Bánh ướt
Để làm bánh ướt phải chuẩn bị gạo ngon, vo sạch, ngâm qua đêm rồi đem xay thật mịn. Mỗi nơi có bí quyết pha bột riêng để bánh tráng ra vừa dai vừa mềm.
Công đoạn tráng bánh cũng phức tạp không kém. Đổ bột lên tấm vải căng trên nồi nước sôi sùng sục, lượng bột vừa phải để bánh không quá dày mà cũng không quá mỏng. Cách làm bánh thì nơi nào cũng giống nhau, cái tạo nên sự khác biệt cho món bánh ướt của từng vùng miền là những nguyên liệu ăn kèm bánh như thịt, rau cải và nước chấm.
Bánh ướt thịt nướng của vùng đất kinh kỳ Huế là món ăn hấp dẫn. Miếng thịt nướng không nhiều nạc, cũng không nhiều mỡ, được tẩm ướp gia vị cho thấm rồi nướng trên bếp than hồng. Ai đi ngang qua ngửi mùi thơm lừng của thịt nướng cũng không nỡ bước đi. Cho thịt vào bánh ướt, kèm thêm rau thơm, xà lách và giá sống, cuộn lại từng cuốn đều tăm tắp. Khi ăn chấm với nước chấm làm từ tương và gan heo băm nhuyễn. Chính nước chấm độc đáo đó đã làm nên hương vị khó quên cho món bánh ướt thịt nướng xư Huê.
Bánh ướt thịt heo của vùng Quảng Trị lại thu hút thực khách với đĩa thịt heo luộc xắt lát, miếng thịt mỡ với tỷ lệ vừa phải, mềm mà săn chắc. Rau sống ăn kèm là cac loại rau thơm ở địa phương. Nước chấm được pha từ nước mắm với nhiều thứ nguyên liệu khác có vị ngọt hoặc mặn tùy theo sở thích của người ăn, nhưng không thể thiếu tỏi và ớt. Vừa ăn vừa hít hà.
Ở một số vùng ven biển miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, món bánh ướt trở nên mộc mạc như người dân quê chân chất. Bánh ướt tráng xong cho vào đĩa, thoa lên một lớp hẹ hay hành lá phi dầu, có nơi còn rải lên thêm lớp bột tôm đỏ au. Nước chấm chính là cái hồn của món bánh ướt này. Người ta có thể ăn bánh ướt chấm nước mắm pha ớt tỏi, nhưng đặc sắc nhất là ăn với các loại mắm nêm, mắm sò, mắm dắt hay mắm ruột được làm từ hải sản tươi rói nên mùi vị rất đậm đà.
Đặc biệt hơn là món bánh ướt ăn với thịt gà và lòng gà ở Đà Lạt. Cũng là đĩa bánh ướt tráng sẵn, cũng rau thơm và nước chấm từ mắm pha với tỏi có độ cay vừa ăn, nhưng khác lạ là có lòng gà và thịt gà. Gà phải chọn loại gà vườn, thịt săn chắc và ngọt. Lòng gà làm sạch rồi ướp sơ với gia vị, khi ăn thì xào lên thơm phức. Thịt gà luộc hoặc hấp chín đem xé phay. Lòng gà và thịt gà mỗi thứ một ít đặt lên đĩa bánh đã có rau, rắc thêm ít tiêu rồi chan nước mắm vào. Khó có thể tả được hương vị độc đáo của món ăn này.
Bánh ướt Sài Gòn là món ăn phổ biến đối với người sống ở thành phố này, nhưng không vì thế mà kém phần hấp dẫn. Không tỉ mỉ cầu kỳ, cũng không quá đơn giản, đĩa bánh cũng đủ rau quế thơm và giá trụng, nem chua, chả lụa thay cho những thứ thịt phải tốn công chế biến, thêm ít hành tím phi vàng vừa giòn vừa thơm. Có nơi đặc biệt hơn, người ta rắc thêm một ít bì thịt. Chan nước mắm có vị ngọt đậm hơn vị mặn mới đúng cách ăn của người Sài Gòn. Đĩa bánh ướt lúc nào cũng thấy ngon măt, ăn xong vẫn còn thèm.
