Bánh ngọt Đức và những câu chuyện kể thú vị
Không chỉ là một món tráng miệng thông thường, thế giới bánh ngọt ở Đức phản chiếu cả một bề dày văn hóa vô cùng thú vị.
Nhắc đến nước Đức, người ta thường nghĩ ngay đến lễ hội bia sôi động ở Oktoberfest, lễ hội tình yêu lãng mạn và cuồng nhiệt ở Berlin hay bộ truyện cổ Grimm đã trở thành tuổi thơ của bao thế hệ trẻ em trên thế giới. Bên cạnh những lễ hội, ẩm thực luôn là một đặc trưng đáng tự hào ở đất nước này. Nếu như ẩm thực mặn ở Đức được đại diện bởi món xúc xích, thì khi đến với ẩm thực ngọt, bạn không thể bỏ qua những loại bánh ngọt vô cùng đa dạng và hấp dẫn.
Bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên khi biết được rằng khá nhiều loại bánh ngọt phổ biến hiện nay có xuất xứ từ nước Đức như bánh cheesecake, stollen (bánh mì ngọt với nhân trái cây khô), bánh gingerbread hay một số loại bánh kem và bánh quy. Bánh ngọt đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong ẩm thực Đức, người Đức thường ăn bánh ngọt vào những buổi chiều cuối tuần, cùng với cà phê hoặc trà. Bánh ngọt Đức vô cùng đa dạng và phong phú, chúng có thể là những chiếc bánh bông lan đơn giản (Kuchen) hay những loại bánh bông lan nhiều lớp công phu (Torte), được làm với whipping cream hoặc buttercream. Cùng tìm hiểu một số loại bánh đã góp phần làm nên nền ẩm thực ngọt vô cùng phong phú của đất nước này nhé!
Prinzregententorte
Chiếc bánh torte vô cùng đặc biệt của vùng Bayern thường có từ 6 đến 9 lớp, giữa mỗi lớp bánh là một lớp buttercream. Bánh được bao phủ bởi một lớp chocolate cứng bên ngoài, chính vì vẻ ngoài mịn màng tuyệt đẹp mà Prinzregententorte được mệnh danh là “Người mẹ của mọi loại bánh chocolate”.
Cái tên Prinzregententorte được đặt theo tên hoàng tử Luitpold, người trị vì Bayern từ năm 1889 đến năm 1912, tuy vậy, thanh danh của người thợ đầu tiên làm ra chiếc bánh này vẫn còn đang được tranh cãi. Một số câu chuyện kể lại rằng, người đầu bếp riêng của hoàng tử Luitpold, John Rottenhfer đã làm ra chiếc bánh này để vinh danh hoàng tử. Một số chuyện khác lại kể rằng, người đầu bếp tài ba Anton Seidl chính là người làm ra Prinzregententorte. Ông đã nướng một chiếc bánh chocolate có 9 lớp, tượng trưng cho 9 người con của vua Ludwig I, cha của hoàng tử Luitpold.
Video đang HOT
Một câu chuyện nữa kể lại, bánh Prinzregententorte lúc đầu có 8 lớp, tượng trưng cho 8 quận của Bayern thời bấy giờ. Heinrich Georg Erbshuser, người được cho là làm ra chiếc bánh này, đã làm ra nó trong dịp sinh nhật 90 tuổi của hoàng tử Luitpold. Ở Munich ngày trước, ngoài cà phê hoặc trà, người ta còn ăn bánh Prinzregententorte kèm với bia trắng. Phong cách ăn này bắt nguồn từ quán Cafe Erbshuser, quán này cũng được cho là nơi có công thức Prinzregententorte đúng với truyền thống nhất.
Streuselkuchen
Trong tiếng Đức, “Streuselkuchen” có nghĩa là “bánh bông lan phủ vụn bánh”. Chiếc bánh này thường được phủ một lớp vụn bánh ngọt lên trên cùng. Nó là một tổ hợp đối lập tuyệt vời, khi kết hợp cả lớp vỏ giòn rụm nhưng không được quá cứng, cùng với phần bánh bông lan mềm ẩm bên dưới. Streuselkuchen có thể chỉ bao gồm 2 lớp vỏ – bánh, hoặc được kết hợp thêm một lớp nhân kem béo ngậy hay mứt thơm để làm phong phú hương vị.
Chiếc bánh này đã từng rất phổ biến ở Silesia, Phần Lan vào khoảng cuối thế kỷ 19, là món ăn thường xuyên của rất nhiều gia đình thời bấy giờ. Bánh Streuselkuchen cũng rất được ưa thích ở các hội chợ, trong ngày Lễ Tạ ơn, các đám cưới và lễ rửa tội.
