Báo Anh nói về thay đổi lớn ở Việt Nam trong 50 năm qua
Một báo hàng đầu tại Anh nhận định Việt Nam trải qua những thay đổi rõ rệt về kinh tế, văn hóa trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là Đà Nẵng.
Ngày khởi đầu của một cuộc chiến tàn khốc
Các binh sĩ thuộc lữ đoàn 9 của Lực lượng Viễn chinh Thủy quân Lục chiến Mỹ xuống xà lan và tiến vào bãi biển Đà Nẵng hôm 8/3/1965. Ảnh: AP
50 năm trước, lúc 9h03 ngày 8/3/1965, 3.500 binh sĩ thuộc thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Nam Ô, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14 km về phía bắc. Sự kiện ấy đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Không ai trên bãi biển ngày hôm đó nghĩ rằng cuộc đổ bộ là sự khởi đầu cho một cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Đến cuối năm 1965, gần 185.000 binh lính Mỹ tới Việt Nam khi chiến tranh leo thang.
Một thập kỷ sau khi Sài Gòn giải phóng và Mỹ rút hết binh sĩ ra khỏi Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy, hơn 540.000 binh sĩ Mỹ từng phục vụ ở Việt Nam. Hơn 58.000 người trong số họ tử vong.
Trong khi đó, khoảng 3 triệu người Việt Nam thiệt mạng và dân thường chiếm 2/3 con số đó. Hàng trăm nghìn người khác bị thương và tàn tật. Máy bay Mỹ rải 43 triệu lít chất độc màu da cam khắp các cánh đồng khiến đất nông nghiệp ô nhiễm nặng. Lính Mỹ cài 14 triệu tấn bom mìn khắp vùng nông thôn. Hàng triệu người mất nhà cửa. Nạn đói và bệnh tật diễn ra tràn lan.
Chuyển biến
Một góc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Blogspot
Tuy nhiên, theo The Guardian, Việt Nam đã trỗi dậy sau nửa thế kỷ. Đặc biệt, trong 20 năm qua, nhiều sự thay đổi đã diễn ra trên khắp đất nước. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực.
Video đang HOT
Để đạt những bước chuyển ấy, chính chính phủ cải cách kinh tế sâu rộng, gồm chủ trương Đổi Mới vào năm 1986 theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự tăng trưởng kinh tế thúc đấy nhanh chóng điều kiện sống của của người dân và giảm tỷ lệ người nghèo. Trong năm 2014, hơn 7,8 triệu người nước ngoài đã tới Việt Nam để đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Văn hóa của người Việt cũng thay đổi. Khách du lịch Mỹ tới đây có thể ngạc nhiên trước số lượng lớn các nhà hàng McDonald, Starbuck và KFC. Nhiều bộ phim mới nhất của Hollywood xuất hiện tại các rạp. Cửa hàng đồ hiệu như quần Levi’s, giầy Converse và máy tính bảng iPad xuất hiện khắp nơi.
Đà Nẵng thay đổi ngoạn mục
Vẻ đẹp của bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng 50 năm sau chiến tranh. Ảnh: Thomas Uhlemann
Trên nhiều phương diện, Đà Nẵng đại diện cho sự phát triển đáng kinh ngạc của quốc gia, Guardian nhận định. Ngày nay, đây là một đô thị hiện đại với các tòa nhà cao tầng, đại lộ rợp bóng cây cùng nhiều cây cầu hiện đại.
Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Thanh, những khu nhà cũ và xập xệ nhường chỗ cho các tòa nhà hiện đại, phòng trưng bày, trung tâm thương mại lớn và các quán cafe thời thượng.
Hàng loạt khách sạn sang trọng cùng sân golf 5 sao xuất hiện dọc bãi biển Mỹ Khê, nơi từng phục vụ lính Mỹ trong những năm chiến tranh. Trong khi đó, căn cứ không quân Mỹ giờ là một sân bay quốc tế hiện đại, kết nối Đà Nẵng với thế giới.
Hướng tới tương lai
Chuck Palazzo là một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Đà Nẵng trong giai đoạn 1970-1972. Ông trở lại thành phố vào năm 2008 và sinh sống tại đây. Hiện ông là một thành viên của Hội cựu chiến binh và tích cực vận động cho chiến dịch Hòa bình để bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và bom mìn.
“Tôi thực sự bất ngờ khi quay trở lại Việt Nam. Chứng kiến cách người dân đứng lên từ đống tro tàn, theo đúng nghĩa đen, là điều tôi không thể tin nổi. Đặc biệt, thế hệ trẻ Việt Nam luôn năng động và hướng tới tương lai. Họ quan tâm tới công nghệ, truyền thông xã hội, ngân hàng, kinh tế và tham gia hoạt động cộng đồng. Đó là những tín hiệu tốt”, ông nói.
Theo Guardian, mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mỹ trở nên tốt đẹp trong nhiều năm từ khi chính quyền cựu tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995. Mối quan hệ thương mại hai chiều giữa hai quốc gia đạt 36,3 tỷ USD trong năm 2014.
Hiện tại, Mỹ và Việt Nam đang đàm phán hiệp định dối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương. Washington ngày càng coi Việt Nam là đối tác chủ chốt tại châu Á.
Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách quốc tế. Ảnh: Blogspot
Khi quay trở lại Việt Nam lần đầu tiên, Palazzo cảm thấy bất ngờ trước thái độ khoan dung của người Việt. “Khi tôi tới sân bay tại Hà Nội, tôi tưởng tượng rằng, tên của tôi xuất hiện trong kho dữ liệu vì tôi từng là lính thủy đánh bộ Mỹ. Tôi đã đổ mồ hôi khi tới quầy thủ tục. Nhưng chàng nhân viên chỉ nhìn tấm hộ chiếu của tôi và mỉm cười nói: Mời ông đi tiếp. Hân hạnh chào đón ông tới Việt Nam”, cựu binh Mỹ kể.
