân cơ quan điều tra – với chức năng là điều tra, có đầy đủ nghiệp vụ, phương tiện hiện đại, có đủ điều kiện, tư cách để tiến hành điều tra, tại sao lại phải yêu cầu báo chí cung cấp thông tin, cung cấp kết quả điều tra của báo chí cho mình?
Ở đây, mục đích điều tra của hai bên cũng khác nhau. Cơ quan điều tra điều tra để tìm ra những hành vi vi phạm, làm sáng tỏ tội phạm. Còn báo chí, điều tra một sự kiện, sự việc là để công khai trên mặt báo, để kịp thời cảnh báo, uốn nắn, định hướng dư luận -đấy là chức năng của báo chí.
Theo tôi là không nên đưa quy định đó vào trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi lần này.
Video đang HOT
Những năm qua, báo chí đã sát cánh với các cơ quan phòng ngừa, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Ông đánh giá gì về vai trò đó của báo chí?
Thời gian qua, báo chí có rất nhiều thông tin tốt, góp phần tích cực vào công tác PCTN. Báo chí đã thẳng thắn đề cập về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trên các lĩnh vực từ quản lý sử dụng đất đai, cho đến công sản, vốn và tài sản thuộc sở hữu của nhà nước.
Không ít vụ việc được điều tra, truy tố nhờ chính cơ quan báo chí đã nêu thông tin ban đầu, từ đó các cơ quan chức năng nhà nước mới vào cuộc.
Trong điều kiện hiện nay, báo chí có vai trò cảnh báo rất lớn. Bằng việc cảnh báo, đưa thông tin dự báo, các cơ quan chức năng của nhà nước có điều kiện nhận diện được những vấn đề nóng bỏng, đang đặt ra. Tất nhiên, cơ quan điều tra cũng có thông tin và những kênh riêng của mình.
Báo chí có quyền giữ bí mật nguồn tin
Điều 7 Luật Báo chí quy định:”Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSD hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. Soi vào điều 101 dự thảo Luật PCTN sửa đổi, ông thấy có gì mâu thuẫn?
Chúng ta đã có Luật Báo chí, các luật khác phải quy định phù hợp với Luật Báo chí để không xung đột, mâu thuẫn về pháp lý.
Điều 7 Luật Báo chí quy định rất rõ về quyền, nghĩa vụ của báo chí là phải bảo vệ nguồn tin. Như vậy, báo chí có nghĩa vụ phải giữ bí mật cho người cung cấp tin. Đó chính là trách nhiệm, đạo đức của hoạt động báo chí. Nếu làm khác đi, sẽ không ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa.
Quy định tại điều 7 Luật Báo chí là rất phù hợp. Bây giờ, nếu lại quy định mâu thuẫn, xung đột với Luật Báo chí thì không được.
Cảm ơn ông.
“Khoản 4 Điều 101 dự thảo luật quy định: ” Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.
Uỷ ban tư pháp nhận thấy, Điều 7 Luật báo chí quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.
Theo quy định về đạo đức hành nghề báo chí (do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành) và Bộ quy tắc nghề nghiệp báo chí của thế giới thì bảo vệ nguồn tin là một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của người làm báo.
Do đó, UBTP cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng thì cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu” -(Báo cáo Thẩm tra của UB Tư pháp)
Sẽ chỉnh lý quy định ‘báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu’
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 21- 9, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết, tới đây, Ban soạn thảo Luật PCTN (sửa đổi) và Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) sẽ chỉnh lý, làm rõ quy định trong Điều 101 dự thảo luật để phù hợp với Luật Báo chí và các quy định liên quan, tránh sự hiểu nhầm.
Ngoài ra, có thể quy định cụ thể những cơ quan “có thẩm quyền” yêu cầu báo chí cung cấp nội dung thông tin.
“Thông tin của báo chí là giúp các cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc. Hướng là báo chí hợp tác cung cấp nội dung thông tin để các cơ quan chức năng xử lý. Trong đó, trách nhiệm của báo chí theo hướng trách nhiệm xã hội chứ không phải là trách nhiệm trong mối quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý”- Ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, không phải dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) có quy định theo hướng gây khó khăn gì cho báo chí.
Bởi về mặt nguyên tắc, luật chuyên ngành bao giờ cũng tương thích, thống nhất với các luật khác chứ không phải luật ban hành sau phủ định luật chuyên ngành.
