Bánh nổ đượm tình tết quê
Tết chỉ cần những món quà quê như bánh nổ má làm thế là đã hớn hở vui tươi rồi.
Bây giờ dù đã lớn, trải qua bao nhiêu cái tết nhưng tôi vẫn không hết háo hức khi được ngồi bên nồi bánh chưng, bánh tét, nhất là lò bánh nổ để cảm nhận hơi ấm từ bếp lửa tỏa ra, xua đi cái se lạnh của tiết trời đầu xuân.
Đĩa bánh nổ cúng giao thừa – Ảnh: T.Ly
Không riêng gì làng tôi, khi đất trời vừa dứt mưa phùn, nhiều gia đình ở vùng nông thôn xứ Quảng đã lục tục phơi nếp, nhóm lò làm bánh nổ đón mùa xuân mới. Chỉ mới hai ba, hai bốn tháng chạp thôi mà những mẻ bánh nổ vuông vắn, thơm tho đẹp lạ lùng đã sẵn sàng cho ngày tết.
Video đang HOT
Thật ra việc làm bánh nổ đã được chuẩn bị rất lâu. Bắt đầu từ những thửa ruộng chừa một khoảnh để cấy lúa nếp. Lúa nếp rất kén đất, chỉ phù hợp với chất đất phù sa bồi và đất thịt nặng ven sông. Tầm trung tuần tháng tám, lúa nếp bắt đầu chín, ngả màu nâu nhạt chứ không vàng như lúa gạo. Mọi người xúm xít rủ nhau đi cắt lúa nếp, tuốt lấy những hạt to, đem phơi khoảng vài nắng cho thật khô để dành gói bánh hoặc làm bánh nổ.
Gần ngày làm bánh, phải tỉ mẩn ngồi sàng hơn chục ký nếp để lựa sạn, bỏ đi những hạt nếp xấu rồi mang ra phơi cho thật khô, như vậy khi rang hạt mới nổ to và bung ra. Làng quê nghèo sẵn có đường và gừng đủ để tạo nên những mẻ bánh thơm nồng, ngon ngọt. Nhưng đường dùng làm bánh nổ cũng phải là loại đường vừa trắng, đủ để bánh có màu hơi vàng ở mạch hồ giữa các hạt nổ. Gừng dùng làm bánh là thứ gừng cụ, được chuẩn bị từ lúc mãn mùa gừng, ủ khô trong cát chờ ngày mang ra làm bánh.
Nhớ ngày còn bé, tôi là tay sai vặt trong nhà nên những ngày làm bánh nổ bao giờ tôi cũng tất bật theo má. Bắt đầu là sàng nếp, gọt gừng, chọn đường đến nhóm lò, rửa khuôn, sấy bánh. Chừng ấy việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu sơ suất ở công đoạn nào là bánh mất ngon ngay.
Sau khi đã chuẩn bị mọi thứ má bắc nồi đất lên lò củi chờ nồi nóng già, bỏ vào nắm cát trắng mịn, giữ lửa chút lâu cho cát thiệt nóng. Cho vào vài nắm lúa nếp, dùng đũa bếp đảo đều, đậy kín nắp vung rồi giữ lửa tiếp tục. Thỉnh thoảng má nhấc nồi ra khỏi bếp và lắc nồi cho phần hạt chưa nổ rơi xuống dưới, tránh cho nếp đã nổ bị cháy.
Tiếng nếp bắt đầu nổ lụp bụp rồi liên tiếp, rôm rả trong lòng nồi. Chờ nếp nổ đều rồi mở nắp vung, những hạt lúa nếp bấy giờ trở thành những bông nếp trắng tinh. Nhanh tay trút nồi nếp ra nia, để cho nếp dịu rồi dùng sàng thưa gạt bỏ cát và vỏ trấu. Tiếp tục bỏ những hạt nổ này vào cối đá giã cho mịn vừa phải.
Thanh bánh nổ truyền thống – Ảnh: T.Ly
Tiếp theo là công đoạn thắng đường. Mùi thơm, vị béo ngọt thanh nhẹ của bánh nổ phần nhiều nhờ cách thắng đường của người quê tôi. Trong khi nấu đường, phải bỏ một ít nước cốt chanh tươi, một ít gừng giã giập vào nồi đường. Đường vừa chín tới, múc lên, kéo thành sợi tơ thì nhanh tay trút bột nổ đã giã nhuyễn vào, khuấy đều. Lúc này mùi thơm của hương nếp, vị ngọt của đường đã hòa cùng mùi cay nồng của gừng làm nức cả mũi.
