Bánh tổ trong ngày Tết của người Quảng
Bánh tổ là loại bánh của người dân xứ Quảng thường xuất hiện trong dịp Tết. Những ngày đầu năm, trên bàn thờ gia tiên của người dân ở đây không thể thiếu loại bánh này.
Không ai biết bánh tổ có từ đâu và vì sao có tên gọi đó, chỉ biết rằng đây là loại bánh cổ truyền trong ngày Tết của người dân xứ Quảng. Truyền thuyết kể rằng bánh này vốn do tổ mẫu Âu Cơ làm ra phát cho trăm con lên núi xuống biển làm lương khô ăn dọc đường. Cũng có người cho rằng loại bánh này làm ra cốt là để cúng ông bà nên mới có tên gọi bánh tổ.
Cũng như những loại bánh mứt khác, bánh tổ được chế biến trước Tết mấy ngày. Như một món để dành, bánh tổ nấu ra không phải để ăn ngay mà để sau một thời gian cho “ngấm” khi đó mới đậm đà, vị ngọt bùi sẽ tăng lên. Để có những ổ bánh tổ mềm mại, thơm ngon không cứng cũng không nhão đòi hỏi phải hoàn thiện nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu cho đến lúc bảo quản.
Bánh tổ sau khi hấp chín có màu vàng ươm rất đẹp mắt. Ảnh: H.A.
Video đang HOT
Nguyên liệu chính gồm có nếp, đường. Nếp phải là loại nếp hạt mẩy, đều tròn thì mới dẻo và thơm. Đường phải là loại đường bát, một loại đường đặc sản của Quảng Nam. Hai thứ phụ liệu không thể thiếu là hạt mè và gừng. Mè trắng khô đãi sạch, phơi nắng rồi đem vào rang đều tay, gừng giã nhỏ gạt lấy nước.
Nếp sau khi phơi thật khô rồi đem xay thật mịn thành bột và đường bát được tán ra nấu thành nước, trộn hai thứ này với liều lượng nhất định. Khi trộn, phải trộn thật đều, pha thêm chút nước gừng sau đó bỏ vào khuôn. Khuôn bánh tổ thường đan bằng tre trông như cái rọ, lá chuối được chọn lựa cẩn thận cắt ra lót vào trong khuôn. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá.
Người ta thường dùng một nồi to để hấp, đặt một tấm vỉ tre ở giữa có chu vi bằng chu vi nồi, phía dưới đổ nước, sau đó xếp những khuôn bánh lên trên. Đậy chặt nắp, bắt đầu đun khoảng hơn hai tiếng đồng hồ, bánh chín là nhờ ở sức nóng của hơi nước trong nồi. Lúc vừa vớt ra, nhanh tay rắc một ít mè lên trên mặt còn rất nóng của bánh tổ, mè sẽ dính chặt vào khá đều đặn. Công đoạn cuối cùng là đem bánh phơi ra ngoài nắng trong khoảng hai hôm đến khi bánh khô cứng.
Bánh tổ thái lát mỏng chiên tỏa mùi thơm nức và ngon miệng. Ảnh: H.A.
Bánh tổ có thể ăn sống nhưng muốn ngon hơn thì nên chiên. Ngày còn đi học, sau Tết thế nào tôi cũng để dành vài ổ bánh tổ mang vào trường làm quà cho bạn bè. Khi thả từng miếng bánh tổ vào chảo dầu nóng, một mùi thơm tỏa ra làm cho cả phòng không đứa nào mà có thể nhịn được. Từng lát bánh tổ chiên kẹp giữa 2 miếng bánh tráng mà thưởng thức, một cảm giác ngọt thanh của đường, mùi thơm của nếp, beo béo của dầu, cay cay của gừng… làm cho ai một lần được ăn sẽ nhớ mãi cái hương vị này.
