Bánh gai Tứ Trụ: Đặc sản nổi tiếng của xứ Thanh
Bánh gai Tứ Trụ ( bánh gai làng Mía) là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Tứ Trụ thuộc tổng Diên Hào, phủ Thọ Xuân, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam.
Làng Mía thuộc hữu ngạn sông Chu, cách thị trấn Thọ Xuân khoảng 9 km về phía Tây, cách khu di tích lịch sử Lam Kinh khoảng 1,5 km. Trong các dịp cúng giỗ Lê Lợi và Lê Lai (“hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”), bánh gai Tứ Trụ được chọn làm thức cúng tế.
Trước đây, bánh gai Tứ Trụ thường chỉ được làm trong các dịp giỗ tết, đình đám và đặc biệt để cúng tiến trong các ngày lễ tết, ngày hội, ngày giỗ húy nhật của thành hoàng. Hiện nay, bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Nguyên liệu làm bánh gai gồm có lá gai, gạo nếp, đậu xanh, dầu chuối, đường, mật mía, thịt lợn nạc, nước mắm, vừng… Bánh gai Tứ Trụ có hương vị đặc trưng do sử dụng mật mía, thịt lợn nạc, nước mắm… lại không sử dụng hạt sen, thịt mỡ như bánh gai Nam Định, bánh gai Ninh Giang.
Việc chế biến bánh gai khá kì công, đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mẩn và tinh tế. Lá gai được hái từ trong rừng hoặc từ bãi bồi ven sông Chu, tước bỏ cuống lá, gân lá, xơ lá rồi phơi thật khô, cất kỹ. Đến khi làm bánh, đem lá gai khô ngâm nước, rửa sạch rồi đem luộc thật kỹ. Sau đó vớt ra, tiếp tục rửa sạch rồi lại luộc, thời gian luộc của hai lần khoảng 24 giờ, xong vắt khô kiệt nước, giã nhuyễn. Hiện nay, người ta đưa lá vào ép cho kiệt nước rồi đem nghiền.
Bánh gai Tứ Trụ. Ảnh minh họa.
Gạo nếp, thường là nếp nương hoặc nếp hoa cau, được xay hoặc giã nhỏ bằng cối đá rồi dùng rây bột để gạn đi những hạt to. Trộn kỹ bột lá gai, bột nếp và mật mía rồi ủ trong một đêm, sau đó đem luyện bằng cách giã trong cối, đến khi bột nhuyễn, dẻo quánh. Bột sau khi luyện không được nhão quá hoặc cứng quá, sẽ không thành bánh. Hiện nay, người ta dùng máy để giã bột.
Khác với bánh gai Ninh Giang sử dụng mật đun nóng, ở Thọ Diên người ta sử dụng mật nguội và không quá loãng. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường và thịt lợn nạc.
Video đang HOT
Đậu xanh xay vỡ, ngâm và đãi võ, sau đó nấu hoặc đồ lên. Khi đậu chín, cho vào cối giã cùng với đường đến khi thu được hỗn hợp mịn và đều. Ngoài ra, còn sử dụng một ít dừa nạo rang khô, thịt lợn nạc với lượng từ 200g đến 300g cho 100 cái nhân, một chút nước mắm ngon và một ít dầu chuối. Dầu chuối cần cho vừa đủ, nếu nhiều sẽ bị đắng còn ít quá thì không dậy mùi.
Bánh gai Tứ Trụ được xem là loại bánh gai ngon nhất Việt Nam. Ảnh minh họa.
Bánh gai Tứ Trụ được gói từng 5 chiếc một. Bột bánh được nặn từng cục tròn rồi dàn mỏng trên lòng bàn tay, đặt nhân vào giữa, vê lại cho nhân nằm gọn giữa lòng chiếc bánh, xoa cho bánh tròn thì lăn bánh trên chiếc mâm đã rải đều hạt vừng. Dùng lá chuối khô, thường là lá chuối tiêu để gói lại thành từng chiếc bánh vuông vắn, quấn một chiếc lạt giang bên ngoài.
Hấp bánh còn gọi là đồ bánh. Thời gian để hấp chín bánh phụ thuộc vào số lượng bánh đồ trong chõ to hay nhỏ, ít hay nhiều, nhiệt độ cao hay thấp, nhưng thường vào khoảng 1 tiếng. Bánh chín được vớt ra nia rồi mở ra (không bóc) cho ráo, để cho bánh nguội tự nhiên và ráo nước. Công đoạn này còn phải làm động tác vuốt lại bánh để bánh nhẵn và có hình mai rùa. Khi bánh đã nguội, dùng lạt giang đã nhuộm đỏ để gói từng 5 chiếc một.
Bánh gai thường được ăn sau khi hấp khoảng 10 giờ. Bánh gai thành phẩm phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.
