Bánh mì bò kho Món quà bình dân Sài Gòn
Đã từ lâu rồi, bánh mì bò kho là món ăn không còn xa lạ trong thực đơn của người Sài Thành. Ta dễ dàng bắt gặp những quán bánh mì bò kho xuất hiện hầu hết các con đường, góc phố mà những người lao động, học sinh, sinh viên hay trẻ em… vẫn thường ghé ăn mỗi ngày với vị cay của ớt, vị giòn của bánh mì và tất nhiên không thể thiếu vị thơm béo ngậy của bò kho.
Thịt bò kho là món ăn gốc Tàu, nay đã khá phổ biến ở Việt Nam. Tại thành phố Sài Gòn, người ta dùng bò kho như là món ăn sáng, ăn xế hay làm một món ăn no trong thực đơn tiệc đều được. Món bò kho có thể dùng kèm với hủ tiếu, cơm, bánh phở, nhưng ngon nhất vẫn phải kế đến bánh mì.
Ảnh: Google
Món ăn này rất dễ nấu, chỉ cần thịt bò xắt cục, ướp tỏi, ngũ vị hương, cà chua, cho vào nồi xào sơ rồi đổ nước vừa ăn, chờ thịt gần mềm thì cho cà rốt, củ cải trắng vào. Cà rốt, củ cải chín mềm thấm nước bò ăn rất đậm đà bổ dưỡng. Ăn bò kho thì phải có muối tiêu, chanh và ớt. Nước bò kho có mùi ngũ vị thơm, nặn thêm miếng chanh vào cho chua chua, ai ăn mặn thì tăng cường tiêu ớt. Chua, cay, mặn, ngọt đủ vị, chấm bánh mì thì cứ gọi là no lúc nào không biết.
Thịt bò ngon nhất là chỗ có mỡ vì nếu nhiều nạc thịt sẽ xác, khô, không ngon. Có người cho cả cây sả vào nồi để bò mau dậy mùi thơm lạ. Điểm đặc biệt của món ngon này là có sự tập hợp của gân, mỡ bò, thịt, nước dùng mỡ màng và đặc trưng vị bò kho. Nếu cho thêm 1 – 2 muỗng cà phê bột khoai tây thì nước dùng sẽ sền sệt, chấm bánh mì càng hấp dẫn hơn. Bánh mì ăn chung với bò kho nên là loại mỏng ruột, vì bánh đặc ruột nước thấm hết vào ruột bánh ăn sẽ mau ngán. Rau ăn kèm với món ngon này gồm có: giá sống, rau húng quế, ngò gai và vắt thêm chanh thì tuyệt ngon.
Ảnh: 8xpress.com
Video đang HOT
Sài Gòn có rất nhiều quán bánh mì bò kho như đường Lê Văn Việt, Q9; Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh; Hai Bà Trưng, Q1; Chợ Lớn, Q5 được mở ra phục vụ mọi người. Một nồi bò kho màu nâu đỏ óng ánh sôi âm ỉ, thực khách ngồi gần nhau vừa trò chuyện vừa thưởng thức hương vị nóng hổi đang còn nghi ngút khói. Mỗi khi quán đông khách, tay người bán hàng nhanh thoăn thoắt theo yêu cầu từng người, nào thêm bò kho, thêm nước chấm, bánh mì… tiếng lách cách như tăng thêm sự mời mọc cho món ăn đầy hấp dẫn này. Những miếng bánh mì giòn tan, những cọng rau thơm xanh mát cùng thịt bò kho hòa lẫn với thứ nước dùng có đủ vị chua, cay, thơm, ngọt. Quên làm sao được vị béo ngậy vẫn còn đọng lại nơi đầu lưỡi mà khi ăn xong lại trào lên cảm giác thòm thèm.
Ảnh: Chomchom.com
Không cầu kỳ, chẳng kén chọn người thưởng thức, bánh mì bò kho làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất. Một món ăn bình dị mà thật đặc sắc như chính phong cách sống của người Sài thành. Chỉ cần một lần được thưởng thức món ngon này bạn sẽ không thể quên hương vị ngọt ngào của thịt bò, vị cay của ớt, tương, giòn tan của bánh mì… nhất là trong tiết trời dịu mát của mùa mưa Sài Gòn.
Theo MonngonSaigon.com
Ăn đêm ở Chợ Lớn
Người Sài Gòn thường bảo nhau: "Ăn cơm Tàu...". Ai đến Chợ Lớn mà không ăn cơm Tàu thì thật đáng tiếc. Ban đêm, dọc theo các con đường huyết mạch dẫn từ Sài Gòn vào Chợ Lớn có rất nhiều nơi để ăn. Tuy nhiên, bạn không thể bỏ qua ẩm thực đặc sắc của vùng Chợ Lớn.
