Bánh thuẫn trong ngày Tết ở miền Trung
Màu vàng ươm, nở bung ra như những cánh hoa mai là loại bánh đặc trưng của người miền Trung không thể thiếu trong năm mới.
Cùng với bánh tét, dưa món, chân giò hầm măng… bánh thuẫn là món bánh để đãi khách trong những ngày Tết của người miền Trung. Trước Tết khoảng 5 – 6 ngày, người dân ở đây bắt đầu rộn ràng với việc đổ bánh thuẫn. Nguyên liệu chính của món bánh này rất đơn giản với bột, trứng và một chiếc khuôn bánh làm bằng gang hoặc đồng. Một khuôn bánh thường có 6 đến 8 chiếc bánh nhỏ bên trong.
Bánh thuẫn là món bánh quen thuộc trong ngày Tết của người miền Trung.
Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có được những mẻ bánh vàng ươm, nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ. Công đoạn khó nhất là việc pha và đánh bột. Bột dùng để làm bánh là bột năng, bột huỳnh tinh (bình tinh) được pha với nhau theo một tỷ lệ nhất định. Trứng để làm bánh là trứng gà, trứng vịt hoặc sử dụng cả hai loại tùy theo sở thích của từng gia đình. Trứng cho vào với đường và đánh tan. Cho tiếp bột đã rây mịn vào và đánh cho đến khi hỗn hợp đó quyện lại và dậy lên là được. Sau khi đánh xong, cho vào một ít vani để có hương thơm.
Khuôn bánh được làm nóng hai mặt.
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu thì bắt đầu đổ bánh. Khuôn bánh rửa sạch, đặt lên lò than và làm nóng hai mặt bằng cách gắp vài cục than đang cháy đỏ để lên nắp khuôn. Một chén dầu được đặt bên cạnh, dùng cây cọ hoặc dùng cọng xanh của lá chuối đập dập một đầu, nhúng vào chén dầu và trét vào các khuôn bánh. Khi khuôn bánh đã đủ nóng, múc bột đổ vào từng khuôn nhỏ. Khi đổ phải nhớ canh lượng bột, không được đổ nhiều quá vì bánh lâu chín, lại bị dính ra xung quanh không đẹp. Nếu đổ ít quá bánh lại không đủ bột để nở bung và dễ cháy, chỉ nên đổ bột vừa ngang mép khuôn là được.
Video đang HOT
Bột được đổ đầy trong các khuôn bánh nhỏ.
Sau đó đậy nắp bánh lại, nhớ canh than cháy đều cả bên dưới và bên trên nắp khuôn. Khi bánh bắt đầu tỏa mùi thơm phức, dùng những cây tre được vót nhọn, xiên bánh ra. Bánh thuẫn đạt tiêu chuẩn phải nở bung như cánh hoa mai và có màu vàng ươm trên bề mặt, phần dưới bánh có màu vàng đậm. Sau khi đổ xong hết các mẻ bánh, bánh thuẫn được xếp lên nong và đem hong khô trên bếp nhỏ lửa để bánh săn lại, ngon và để được lâu hơn, không bị mốc.
Bánh chín nở bung ra như những cánh hoa, có màu vàng ươm rất đẹp mắt.
Trong những ngày giáp Tết, đi bất cứ con đường làng quê nào ở miền Trung, bạn đều sẽ được ngửi thấy hương thơm phức của bánh thuẫn. Ngoài món bánh để cúng ông bà trong ngày Tết, bánh thuẫn được ưa thích vì có mùi thơm dịu, lại không quá ngọt như các loại bánh mứt khác.
Trong cái khí trời se lạnh ngày đầu năm, ngồi thưởng thức bánh thuẫn bên những ấm trà nóng thì không còn gì hạnh phúc bằng.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Quà Tết miền Trung giữa Sài Gòn
Từ bánh chưng, bánh tét cho đến bánh thuẫn hay củ kiệu, dưa món... tất cả món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người miền Trung đều được bán ở Sài Gòn.
