Bánh khọt quyến rũ tuổi thơ
Không hiểu sao bánh khọt lại có sức quyến rũ tuổi thơ tôi đến vậy.
Cho tới bây giờ tôi vẫn thầm hỏi, không biết sao bánh khọt lại có sức quyến rũ tuổi thơ tôi đến vậy. Đó là lúc tôi còn nhỏ, ở quê nhà, lâu lâu tôi thấy má tôi “lôi” cái khuôn bánh khọt ra chùi rửa cẩn thận.
Tôi biết má sẽ đổ bánh khọt trong chốc lát và tôi sẽ có dịp thỏa mãn cái dạ dày bé tẹo nhưng háu ăn của tôi. Khấp khởi mừng trong bụng, tôi xớ rớ bên má xem có giúp được gì không. Nhưng thực ra tôi chỉ giúp má trong việc “hoàn thành công đoạn cuối cùng” của những cái bánh khọt má làm!
Để hoàn thành bánh khọt, mỗi người trong nhà tôi đảm trách một việc. Chị dâu tôi nhanh tay lặt mớ rau thơm. Còn anh trai tôi thì ngồi trên cái bàn nạo dừa, thoăn thoắt tay đưa khiến những “đám mây” trắng xóa như bọt biển từ nửa trái dừa rám đang bị bàn nạo dừa ăn rột rột trào rơi xuống cái thau nhôm bên dưới.
Riêng má tôi thì lấy mớ bột gạo bà “thủ sẵn” trong thùng thiếc từ bấy lâu cho vào chiếc thau nhôm. Má tôi hòa nước nghệ với nước cốt dừa, đậu xanh nguyên vỏ nấu nhừ, muối, đường, bột ngọt, hột gà đánh nhuyễn cùng mớ hành lá xắt nhỏ, một ít tiêu bột, nêm vừa ăn, trộn đều.
Công việc chị Hai tôi nhẹ nhàng hơn là cắt râu những con tép mòng (tép sen), rửa sạch làm nhân bánh.
Những chiếc bánh màu vàng nghệ, lấm tấm điểm màu xanh những chiếc lá hẹ bằm nhỏ cùng mớ hành lá xắt nhỏ, với hơi nóng tỏa ra, như gọi mời
Video đang HOT
Tất cả đâu vào đấy, lúc nào cũng vậy, má tôi là người “cầm chịch” trong việc đổ bánh. Bà bắc khuôn bánh bằng đất đặt lên bếp lửa. Lửa cháy phừng phừng, trong chốc lát khuôn bánh ướt nước khô rang, phơi màu đỏ đất nung. Má tôi bớt lửa, tay cầm que tre một đầu quấn lớp vải sạch nhúng vào âu mỡ, thoa đều vào những cái ô nhỏ xinh trong khuôn bánh.
Rồi má khoắng bột trong thau nhôm cho thật đều, múc từng vá bột trút đầy vào các ô trong khuôn bánh trước khi rắc mấy con tép mòng lên. Cuối cùng, má tôi đậy những chiếc nắp vung nhỏ xinh lên các ô đã đổ đầy bột.
Chưa kịp ngơi tay, má tôi giở những chiếc nắp vung ra, tay cầm que tre một đầu chuốt mỏng thấm đẫm mỡ nạy quanh từng chiếc bánh, nhẹ nhàng đưa chúng đặt lên dĩa. Những chiếc bánh màu vàng nghệ, lấm tấm điểm màu xanh những chiếc lá hẹ bằm nhỏ cùng mớ hành lá xắt nhỏ, với hơi nóng tỏa ra, như gọi mời.
Càng hấp dẫn hơn là dĩa rau thơm xanh mướt nằm cạnh chén nước mắm giấm tỏi ớt quyến rũ với cái màu vàng đỏ trắng của những sợi cà rốt, củ cải trắng. Má chưa kịp kêu, tôi đã nhanh tay bóc mớ rau xanh sắp đều trong lòng bàn tay, tay kia cầm đũa “nhón” một cái bánh nhúng vào chén nước mắm, đặt vào, gói gọn trước khi cho vào miệng, cắn nhai một cách thích thú.
