Báo cáo gửi Quốc hội sử dụng số liệu 14 năm trước : Sai phải giải trình
Trước việc báo cáo của Bộ Tư pháp về thi hành Luật Thủ đô sử dụng số liệu môi trường của 14 năm trước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói “cơ quan báo cáo sai sẽ phải giải trình”.
Tại họp báo chiều 18/10, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan tới việc Bộ Tư pháp vừa qua ký báo cáo về tổng kết luật Thủ đô, Ủy ban Pháp luật thẩm tra và gửi tới đại biểu Quốc hội nhưng phần số liệu môi trường lại sử dụng số liệu từ năm 2005, tức là số liệu của 14 năm trước.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, theo quy định, cứ 3 năm một lần Chính phủ báo cáo tới Quốc hội việc thi hành luật Thủ đô và đây là lần thứ 2 Chính phủ báo cáo về nội dung này.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Ảnh: Minh Quân.
Ông cho biết báo cáo này đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ và trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 36 vào tháng 7/2019.
“Hiện, báo cáo của Chính phủ mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị chưa chính thức gửi tới Quốc hội mà là báo cáo từ tháng 7 trình tại kỳ họp 36″, ông Giang cho hay.
Về việc số liệu trong báo cáo sử dụng thông tin từ cách đây 14 năm, ông Giang nói “cơ quan nào báo cáo thì cơ thì cơ quan đó chịu trách nhiệm về số liệu và thông tin trong báo cáo”.
Theo ông, thông qua đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, báo chí sẽ giám sát tính trung thực của báo cáo.
Video đang HOT
Chưa đồng tình với phần trả lời này, phóng viên tiếp tục cho rằng, việc Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhưng việc sử dụng số liệu từ 14 năm trước mà vẫn khẳng định số liệu gần đây nhất có thể khiến dư luận, cử tri mất niềm tin vào các báo cáo gửi tới Quốc hội.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải thích việc thẩm tra có nhiều nội dung chứ không chỉ có số liệu. Và việc đưa báo cáo ra Quốc hội, tới các đại biểu Quốc hội là để đảm bảo tính công khai, để các cử tri giám sát.
Ông Giang cho rằng khi các cơ quan gửi báo cáo thì “ít nhất là phải tin tưởng báo cáo đó”. “Chẳng hạn như báo cáo về dân số thì làm sao cơ quan thẩm tra đếm số liệu từng đầu người một xem số liệu có đúng hay không được? Còn khi báo cáo ra trước Quốc hội thì cử tri, các cơ quan báo chí có quyền giám sát”, ông Giang nói thêm và khẳng định, nếu có số liệu sai sót, cơ quan báo cáo sẽ phải giải trình.
Nói thêm về việc này, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định khi các cơ quan Chính phủ gửi báo cáo sang thì các cơ quan Quốc hội sẽ kiểm tra các thông tin, nếu không đảm bảo thì trả lại. “Đó là điều đương nhiên và Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về các báo cáo”, ông Phúc nói đồng thời cho biết, hiện nay báo cáo chính thức vẫn chưa được chuyển tới Quốc hội.
Tuy nhiên, phóng viên khẳng định lại tiếp cận các báo cáo này khi báo cáo được gửi chính thức tới các đại biểu Quốc hội. “Đã có nhiều trường hợp báo cáo cũ, chép lại một cách cẩu thả và được phản ánh. Vậy trách nhiệm của những người ký báo cáo như thế nào để tránh việc lặp lại chuyện này?”, phóng viên đặt câu hỏi.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định trên hệ thống tài liệu chính thức gửi tới đại biểu thì chưa có báo cáo này. Việc đại biểu tiếp cận báo cáo này có thể là tài liệu trên hệ thống nội bộ cơ quan.
“Nếu báo cáo có số liệu chưa chính xác, đại biểu cũng có trách nhiệm chỉ ra những chỗ chưa chính xác”, ông Phúc nói.
Theo Zing.vn
9 người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc : Dư luận muốn Bộ KH&ĐT công bố rõ danh tính
Cùng với việc tiếp tục điều tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần công bố rõ danh tính 9 người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc hồi tháng 12/2018 để truy cứu trách nhiệm.
