Bánh ít bột mì
Củ khoai mì làm được rất nhiều món ngon. Trong đó, món bánh ít bột mì đọng lại một hương vị đặc biệt nơi đầu lưỡi.
Nhân bánh ít bột mì thường là nhân dừa ngọt – Ảnh: Đăng Khôi
Muốn gói bánh ít bột mì, tính ra không vất vả bằng làm bánh da lợn. Cả hai món bánh đều hấp dẫn, được ăn dù chỉ một lần cũng rất khó quên, nhưng làm bột bánh da lợn công kỹ hơn với thứ bột khô tinh tươm muốn có phải trải qua nhiều công đoạn. Còn để gói bánh ít, chỉ cần mài củ mì tươi và dùng liền tại chỗ.
Bột mì làm bánh, nếu ở độ mưa nhiều, thì chỉ trộn với đường cát là đủ. Gặp khi trời hạn, khoai hơi khô, nên cho vào thau bột thêm một phần nước lọc để đảm bảo cái bánh được dẻo, mềm. Củ mì sau khi nhổ lên, đem vào nhà để qua đêm, hôm sau lột vỏ lại ngâm tiếp vào thau nước sạch một ngày. Làm như vậy cho bột mì được “êm”, tức là ráo mủ, tránh ngộ độc. Khi vớt ra rửa lại cho sạch sẽ, mài bột nhuyễn, tùy vào kinh nghiệm người làm cho bao nhiêu đường cát vào bột thì bánh được ngọt vừa. Trộn đều bột với đường, cho vào cái chảo sạch, bắc lên bếp. Xào đều tay cho đến khi đường nóng chảy ra và quết dính vào bột thì nhấc chảo xuống, chuẩn bị làm nhân.
Nhân bánh ít bột mì thường là nhân dừa ngọt. Dừa nạo sẵn, trộn với lượng đường nhất định, thêm chút muối, cũng cho vào chảo bắc lên bếp trộn đều, đợi các thứ nguyên liệu kết dính nhau. Chảo nhân dừa xong xuôi là có thể bắt tay gói bánh.
Khi chúng tôi còn bé đã được cha mẹ chỉ cách giữ vệ sinh sạch sẽ, nên công đoạn lau lá chuối cho mẹ gói bánh, anh em chúng tôi rất tự hào “đảm trách”. Có những mùa gió đầy bụi bặm, muốn có miếng lá chuối sạch gói bánh, bọn nhỏ trong nhà rất tỉ mẩn với đám khăn lau đến mấy cái, mỗi miếng lá lau tới lau lui vài lần thì mẹ mới cười hài lòng. Sau đó những việc như thoa dầu ăn lên lá chuối, nắn nhân, vỗ bột và gói bánh, đều là việc của người lớn. Bọn trẻ chỉ xúm quanh cười nói, háo hức chờ đợt bánh đầu tiên, khoảng hơn chục cái, được xếp ngay ngắn vào xửng và bắc lên lò hấp.
Bánh ít bột mì là món quà quê, vị ngon thanh đạm và gắn liền với nhiều kỷ niệm. Đầu tiên, đối với người rời quê sinh sống trên thành phố, đó là kỷ niệm gieo trồng. Giở từng lớp lá chuối của cái bánh nóng hổi, mùi thơm của bột mì, của nhân dừa hình như quyện lấy một hương thơm quen thuộc trong ký ức. Đổ mưa, dăm xuống đất xốp những thân mì, cứ thế đợi giáp năm. Kỷ niệm về những món ăn bình dị bắt đầu từ đó: khoai luộc, khoai nướng, chè khoai, bánh bà ba, bánh da lợn, rồi bánh ít bột mì. Tảng sáng, ăn một hai cái bánh ít cũng đủ dằn bụng, trẻ đi học, người lớn ra đồng. Ai “mạnh” ăn, cứ đem theo vài cái nữa, để dành giữa buổi. Ai từ quê có dịp lên thành phố, đem cho con cháu xa nhà giỏ bánh mới gói đầu hôm…
Theo SGAT
Điểm danh 14 loại bánh đặc sản các miền đất nước Việt Nam
Đặc sản bánh Việt rất nhiều loại và kiểu dáng, hương vị khác nhau, nhưng mỗi tỉnh, thành phố đến mỗi làng đều có món bánh truyền thống riêng.
Bánh khẩu sli - Cao Bằng
Cái tên bánh khẩu sli nghe lạ lạ vui tai khiến nhiều người nghe lần đầu tò mò. Khẩu sli thường có hình dáng to bằng viên gạch đỏ, lớp trên là lạc màu nâu bóng mượt , lớp dưới là bỏng gạo mịn màng. Qua nhiều công đoạn chế biến, hai lớp bánh dính chặt lấy nhau, ăn giòn tan, dẻo quẹo lại có vị bùi ngọt khiến cho nhiều du khách ăn một miếng mà vấn vương mãi cái hương vị lạ lẫm đó.
Bánh đậu xanh - Hải Dương
Video đang HOT
Bánh đậu xanh Hải Dương dường như không mấy xa lạ với nhiều người bởi tính phổ biến rộng rãi của loại đặc sản này. Bánh đậu xanh Hải Dương ăn có vị ngọt thanh, vừa bỏ vào miệng là tan biến ngay nhưng đủ để người ăn kịp thưởng thức được vị ngọt, béo và thơm thoang thoảng mùi hương hoa bưởi, đậu xanh.