Sau khi hỗn hợp được khuấy đều, nhanh tay múc bằng chiếc vá lớn đổ vào khuôn. Đặt đầu chày chữ nhật khít khuôn bánh, nện theo nhịp đều để ép bánh cho thật chặt. Vừa ép vừa đổ bột vào đến khi đầy khuôn là được. Tháo khuôn sẽ được một cây bánh nổ. Tiếp tục sấy cây bánh trên sàng lửa than cho khô. Tùy sở thích của từng người mà dùng lưỡi dao mỏng cắt bánh thành từng lát dày, mỏng hay to, nhỏ và đợi cho bánh hơi nguội là có thể thưởng thức được.
Vậy là một mùa xuân nữa sắp về. Như nghe đâu đây mùi bánh nổ quê nhà thoang thoảng vấn vương trong làn gió mới.
Theo Thanh Ly (Tuoitreonline)
Bánh quê
Đi chợ, thấy bày bán đủ các loại bánh trái, tôi lại nhớ về một thời tuổi thơ gắn liền với những món bánh quê dân dã nhưng ấm áp tình thân.
Đầu tháng Chạp, ven những con đường liên thôn, người ta đã tổ chức "rang nổ". Hạt nếp còn nguyên vỏ, được rang lên, phần vỏ và gạo nếp sẽ được tách ra. Gạo nếp nổ bung, xốp, rất thơm. Nguyên liệu làm bánh nổ chỉ là gạo nếp, đường thắng và gừng giã nhỏ. Một loại bánh khác cũng được xếp "ngang hàng" với bánh nổ là bánh khô. Bánh khô được chế biến từ bột nếp, cho vào khuôn hấp cách thủy, rồi mới bắt đầu nướng. Sau đó, cho bánh vào chảo đường thắng, rồi "mặc áo" cho bánh bằng lớp mè rang hoặc "nổ" rang đã được giã nhỏ.
Thập niên 80, ngày Tết, ở quê tôi, nhà nào cũng dọn hai loại bánh "chủ đạo" ấy. Không chỉ vì bánh dễ làm, mà thành phần của bánh toàn "cây nhà lá vườn", gần gũi với đời sống. Giai đoạn này, để mua được những loại bánh kẹo bắt mắt và chất lượng thì thật xa xỉ.
Bây giờ, mỗi dịp về quê ăn Tết, dạo một vòng chợ quê, ngoài các loại bánh mứt chất lượng, tôi không quên chọn mua hai loại bánh "đong đầy nỗi nhớ" ấy. Với những người xa quê như tôi, bánh khô, bánh nổ trở thành đặc sản, vừa ngon, vừa gợi nhớ về một thời gian khó. Còn nhớ, chuẩn bị xuống giống vụ ba, ba mẹ tôi không quên dành một khoảnh ruộng trồng nếp để làm các loại bánh ngọt, hay bánh chưng, bánh tét ngày Tết. Trước khi làm bánh, các mẹ, các chị hẹn hò nhau, chọn nhà ai đó làm địa điểm "tập kết". Càng nhiều người tụ tập, càng vui. Đám con nít theo chân người thân đến xem làm bánh, được dịp phá phách, la ó rân trời. Khi bánh chín, mùi thơm của bánh lan tỏa cả một vùng, thơm đến lịm người, làm lũ trẻ càng háo hức mong chờ. Mới hơn 10 tuổi, chúng tôi đã được hướng dẫn làm bánh, kẻo sợ trở thành con gái hư. Chúng tôi được ưu tiên ngồi vào nơi dễ quan sát, rồi sau đó được thực hành rây bột bánh khô, hay nhận chặt những hạt nổ vào khuôn.
Các loại bánh ngọt được mẹ cất trong một cái thùng to. Chị em tôi như những đàn chuột, cứ chạy ra chạy vào mở nắp thùng. Mẹ thương con cái, cả năm mới được dịp ăn thỏa thuê nên đã làm rất nhiều bánh, chúng tôi có thể ăn suốt cả tháng Giêng.
Theo PNO
Giản đơn bánh gói Mình về quê, nhắc chị mua bánh gói nhưng không ai bán vì mưa quá. Chiều nay lại mưa, mình ra hè ngồi nhìn nước giọt hàng hiên. Chợt chị bán hàng rong lụng thụng trong cái áo cánh dơi, cắp cái rổ phủ tấm ni lông đi ngang mời mình mua giùm bánh gói. Chị vừa giở tấm ni lông đã thấy...