Bánh ú tro và các loại hoa quả cho mâm cúng Tết Đoan ngọ
Mỗi dịp Tết Đoan ngọ, người Việt Nam tất bật chuẩn bị mâm cúng gia tiên phù hợp để diệt sâu bọ. Gợi ý sau sẽ giúp bạn có thêm lựa chọn cho mâm cúng chay tịnh trong gia đình.
Rượu nếp: Mỗi dịp Tết Đoan ngọ, những gian hàng bán rượu nếp thêm nhộn nhịp người mua cúng ban thờ tổ tiên. Từ lâu đời, người Việt Nam cho rằng ăn rượu nếp khi bụng đói sẽ khiến “sâu bọ” trong người say men rượu mà biến mất. Tập tục riêng của người Việt Nam khiến cơm rượu nếp mỗi vùng miền có phiên bản khác nhau. Ảnh: Tinyly.xinh.
Người miền Bắc thường chế biến cơm rượu từ nếp cẩm, lên men với công thức đặc trưng làm nên hương vị riêng. Ở miền Nam, người dân lại vo viên cơm rượu thành từng nắm rồi thưởng thức. Ý nghĩa chung của việc ăn cơm rượu, nếp cẩm là diệt sâu bọ phòng trừ dịch bệnh. Họ sẽ chuẩn bị những bát rượu nếp sạch sẽ để cúng gia tiên kèm các loại hoa quả. Ảnh: Phuongbich.pham.
Bánh gio mật mía: Tiết trời nóng bức của tháng 5 Âm lịch khiến người dân từ lâu đời luôn chọn những món ăn thanh mát dịp Tết Đoan ngọ. Bánh gio (hay bánh tro) làm từ gạo nếp và đường, mật mía luôn góp mặt trong mâm cúng của người Việt Nam từ đó. Mọi người thường ăn bánh khi nguội để cảm nhận vị thanh mát, ngọt thơm với công dụng dễ tiêu, thanh nhiệt và giải độc. Ảnh: Hanho0811.
Chè trôi nước: Món tráng miệng, ăn vặt không thể thiếu của người miền Nam mỗi dịp Tết Đoan ngọ. Bánh trôi nhân đậu xanh truyền thống hoặc nhiều màu sắc sẽ ăn kèm nước đường gừng ấm nóng. Món ăn thơm đậm vị gừng, béo ngậy của nước cốt dừa ăn kèm, gần giống món bánh trôi của người miền Bắc. Ảnh: Matchamichi, thanhbakes.
Video đang HOT
Hoa quả đầu mùa: Tuỳ sở thích, người nội trợ các vùng miền sẽ chọn những loại hoa quả đang vào mùa dịp tháng 5 Âm lịch. Với người miền Bắc, những loại trái cây thường góp mặt trong mâm cúng gia tiên là mận, roi, đào, táo hay vải… Sự đa dạng của hoa quả nhập khẩu ngày nay cũng giúp các gia đình có thêm sự bày biện đẹp mắt đón Tết Đoan ngọ. Ảnh: Minh Thuận.
Với những người kinh doanh hay người đi làm bận rộn, họ thường chuẩn bị hoa quả cúng Tết Đoan ngọ khá đơn giản với quả mận, ổi và một cốc rượu nếp mua sẵn. Tuỳ sở thích và thời gian cá nhân, bạn có thể đón ngày diệt sâu bọ truyền thống với các loại thực phẩm khác nhau mà vẫn giữ trọn vẹn ý nghĩa. Ảnh: Tra.ja.
Bánh ú tro: Nếu người miền Bắc có bánh gio thì người miền Nam thường cúng bánh ú tro mỗi dịp Tết Đoan ngọ. Bánh làm từ gạo nếp nấu với nước tro, nhân đậu xanh và có hình chóp. Bọc bên ngoài bởi lá tre, bánh có vị ngậy và thơm nhẹ. Mỗi dịp Tết Đoan ngọ, người miền Nam lại nhộn nhịp tự làm hoặc mua những gói bánh ú thắp hương, làm quà tặng cho người thân. Ảnh: Tedphung, channfood.
