Bánh giò – chớ trông mặt mà bắt hình dong
Có những món ngon được giấu dưới lớp vỏ bọc tầm thường, đơn cử như bánh giò.
Có những món ăn ngon được giấu dưới lớp vỏ bọc tầm thường, thậm chí khi lột lớp vỏ bọc ấy ra thì trông chúng cũng chẳng hấp dẫn chút nào. Đơn cử chiếc bánh giò, sản phẩm của đồng bằng Bắc bộ.
Các món ăn Việt, nhìn chung, luôn được trình bày khá bắt mắt thực khách nhờ có nhiều màu sắc: ví dụ đơn giản nhất là màu xanh của rau, màu đỏ của ớt, màu nâu của những lát thịt trên cái nền trắng tinh của đĩa cơm hay tô phở.
Nhiều món ăn khác màu sắc còn phong phú như một kính vạn hoa. Đi cùng màu sắc là hương và vị.
Bánh giò ăn kèm với giò bò
Video đang HOT
Chiếc bánh chưng được gói vuông vức với lá dong xanh biếc, lạt buộc ngay ngắn chỉnh tề; sau lớp lá là một khối bánh đầy đặn, khi cắt ra phần nhân đậu, thịt nằm giữa lớp nếp thoạt trông đã muốn ăn; trong khi đó bên ngoài cái bánh giò là lớp lá chuối luộc đã xẫm màu trông bèo nhèo, khi bóc ra phần bánh cũng không thẩm mỹ hơn là bao.
Thế nhưng đó là một món ăn ngon, bổ dưỡng – một biến thể của bát cơm hay xôi với thức ăn đi kèm, tiện lợi cho người ăn, không cần phải nấu nướng nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng.
Được làm bằng bột gạo có pha chút bột nếp, nhân bánh giò là một hỗn hợp của thịt heo, mộc nhĩ, hành khô, tiêu, muối…, gần đây có cả trứng cút. Bánh giò thường được bán khi còn nóng hổi, như vậy ăn mới ngon.
Không gì bằng sáng sớm trời rét được ăn bánh giò nóng, miếng bánh mềm mại như tan ra trong khẩu cái, có vị béo của thịt nạc vai, thoảng vị thơm của hành, tiêu, có chút giòn sần sật của mộc nhĩ.
Nhiều hàng quán ở Hà Nội còn bán bánh giò cùng với giò lụa, giò bò hay chả quế. Một đĩa bánh giò “chất lượng cao” như thế giúp bụng no cho tới bữa trưa.
Ở Lạng Sơn còn có loại bánh giò gấc rất đặc biệt. Cũng được làm với các nguyên liệu giống như bánh giò vùng xuôi, nhưng gạo để xay thành bột làm bánh giò gấc được trộn với gấc chín; khi bóc lớp lá chuối bên trong là một khối ba góc đỏ hồng, đẹp hơn hẳn chiếc bánh giò thông thường.
Trong tuyệt phẩm Hà Nội ba mươi sáu phố phường, khi đề cập đến “những thứ quà đặc biệt riêng của từng vùng”, Thạch Lam kể: “Ninh Giang có bánh gai, Yên Viên có bánh giò, Lim có bánh lam, Ghềnh có bánh dài và chả nướng, Quán Gánh có bánh dầy tròn, Nam Định có bánh bàng, Hải Dương có bánh đậu… Những thứ quà ấy nơi thì còn giữ được vị ngon như cũ, nơi thì chỉ có cái tiếng không”.
Bánh giò thôn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) nay cũng chỉ còn trong ký ức…
Theo 24h
Lạ lùng bánh cúng
Bánh cúng làm đơn giản nhưng ăn rất ngon, lại thơm vô cùng.
Tôi không biết sao loại bánh này có cái tên lạ lùng như vậy. Mẹ tôi bảo chắc do bánh hay dùng để cúng ông bà, tuy nhiên, tôi chẳng thấy mẹ đem cúng bao giờ, mà chỉ làm để anh em chúng tôi ăn. Và mỗi lần ăn là y như rằng, chúng tôi phải "trừ cơm".