Từ đầu thế kỷ 20, ở Rhineland, Đức, người ta bắt đầu chuộng nướng bánh Streuselkuchen. Nhưng không còn gắn liền với các sự kiện vui vẻ như khi còn ở Silesia, chiếc bánh này lại được ăn sau các buổi lễ tang. Từ đó, bánh Streuselkuchen còn mang một cái tên khác là “bánh lễ tang”.
Baumkuchen
Baumkuchen là một chiếc bánh đặc biệt cả về hình dáng lẫn tên gọi. “Baum” trong tiếng Đức có nghĩa là “cái cây”, và chiếc bánh có hình vòng tròn, có lỗ ở giữa, tượng trưng cho những vân gỗ của cây.
Công thức làm bánh Baumkuchen lần đầu tiên xuất hiện trong quyển sách nấu ăn Ein Neues Kochbuch của Marx Rumpolt, là quyển sách nấu ăn dành cho đầu bếp chuyên nghiệp đầu tiên được xuất bản. Marx Rumpolt trước đó đã làm đầu bếp ở Hungary và Bohemia, và chuyện kể rằng bánh Baumkuchen có xuất xứ là chiếc bánh được làm trong các đám cưới ở Hungary, và là “con cháu” của bánh ống khói Krtskalács, chiếc bánh truyền thống của Hungary.
Theo kiểu truyền thống, người ta thường làm bánh Baumkuchen bằng cách nướng bánh trên một trụ ống dài, người thợ sẽ bôi đều lớp bột bánh xung quanh trụ, sau đó bánh được nướng chín trước khi bôi lớp mới lên. Một chiếc bánh Baumkuchen thông thường bao gồm 15 đến 20 lớp bột, và nếu được nướng theo kiểu truyền thống trên trụ, bánh Baumkuchen có thể cao đến 1m!
Baumkuchen có khá nhiều biến thể. Một biến thể phổ biến là Baumkuchenspitzen, cũng là chiếc bánh nướng tròn, nhưng được cắt ra thành miếng nhỏ và phủ chocolate lên trên. Baumkuchenspitzen cũng là một món bánh khá phổ biến ở Nhật Bản.
Schwarzwlder Kirschtorte – black forest
Chiếc bánh này có lẽ là chiếc bánh có cái tên “bí ẩn” nhất: “bánh rừng đen”. Bánh Schwarzwlder “thứ thiệt” bao gồm nhiều lớp bánh bông lan chocolate xen giữa các lớp kem tươi trộn với anh đào. Bánh sau đó được phủ một lớp kem tươi lên trên, rồi trang trí bằng quả anh đào đen và chocolate bào vụn. Rượu brandy anh đào là một nguyên liệu bắt buộc khi làm bánh Schwarzwlder, nếu không có nguyên liệu này, chiếc bánh sẽ không được phép mang tên Schwarzwlder Kirschtorte khi bán.
Nhiều người vẫn nghĩ chiếc bánh này được đặt theo tên của khu Rừng Đen nổi tiếng ở Baden-Wrttemberg, tuy nhiên, chính xác hơn, bánh được đặt tên theo loại rượu brandy làm từ quả anh đào, loại rượu đặc trưng của vùng này. Chính vị nồng của loại rượu này đã tạo cho món bánh Schwarzwlder một hương vị vô cùng đặc biệt.
Bienenstich
Cùng với bánh Schwarzwlder, Bienenstich cũng sở hữu một cái tên thú vị không kém. “Bienenstich” trong tiếng Đức có nghĩa là “vết ong đốt”. Bánh thường có lớp vỏ phủ hạt hạnh nhân caramel và lớp nhân kem vanilla, buttercream hoặc kem tươi, và chính lớp vỏ hạt hạnh nhân được nấu với đường cho đến khi kẹo lại đã làm cho món bánh này mang hương vị vô cùng đặc biệt.
Để lý giải cho cái tên Bienenstich hài hước, có một truyền thuyết kể lại rằng, một chú ong đã bị hấp dẫn bởi chiếc bánh và bay vào đốt người thợ khi ông đang làm bánh, từ đó, chiếc bánh này được mang cái tên “bánh ong đốt”. Chiếc bánh này được xem như một trong số những chiếc bánh cổ điển nhất của mảng ẩm thực ngọt Đức.
Đối với một số người, bánh ngọt chỉ đơn thuần là một món ăn tráng miệng, nhưng đối với người Đức, mỗi loại bánh ngọt đều gắn liền với một câu chuyện kể đặc biệt. Khi thưởng thức bánh ngọt của Đức, người ta không chỉ thưởng thức tài nghệ của người thợ làm bánh. Ẩn chứa trong từng miếng bánh đầy hương vị chính là một phần văn hóa ẩm thực đặc sắc và đáng tự hào của Đức.
Theo Tapchiamthuc