Bánh cuốn Hồng Hạnh: Khúc biến tấu của bánh cuốn
Bánh cuốn Hồng Hạnh, cái quán nằm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai khúc giữa Đinh Tiên Hoàng và Mạc Đĩnh Chi này khá nổi tiếng trong giới sinh viên. Phần vì quán nằm gần khá nhiều trường đại học gần đó cũng như giá cả rất phải chăng. Quán bán khá nhiều món, đa phần tập trung vào các loại bánh cuốn, bánh Huế cùng các loại bún.
Món bánh cuốn trứng độc đáo
Thực đơn bánh cuốn ở đây khá đa dạng. Ngoài loại bánh cuốn truyền thống còn là một số món lạ khá ngon và độc đáo. Đầu tiên là món bánh cuốn trứng, một đặc sản của Lạng Sơn. Tuy không phổ biến như các thương hiệu bánh cuốn khác như Thanh Trì, Nam Định hay Phủ Lý nhưng món bánh cuốn trứng này rất đặc biệt bởi cách làm cũng như thành phần.
Những hạt gạo tẻ trắng ngần được chọn lựa để xay mịn thành bột, rồi sau đó được hòa với nước để tạo ra một hỗn hợp không quá đặc cũng không quá loãng nhằm tạo ra độ dẻo đặc trưng cho bánh. Đầu tiên người làm bánh sẽ trải bột ra khuôn vải rồi đóng nắp, chờ một chút cho bánh vừa chín tới thì mở nắp ra rồi đập trứng gà lên lớp bánh. Cái hay ở đây là người thợ tráng bánh phải đậy nắp lại và canh sao kịp lúc lớp lòng trắng đục lại và dính vào mặt bánh, còn lòng đỏ thì vừa chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp quả trứng không bị bể, thì mới mở nắp. Rồi dùng đũa dẹp chia bánh làm hai phần, khéo léo hất mép bánh cuộn lại ôm nhân trứng bên trong.
Ăn món bánh cuốn trứng Lạng Sơn đúng kiểu thì phải có thêm một lớp thịt heo bằm xào với hành ngò phủ ở phía trên, còn nước chấm phải là loại nước ninh với xương ống trộn với thịt bằm, cùng chút gia vị đường, ớt, và rau mùi băm nhỏ. Ở quán Hồng Hạnh các phần này được gia giảm, phần bánh cuốn trứng dọn ra ăn cùng chả lụa, chả quế và nước mắm thông thường như các loại bánh cuốn khác. Tuy vậy cũng không hề giảm đi cái thú vị của món này. Sắn từng phần bánh cuốn trứng vuông vức cho lòng đào tan chảy ra, rồi chan thêm chút nước mắm có dằm tí ớt vào. Vị thanh thanh của nước mắm quyện với vị béo ngậy của miếng trứng khiến cho tất cả như tan chảy ra trong miệng thực khách. Đảm bảo bạn sẽ thích một khi đã thưởng thức món ăn khá độc đáo này.
Bánh cuốn thịt nướng với cách trình bày và thưởng thức khá thú vị
Một món khá lạ khác mà bạn cũng nên thử qua là bánh cuốn thịt nướng. Món ăn đậm chất Huế này hẳn không còn xa lạ gì với người Sài Gòn. Xuất thân từ làng Kim Long ven sông hương (phía Tây kinh thành Huế), món ăn này đã “Nam tiến” và dần dần trở nên quen thuộc trong đời sống ẩm thực nơi đây. Cũng với thành phần tương tự như thường thấy, món bánh cuốn thịt nướng ở Hồng Hạnh được cải biên đôi chút. Dĩa bánh được dọn ra với 3 cuốn khá to và cắt sẵn. Thay vì cầm và chấm vào phần tương đậu như thường thấy, ở đây bạn sẽ chan tương vào rồi ăn bằng đũa. Phần nhân thịt nướng kẹp trong lát bánh ướt cùng lớp rau tươi lần chung với lớp tương đậu ở phía trên khá hài hòa. Một chút đồ chua phía trên hẳn sẽ làm cho món ăn này thêm phần thú vị.
Video đang HOT
Một địa điểm thú vị để thưởng thức các phiên bản khác nhau của bánh cuốn. Bánh cuốn cũng như bánh ướt với các phiên bản đến từ miền Bắc và miền Trung nay đã thay đổi rất nhiều để phù hợp với khẩu vị địa phương, đồng thời trở thành một phần thân thuộc của đời sống ẩm thực Sài Gòn.
Bánh cuốn Hồng Hạnh
17a Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: 6h sáng đến 11h đêm
Giá: Bánh cuốn trứng (24.000đ/dĩa), bánh ướt thịt nướng (24.000đ/dĩa)
Theo SGAT
Phong phú bún ngon Sài Gòn
Nói về bún ngon Sài Gòn, thật khó để xác định món nào là đại diện, là món chính thống ở đất Sài thành. Bởi vì có rất nhiều món bún độc đáo từ khắp các vùng miền tụ hội về đây, hình thành nên một diện mạo thật phong phú của bún Sài Gòn.
Bún riêu cua với phần mai cua nhồi thịt thật hấp dẫn
Như quán bún nhỏ trong con hẻm nhỏ này vậy. Quán quy tụ gần như đầy đủ các món bún từ Bắc chí Nam như bún mọc, bún riêu cua, bún bò Huế, bún bò viên, bún măng gà... Đó là chưa kể, nồi nước lèo có thể "linh động" bán chung cho các món hủ tiếu, nui, bánh canh, miến hay thậm chí là bánh đa cua, canh bún. Đây cũng là cách bán khá thông dụng ở Sài Gòn, bạn có thể tùy chọn loại bún mình thích và ăn kèm với món nào cũng được.
Phong phú là vậy, nhưng khi đứng riêng từng món vẫn thể hiện được bản sắc của mình. Đơn cử như món bún riêu với phần nước dùng khá đặc biệt, bên cạnh vị ngọt của cua đồng còn được nấu với sườn non để tăng thêm độ ngọt và đậm đà. Điểm độc đáo của món này có lẽ là phần mai cua đồng được khéo léo nhồi thịt rất hấp dẫn. Tô bún riêu nóng hổi dọn ra, chỉ nhìn thôi đã thấy thích mắt với hằng hà sa số những món ăn kèm như huyết, riêu cua, đậu hủ. Màu sắc của tô bún cũng quyến rũ hơn rất nhiều so với nguyên bản xứ Bắc, với sắc đỏ từ cà chua xào lấy màu và màu điều.
Tô bún bò Huế "thập toàn - ngũ đắc"
Bạn có thể gọi thêm chén gân ăn kèm cho đã thèm
Đại diện cho miền Trung là món bún bò Huế. Có nhiều học giả cho rằng đây là món ăn hiếm hoi trong ẩm thực Việt tụ hội đầy đủ hai yếu tố "thập toàn - ngũ đắc". "Thập toàn" là mười điều cần có để tạo nên một món ăn ngon: ngọt ngào, đậm đà, thơm tho, bổ dưỡng, tinh khiết, bắt mắt, khéo chọn, khéo tay, khéo nấu và khéo bày. Còn "ngũ đắc" là ai cũng biết, ai cũng mua được, ai cũng ăn được, ai cũng nấu được và ai cũng mua được nguyên liệu ngay tại địa phương.
Tô bún bò Huế ở đây có nước dùng trong, thanh và không hề mỡ màng. Những lát bò nạm hấp dẫn nằm xấp lớp, miếng giò heo thì vừa phải, chắc và ít mỡ. Bạn cũng có thể gọi thêm món chén gân cho đã thèm. Cho một chút sa tế vào tô bún, sẽ thấy ớt tỏa bung như hoa nở trên mặt nước. Hít hà để thấy mùi thơm nồng của ớt, đậm đà mà vẫn thong dong, vẫn rất "Huế".
Bún mọc với phần nước dùng ngọt thanh cùng các loại chả, mọc thật hấp dẫn
Tô bún mọc đặc trưng xứ Bắc lại hấp dẫn thực khách bởi rất nhiều nguyên do, mà đầu tiên là các loại chả, mọc ăn kèm làm từ giò sống. Nước dùng cũng được chuẩn bị rất kỹ, được hầm từ xương heo, vớt bọt cho thật trong mà không cần phải nêm nếm quá nhiều. Nhờ vậy mà có được vị ngọt thanh mà vẫn không kém phần đậm đà. Đây cũng là món khởi nghiệp của quán gần 20 năm trước, sau này mới bán thêm nhiều món bún khác như bây giờ.
Có lẽ chẳng nơi nào tìm được nhiều món bún như ở Sài Gòn, vùng đất tụ hội gần như đầy đủ các phong vị ẩm thực từ bốn phương. Một trải nghiệm thật thú vị, nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu những ngon bún ngon của ẩm thực Việt.
Bún Bảo Trâm
Đầu hẻm 18a Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 01
Mở cửa: 6h sáng đến 10h tối
Giá: Bún riêu cua (35.000đ/tô), bún bò (35.000đ/tô), bún mọc (30.000đ/tô)
Theo SGAT
Bánh cuốn Hải Nam: Chút thi vị của món Bắc Ngày nhỏ tôi hay nhầm lẫn giữa bánh cuốn và bánh ướt. Phần vì thoạt nhìn hai món này giống nhau, phần do cách thưởng thức cũng tương tự: bánh ăn cùng với chả lụa, chả quế và nhất là phải có bánh tôm (bánh đậu). Sau này để ý kỹ mới thấy bánh cuốn làm công phu hơn rất nhiều. Dĩa bánh...