Chưa thấy loại bánh nào dễ làm như bánh cúng. Phần nguyên liệu chỉ là bột gạo (gạo nguyên hạt đem xay nước), pha với nước cốt dừa, đường, nước cốt lá dứa. Nhưng công phu của bánh lại thuộc về phần gói. Nói là công phu cũng không đúng, nhưng phải khéo léo một chút. Tàu lá chuối tươi (chuối sứ hay chuối hột) đem rọc lấy lá, phơi hơi heo héo chứ không được quá tươi hay quá khô. Xé lá chuối thành từng miếng bề ngang cỡ hơn lòng bàn tay, đem lau sạch hai mặt trong ngoài. Tôi thấy mẹ dùng một thanh tre dài cỡ hơn gang tay, đường kính cỡ một phân rưỡi để cuộn lá nhằm định hình những chiếc ống dài dài. Khi cuộn, phải bắt đầu từ mép lá, cuộn sao cho các lớp lá xếp chồng, hiện vân đẹp mắt. Kế đến, mẹ gấp mép ở cuối đầu rồi dùng dây chuối khô xé nhỏ buộc lại. Phần gấp mép này rất quan trọng, nếu không khéo, có thể làm mép gãy, khi đổ bột sẽ bị chảy. Hơn nữa, mép gấp cũng nên vừa phải, vì cao quá, cuốn bánh sẽ bị ngắn. Kế đến, dùng dây chuối buộc tiếp ở thân ống khoảng một, hai sợi nữa rồi rút lá ra để có những chiếc ống lá phẳng phiu.
Làm bánh cúng dùng lá chuối tươi (chuối sứ hay chuối hột) đem rọc lấy lá, phơi hơi heo héo chứ không được quá tươi hay quá khô
Xong đâu vào đấy, cho bột đã pha vào một cái ca có miệng nhọn để khi rót bột không chảy ra ngoài. Canh bột đổ vừa phải, ít quá bánh sẽ không tròn, nhiều quá bột sẽ trào. Cuối cùng, gấp mép lá lại và cột chặt. Cứ thế, hết chiếc bánh này đến bánh khác.
Khi gói bánh xong, mẹ tôi chuẩn bị một chiếc nồi to, bên trong đặt một chiếc rế sạch, đổ nước xâm xấp, rồi xếp bánh vào hấp. Bánh rất mau chín, hấp độ 15 phút là có thể ăn. Nếu muốn thử, phải gắp một chiếc ra, gỡ lá rồi xem bột bên trong, nếu bột trong là bánh chín. Khi nóng, bánh sẽ nhão, để nguội một chút, bánh săn lại sẽ ngon và thơm hơn.
Mùi của lá dứa, lá chuối tạo nên hương bình dị, thanh tao của bánh khiến người ta dai dẳng nhớ.
Ngày nhỏ, khi ăn, tôi cứ hay lột hết vỏ bánh rồi cầm cắn. Cái bánh dài quá nên rũ xuống, cong cong, nhìn rất buồn cười. Bánh cúng làm đơn giản nhưng ăn rất ngon, lại thơm vô cùng. Mùi của lá dứa, lá chuối tạo nên hương bình dị, thanh tao, khiến người ta dai dẳng nhớ.
Ngày xưa, nhà nghèo, chúng tôi chẳng được ăn nhiều loại bánh như ngày nay, nên lâu lâu mẹ lại làm bánh cúng. Gạo, dừa, lá dứa sẵn có, chỉ tốn thêm đường là đã có một sề bánh ngon, ăn lai rai cả ngày đến quên cả cơm...
Theo 24h
Giòn tan bánh rán xứ Thanh Ở Thanh Hóa quê tôi ngoài đặc sản bánh gai, nem chua còn có một món bánh rán mà ai đã ăn một lần rồi sẽ nhớ hương vị thơm, bùi, béo, ngọt giòn tan nơi đầu lưỡi. Vào những dịp đặc biệt như lễ, tết, nhà có thượng khách mẹ tôi hay làm món bánh rán. Một loại bánh làm từ bột...