Bánh tằm Ngan Dừa – đặc sản danh tiếng ẩm thực Bạc Liêu
Nếu bạn có cơ hội ghé thăm tỉnh Bạc Liêu, đừng quên thưởng thức bánh tằm Ngan Dừa, món ăn ngon mang hương vị đặc trưng của mảnh đất này.
Ngoài việc nổi danh là vùng đất anh hùng, có bề dày truyền thống trong đấu tranh cách mạng thì huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) còn là nơi được nhiều du khách biết đến bởi các món ăn dân dã, miệt vườn. Nổi tiếng nhất phải kể đến món bánh tằm tại thị trấn Ngan Dừa.
Nghề làm bánh tằm ở đây đã có từ rất lâu đời. Chính yếu tố vùng đất và con người đã làm nên sự khác biệt của bánh tằm Ngan Dừa so với những nơi khác. Cách làm bánh chính là công đoạn quan trọng nhất. Để có được cọng bánh thơm dẻo, mềm mại trắng phau đòi hỏi người làm phải vô cùng kĩ lưỡng.
Nguyên liệu làm bánh tằm Ngan Dừa đòi hỏi phải là gạo tẻ lúa mùa chính hiệu của địa phương. Người ta xay nhuyễn gạo, hòa với nước lạnh rồi đem hồ trên ngọn lửa liu riu. Trong khi chờ hồ nguội, rây bột trên cái mâm rồi se hồ thành từng dây dài to bằng thân con tằm. Bánh se xong đem hấp trong xửng. Sở dĩ khi hấp chín cọng bánh không dính vào nhau nhờ lớp bột rây trước khi se hồ.
Video đang HOT
Bánh tằm Ngan Dừa. Ảnh minh họa.
Do được chế biến từ bột gạo lúa mùa nên cọng bánh rất thơm ngon, dẻo dai và được xe thủ công nên cọng bánh thô to có cảm giác “xừn xựt” khi nhai tạo cảm giác thú vị khó quên. Đặc sắc ở đây còn có sự hiện diện của viên xíu mại theo phong cách ẩm thực của người Hoa (Triều Châu). Để có viên xíu mại ngon, người ta dùng thịt ba rọi và gan heo băm nhỏ cùng với củ sắn đã vắt ráo nước. Trộn đều hỗn hợp này với đường, tỏi, hành phi, tiêu và một chút bột mì, một ít bột ngọt. Vo từng viên bự cho vào xửng hấp chín. Ngoài ra, bánh tằm Ngan Dừa càng đậm đà bởi sự kết hợp của sợi bì nhuyễn, nêm thêm đường và bột ngọt cho ngon.
Cho bánh tằm lên một nửa dĩa, một góc phủ bì, dưa leo băm nhỏ xắt sợi trộn với rau thơm cùng giá sống và viên xíu mại nằm dẹp kế bên. Chan lên mặt bánh nước sốt cà chua, nước mắm giấm đường tỏi ớt, dùng đũa trộn đều lên. Sự hòa quyện từ sự dẻo ngon phưng phức của cọng bánh cùng sợ bì làm công phu tạo nên mùi thơm vương vấn. Vị chua mặn cay ngọt của nước chấm và mùi thơm của các loại rau xanh, dưa leo bằm như hòa lẫn vào nhau trong cái ngọt nhẹ giòn thanh của giá sống. Cắn một miếng xíu mại ngọt lừ vị thịt, béo ngậy vị mỡ, cảm giác thích thú không thể nào quên được!
Theo NLĐ
Thưởng thức bún bò cay Bạc Liêu
Nếu có dịp đến Bạc Liêu, bạn sẽ bị ấn tượng bởi một món ăn mang hương vị đậm đà khó quên: Bún Bò cay. Đây là món ăn tiêu biểu cho phong cách ẩm thực Bạc Liêu: dân dã, mộc mạc, đã thưởng thức một lần, khó lòng quên..
Cách đây chừng chục năm, Bạc Liêu đã làm "nóng" thị trường ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long với loại cây hoang dã là bồn bồn khi được chế biến thành một vài món ăn lạ mà ngon miệng, đáp ứng khẩu vị của những người "sành ăn"... Chính vì vậy mà ẩm thực Bạc Liêu có tính đặc thù riêng biệt: dân dã, mộc mạc, đã thưởng thức một lần, khó lòng quên. Nhưng có một món mà đến Bạc Liêu bạn không thể không thưởng thức đó là bún bò cay.
Nằm khiêm tốn ở một góc gần chợ cải Bạc Liêu, quán bún bò cay của chị Minh Nguyệt sáng nào cũng đông khách. Ngồi vào bàn, chẳng mấy chốc, bạn đã có một tô bún bốc hơi nghi ngút. Lẫn trong cái nền màu vàng sẫm bắt mắt của tô bún là những sợi bún trắng tinh cùng bốn cục thịt bò nằm phủ mặt. Cạnh bên đó là một dĩa quế tươi xanh, cùng một dĩa muối hột đâm ớt đỏ thích mắt có kèm một lát chanh. Vắt chanh vào tô bún, lặt rau quế (vừa phải, nhiều hoặc ít quá sẽ làm mất hương vị tô bún) cho vào, dùng đũa trộn đều, gắp một đũa cho vào miệng. Ái chà, cay. Cay quá là cay!
Mỗi tô bún có bốn cục thịt bò, mỗi cục vuông vức chừng ba ngón tay. Gắp một cục thịt chấm muối ớt cho vào miệng, hoặc nạc hoặc nạm hoặc gàu, gân, thứ nào cũng cho bạn hương vị đặc trưng ngon của thứ ấy. Ăn xong, bạn sẽ thỏa mãn trong vị cay đến chảy nước mắt, đến cái giòn, dai, bùi béo của thịt bò và vị chua kích thích dịch vị của chanh. Nhưng "đã đời" nhất là sau một đêm say, ăn xong tô bún, vị cay và sức nóng của nó làm các lỗ chân lông toát đầy mồ hôi, sảng khoái cả người. Chính vì cái hương vị và "công dụng" đặc biệt ấy mà bún bò cay ngày càng thu hút thêm khách.
Phải nói bún bò cay là đặc sản có một không hai, chẳng những của Bạc Liêu, mà có thể là của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, có lẽ bún bò cay được chế biến chẳng lấy gì làm công phu, cầu kỳ. Chỉ là thịt bò nấu với sa tế mà thôi, nhưng bún bò cay ngon nhờ không dùng nhiều mỡ và đặc biệt được pha chế theo một công thức bí truyền (không bán cho bất kỳ người nào, dù có nhiều lời đề nghị). Công thức này có từ đời cha chị chủ quán vốn là đầu bếp của tỉnh trưởng Bạc Liêu và người chú vốn là đầu bếp của thủ tướng chế độ Sài Gòn Trần Thiện Khiêm. Thời đó, bún bò cay chỉ được thực hiện phục vụ các ông này nhằm giúp "giải nghể" sau một đêm say rượu. Năm 1975 người cha mới truyền nghề lại cho chị Minh Nguyệt để mở quán mưu sinh. "Hữu xạ tự nhiên hương", nên dù thay đổi địa điểm đến 10 lần trong 30 năm qua, mà quán (không bảng hiệu) vẫn cứ đông khách. Vì thế, đến Bạc Liêu mà không ăn bún bò cay là xem như chưa "biết" Bạc Liêu vậy.
Theo DLVN
Đến Bạc Liêu thưởng thức đặc sản ghẹ sữa chiên giòn Ghẹ sau khi đánh bắt, bà con cư dân biển vùng này chọn ra những con trưởng thành để bán ghẹ thịt. Những con ghẹ non, còn gọi là ghẹ sữa phần thì bán, phần thì đem về dùng để chế biến món ghẹ sữa chiên giòn, hay chiên me, chiên ngũ cốc, chiên nước mắm... món nào cũng hấp dẫn. Ghẹ sữa...