Bánh đa kê Tây Hồ
Dọc những con phố Hà Nội bây giờ, đâu đâu cũng thấy những gánh hàng rong với tấm bảng nhỏ treo lơ lửng trên quang gánh “bánh đa kê”. Ở đây, kê ngon nhất vẫn cứ là làng Phú Thượng, Tây Hồ.
Chẳng phải vị cay xè, cũng không hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, chỉ là cái vị thanh thanh thoảng chút hương kê, đỗ xanh vậy mà đã làm ngây ngất biết bao tâm hồn ẩm thực cả ta lẫn tây.
Được lấy từ hạt kê phơi khô, làm sạch vỏ, ngâm với nước sạch (hoặc nước vôi) chừng một tiếng đồng hồ rồi cho vào nồi đun đến khi chín. Cái khéo của người nấu chính là đừng để nồi bị cháy sít, kê quá chín, hạt kê chỉ vừa nở ra, đủ mềm thì mới giữ được vị và mùi thơm.
Chè kê này không cần đường nhưng phải thật đặc để khi ăn quết lên bánh đa mè, rưới thêm một lớp đỗ xanh, đường và vài sợi dừa tươi. Làm xong phải ăn ngay thì mới thưởng thức được hương vị và độ giòn tan của bánh.
Chính sự kết hợp của bánh đa với hạt kê nên mới có tên gọi đa kê – một cái tên rất “kêu”. Với hương vị thanh mát của bánh đa kê, đây sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua với những thực khách chuộng ẩm thực Hà Nội vào những ngày hè…
Theo TNO
Chè chuối nướng
Chè chuối nướng là món ăn dân dã và khá phổ biến ở nhiều vùng miền. Cách chế biến chè không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mẩn, khéo léo mới có được một chén chè chuối nướng thơm ngon, hấp dẫn thực khách.
Để làm chè chuối nướng, trước tiên phải chọn những trái chuối mốc tròn trịa, vừa chín tới. Chuối bóc vỏ và được mặc lớp "áo mới" là bột nếp trắng tinh, rồi bọc thêm một lớp lá chuối bên ngoài. Sau đó, chuối được khéo léo xếp lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Khi toàn bộ trái chuối đã sém cạnh, người bán chè không vội lấy ra mà cẩn thận "đẩy" những trái chuối đã nướng ra rìa vỉ nướng để giữ hơi nóng, đợi khi có khách mới cắt nhỏ ra thành từng miếng vừa miệng. Chuối nướng đem lại cảm giác thơm nồng, âm ấm và beo béo. Ở Nha Trang, những nơi bán chè chuối thường là những quán cóc hoặc trong các hẻm nhỏ. Đi ngang qua những quán chè chuối nướng, chỉ cần hít hà cái mùi thơm phảng phất của lá chuối cháy cũng đã thấy ấm bụng rồi.
Những trái chuối đã qua vỉ nướng lúc này được cho "tắm" vào giữa chén nước cốt dừa nấu sẵn với đậu xanh, rồi trộn thêm thạch trân châu và một chút lạc rang giã hơi dập, để thành một chén chè chuối nướng. Nước cốt dừa nấu dùng làm chè chuối bao giờ cũng sền sệt, không ngọt lịm mà là vị ngọt man mát pha chút mằn mặn. Người bán chè chuối nướng lý giải, sở dĩ phải nêm chút vị mặn vào nước cốt dừa vì bản thân trái chuối đã ngọt, khi nướng lên lại càng ngọt sẽ khiến người ăn chóng ngán, vì thế chút vị mặn trong nước cốt dừa sẽ giúp cân bằng vị giác.
Chè chuối nướng ăn vào mùa nào cũng đều thấy trôi cả. Vào mùa lạnh, có một chén chè chuối nướng thưởng thức sẽ rất ấm bụng. Mùa nóng, chè chuối nướng lại là món ăn mát lành rất thích hợp để giải nhiệt. Khi ăn chè chuối nướng, nhiều người có thể cho thêm đá, nhưng đa số người dân địa phương vẫn chuộng chè nóng hơn. Thưởng thức chén chè chuối còn nóng hổi, thực khách mới có thể cảm nhận hết được vị ngọt của chuối, vị béo của nước cốt dừa, vị bùi của lạc rang và những mùi thơm hòa quyện vào nhau. Chè đã trôi vào đến dạ dày rồi mà vẫn còn cảm thấy ngọt ngọt, mát mát ở đầu lưỡi.
Giá cả tùy theo mỗi địa phương, riêng đến Nha Trang, chỉ sáu đến tám ngàn đồng là bạn đã có một chén chè chuối nướng, vừa dân dã lại vừa thơm ngon, thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Theo TNO
Gỏi bưởi Bưởi quê tôi được nuôi dưỡng từ mạch nguồn của con sông Thu Bồn phù sa cát mịn, nên vườn bưởi nhà ai cũng tươi tốt, quả ngọt đến lạ lùng. Ảnh: Thanh Ly Đến mùa ra hoa kết trái, con ong con kiến cũng bảo nhau đến hít hà mùi thơm nồng hoa bưởi. Chừng nửa tháng sau là đã có những...