Liên quan đến vụ 9 người Việt Nam đi theo đoàn Quốc hội Việt Nam thăm Hàn Quốc đã bỏ trốn không về nước vào tháng 12/2018, trong thông cáo báo chí mới nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, theo thông tin từ các cơ quan hữu quan, hiện 2 người đã về nước, 7 người vẫn đang trốn ở Hàn Quốc.
Bộ KH&ĐT chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài - đơn vị được giao nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức, tiến hành rà soát, lựa chọn và kiểm tra về lý lịch các doanh nghiệp - rút kinh nghiệm trước sự việc trên.
Việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia trong những chuyến công tác nước ngoài của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ do Phòng Xúc tiến đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT) sắp xếp, thực hiện. Theo đó, lịch trình các đoàn đi cùng lãnh đạo chỉ biết trước khoảng 1 tháng. Khi có lịch, Cục đầu tư nước ngoài sẽ thông báo rộng rãi để doanh nghiệp đăng ký.
Đài MBC Hàn Quốc đưa tin về sự việc 9 người Việt bỏ trốn tại nước này. (Ảnh: MBC)
Trước sự việc gây xôn xao dư luận trên, VTC News liên lạc với ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, chỉ mới nghe xưng là "phóng viên", vị này đã vội vàng cáo "bận họp" và từ chối trả lời các câu hỏi.
Tuy nhiên, trả lời báo chí trước đó, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, cơ quan công an đang làm việc về vụ việc này. Ông Hoàng từ chối nói về quy trình rà soát hồ sơ doanh nghiệp tham gia đoàn cũng như từ chối bình luận thêm về việc công bố danh tính những người trốn ở lại.
Sự việc 9 người Việt đi nhờ chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rồi bỏ trốn tại Hàn Quốc vừa được đài Đài MBC của Hàn Quốc đưa tin vào ngày 23/9 mới đây. Sự việc diễn ra vào hồi tháng 12/2018. 2/9 người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc hiện nay đã bị trục xuất và trở về Việt Nam.
Trước thông tin những người bỏ trốn là người quen biết với Bộ trưởng Bộ KH&T, trả lời trên Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phủ nhận điều này và cho biết, các cơ quan đã phối hợp tích cực với Bộ Công an tìm những người bỏ trốn và sẽ tiếp tục tìm, xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ đã làm chặt chẽ, hết trách nhiệm.
Theo ông Dũng, danh sách doanh nghiệp tham gia cùng đoàn lãnh đạo qua các nước do Bộ KH&ĐT lập, thông qua các hiệp hội thông báo cho các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký. Những trường hợp này Bộ phối hợp với công an làm thủ tục rất chặt chẽ.
Cũng về vấn đề này, mới đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết: Việc chọn phái đoàn đi dự diễn đàn, cấp giấy mời, visa tham gia đoàn là do Bộ KH&ĐT phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc thống nhất danh sách, tổ chức cho doanh nghiệp của hai nước ngồi với nhau, gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, những người bỏ trốn không thuộc thành phần đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc và không được cấp visa ngoại giao.
Vì thế, khi sang đến Hàn Quốc, toàn bộ sinh hoạt, đi lại, ăn ở, khách sạn của đoàn này đều độc lập với đoàn ngoại giao hoặc do Bộ KH&ĐT lo.
Kết thúc các hoạt động, ngày 7/12/2018, lúc lên máy bay trở lại Việt Nam, các cơ quan mới phát hiện, báo cáo còn 9 người chưa tới nhưng tới giờ bay, đoàn phải khởi hành, không thể kéo dài thời gian chờ. Khi về tới Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi công văn thông báo tới phía Hàn Quốc và tìm cách đưa những người này trở về.
Sự việc đang làm dấy lên những chỉ trích từ các chuyên gia, dư luận. Phần lớn ý kiến đều cho rằng muốn làm rõ danh tính của 9 đối tượng bỏ trốn nói trên, làm rõ thủ đoạn bỏ trốn ở nước ngoài và truy cứu trách nhiệm cơ quan, cá nhân quản lý trực tiếp để xảy ra vụ việc.
ĐÀO BÍCH
Theo VTC
Quốc hội sẽ nghe báo cáo cho thôi ĐBQH đối với tướng Lê Đình Nhường Chiều nay (17/5), Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo giới thiệu về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (ảnh L.K). Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày...