Bánh tôm trong lòng phố cổ, quá tải khách ăn hàng
Quán bánh tôm nằm khiêm tốn bên con phố cổ, mà lạ thay chiều nào cũng tấp nập khách đến ngồi chật kín vỉa hè.
Bánh ăn kèm với rau sống, nước mắm pha chua ngọt.
Quán được mở hơn chục năm trên phố Hàng Bồ (Hà Nội), ban đầu chỉ có món há cảo chiên. Lâu dần, để tránh sự nhàm chán, cô chủ quán đã chế biến thêm món bánh tôm để thực khách thưởng thức. Mặc dù “đến sau”, nhưng món bánh tôm cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng, trở thành địa chỉ quen thuộc chỉ sau phủ Tây Hồ.
Mở cừa từ 14h, nhưng chỉ đến hơn 16h là quán lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, cô chủ quán chỉ còn cách xua tay kêu hết chỗ. Vào giờ cao điểm, khách đông ngồi chật kín vỉa hè, người đến ăn và người mua về đều đông, đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến thanh niên và cả người già.
Video đang HOT
Những chiếc bánh tôm nhỏ được chế biến vừa lòng bàn tay. Bánh có vị béo ngậy của bột chiên giòn, vị bùi của tôm vừa chin tới, chút ngọt ngọt, cay cay của bát nước chấm và thanh mát từ rau sống. Ở giữa bánh, là những con tôm tươi chỉ vừa bằng ngón tay út, nổi bật giữa sắc vàng ươm của bột bánh. Bánh tôm được ăn khi vừa rán xong, nóng hổi, giòn tan và béo ngậy, tôm thì chắc thịt và bùi.
Đĩa rau sống nhỏ được kèm theo giúp người ăn không bị ngấy khi món ăn được chiên qua dầu mỡ. Về nước chấm, cô chủ quán cũng pha rất khéo, không thực sự đặc biệt nhưng cũng đủ để làm vừa lòng ai đã một lần cất công tìm đến quán.
Ngoài bánh tôm, món há cảo chiên cũng hấp dẫn không ít các vị khách. Cô chủ quán gói há cảo thành những chiếc bánh nhỏ xinh, rán ngập trong chảo dầu nóng già. Món bánh có vỏ mỏng, giòn, nhân bên trong đầy đặn và nhiều thịt. Một đĩa thường được bày khoảng 20 chiếc, đủ để ăn mà không bị ngán.
Tranh thủ những ngày còn vương vất hơi lạnh mùa đông, được nhúng chìm cả miếng bánh vào nước chấm, mới có thể cảm nhận hết mùi vị thơm ngon và giòn tan của món ăn nổi tiếng xứ Hà Thành. Nếu như trước đây, bánh tôm được gắn với khung cảnh thơ mộng của Hồ Tây, thì giờ vẻ đẹp cổ kính nơi con phố cổ cũng chính là điểm níu kéo thực khách đến với quán ăn độc đáo nơi vỉa hè này.
Mỗi đĩa bánh tôm và há cảo có giá 26.000 đồng một đĩa, quán mở cừa từ 14h đến 18h30 tối tại 55 Hàng Bồ.
Bánh được rán sơ qua trước, khi có khách, chủ hàng rán lại cho nóng giòn.
Bánh với những chú tôm chắc thịt, ngọt.
Há cảo chiên.
Theo NS
Bánh tôm Hồ Tây
Đón thằng bạn từ Liên Xô du học trở về, tôi hí hửng nghĩ ngay đến việc bắt cậu chàng đi một vòng quanh Hồ Tây cho đến khi cái bụng cồn cào mới đưa cu cậu vào ăn ở nhà hàng bánh tôm để cho đã cái sự thèm thuồng sau bao năm ở nơi xứ người.
Bao năm xa quê, với nó là bấy nhiêu nhớ nhung về đất nước. Nó nhớ lắm những chiều đi phủ Tây Hồ cùng mẹ, nghe tiếng chuông chùa văng vẳng... Và quên sao được những giây phút cùng lũ quỷ sứ chúng tôi tụ tập ăn bánh tôm cho đến no căng mới xoa bụng đi về...
