Bão Chanthu ‘ghì chân’ bão Conson, hút gió tây nam gây mưa lớn cho Nam Bộ
Dải hội tụ nhiệt đới (chứa nhiễu động gây mưa) nối với cơn bão Conson và siêu bão Chanthu khiến gió mùa tây nam trên khu vực Nam Bộ có cường độ mạnh dần, gây mưa cho khu vực những ngày tới.
Trong mưa có thể xuất hiện mưa đá, vòi rồng.
Siêu bão Chanthu với mắt bão khá rõ sẽ “ghì chân” bão Conson và hút gió mùa tây nam gây mưa cho Nam Bộ những ngày tới – Ảnh: LÊ PHAN chụp màn hình
Ông Lê Đình Quyết – phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ – nhận định trong những ngày tới, sau khi vào Biển Đông, cơn bão Conson khả năng mạnh thêm, tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc.
Tuy nhiên, siêu bão Chanthu đang hoạt động ngoài khơi Philippines quá mạnh có khả năng tạo tương tác bão đôi làm cho bão Conson di chuyển chậm hơn và lệch tây – tây tây nam khi vào giữa Biển Đông.
Do đó, cơn bão Conson sẽ bị “ghì chân” lại, di chuyển chậm, đồng thời sẽ hoạt động trên Biển Đông lâu hơn khiến gió mùa tây nam mạnh lên làm thời tiết tại Nam Bộ từ hôm nay tới ngày 13-9 chuyển xấu.
Thời tiết phổ biến nhiều mây, trưa đến chiều và tối có mưa nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to, đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc, sét.
Từ ngày 14 đến 15-9, chiều và tối có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Từ ngày 16 đến 18-9, mưa bắt đầu giảm và chỉ còn xảy ra ở dưới 1/2 diện tích khu vực và tập trung về chiều, ngày nắng.
“Chiều tối nay 8-9, một số điểm có thể có mưa to như Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long. Vào ngày mai 9-9, chiều tối sẽ có mưa nhiều ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Hiện nay dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nên có nhiều vùng xoáy tồn tại trên đó, đây là điều kiện động lực thuận lợi để hình thành dông, lốc, gió giật, vòi rồng”, ông Quyết nói.
Bão Conson vào Biển Đông đêm nay
Bão Conson dự kiến đi vào Biển Đông đêm 8/9 với sức gió cấp 9 và liên tục mạnh lên trong những ngày tới.
Hơn 500.000 bộ đội và dân quân tự vệ đã sẵn sàng để ứng phó với bão.
Chiều 8/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Conson đã vượt qua đất liền miền trung Philippines và đang hoạt động trên khu vực phía nam đảo Luzon của nước này. Lúc 13h, vùng gần tâm bão có sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Tối và đêm nay, bão đi theo hướng tây bắc với vận tốc 10-15 km/h và tiến vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ 5 trong năm nay hoạt động tại khu vực. Chiều 9/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía đông đông nam. Cường độ mạnh nhất duy trì ở cấp 9.
Ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm mai (9/9), vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12. Sóng cao 3-5 m, biển động rất mạnh.
Sau đó, hình thái này di chuyển chếch theo hướng tây tây bắc, tăng tốc lên 15-20 km/h và khả năng mạnh thêm. Chiều 10/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Bão sẽ giữ nguyên hướng di chuyển, đi chậm lại và tiếp tục mạnh lên trong những giờ sau. Chiều 11/9, khi cách quần đảo Hoàng Sa 220 km về phía tây bắc, bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.
Sau thời điểm này, bão đi rất chậm, vận tốc giảm nhanh xuống còn 5-10 km/h.
Dự báo ban đầu cho thấy bão Conson khả năng di chuyển hướng vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Ảnh: VNDMS.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết các mô hình dự báo chưa thể đưa ra kịch bản chính xác về đường đi và cường độ của bão Conson sau khi vào Biển Đông. Lý do là cơn bão còn ở xa và có thể chịu tương tác với một cơn bão mạnh khác có tên Chanchu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines.
Theo ông Lâm, hai cơn bão Conson và Chanchu đang duy trì khoảng cách hơn 1.000 km nên có khả năng tương tác lẫn nhau. Chanchu mặc dù là một cơn bão rất mạnh (cường độ cấp 13-14), nhưng hoàn lưu nhỏ; trong khi Conson thì ngược lại, cường độ yếu hơn nhưng hoàn lưu gây mưa lại lớn.
Do cấu trúc hai cơn bão khác nhau, các mô hình dự báo chưa thể xác định cụ thể mức độ tương tác của chúng. Vì vậy, hướng đi và cường độ của bão Conson có thể còn thay đổi và phức tạp trong thời gian tới.
Chuyên gia cho biết trước mắt, người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cần lưu ý về đợt mưa lớn diện rộng đang diễn ra và kéo dài hết ngày 9/9. Sau đó, mưa giảm và khả năng tăng trở lại vào cuối tuần này (12/9).
Hình ảnh vệ tinh của cơn bão Conson đang hoạt động ở đảo Luzon (Philippines) và bão Chanthu ở ngoài khơi Philippines, chiều 8/9. Ảnh: NICT.
Tại cuộc họp ứng phó với bão sáng 8/9, đại tá Phạm Hải Châu, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cho biết Bộ Tổng tham mưu vừa chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm đếm số tàu, thuyền và thông báo đến chủ phương tiện, ngư dân hoạt động trên biển về diễn biến bão.
Ngoài ra, các đơn vị được yêu cầu phối hợp với địa phương có biện pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân, nhà cửa, phương tiện, trang bị trên các đảo và vùng ven bờ, đồng thời sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn khi bão đổ bộ vào đất liền.
Đại tá Châu thông tin các đơn vị đã sẵn sàng lực lượng với hơn 500.000 bộ đội và dân quân tự vệ cùng hơn 2.000 phương tiện để xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng. Tổng số dân dự kiến được sơ tán trước khi bão đổ bộ là hơn 250.000 người, bao gồm cả khu vực ven biển, ven sông, ngoài đê và nơi có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở.
Dự báo đường đi của bão Conson gần Biển Đông .Sau khi vào Biển Đông, bão Conson di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, vận tốc 15-20 km/h và liên tục mạnh lên. Hình thái này có thể đạt cường độ mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.
Bão Conson diễn biến phức tạp, vào Biển Đông sẽ "tổ chức lại" và mạnh thêm Chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, bão Conson có diễn biến phức tạp, khi vào Biển Đông sẽ "tổ chức lại" và có xu hướng mạnh thêm. Liên quan đến cơn bão Conson đang hoạt động ở miền Trung Philippines, sáng nay (8/9), ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã...