Bánh tiêu Sài Gòn hút hồn giới trẻ ở Hà Thành
Nói đến món ngon đường phố Hà Nội không thể không kể đến bánh mì, bánh sắn, bánh khoai, bánh quẩy, bánh rán…, và bây giờ là bánh tiêu Sài Gòn. Bánh được nhiều người nhắc đến hơn một năm nay, như một thứ quà Nam trên đất Bắc.
Thứ bánh này thường nằm trong những chiếc tủ kính với dòng quảng cáo “Bánh tiêu Sài Gòn”, mới nhìn thôi đã biết đó là bánh gì, xuất xứ từ đâu. Nhưng hương vị của nó thì phải thưởng thức mới biết được.
Bánh tiêu được bán nhiều cho học sinh, sinh viên ăn tạm chống đói những lúc tan trường, là thứ quà vặt rẻ, nhưng khá ngon. Trước cổng nhiều trường học hay những ngõ hẻm ta đều có thể bắt gặp tiếng rao “Ai bánh tiêu Sài Gòn đê”, khiến nhiều người tò mò về loại bánh mới này.
Video đang HOT
Trên phố Xuân Thủy, chị Hương (Thanh Hóa), chủ của một tủ bánh tiêu vừa bán hàng vừa kể cho khách về việc chuyển “nghề” này. Chị cho biết ngày trước chị cũng đi bán bánh mì, sau thấy thứ bánh này là lạ, ăn cũng được nên chị bán thêm, sau rồi thấy đắt hàng nên chị chuyển hẳn sang bán bánh tiêu.
Bánh tiêu dân dã, đơn giản nhưng rất sang trọng và bắt mắt. Theo chị Hương, nguyên liệu chế biến đơn giản, gồm có bột mì, bột nở, đường, muối, mè trắng rang vàng, một chút vani. Hòa nước ấm với đường và một chút muối, va ni. Trộn lẫn bột mì với bột nở. Sau đó đổ từ từ nước đường nóng vào bột tạo thành hỗn hợp bột mịn, dẻo quánh, sau đó dùng tay nhào kỹ bột. Ủ bột khoảng 2-3 giờ cho bột nở.
Tiếp đó chia bột ra thành những phần nhỏ bằng nhau. Để lên thớt hoặc mâm, lăn qua một lớp vừng phía ngoài rồi cán mỏng bột cho dẹt như chiếc bánh rán, nhưng to hơn một chút. Cuối cùng là thả bánh vào chảo rán. Để lửa vừa phải để bánh chín vàng đều và phồng lên. Bánh chín thì vớt ra để lên giấy thấm dầu cho ráo mỡ.
Từng chiếc bánh ra lò vàng ươm hấp dẫn, bánh mềm từ bột, thơm từ vừng, vani cùng với bị beo béo của dầu thấm vào bên trong lẫn bên ngoài. Bánh tiêu ăn nóng hay nguội đều ngon. Những sáng se lạnh, chỉ cần chiếc bánh tiêu với ly trà nóng là ấm bụng.
Người Sài Gòn khi ăn bánh tiêu còn kẹp thêm giò, chả hay kem vào giữa bánh, còn người Hà Nội chỉ dùng tay xé từng miếng bánh tiêu để thưởng thức.
Theo vietbao
Canh rau muống chả cua
Hẳn tô canh rau muống cua đồng đã trở nên rất gần gũi trong bữa ăn hằng ngày của gia đình người Việt, nhưng có lẽ, khi nói đến canh rau muống chả cua, chắc không ít người còn cảm thấy xa lạ trước món ăn vừa lạ vừa quen này.
Để làm nên điểm đặc biệt của tô canh rau muống chả cua, thành phần quan trọng nhất chính là chả cua. Chả có vị ngọt đậm đà, đặc trưng do thành phần chính được làm từ thịt nạc cua. Cua đem luộc chín, bỏ xương, lọc lấy thịt. Với những người bận rộn, muốn đơn giản hơn thì có thể mua thịt cua đã được làm sẵn ở siêu thị, tuy nhiên, tùy theo đó mà độ đậm đà của chả cua cũng sẽ tăng giảm ít nhiều. Để có thể hạn chế được điều này, người ta có thể cho thêm thịt tôm đã được giã hoặc xay nhuyễn vào hỗn hợp chả cua, nhằm tăng thêm mùi vị cho món ăn.
Đem thịt cua trộn thật đều và nhuyễn với giò sống, hành tím băm và những loại gia vị thông dụng như tiêu, đường, muối, bột nêm..., để tạo màu có thể cho vào một muỗng dầu điều hoặc chính gạch cua để giúp chả nhìn bắt mắt, hấp dẫn hơn. Sau khi đã chuẩn bị xong phần nguyên liệu, đợi nồi nước sôi, dùng muỗng múc từng viên chả cua sống cho vào nồi nước, chờ chả nổi lên mặt nước là chả đã chín và có thể dùng được. Chính việc viên từng muỗng chả cua lại rồi cho vào nồi nước đã giúp cho nồi nước dùng trở nên ngọt lịm, thơm nức mùi hương đậm đà của cua. Từ đây, rất nhanh chóng, ta cho rau muống đã được cắt nhỏ vào nồi nước dùng, chờ nước sôi lại, nêm nếm gia vị cho vừa miệng là đã có ngay một tô canh rau vừa mát, vừa hấp dẫn phục vụ cho các thành viên trong gia đình. Để tiện lợi hơn, có thể làm sẵn nồi nước dùng và chả cua rồi bảo quản kín trong tủ lạnh và dùng dần, khi ăn chỉ cần cho thêm các loại rau khác để thay đổi khẩu vị như rau ngót, mồng tơi, cải ngọt...
Một trưa hè nắng nóng, chẳng có gì sảng khoái hơn việc được ngồi trong bữa cơm gia đình, cầm trên tay chén canh rau muống chả cua, với mùi thơm nhẹ nhàng, thân quen mà vô cùng mời gọi, nếm vội một muỗng canh cũng có thể cảm nhận được vị thanh, ngọt được kết hợp hài hòa với nhau trong nước dùng. Rau muống giòn, mát, cộng thêm miếng chả cua mềm, cắn vào nghe ngọt lịm, thơm lừng, có thể khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy xao lòng, bao mệt mỏi đều tan biến hết. Ăn canh rau muống chả cua ngọt mát, nhiều dưỡng chất, giúp xua tan cái nóng mùa hè và làm nồng đượm thêm không khí của bữa cơm gia đình.
Theo VNE
Phá lấu Phá lấu là món sở trường của nhiều phụ nữ Hội An quê tôi. Bao tử, ruột non (heo và cả bò) là nguyên liệu làm nên món này. Món được chế biến khá công phu ngay từ khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu. Bao tử, lòng heo tất cả phải còn tươi nguyên. Bao tử xẻ dọc, lộn trái. Ruột non...