4 đặc sản Thanh Hóa lọt vào top 100 món ăn và đặc sản quà tặng Việt Nam
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) vừa công bố top 100 n món ăn đặc sản và top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Trong đó, 4 đặc sản của Thanh Hóa lọt vào top 100 món ăn đặc sản và đặc sản quà tặng Việt Nam là: Gỏi Nhệ ch Nga Sơn, Bánh lá răng bừa, Nước mắm Ba Làng và Bưởi Luận Văn.
Với các tiêu chí rõ ràng và cụ thể như: Món ăn mang hơi thở Việt Nam, sử dụng nguyên liệu tự nhiên để pha chế, phù hợp khẩu vị, tốt cho sức khỏe, nguồn gốc xuất xứ văn hóa lịch sử rõ ràng... trong gần 10 năm đã có 500 món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam ở các vùng miền trong cả nước được vinh danh. Điều này không chỉ góp phẩn tôn vinh giá trị ẩm thực Việt mà còn là nơi quảng bá ẩm thực Việt rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước, đem lại cái nhìn toàn diện về một nền ẩm thực Việt.
Trong rất nhiều món ăn đặc sản và đặc sản quà tặng, năm 2020 - 2021, Thanh Hóa được vinh danh 4 sản phẩm.
Gỏi Nhệch Nga Sơn
Nguyên liệu chính của món gỏi này là những con cá nhệch mình trơn nhẫy, sống được trong cả môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị.
Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, gỏi cá nhệch ở Nga Sơn, Thanh Hóa còn đặc biệt lôi cuốn bởi vị dai ngọt mát, lạ miệng và cách gói độc đáo.
Gỏi nhệch xuất hiện nhiều trong các nhà hàng, quán ăn, trở thành đặc sản xứ Thanh.
Bánh lá răng bừa
Gắn với câu chuyện lịch sử khi vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày bừa trong lễ hội đầu năm. Để tưởng nhớ công lao của vị vua anh minh này, người dân làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân thường làm chiếc bánh lá răng bừa để tiến vua. Người Thanh Hóa gọi bánh răng bừa do hình dạng chiếc bánh trông rất giống cái răng bừa, một công cụ lao động của người dân nơi đây.
Bánh lá răng bừa - đặc sản truyền thống của xứ Thanh
Từ những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh với hương vị riêng lại thêm với vị ngọt của thịt, mộc nhĩ quyện cùng chút cay cay của hạt tiêu chạm vào đầu lưỡi lại chấm cùng một chút nước mắm cốt, bánh răng bừa trở thành món ngon để du khách mỗi khi có dịp về thăm nơi đây đều không thể bỏ qua, ăn một lần rồi thì hương vị còn đọng mãi.
Nước mắm Ba Làng
Được sản xuất tại vùng Ba Làng, thị xã Nghi Sơn từ cá cơm tươi. Sau khi đưa lên bờ, cá cơm được làm sạch và ướp cùng với muối biển, sau đó ủ chượp trong thùng gỗ kín, phơi đủ nắng và ngâm ít nhất 1 năm rồi mới dùng công nghệ tiên tiến rút nỏ, chắt chiu ra từng giọt nước mắm ngọt thơm. Nước mắm Ba Làng đặc trưng với hương vị ngọt đằm, đậm vị cá, màu sóng sánh như mật ong, càng để lâu ăn càng ngon - là đặc sản mà người xứ Thanh gìn giữ, tự hào.
Nước mắm được người dân Ba Làng cẩn trọng ủ chượp. (Ảnh: Tư liệu)
Bưởi Luận Văn
Có nguồn gốc từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, loại bưởi này thường được người dân trong làng "tiến vua". Khi nhỏ quả có vỏ màu xanh như các loại bưởi thông thường, đến khoảng tháng 10 - 11 âm lịch, bưởi có sự thay đổi về màu sắc. Toàn bộ quả bưởi từ vỏ đến tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc. Ngoài ra bưởi đỏ còn có mùi thơm đặc trưng, bởi vậy giống bưởi này được nhiều người ưa chuộng, được cho là sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng khi bày trong mâm quả đặc biệt là vào dịp tết về.
Bưởi Luận Văn - sản vật "tiến vua" ngày xưa, hiện nay rất được ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết.
Việc công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng hàng năm chính là tiền đề, cơ sở nền tảng để xác lập những kỷ lục ẩm thực trong nước và vươn ra thế giới.
Được biết, thời gian tới Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), Tổ chức Top Việt Nam (Viettop) kết hợp cùng các đơn vị liên quan để triển khai rộng hơn, sâu hơn đến từng huyện, xã, thị trấn, thôn xóm... trên khắp cả nước để có thể tìm kiếm tất cả những món ăn ngon, những đặc sản độc đáo của người dân và góp phần quảng bá các giá trị ẩm thực - đặc sản của Việt Nam.
Những đặc sản trên đất "Hai Vua" Vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa vốn là nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc: Hoàng đế Lê Đại Hành đánh thắng quân xâm lược Tống vào cuối thế kỷ 10 và Hoàng đế Lê Thái tổ đánh thắng quân Minh vào đầu thế kỷ 15. Không chỉ vang danh là đất quý hương của hai đời vua, Thọ Xuân còn...