Bánh gio, bánh tro - Bắc Giang
Khi lớp lá cuối cùng được bóc ra, chiếc bánh như một khối ngọc màu hổ phách trong vắt lộ ra, có thể nhìn thấu bên trong khối ngọc đó từng hạt gạo nếp nhỏ óng ánh. Khi ăn, chấm bánh vào bát mật mía vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha tận hưởng hương vị rất lạ của bánh tro.
Bánh cáy - Thái Bình
Bánh cáy Thái Bình hấp dẫn thực khách ban đầu cũng bởi cái tên. Loại bánh tưởng chừng quà của biển, ăn vào lại thấy gạo nếp, lạc vừng, mứt bí, cơm dừa...
Bánh cốm - Hà Nội
Bánh cốm làm từ cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi và cũng là đặc sản của du khách mua về làm quà khi đến Hà Nội.
Bánh gai - Nam Định
Từ xưa, Nam ịnh vẫn có truyền thống làm bánh gai, lá gai ngay Cầu Ốc cũng có nhiều nhà trồng. Cách ăn cũng nghệ thuật. Bánh bóc làm sao khỏi dính lá, khi ăn sao cho khỏi rơi nhân.
Bánh tráng xoài - Nha Trang
Bánh tráng xoài là một món ăn đặc sản khá nổi tiếng của huyện Cam Lâm và một số địa phương lân cận của tỉnh Khánh Hòa. Bánh được làm chủ yếu từ trái xoài chín và mạch nha. Bánh tráng xoài còn có tên gọi là bánh xoài Nha Trang bởi phần lớn sản phẩm được tiêu thụ ở thành phố Nha Trang.
Bánh khô mè - Cẩm Lệ, Quảng Nam
Bánh khô mè giòn xốp ngọt ngào, giản dị mà thấm đẫm khúc tâm tình nguồn cội của những người dân xứ Quảng.
Bánh da lợn - Hội An
Bánh da lợn Hội An đặc biệt mang hương vị bột nếp lúa mới. Bánh ăn hơi dai, vị thanh dịu, thoang thoảng mùi thơm hương nếp mới, beo béo vị nước cốt dừa.
Bánh bò - Sài Gòn
Bánh bò là một loại loại bánh xốp làm từ bột gạo, nước, đường và men. Mặt bánh có rất nhiều bong bóng nhỏ do có nhiều lỗ khí trong bánh. Những chiếc xe bánh bò dừa trên các đường phố Sài Gòn từ lâu đã trở thành hình ảnh thân quen trong mắt người dân ở đây. Cứ vào khoảng cuối buổi sáng cho đến chiều tối lại dọc ngang qua các con phố bắt đầu cho một ngày mưu sinh.
Bánh pía - Sóc Trăng
Bánh pía được làm bằng bột mì, sầu riêng, lòng đỏ trứng. Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da.
Bánh ít - Bình Định
Một chiếc bánh ít ngon được đánh giá là phải dẻo nhưng khi ăn thì không bị dính răng, có vị tinh khiết của lá gai, vị dẻo thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dầu, vị bùi của đậu hòa quyện mà thành. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng đầy hấp dẫn. Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng ra các tỉnh thành và trở nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung.
Bánh rế - Phan Thiết
Bánh rế là loại bánh ngọt được làm bằng khoai lang và đường nấu chảy được tưới lên mặt bánh như cái rế. Tương tự như cách đặt tên của chả giò rế, bánh tráng rế... Bánh là đặc sản của nhiều nơi như Sóc Trăng, Bình Định, Phan Rang, Phan Thiết...
Bánh ú - Nam Bộ
Bánh ú nước tro là ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Bánh Có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh ú nước tro được gói bằng lá bên ngoài, bên trong là bột nếp và nhân đậu xanh. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng.
Bánh lá mơ - Miền Tây
Bánh lá mơ là một loại bánh dân gian của vùng sông nước miền Tây làm từ ba nguyên liệu chính là bột gạo, nước cốt dừa và lá rau mơ. Theo truyền thống, bánh lá mơ trong, có màu xanh đậm, hình dạng dèn dẹt, dài dài.
Ngoài ra, ta cũng có thể nắn bột thành những miếng tròn dẹt hay những sợi ngắn và xoăn lại như hình con nui và đem đi hấp cách thủy. Khi ăn, người ta chan ngập nước cốt dừa trắng lên mặt bánh và đôi khi cũng rắc thêm đậu phộng rang. Bánh lá mơ khi ăn thì dai giòn vừa thơm, vừa ngậy béo ,vừa ngòn ngọt, ngai ngái.
Theo Zing
Bánh cuốn Tây Hồ: 50 năm một hương vị Xin mách nhỏ cho bạn một địa chỉ thưởng thức món bánh cuốn thuộc hàng lâu đời nhất ở Sài Gòn. Vì sao quán lại có tên là "bánh cuốn Tây Hồ"? Đó là vì vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước quán bánh cuốn này còn nằm trong đình thờ cụ Phan Châu Trinh (biệt danh là Phan Tây Hồ)...