Theo Palazzo, ông không gặp bất cứ thái độ thù địch nào trong suốt những năm ông sống tại đây.
Trong khi đó, tại quán bar ở trung tâm Đà Nẵng, một nhóm nhân viên của công ty truyền thông tụ tập sau giờ làm việc. “Chúng tôi không có thành kiến với người Mỹ. Bây giờ quan điểm của người dân cởi mở hơn trước, Người Việt thường hướng tới tương lai chứ không nhìn lại quá khứ”, Trần Ngọc Hào, một thành viên trong nhóm, cho biết.
Hào và những người đồng nghiệp của anh nói rằng, họ luôn sẵn sàng chào đón người Mỹ. “Dĩ nhiên, chúng tôi muốn trở thành bạn với tất cả mọi người. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ ngày hôm nay để phát triển đất nước trong tương lai”, Hào khẳng định. Nâng chai bia trên tay, anh nói to: “Vì hòa bình, tiến bộ và Việt Nam”.
Theo Zing News
Đà Nẵng kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ đổ quân
9h sáng ngày 8/3/1965, Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của đế quốc vào miền Nam và 10 năm đấu tranh để thống nhất đất nước của quân dân Việt Nam.
Sáng 6/3, lần đầu tiên Hội khoa học Lịch sử thành phố cùng Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày chuyên đề "50 năm Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng". Buổi tọa đàm về sự kiện Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 đổ quân vào bãi biển Đà Nẵng cũng được tổ chức nhân dịp này.
Hình ảnh những toán lính Mỹ đầu tiền đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng với những khí tài hiện đại, thị uy dân chúng. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp.
Ngày 8/2/1965, Mỹ đưa một tiểu đoàn tên lửa Hawk của thủy quân lục chiến Mỹ vào Đà Nẵng. Đúng một tháng sau, lúc 9h sáng 8/3/1965, Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 đổ bộ lên bãi biển từ Phú Lộc đến Xuân Thiều (nay thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Chiều cùng ngày, Tiểu đoàn thứ hai của Lữ đoàn 9 được không vận từ căn cứ quân sự Okinawa (Nhật Bản) đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Tổng số quân từ các lần đổ bộ của Mỹ khoảng 3.500 lính.
Mỹ chọn Đà Nẵng để đổ bộ vì đây là vị trí quân sự chiến lược, dễ bề chia cắt hai miền Nam - Bắc; Đồng thời tận dụng cảng nước sâu và một cự ly nhất định với miền Bắc để xây dựng các căn cứ quân sự dã chiến, mục đích tấn công miền Bắc bằng không quân và hải quân. Vào Đà Nẵng, quân đội Mỹ chiếm đóng sân bay Đà Nẵng và khu vực Tây Bắc (huyện Hòa Vang), xây dựng các doanh trại dã chiến.
Ông Phan Văn Tải, cựu biệt động chống Mỹ, chỉ chính xác địa điểm lính thủy quân lục chiến của Mỹ đổ bộ xuống Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Lính Mỹ triển khai chiếm đèo Hải Vân, núi Phước Tường, xây dựng lô cốt và trận địa pháo, lắp đặt hệ thống radar hiện đại trên bán đảo Sơn Trà để khống chế vùng trời. Sây bay Đà Nẵng và hai sân bay trực thăng Nước Mặn, Xuân Thiều được gấp rút xây dựng. Mỹ cho lập ty cảnh sát Gia Long, tòa thị chính, quân vụ, tòa lãnh sự ở Đà Nẵng... Hệ thống phòng thủ bên trong nội thành do quân Việt Nam Cộng hòa đảm trách, bên ngoài là quân Mỹ.
Xu hướng đế quốc có mặt tại miền Nam Việt Nam đã được dự báo sớm. Từ những năm 50 của thế kỷ XX, họ đã bộc lộ tham vọng tham chiến tại Việt Nam thông qua việc viện trợ cho Pháp tiến hành chiến tranh tại Đông Dương, đưa hàng nghìn cố vấn Mỹ vào miền Nam Việt Nam để giúp cho chính quyền Ngô Đình Diệm và sẵn sàng hất cẳng Pháp. Khi chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" thất bại nặng nề, Mỹ buộc phải đưa quân đội vào tham chiến để triển khai chiến lược "Chiến tranh cục bộ", nhằm cứu vãn tình hình.
Đề cập việc tổ chức hội thảo và trưng bày dịp này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho rằng đây là dịp "nhắc nhớ một sự kiện đau thương với người dân Việt Nam, người dân Mỹ cũng như toàn thế giới, để không lặp lại những cuộc chiến tranh".
Khi Bảo tàng Đà Nẵng mở những gian trưng bày di vật, chứng tích tội ác. Nhiều người lính Mỹ đã đứng lặng hàng giờ, xem lại những bức ảnh, những mảnh bom và bật khóc. "Người Mỹ cho thế giới thấy họ là người có trách nhiệm với cuộc chiến mình gây ra. Bằng chứng là những cuộc xử lý chất độc dioxin ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam", ông Thiện nói thêm.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Xe buýt "nhái" náo loạn các cung đường ở Nghệ An Bến xe Vinh và bến xe chợ Vinh (Nghệ An) đang trở thành những điểm nóng về vấn nạn xe dù, bến cóc trong những năm qua. Đặc biệt, tinh trang xe buýt "nhai" hoành hành, tràn lan đã trở thành vấn đề nhức nhối cho người dân thường xuyên lưu hành bằng phương tiện này. Hình ảnh chiếc xe buýt "nhái" chạy...