Không thích thú sao được khi từ trong cuốn bánh ấy tỏa đầy vòm họng tôi mùi thơm của rau xanh, vị ngọt béo của tinh bột, của nước cốt dừa, của những hột đậu xanh mềm mụp trong răng, của con tép mòng mặn mà hương vị sông nước miền Tây. Chỉ có vậy mà tôi “lùa” hết chiếc bánh này tới chiếc bánh khác cho đến khi cái bụng no phình, má kêu thôi, vẫn còn thòm thèm, tiếc nuối.
Những cái bánh khọt được chế biến cầu kỳ và công phu ấy lúc nào cũng khiến tôi bồi hồi… nhưng nhớ, nhất là khi tôi lên tỉnh. Đi học xa, những dịp về nhà, má tôi biết ý, đều chịu khó đổ bánh cho tôi ăn. Ngày nay, bánh khọt không chỉ nằm “trong xó bếp” từng nhà như xưa, nó đã trở thành món ăn khá thông dụng, có mặt trên lề đường cho tới tận các nhà hàng. Cho nên, những khi thèm bánh, tôi thường ghé các nơi này, ăn một bụng no nê rồi khoan khoái ra về.
Theo 24h
Hấp dẫn như bánh khọt Vũng Tàu
Nhắc đến món bánh khọt, người ta hay liên tưởng đến 2 phiên bản riêng biệt: phiên bản dân dã miền Tây với phần bánh dày có màu vàng, phủ lên đậu xanh, mỡ hành, một chút nước cốt dừa cùng tép tươi ở phía trên... và phiên bản Vũng Tàu với đế bánh mỏng cùng mỡ hành, tôm tươi và tôm cháy giã nhuyễn.
Nếu đặt 2 phiên bản này cạnh nhau, khó có thể kết luận chúng có chung họ "bánh khọt" bởi màu sắc và hình dáng quá khác biệt. Có chăng là cùng một loại khuôn đổ hình tròn có nhiều lỗ cũng như nguyên liệu chính từ bột gạo. Ngoài ra, cách đổ bánh và nguyên liệu của bánh khọt cũng tương tự với món bánh căn của vùng Nam Trung Bộ, nên có lúc người ta gọi vui bánh khọt là "bột gạo chiên" vì lúc nào cũng ngập trong dầu, còn bánh căn là "bột gạo nướng" vì sử dụng rất ít dầu lúc đổ bánh.
Bánh khọt nguyên bản Vũng Tàu tại quán Khanh gần cư xá Bắc Hải (quận 10)
Ở miền Tây, bánh khọt được bán như một món ăn bình dân, rẻ tiền, ai cũng có thể làm được. Hình ảnh quen thuộc thường thấy ở một quán nhỏ ven đường là khuôn bánh khọt nhỏ nhỏ làm từ đất nung đỏ au (khoảng 8 lỗ), một thố rau cùng bình nước mắm thật to. Thật đơn giản, tiện lợi và tiết kiệm như chính sự mộc mạc của người dân nơi đây. Còn ở Vũng Tàu thì hoàn toàn khác. Nếu bạn ghé qua những khu chuyên bán bánh khọt như trên đường Nguyễn Trường Tộ chẳng hạn, sẽ thấy nghi ngút khói cùng vô số khách đang chờ đến lượt mình. Một quầy bánh khọt Vũng Tàu phải ít nhất từ 2 khuôn đổ bánh trở lên, và một khuôn đổ được ít nhất 50 bánh/lần mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Khuôn đổ không làm từ đất nung mà bằng gang, đáy nông hơn và có nắp riêng cho từng lỗ bánh. Người đổ bánh phải đeo khẩu trang (vì khói bốc ra ngùn ngụt), mở đóng nắp liên tục để lấy bánh ra. Khong thong dong như bánh khọt miền Tây, bánh khọt Vũng Tàu là một sự hối hả, đôi khi kèm theo chút bực mình vì phải chờ quá lâu (nhưng rồi cũng lắng xuống phần nào khi dĩa bánh nóng hổi được bưng ra).