Theo PNO
Đặc sản nên mua làm quà ở các vùng du lịch nổi tiếng
Mùa hè, mùa của những chuyến đi chơi xa và các chuyến du lịch dài ngày đã tới. Quà cho người nhà sau mỗi chuyến đi là điều khiến nhiều người lưu tâm.
Những ngày nắng nóng, mọi người thường có xu hướng đi nghỉ mát tại các vùng biển hoặc những địa điểm có khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Depplus sẽ "mách nước" cho bạn một vài món đặc sản của các vùng du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Đây đều là các đặc sản có tên tuổi, được nhiều người ưa chuộng.
Sapa
1. Đào Sapa
Sapa vào hạ lúc nào cũng hấp dẫn người miền xuôi với những vườn đào trĩu quả trong các bản quanh thị trấn. Nhưng bạn nhớ mua chiếc rọ để đựng đào mang về chứ không nên đựng bằng túi nilông. Nhiều người ngại không muốn mang những rọ đào nên đựng đào bằng túi nilông hay những chiếc thùng giấy, khi về đào hầu như không còn nguyên vẹn, dập nát, màu xám xịt...bỏ đi gần hết.
2. Thuốc Nam, thuốc Bắc
Là người sành thuốc, đến với Sapa, bạn hãy vào chợ mua các loại thuốc Nam, Bắc mang về làm quà cho người có tuổi hoặc người già. Vào chợ, bạn có thể mua các loại thuốc lẻ vị hoặc đã được chủ hàng gói sẵn thành từng thang đủ vị, đủ loại... Chủng loại cây, cỏ ở sapa rất phong phú và hầu hết là đầu vị, từ lâu đã nổi tiếng bởi những loài cây cỏ đó chỉ thích hợp với vùng khí hậu này.
3. Các loại hạt, hoa quả khô
Hạt dẻ rừng, hạt thông, hạt hạnh nhân, quả óc chó...cũng là những món quà ý nghĩa từ SaPa để mang tặng người thân. Táo mèo làm mứt cũng là một trong số đó.
Video đang HOT
Thanh Hóa
1. Nem chua
Nem chua là món ăn phổ biến ở Việt Nam, nhưng có lẽ vùng đất làm nên thứ nem chua giòn ngon, hấp dẫn hơn cả là xứ Thanh. Nem chua Thanh Hóa ngày nay đã có mặt ở khắp nơi, vậy mà ai về qua mảnh đất đầu miền Trung vẫn thường không quên mua nem chua về làm quà biếu tặng người thân.
2. Bánh gai Tứ Trụ
Bánh gai Tứ Trụ vùng Thọ Xuân, Thanh Hóa có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô. Đây là đặc sản đáng tự hào của người dân Thanh Hóa và được khách du lịch khắp nơi ưa chuộng.
3. Dừa, dứa
Các cửa hàng bán nem chua nổi tiếng ở Thanh Hóa cũng thường bán kèm các loại hoa quả đặc sản theo mùa vụ, chủ yếu là dứa, dừa. Bạn cũng có thể cân nhắc mua hoa quả về làm quà tặng người thân.
Huế
1. Mè xửng
Mè xửng là sản phẩm truyền thống của cố đô Huế. Bản chất thanh lịch, cần cù, khéo léo của người dân Kinh kỳ đã tạo nên loại kẹo nức tiếng thiên hạ này bằng những nguyên vật liệu quen thuộc của đất cát miền Trung. Mè (vừng) và xững (cách hoán đường) hợp thành tên kẹo. Ngoài vừng còn có bột đậu, mạch nha, bánh đa nữa. Hoán đường cộng với gia giảm nguyên vật liệu là khâu quan trọng nhất. Nó làm nên các loại mè xửng khác nhau.