Chừng năm năm trở về trước, khung cảnh những bà hàng rong quẩy bánh tôm bán còn theo thơm nồng các ngõ phố ven hồ Trúc Bạch, Hồ Tây (Cổ Ngư) hay ở cổng trường Bảo Hộ trên đường Thụy Khuê. Bánh tôm giờ chỉ còn thấy ở trong nhà hàng. Không còn bóng dáng của những bà hàng rong chao bột, tẩm tôm, với đông đúc trẻ con, người già vây quanh hồi hộp, thèm thuồng chờ những mẻ bánh vớt ra khỏi chảo mỡ. Nét xưa ấy dẫu chìm khuất đâu đó nhưng trong cảm nhận của người Hà Nội, món ngon ấy đã lắng sâu vào tiềm thức đến khó phai nhòa.
Men theo con đường vào phủ dài chừng 1 km, những hàng bánh tôm san sát như lời mời khách vãn cảnh chùa thưởng thức tinh túy của trời nước Hồ Tây. Nét văn hóa ẩm thực ấy đã nên duyên trong lòng thực khách. Thưởng thức bánh tôm Cổ Ngư, nhâm nhi vài ngụm bia nhỏ, ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống trên mặt hồ mà thấy phong cảnh hữu tình đến lạ!
Công thức làm bánh tôm không cầu kỳ nhưng vô cùng tinh tế. Trứng vịt đánh đều trong bột mì và bột năng cho đến khi sền sệt, để chừng 30 phút là mang ra dùng được. Những lát khoai lang xắt sợi phải ngâm qua nước muối loãng để mất chất nhựa. Muốn bánh ngon thì phải chọn tôm hồ Tây thì thịt mới ngọt. Tôm được rửa sạch, cắt bớt râu, chân, ướp trong gia vị hạt nêm và tiêu thơm cho ngấm đều rồi cho vào chảo mỡ phi hành tỏi xào cho tới khi chuyển màu là vừa.
Thằng bạn tôi hứng thú nhất là lúc được xem bà hàng cho bánh vào chảo. Đun dầu nóng đến khi sôi lăn tăn, dùng muôi trũng múc hỗn hợp bột khoai, xếp hai con tôm lên trên nhúng muôi vào chảo dầu, rán vàng giòn rồi mới vớt ra để ráo dầu. Nhìn mà đã thấy thèm thuồng, cồn cào trong bụng. Cái ngọt của tôm cùng với cái giòn giòn, ngầy ngậy của bánh và vị khoai thơm nồng hòa trong vị chua, cay, mặn, ngọt của nước chấm, dưa góp mà thấy ngất ngây nơi đầu lưỡi. Sướng vô cùng khi tận hưởng từ từ cảm giác bánh tan trong miệng quyện hòa với cái sần sật, chua chua, ngọt ngọt của dưa góp và thả mình trong cái thoáng đãng của khí trời, cái rộng rãi của mặt hồ mà ngỡ lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Trong nhịp sống hối hả, biết bao người đã bỏ lại phía sau những nét tinh tế của nghệ thuật ẩm thực. Nhưng cùng với thời gian, phong cách thưởng thức bánh tôm vẫn còn vẹn nguyên như tâm hồn người Hà Nội: thanh tao, nhẹ nhàng mà níu lòng khách thập phương, người xa xứ tìm về...
Theo PNO
Trứng vịt lộn VN 'gây sốt' trên báo nước ngoài Khi phở bò, bánh tôm, nem cuốn trong ẩm thực Việt không còn xa lạ với báo chí Trung Quốc, thì trứng vịt lộn - món ăn vặt dân giã khiến thực khách nước ngoài nhiều phen "sởn tóc gáy" lại gây tò mò cho truyền thông nước này. Trang People.com.cn và 163.com khi liệt kê những đặc sản nổi tiếng của Việt...