Phần rau sống ăn kèm bao gồm cải xanh, xà lách, tía tô, dấp cá
Pha bột là công đoạn quyết định một cái bánh khọt đạt chuẩn. Bột gạo làm bánh khọt không kén gạo, loại gạo cứng hay mềm cơm gì cũng có thể dùng được. Gạo được vo sạch ngâm nước qua một đêm rồi xay bột bằng cối đá. xay xong dùng cái rây gạn cho hết mày gạo rồi cho vô bồng bột dằn để bột ráo nước. Xong lấy bột ra cho vào thau, cho thêm bột năng vào để bánh thêm dẻo và trong. Nếu bột pha đặc quá sẽ khiến cho bánh bị bở, còn lỏng quá bánh sẽ bị mỏng.
Nhân bánh khọt Vũng Tàu rất đơn giản, chỉ bao gồm tôm tươi và tôm cháy, mỡ hành phủ lên trên. Một số phiên bản sau này như Bánh khọt Cô Ba có thêm thắt một số nhân mới như mực, chả cá hay sò điệp. Tuy nhiên tôm tươi vẫn là cách ăn phổ biến nhất. Bên cạnh tôm tươi, thì tôm cháy là một "nhận diện" thú vị của món bánh này. Tôm tươi giã nhuyễn rồi bắt lên bếp, cháy cho đến khi mịn và khô là có thể dùng được.
Quán bánh khọt nhỏ xíu nằm trên đường Đồng Nai (khu cư xá Bắc Hải, quận 10) náo nhiệt suốt ngày với vô số những quán cà phê lớn nhỏ. Đầu bếp Thảo của quán cũng là của chi nhánh gốc ở số 14 Nguyễn Trường Tộ, Vũng Tàu. Món bánh khọt ở đây hầu như vẫn giữ được nét riêng của phiên bản Vũng Tàu, chỉ đơn giản là tôm tươi, một chút mỡ hành và tôm cháy. Dĩa bánh khọt nóng hổi dọn ra cùng tô rau sống với cải xanh, xà lách, tía tô, dấp cá... cùng tô đồ chua (đu đủ thái sợi), chỉ cần nhìn qua đã thấy ngon rồi. Cuộn bánh với xà lách rồi chấm vào chén nước mắm đặc trưng mới thấy hết cái độc đáo của món ngon này: vỏ bánh mềm rụm, nhanh chóng hòa với nước mắm rồi như chảy tan ra trong miệng. Lúc đó mới thấy hết cái ngọt của tôm tươi, của bột bánh, mùi thơm của rau và mỡ hành...
Không cần ra Vũng Tàu bạn cũng có thể thưởng thức món bánh khọt độc đáo ngay tại khu cư xá Bắc Hải sầm uất này. Đó có lẽ là đặc ân của Sài Gòn, nơi hội tụ gần như đầy đủ tinh hoa ẩm thực Việt.
Bánh khọt Khanh
07 Đồng Nai, phường 15, quận 10 (cư xá Bắc Hải)
Mở cửa: 8h sáng đến 10h tối
Giá: 40.000đ/phần
Theo Saigonamthuc
Bánh khọt Nhật Bản Nếu hỏi một cư dân Osaka (Nhật Bản) rằng món ngon gì "phải thử" một khi đã đến đây, thì chắc chắn câu trả lời sẽ là "takoyaki". Món ăn đường phố này có hẳn một bảo tàng cho riêng mình, đủ để bạn hiểu được mức độ phổ biến của món ăn biểu tượng này. Ít ai nghĩ rằng món ăn đường...