2. Tôm chua
Mắm tôm chua được làm từ tôm rảo tươi để nguyên con ủ chua, là món ăn của miền Trung nhưng phổ biến hơn cả là ở Huế. Đây cũng là nơi làm mắm tôm chua nổi tiếng. Khách du lịch tới Huế có thể tìm mua mắm tôm chua dễ dàng ở khắp các chợ hoặc tiệm tạp hóa.
3. Trà cung đình
Trà cung đình được chế biến theo công thức được coi là lấy từ trong cung đình nhà Nguyễn thời xưa, là thức uống dành cho vua chúa. Trà cung đình Huế nay được đóng gói dạng tiện lợi, dễ mua về làm quà. Vị trà ngọt thanh, có công dụng thanh nhiệt giải khát rất dễ uống nên được nhiều người ưa chuộng.
Đà Nẵng
1. Tré Bà Đệ
Tré bà Đệ nổi tiếng ở Đà Nẵng từ nhiều thập niên. Và tiếp tục lớn mạnh khi con cái của bà quyết theo nghề của mẹ đã tạo nên sự lớn mạnh thương hiệu này. Dần dần người ta gọi tré Bà Đệ là đặc sản của Đà Nẵng. Tré Bà Đệ làm từ thịt heo nạc và ba chỉ về cắt mỏng cùng với các loại gia vị như đường, muối, tỏi trộn đều và gói lại. Sau đó ủ từ 2 đến 3 ngày mới đem ra dùng. Hương vị tré thơm chua, rất hấp dẫn khi nhậu với bia hoặc rượu.
2. Rong biển Mỹ Khê
Rong biển Mỹ Khê có dạng thon dài, khi ngâm nước loại rong biển này sẽ nở "phổng phao" và có màu xanh nõn. Rong biển có thể chế biến thành rất nhiều món từ nấu canh, hầm xương, xào tôm, xào thịt, làm gỏi, salad, sốt đậu hũ... cho đến nấu chè, nấu thạch.
3. Bò khô, nai khô
Đà Nẵng có nhiều đặc sản quý, nhưng có một đặc sản mà du khách tham quan trên đường về chắc chắn không thể thiếu cho bè bạn người thân. Đó là món khô bò, khô nai, một đặc sản trứ danh của vùng quê này. Những ai đã từng thưởng thức thì khó có thể quên được hương vị mà những miếng khô nai, khô bò đem lại. Thịt bò khô Đà Nẵng đóng gói là thịt bắp bò, nên khi ăn vị thịt bò khô có độ dai và đằm.
4. Mắm nêm
Mắm nêm là đặc sản độc đáo của người dân Đà Nẵng. Hiện nay, ở khắp nơi đều rất thịnh hành món thịt heo cuốn bánh tráng chấm mắm nêm nên khi có dịp tới Đà Nẵng, bạn có thể mua mắm về chế biến món ăn ngay tại nhà cho gia đình.
Nha Trang
1. Yến sào
Công dụng bồi bộ sức khỏe của yến sào từ lâu đã được người Việt biết tới. Tại Việt Nam, nơi chim yến làm tổ nhiều hơn cả là trên các đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa. Khi tới thành phố biển Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa du lịch, bạn có thể chọn mua yến chế biến sẵn để làm quà biếu tặng người thân.
2. Nem Ninh Hòa
Nem chua mảnh đất Ninh Hòa rất nổi tiếng và được bày bán rộng rãi tại thành phố Nha Trang. Nem có vị chua của thịt lên men, vị cay thơm của tiêu tuy khá giống với nem chua các vùng đất khác nhưng thơm ngon hơn nhiều bởi được làm từ thịt lợn nuôi chính tại mảnh đất Ninh Hòa.
3. Mực rim me
Món mực rim me đặc sản Nha Trang tuy đã có từ lâu nhưng thời gian gần đây bỗng dưng được ưa chuộng hơn rất nhiều. Mực rim me làm từ những nguyên liệu chính như mực khô nướng, me chín chua ngọt, dầu thực vật nêm với đường, muối, ớt, tỏi, sả nên vừa có vị ngọt của khô mực, của đường, vừa có vị chua cay rất hấp dẫn.