Theo đó, khi dẫn chiếu sẽ áp dụng theo Luật Báo chí, chứ không áp dụng điều liên quan trong Luật PCTN.
Theo Luật Báo chí, báo chí không có trách nhiệm cung cấp về nguồn tin là đương nhiên, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên.
“Các nhà tài trợ hợp tác phát triển cũng hỏi về điều này và cơ quan soạn thảo đã giải thích kỹ. Quy định này không đề cập đến yêu cầu cung cấp nguồn tin mà ở đây là trách nhiệm cung cấp thông tin về nội dung vụ việc. Thực tế trong nhiều trường hợp, không chỉ các cơ quan tố tụng mà cả các cơ quan hành chính, kiểm tra cũng cần thông tin từ báo chí để giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Trách nhiệm của báo chí được hiểu là tham gia tích cực chứ không phải là bị hạn chế hay ràng buộc gì cả”, ông Tuấn Anh giải thích thêm.
Không nên “bó tay” phóng viên
Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, về nguyên tắc ban hành các quy định về pháp luật là phải tuân thủ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, không có chuyện luật này đá luật kia.
Các luật đều do Quốc hội ban hành. Ở đây 2 luật ngang cấp nhau và Luật Báo chí đang có hiệu lực. Do vậy khi soạn thảo sửa đổi Luật PCTN thì phải sửa đổi sao cho có sự thống nhất với Luật Báo chí.
Luật Báo chí cũng có những chế tài khi các phóng viên, cơ quan báo chí đưa tin phải tự chịu trách nhiệm về những nội dung đã đăng tải. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu bắt nhà báo cung cấp nguồn tin khác gì đánh đố họ, hạn chế công tác truyền thông của các cơ quan báo chí- Luật sư Thiệp nói.
Theo Dantri
Cứ 2 tuần có 1 trường ĐH, CĐ thành lập
Thông tin trên được GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết tại cuộc hội thảo khoa học: "Góp ý hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học" được tổ chức vào ngày 5/4, tại Trường đại học Đà Lạt.
Theo GS. Thuyết, báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thì từ năm 1998 đến 2009, cả nước đã có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập, như vậy cứ 2 tuần lại có 1 trường đại học, cao đẳng thành lập.
Kết quả là tính đến tháng 9/2009, cả nước có 440 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 77 trường ngoài công lập. Chỉ tiêu cả nước đến năm 2020 sẽ có 573 trường đại học, cao đẳng.
Tổng quy mô đào tạo đại hoc, cao đẳng năm học 2008 - 2009 là 1.719.499 sinh viên, tăng gần 13 lần so với năm 1987. Tỷ lệ sinh viên/dân số năm 1997 là 80 sinh viên/ 1 vạn dân thì đến năm 2009 là 195 sinh viên/1 vạn dân, và năm 2010 có thể đạt 200 sinh viên/1 vạn dân. Ước tính đến năm 2020 trung bình cả nước sẽ đạt 400 sinh viên/ 1 vạn dân.
Tuy nhiên, đi ngược lại "bùng nổ" các trường đại học, cao đẳng trong thời gian qua là sự báo động về chất lượng đào tạo. Hầu hết các trường hiện chỉ chạy đua đầu vào, tuyển thật nhiều mà chưa chú trọng tới chất lượng đầu ra. Khi tuyển dụng lao động, phần lớn các đơn vị lại phải "cầm tay chỉ việc" dạy lại từ đầu.
"Các trường cứ lo tuyển người đào tạo mà không biết sinh viên trường mình tốt nghiệp làm việc như thế nào?" - GS. Thuyết nói.
Dự thảo Luật giáo dục đại học đã dành hẳn 1 chương với 5 điều để quy định về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, nhưng theo GS. Thuyết hầu hết các quy định này đều chung chung, không cụ thể, đó còn chưa kể rất nhiều nội dung thiết yếu để tiến hành hoạt động kiểm định chất lượng lại chưa được quy định.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng thẳn thắng cho biết, dự thảo Luật giáo dục hiện nay đang còn rất nhiều vấn đề cần được bổ sung, điều chỉnh.
Theo Bee
Cần bắt buộc các cơ sở giáo dục ĐH kiểm định chất lượng "Kiểm định chất lượng đào tạo là hoạt động nhằm mục đích bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, do vậy phải trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học". Đó là ý kiến trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên,...