Tết đến trên thị trường tràn ngập nhiều loại bánh với mẫu mã rất đẹp, chất lượng ngon nhưng bánh tổ vẫn chiếm vị trí rất quan trọng với người dân xứ Quảng. Bánh tổ không chỉ là một món ăn ngon mà còn mang trong mình một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Hoàng Anh
Theo VNE
Ngọt ngào chè nếp khoai môn
Chè nếp khoai môn, tên gọi tuy dung dị nhưng lại gắn liền với đời sống người dân quê tôi. Mỗi dịp giỗ chạp, cúng quẩy và đặc biệt trong những ngày lạnh thế nào má cũng nấu món chè khoai đãi cả nhà.
Hồi nhỏ có lần chị em tôi đang học bài, bỗng nhảy lên sung sướng khi mẹ gọi xuống ăn chè nếp nóng. Chúng tôi nhâm nhi từng muỗng chè, nhai chậm rãi. Vị dẻo thơm của nếp, bùi của khoai môn, ngọt ngào của đường bát và ấm nóng của gừng già, tất cả như xông vào vị giác hòa quyện thành một món ăn chân quê ngon đến khó tả.
Lớn lên một tí, tôi mon men hỏi má cách nấu chè nếp. Nguyên liệu làm nên chén chè khá giản đơn, gắn liền với tên gọi của nó. Chỉ vài lon nếp, dăm ba củ khoai môn thơm, nửa tán đường bát, ít lát gừng, nhưng để có một chén chè ngon người nấu cần phải tỉ mỉ. Trước tiên là phải biết chọn nếp, theo bí quyết của má, nếp phải là loại nếp lúa mới, được phơi đủ nắng, có màu trắng, khi đó hạt nếp nấu chín sẽ nở đều, cho nhiều nhựa. Đường để nấu chè phải là loại đường bát màu ngà, đủ để chè sau khi chín có màu hơi vàng. Đặc biệt, má thường chọn loại khoai môn ít dẻo, nhiều bột nấu chè mới ngon.
Khoai môn gọt vỏ và thái miếng vuông, đem hấp vừa chín tới. Nếp đãi kỹ, được vo rửa nhiều lần với nước sạch nhằm loại bỏ các tạp chất bám bên ngoài hạt cũng như các hợp chất hóa học còn sót lại trong quá trình trồng trọt để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Cho nếp vào nồi nước đang sôi, để lửa nhỏ riu riu đến khi hạt nếp nhừ, nở ra. Sau khi nếp nhừ, cho khoai môn đã hấp cùng với đường vào đến khi chè có độ ngọt cần thiết. Chú ý không đậy nắp nồi chè mà luôn quan sát chè trong khi nấu. Thỉnh thoảng khuấy cho đều tay. Nồi chè sánh lại là ngừng lửa ngay, nếu chỉ cần sơ ý khuấy già tay một chút, chè sẽ mất đi hương vị dịu dàng của nếp, vị ngọt thanh của khoai.
Chè nếp khoai môn đạt "chuẩn ngon" chỉ khi nếp đã chín mềm nhừ, thơm lừng, từng miếng khoai môn mềm nhưng cấu trúc vẫn còn nguyên vẹn. Khi ăn kèm bánh tráng mè nướng mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon của món này. Bẻ một miếng bánh tráng giòn tan, múc một ít chè nóng đặc sánh rồi từ từ thưởng thức, bao nhiêu cái lạnh của ngày đông dường như tan biến...
Theo thanh niên
Mặn bùi bánh dừa Bến Tre Cặp theo tuyến quốc lộ 60 hướng đi TP. Hồ Chí Minh, người ta thường thấy du khách chọn mua những chiếc bánh tét, bánh dừa nhãn hiệu Nguyên Gia, để làm quà Bến Tre dành biếu, tặng người thân. Chủ lò bánh là chị Trương Thị Hồng Nhung - 39 tuổi, ngụ tại ấp Phú Nhơn (thị trấn Châu Thành). Tại lò...