Đà Lạt
1. Mứt Đà Lạt
Đà Lạt quả là kinh đô của các loại mứt. Chỉ là những loại cây trái, rau, củ quả với những hương vị ngọt dịu hay chua thanh đã làm nên đặc sản mứt nơi đây. Có đến hơn 30 loại mứt đặc biệt chỉ Đà Lạt mới có. Nào là mứt mận, mứt khoai, mứt hồng... Ngoài ra còn nhiều vô số những loại mứt biến tấu khác như từ dâu tây có kẹo dâu khô, kẹo dâu bạc hà...
2. Trà Actiso
Atiso được trồng nhiều ở vùng ngoại ô Đà Lạt. thân, rễ, lá, bông đều hữu dụng có tác dụng chữa các bệnh về gan mật, lợi tiểu nên thường được chế biến thành trà và được bày bán rộng rãi tại các chợ,điểm du lịch của Đà Lạt.
3. Dâu tây Đà Lạt
Dâu tây có mùi thơm quyến rũ, vị ngọt thanh pha lẫn vị chua được người tiêu dùng ưa chuộng. Dâu tây khá kén đất trồng nên ở Việt Nam,chỉ có mảnh đất quanh năm khí hậu ôn hòa như Đà Lạt mới có giống dâu tây ngon. Khách du lịch tới Đà Lạt thường không quên mua một vài kí dâu tây mang về tặng người thân.
Phú Quốc
1. Tiêu sọ
Phú Quốc có những vườn trồng tiêu khổng lồ, cho thành phẩm là giống tiêu sọ chất lượng nổi tiếng. Tiêu sọ Phú Quốc thơm ngon,vị cay nồng ít nơi sánh được.
2. Nước mắm
Phú Quốc còn có một đặc sản có thể mua làm quà không thể không nhắc tới là nước mắm. Nước mắm Phú Quốc có độ mặn vừa phải, độ đạm cao, hương vị tuyệt hảo không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn lừng danh cả thế giới.
3. Mật sim
Mật sim (hay còn gọi là nước cốt của trái sim) là một trong những loại đặc sản ẩm thực nổi tiếng của đảo Phú Quốc, Việt Nam. Từ mật sim, trái sim người ta còn có thể làm lên men để tạo ra loại rượu sim hương vị độc đáo không hề thua kém các loại rượu vang nho thông thường.
Côn Đảo
1. Hạt bàng
Hạt bàng là một thứ quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo. Bàng mọc trên con đường ven biển, bàng có mặt trên mọi ngóc ngách đường phố. Mứt hạt bàng không phải nguyên phần hạt lớn mà chỉ lấy phần nhân bên trong, rang phơi khéo léo, tạo nên các loại hạt bàng rang, mứt hạt bàng vị bùi thơm đặc biệt hấp dẫn
2. Mực một nắng
Đi Côn Đảo, nhiều người thường mua mực một nắng về làm quà cho người ở nhà. Mực một nắng nướng, chiên đều rất ngon.
Ngoài ra, ở tất cả các vùng biển du lịch nổi tiếng đã kể trên cùng các khu du lịch nổi tiếng khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu, Phan Thiết, Mũi Né...bạn đều có thể tìm mua các loại hải sản tươi và khô về làm quà cho gia đình.
Vietnamnet
[Chế biến] - Lòng gà xào dứa Món lòng gà xào dứa tuy đơn giản nhưng lại rất ngon miệng, trôi cơm. Nguyên liệu: - Lòng gà bao gồm tim, gan và mề gà: 450gr - Dứa hơi xanh (loại bắt đầu hơi vàng ở 1 góc quả): 1 quả nhỏ - Gừng, hành, tỏi, hạt tiêu, mắm, gia vị, hạt nêm - Rau mùi, hành hoa Thực hiện: Bước...