Đặt bánh chưng, bánh tét Tết ở Sài Gòn
Người miền Trung lập nghiệp ở Sài Gòn, mỗi năm đến giáp Tết lại tìm đến chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) để mua sắm các món đồ cần thiết cho gia đình. Giống như khu chợ ông Tạ nổi tiếng bán hàng miền Bắc, chợ Bà Hoa có bán đầy đủ tất cả các mặt hàng đặc trưng của người Trung. Đến đây vào những ngày này, bạn sẽ có cảm giác thân quen như đang đi một ngôi chợ quê nào đó. Tất cả hàng cho ngày tết từ bánh chưng, bánh tét cho đến củ kiệu, dưa món... tưởng như chỉ có ở chợ quê đều bán đầy đủ trong ngôi chợ này.
Bánh chưng, bánh tét được bán nhiều ở chợ Bà Hoa trong những ngày này. Mổi đòn bánh tét như trong hình có giá 50.000 đồng. Riêng bánh chưng thì có giá 60.000 đồng cho loại bánh 1 kg. Ảnh:Khánh Hòa.
Trong những ngày tháng Chạp, mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất là bánh chưng, bánh tét. Đây là hai loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung để cúng ông bà. Nắm bắt được nhu cầu đó, các hàng quán ở trong ngôi chợ này bắt đầu nhận đặt bánh chưng, bánh tét ngay từ những ngày đầu tháng chạp. Bạn có thể dễ dàng đặt mua bánh nấu chín sẵn hoặc bánh đang còn sống để về nhà tự nấu.
Có bánh chưng, bánh tét thì không thể thiếu củ kiệu, dưa món. Củ kiệu tươi được chất thành từng đống to trong chợ, chỉ việc mua về, lột vỏ, phơi nắng cho héo trước khi ngâm chua. Với những người không có thời gian, đã có củ kiệu phơi sẵn hay những hũ củ kiệu thành phẩm rất đẹp mắt và ngon miệng, hợp khẩu vị.
Các nguyên liệu để làm dưa món đều được bán sẵn ở đây như: cà rốt, củ cải, dưa leo, củ kiệu, đu đủ, ớt khô... Ảnh: Khánh Hòa.
Ngoài củ kiệu, dưa món cũng được bán rất nhiều. Món ăn là sự pha trộn các nguyên liệu như đu đủ, cà rốt, củ kiệu, dưa leo, củ cải.... ăn hơi giòn và có vị chua ngọt rất ngon miệng. Từng loại nguyên liệu được chế biến sẵn, bà nội trợ chỉ cần mua về, pha trộn thêm với các gia vị khác là đã có dưa món ngon để dùng cho gia đình trong dịp Tết.
Bánh thuẫn đặc trưng của người miền Trung cũng được bán rất nhiều ở chợ. Từng chiếc bánh còn nóng hổi trên khuôn rất đẹp mắt và hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa.
Bánh thuẫn cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Những chiếc bánh to bằng nắm tay, mặt bánh nở bung ra như cánh hoa với màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh thuẫn là món ăn để người miền Trung dùng đãi khách cùng với các loại bánh mứt khác trong ngày Tết. Vào những ngày này, các hàng bánh thuẫn có rất nhiều trong chợ. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cả quá trình đổ bánh thuẫn, từ khâu đánh bột, đổ vào khuôn cho đến khi bánh chín vàng tỏa mùi thơm nức.
Ngoài các mặt hàng đặc trưng kể trên, ở đây còn có bánh in, bánh tổ, măng khô, chả giò, bánh rò, bánh ít lá gai... đều là những món ăn phổ biến trong dịp Tết của người miền Trung.
Khánh Hòa
Theo VNE
Dưa món trong ngày Tết ở miền Trung Dưa món được làm từ củ cải, cà rốt, dưa leo, đu đủ, củ kiệu... có vị chua mằn mặn lại giòn. Trong ngày Tết, người miền Bắc ăn bánh chưng với dưa hành, người miền Nam có món bánh tét với tôm khô củ kiệu, thì với người miền Trung dưa món không thể thiếu khi ăn kèm cùng bánh tét. Dưa...