Đi ăn đồ tiềm
Mỳ vịt tiềm (Ảnh: Sài gòn tiếp thị)
Có thể nói, món tiềm với người Hoa rất đỗi quen thuộc, là món ăn bổ dưỡng với gia vị tiềm là các loại thảo mộc có tính dược, bồi bổ lục phủ ngũ tạng sau những ngày lao động vất vả. Trước kia, món tiềm chỉ lan truyền trong phạm vi gia đình, cộng đồng nhỏ lẻ nhưng nay đã phổ biến rộng rãi ra các hàng quán bày bán khắp nơi vùng Chợ Lớn.
Một trong những con đường tập trung món tiềm độc đáo với số lượng đông đảo hàng quán bán các món tiềm là đường Phan Xích Long ngay đoạn giao với đường 3.2, thuộc phường 16 quận 11. Con đường vắng vẻ ban ngày nhưng khi chiều đến, độ từ 16h trở đi, cả con phố dài chừng 200m tấp nập xe cộ ra vào, đèn hộp sáng trưng với các quán tiềm nằm san sát trông thật huyên náo, nhộn nhịp.
Món đứng đầu trong thực đơn của phố tiềm là gà ác tiềm thuốc bắc, một món ăn rất đặc trưng kiểu người Hoa được thực khách rất ưa chuộng. Những con gà vừa cỡ nắm tay, nằm lọt thỏm trong chiếc thố đã lên nước cũ xì rạn màu thời gian, ngập trong đủ các vị thuốc bắc quen thuộc như đảng sâm, đương quy, hoài sơn, nhục túc, xuyên khung, kỷ tử, thục địa... qua thời gian tiềm cùng thịt gà, thố tiềm trở thành một liều thuốc bồi bổ ngon ngọt, đậm đà thật khó quên.
Có ít nhất tám quán tiềm trên đoạn ngắn của con đường với những tên gọi quen thuộc phổ biến của các quán ẩm thực người Hoa như Thuận Phát, Hồng Phát, Chấn Phát, Lương Ký, Lâm Ký, Văn Ký, Hải Sơn, Dương Thành... Ngoài món đặc trưng nhất là gà ác tiềm, đặc sản phố tiềm còn có các loại đồ tiềm khác như óc heo, tim, gan, cật, các loại xúp cá, xúp cua... cùng những món ẩm thực đặc trưng kiểu người Hoa như há cảo, sủi cảo, cơm chiên dương châu, mì xào giòn... đều có đủ.
Khác hẳn với những phố ẩm thực khác của Sài Gòn, phố tiềm Phan Xích Long ngoài thực đơn phong phú, dù các món tiềm đều giống nhau tên gọi nhưng khẩu vị mỗi quán mang một đặc trưng, có tính gia truyền. Chị Ken, một người Hoa gốc Phước Kiến, chủ tiệm Chấn Phát ở 95 Phan Xích Long, cho biết: "Món tiềm là món truyền thống, giống nhau tên gọi và cách tiềm, nhưng ở mỗi tiệm, cách gia giảm gia vị và lượng thảo dược khác nhau nên sẽ tạo nên đặc trưng của từng tiệm...". Chính nét đặc trưng của khẩu vị từng tiệm đem lại cho con phố nhiều dạng thực khách khác nhau, hoạt động ăn uống tấp nập đến tận khuya mới nghỉ.
Đặc sản cháo Tiều
Cháo Tiều (Ảnh: anchoigiaitri.vn)
Được gọi bằng thổ âm là món "ciae mué" (chè muế), ăn với "kềm xại" (cải chua) và "từ tố" (lòng heo) hay còn gọi là "tư khoan xoại". Món cháo này thường dành cho giới lao động nghèo, ngoài chuyện giá cả bình dân, món cải chua lòng heo của cháo Tiều nhìn vẻ ngoài cũng rất đơn giản. Một nồi nước lèo lủng củng trong đó là cải chua, lòng heo, huyết heo, thịt mỡ, giò heo, tàu hũ, đậu phụng... dồn chung vào đó, để lửa sôi riu riu hầm hết ngày này qua ngày khác, ăn béo ngậy, phục vụ cho giới bình dân dùng chung với cháo trắng.
