Bánh ướt xứ Huế
Thực sự bánh ướt không phải của riêng Huế, nhưng những gì mà người Huế tạo nên món bánh ướt lại làm nên thương hiệu cho mảnh đất cố đô, thêm một món ăn mà du khách không thể bỏ qua.
Nguyên liệu chính vỏ bánh ướt là bột gạo được pha chung với bột năng hoặc bột khoai mì với tỉ lệ nhất định. Ba loại bột này được hòa tan với nước sao cho khi tráng bánh tạo được vỏ bánh ướt thật mỏng nhưng khi tráng không bị rách, cuốn lại thì ăn rất vừa miệng mà không quá dai. Những người trong nghề nói rằng bánh ướt càng mỏng càng thể hiện sự khéo léo của người làm, và cũng là loại ngon nhất.
Tuy nhiên, thành phần làm nên độ ngon hay dở của bánh ướt chính là nước chấm. Theo chị Trần Thị Hiệp, chủ quán bánh ướt ở đường Lý Thường Kiệt, có kinh nghiệm gia truyền trong nghề làm bánh ướt, chuyên cung cấp sỉ cho các quán ăn về bánh ướt và nước mắm khu vực Cầu Truồi và các vùng lân cận thì “ngoài việc nấu sôi nước mắm pha đường theo tỉ lệ tương đương nhau, còn phải có nước mắm cốt cá biển do chính mẹ chị tự làm thì mới tạo nên được vị ngọt đậm, thanh và rất dậy mùi khi thêm chút chanh, tỏi, ớt”. Chị tâm sự: “bánh ướt thì hầu như ở mô cũng như nhau, nhưng khách vẫn tới quán chị rất đông chính bởi thứ nước chấm gia truyền đó. Hơn nữa tùy vào tay người chế biến mà nước mắm cũng có sự chênh lệch rồi”.
Video đang HOT
Ở Huế, nổi tiếng nhất vì nằm trên trục đường đi từ Huế vào Đà nẵng có bánh ướt thịt heo quay Bà Sửu (xã Lộc An, huyện Phú Lộc). Những miếng thịt heo quay giòn giòn, ngọt ngọt ăn kèm với dưa giá muối chua, cuốn trong lá bánh ướt và ít rau sống, khi chấm với chút nước mắm chanh tỏi ớt, kèm theo một ít hành phi thơm ngậy, bạn sẽ không khỏi xuýt xoa vì quá ngon. Chua, cay, mặn, ngọt, béo, tất cả đều vừa vặn chỉ trong một món ăn. Thế mới biết mức độ cầu kỳ của người phụ nữ Huế như thế nào trong ẩm thực, mới biết được họ luôn coi sự hài hòa và lấy ngũ hành làm chuẩn.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận xét: “Trong con mắt của người Huế xưa, nhìn đâu cũng thấy ngũ hành, nên sự cân bằng âm dương cần thiết cho sự điều hòa phủ tạng rất được người Huế coi trọng trong văn hóa ẩm thực”. Chính vì triết lý sống mang đậm tính chất phong thủy, dịch lý nên nhiều khi chỉ là tượng trưng, nhưng món ăn Huế thường biểu hiện ý thức về ngũ hành. Đối với món bánh ướt, rau sống ăn với thịt quay bao giờ cũng phải đủ ngũ vị: cay (ớt, tỏi, bạc hà, rau thơm, rau quế), chua (chanh), đắng (hoa chuối), mặn (nước mắm), ngọt (thịt, hành phi, giá), để đồng bộ với ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận). Đấy là hướng vào tâm linh, là biểu hiện của đạo trong hành vi ăn uống của con người, thể hiện sự uyên thâm vô tận, là sự lĩnh hội về mặt dịch học của con người Huế được thể hiện qua cách ăn uống.
Hiện nay, bánh ướt có nhiều biến tấu trong cách ăn lẫn nguyên liệu để làm như bánh ướt tôm chấy (quán Bà Đỏ (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm), quán Hàng Me…), bánh cuốn thịt nướng (quán Huyền Anh (đường Kim Long)…). Nhưng trên tất cả, dù được bày bán ở đâu thì tinh hoa văn hóa ẩm thực xứ Huế vẫn được thể hiện rõ nét.
Theo TCDL
Bánh ép - món ăn vặt bên dòng sông Hương
Bánh ép làm từ bột lọc và nhiều loại nhân khác nhau như bò khô, thịt, trứng... là món ăn chiều phổ biến ở cố đô Huế.
Không ai biết bánh ép có xuất xứ từ đâu nhưng vài năm trở lại đây khi đến Huế, du khách dễ dàng bắt gặp các quán bán món này. Đây là thức quà thích hợp lót dạ vào buổi chiều tối hay ăn khuya.
Thoạt nhìn bạn sẽ thấy món này giống bánh tráng nướng nhưng mùi vị và cách chế biến rất khác nhau với nhiều hương vị. Đi qua các quán bánh bạn sẽ cảm nhận mùi thơm nức, níu chân khách.
Thành phần của bánh ép là bột lọc, nhân gồm trứng, thịt, hành lá, dưa góp chua ngọt và nhiều nguyên liệu khác tùy thuộc vào sự biến tấu của mỗi quán. Để làm bánh ép mất nhiều công đoạn. Gạo sau khi ngâm được xay mịn, vắt kiệt nước rồi tán thành những miếng vuông hay tròn tùy sở thích. Thịt nạc được băm nhỏ, thêm gia vị cho vừa miệng, trứng gà ta được quấy đều cùng một chút hành, rau mùi.
Sau khi đặt khuôn bánh trên bếp than ở nhiệt độ thích hợp, người chế biến sẽ đặt một viên bột lọc ép chặt xuống cho đến khi cán thành lớp mỏng. Nhân thịt được đặt lên phía trên, thêm một lớp trứng mỏng rồi tiếp tục ép xuống. Nhiệt độ nóng từ khuôn sẽ khiến bánh chín đều, dậy mùi thơm và giòn rụm. Có lẽ chính bởi công đoạn làm bánh mà món có gọi tên là bánh ép.
Bánh được ăn khi còn nóng hổi mới ngon, kèm với dưa chuột thái mỏng, rau răm. Khi ăn, bạn sẽ cuốn bánh lại cùng các loại rau, chấm cùng nước chấm pha chua ngọt mới đúng điệu.
Người Huế thường pha nước chấm rất cay. Khi ăn vị giòn rụm của bánh, đậm đà của thịt, trứng, cay của ớt, chua ngọt của nước chấm hòa quyện rất hấp dẫn, ăn không ngán.
Du khách đến Huế khi đi ngang đường Bà Triệu, Lê Quý Đôn hay Hồ Xuân Hương nhớ ghé quán bánh ép, giá khoảng 5.000 đồng một chiếc. Không khí ồn ào của các quán ăn vỉa hè sẽ giúp bạn cảm nhận một góc Huế không hề trầm tư.
Theo TCDL
Nuốc - đặc sản riêng xứ Huế Không nơi nào trên đất nước ta có vùng nước lợ rộng lớn đến 21.620 ha như hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ở Thừa Thiên Huế. Đây chính là môi trường tự nhiên sinh sôi vô vàn loài nuốc có nhiều protein, các chất khoáng tự nhiên tinh khiết ngon lành không kém những loài thủy sản tươi sống. Vùng...