Theo Zing
Những món ăn "giết sâu bọ" trong ngày Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch
Vào ngày Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch người dân thường ăn những món như rượu nếp, hoa quả, thịt vịt... với quan niệm chúng sẽ có tác dụng giệt trừ sâu bọ, làm thanh lọc cơ thể.
Theo tục lệ, vào ngày Tết Đoan Ngọ mọi người phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết. Chính vì thế, hoa quả, bánh trái có nguồn gốc tự nhiên (những loại có vị chung là chua, cay, nóng...) là những đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra, còn có các món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương, khu vực.
Bánh tro
Vào ngày Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch những chiếc bánh tro trong veo vàng óng là thứ mà nhà nào cũng có. Bánh tro còn được gọi là bánh ú tro, bánh gio, bánh âm, bánh nẳng... Bánh có màu vàng đậm do gạo nếp được ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc, nhân bánh có thể mặn, ngọt hoặc không nhân.
Bánh tro thường ăn với đường hoặc mật. Mỗi vùng có một kiểu gói bánh khác nhau, có nơi gói hình thuôn dài, có nơi gói hình chóp tam giác. Bánh mềm mại vị nhạt tính mát, có màu từ nhạt đến nâu sẫm phụ thuộc loại nước tro sử dụng.
Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Nếp làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm và nhất định không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng. Vì vậy bánh tro theo quan niệm xưa là có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người, đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.
Cơm rượu nếp (cái rượu)
Giống như bánh tro, cơm rượu nếp là một món ăn không thể thiếu trong các gia đình ngày Tết Đoan Ngọ. Vì theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ bớt đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại.
Cùng là cơm rượu nhưng người miền Nam thường nắm cơm rượu thành các viên tròn nhỏ, trong khi đó, cơm rượu của người miền Bắc cứ để nguyên như vậy mà thưởng thức.
Dù khác nhau về hình thức nhưng hương vị của hai loại cơm rượu này vẫn không khác nhau là mấy, hơn thế chúng còn có chung mục đích là giết sâu bọ và thể hiện được nét đẹp văn hóa trong tâm linh của người Việt.
Thịt vịt
Với người miền Trung thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Ở những địa phương này, người ta quan niệm, bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó tiết canh vịt, bún măng vịt... là phổ biến nhất.
Ngày nay, ẩm thực các vùng miền bắt đầu có sự giao thoa, hòa quyện vì thế, không chỉ có người miền Trung mới ăn thịt vịt vào Tết Đoan Ngọ mà một số khu vực cũng bắt đầu đưa thịt vịt vào dịp Tết này.
Các loại quả đầu mùa
Cùng với cơm rượu nếp và thịt vịt thì hoa quả đúng mùa cũng được xem là một phương thuốc diệt sâu bọ. Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp "chuốc say", chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.
Tháng 5 là thời điểm mà các loại hoa trái mùa hè bắt đầu vào mùa. Mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên để lẫy lễ là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình. Việc ăn trái cây đầu mùa, đặc biệt là cái loại trái cây như: Mận, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu... không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
Chè trôi nước
Chè trôi nước là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết giết sâu bọ của người miền Nam. Những viên chè tròn được làm từ bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh ăn cùng với nước cốt dừa. Chè có vị béo của đậu xanh, vị ngọt của đường, nước cốt dừa, vị man mát của bột ở ngay đầu lưỡi và mùi thơm hấp dẫn của gừng, nước cốt dừa.
Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người làm bếp. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm. Khi nặn bánh, người làm chỉ lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa.
Ngoài ra, ở một số vùng khác, người ta ăn các món như: Bánh khúc, chè kê, chè nếp cẩm, chè trôi nước... để giết sâu bọ.
Theo ĐSPL
Đây là những thứ cần chuẩn bị trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ - check list ngay để không bỏ sót bất cứ thứ gì Tết diệt sâu bọ hay Tết Đoan Ngọ là 1 trong những ngày lễ quan trọng của người Việt. Mâm cúng bạn cần chuẩn bị những gì? Bỏ túi ngay nhé! Theo quan niệm dân gian thì Tết Đoan Ngọ hay Tết diệt sâu bọ (5/5 âm lịch) được cho là một trong những ngày Tết đặc biệt của người Việt.Tết Đoan Ngọ...