Ở Chợ Lớn, món cháo Tiều vẫn duy trì được những phẩm vị nguyên thuỷ của cháo Tiều từ vùng huyện Kiết Dương, Triều Châu do tám anh em của anh Trịnh Văn Tường nối nghiệp từ thời ông nội, bán ở 63 Hồng Bàng, phường 6, quận 6. Anh Tường cho biết: "Từ thời ông nội ở Triều Châu nhà đã bán cháo rồi, khi ông nội sang Việt Nam mang nghề này theo, truyền cho ba, và đến giờ là tám anh em trai gái nối nghiệp...". Cháo Tiều rất đơn giản, chỉ là cháo trắng, ăn kèm với cải chua lòng heo và các món muối từ rau củ đến động vật. Cháo Tiều nấu lạt, không nêm nếm gia vị, hạt gạo nấu cháo vừa nở bung (người Việt thường gọi cháo hoa) là xong.
Ở các quán cháo Tiều, nồi nước lèo là tinh hoa của cả tiệm cháo bởi trong đó gia vị đều lấy từ các vị thảo dược, mỗi tiệm có một bí quyết riêng để tạo nên vị đặc trưng. Ở tiệm cháo của gia đình anh Tường cũng vậy, anh cho biết thêm: "Cách chế biến thực phẩm cũng phải tuân thủ các kỹ thuật như hồi xưa, ví dụ giò heo hầm, khi làm lông phải dùng dao lam cạo thật kỹ, không thui qua lửa, như vậy khi hầm món giò da heo sẽ láng mịn, căng bóng lưỡng nhìn rất bắt mắt. Giò heo hầm phải thiệt nhừ, nhưng không nát thịt, chỉ cần xoi đũa là thịt bung ra, nhờ hầm với cải chua, có tác dụng rút mỡ, vị chua giúp cho món giò ăn không ngán".
Trải qua ba đời, tiệm cháo của gia đình anh Tường hiện được xem là tiệm cháo Tiều hiếm hoi còn sót lại của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sủi cảo Quảng Đông
Nhắc đến sủi cảo nổi tiếng ở khu vực Chợ Lớn, không ai không nghĩ đến phố sủi cảo Hà Tôn Quyền, nằm cắt ngang đường 3.2 quận 11 và Nguyễn Chí Thanh quận 5. Con đường này trở nên tấp nập, sáng đèn từ chiều tối trở đi cho đến khuya. Phố sủi cảo Hà Tôn Quyền được nhiều người biết đến với khoảng chục tiệm bán sủi cảo nằm san sát nhau như Ngọc Ý, Thiên Thiên, Hằng Phát, 193... Có thể nói đây là khu phố bán sủi cảo ngon nhất Sài Gòn, chất lượng tuyệt hảo, phục vụ nhiệt tình. Giá cả của các quán tại đây không mắc lắm. Một tô sủi cảo được bán với giá 15.000 đồng. Quán nào giá cả cũng như nhau. Người đến lần đầu còn được chỉ cho cách ăn.
Khách có thể ăn sủi cảo mì, sủi cảo xương hay sủi cảo thập cẩm. Chủ quán người Quảng Đông gọi sủi cảo thập cẩm là "cảo xập", tức sủi cảo ăn với mực, tôm, cá viên, rau cải... Nếu không ăn kèm các món trên, khách có thể chỉ ăn sủi cảo với cải ngọt mà thôi. Nhiều người không quen với món ăn của người Hoa cũng rất thích món này. Chị Mỹ Tiên, một thực khách, cho biết: "Sủi cảo tại đây đúng là ngon. Giá cả cũng vừa phải. Tôi và gia đình thường ghé đến đây ăn".
Mùa mưa trời lạnh, ăn sủi cảo nóng, húp nước canh thì không gì tuyệt bằng. Viên sủi cảo to, nóng hổi. Nhân bánh sủi cảo được làm bằng thịt heo băm và cá quết nhuyễn bọc một con tôm sú to, giòn và ngọt. Vỏ sủi cảo được làm bằng vỏ bột mì dùng để gói hoành thánh. Sủi cảo ăn với nước chấm gồm giấm đỏ, hắc xì dầu và sa tế, có vị chua ngọt và cay. Nước lèo ngọt và thanh được nấu từ nước hầm xương với cải ngọt, mực và các loại hải sản, thực sự là thú tận hưởng trên đời.
(Theo saigontiepthi)
Gié bò Phú Phong Miếng ngon miền đất võ Tây Sơn, Bình Định không chỉ nổi tiếng là miền đất võ mà nơi đây còn sản sinh ra nhiều món ăn dân dã vô cùng đặc sắc, nổi tiếng xa gần, trong đó có gié bò Phú Phong Nếu có dịp đến Phú Phong - một huyện lỵ Tây Sơn mà bạn không thưởng thức món đặc sản gié bò thì thật...