Bánh cay Sài Gòn – món ăn đậm đà được lòng thực khách
Không chỉ bởi vị cay và sự giòn tan, vàng rộm trong miệng khi thưởng thức, bánh cay còn được chọn làm món phụ khi gia đình mở tiệc chiêu đãi bạn bè vì cách chế biến dễ dàng.
Quà vặt ở Sài Gòn không thiếu nhưng bánh cay vẫn luôn là món ăn đậm đà được lòng thực khách. Không chỉ bởi vị cay và sự giòn tan, vàng rộm trong miệng khi thưởng thức, bánh cay còn được chọn làm món phụ khi gia đình mở tiệc chiêu đãi bạn bè vì cách chế biến dễ dàng và thành phẩm cực kỳ bắt mắt người nhìn.
Ở nhiều góc đường tại Sài Gòn như Trần Quốc Thảo, chợ Bà Chiểu… không khó để bắt gặp hình ảnh của các cô chú bán hàng một tay vừa nặn bánh, tay kia rảnh một chút là thoăn thoắt đảo bánh cay thơm lừng trong chảo dầu quyến rũ.
Ăn bánh cay đến hai đĩa một cách ngon lành trong một lúc là chuyện rất bình thường của bất cứ cô cậu học trò nào sau mỗi buổi tan trường.
Các bạn vừa ăn bánh, vừa rôm rả cười nói không ngớt bên cạnh những gánh hàng ăn vặt dậy mùi thơm không biết từ bao giờ đã trở thành kỷ niệm không thể quên trong ký ức thời học sinh Sài Thành.
Video đang HOT
Nguyên liệu chính của món ăn vặt được yêu thích này gồm bột sắn và bột gạo. Khâu chế biết trước tiên là bóc vỏ củ khoai mì hay còn gọi là củ sắn tươi. Củ sắn sẽ ngâm trong nước cho sạch rồi bào nhuyễn lấy bột. Bột ấy đem trộn cùng bột mỳ, bột ớt, thêm hành lá và lá thì là rồi nặn đều đem bột chiên trong chảo dầu nóng với lửa đượm đều để bánh khi vớt ra được vàng giòn, thơm ngon.
Bánh cay Sài Gòn còn rất được lòng các du khách nước ngoài, đặc biệt là giới trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản… thích khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam./.
Nguyễn Luân (Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam )
Bột sắn chấm nước mắm: nghe thấy "kì" mà lại là món tuổi thơ của rất nhiều người
Những tưởng tuổi thơ ngày xưa chỉ có món bột sắn nấu với chút đường, ai ngờ đâu ở Bình Định còn có cả bột sắn chấm nước mắm nữa đó.
Để mà nói về món ăn tuổi thơ của các thế hệ trước, cũng bởi điều kiện còn khó khăn, đồ ăn chẳng thể nhiều và đa dạng như bây giờ. Hồi đó, ngay cả bữa ăn sáng cũng rất đơn giản, nhiều khi mẹ chỉ pha ít bột sắn dây, thêm chút đường rồi bỏ lên bếp vừa nấu vừa quấy đều. Món ăn này thì đã quá quen thuộc với nhiều người rồi. Thế nhưng, ở Bình Định lại có một món rất "kì", chẳng khác nào... bột sắn chấm nước mắm vậy.
Món đó có tên gọi là bột mì nhứt quấy.
Người miền Nam gọi củ sắn là củ khoai mì. Nên thứ bột làm món bột mì nhứt quấy này là bột khoai mì, hay chính là bột sắn.
Hồi trước, bột mì rẻ lắm. Mua khoảng 2 - 3 ngàn là có thể ăn sáng được cả tuần. Rồi không chỉ ăn sáng, nhiều người còn làm món này để ăn vặt, ăn xế. Một chảo bột quấy đặc keo lại, mỗi người một đôi đũa, quây quần, vừa ăn vừa tám chuyện rôm rả.
Cách làm bột mì nhứt quấy không khác với bột sắn nấu của người Bắc là mấy. Bột mì (bột sắn) cho vào nước pha, quấy đều tay để không bị lắng bột. Sau đó, bỏ chảo lên bếp đun nóng, cầu kì hơn thì phi chút mỡ hành cho thơm rồi đổ bột vào quấy đều tay. Mà chú ý là phải quấy liên tục thì bột mới chín đều và không bị cháy. Chỉ vài phút thôi là bột sẽ keo lại, trong suốt, ấy là khi bột đã chín.
Bột mì nhứt quấy này là phải chấm với nước mắm tỏi ớt. Bát mắm phải có chút cay cay của ớt và thơm thơm của tỏi nhuyễn thì chấm mới thật sự ngon. Nhà nào khá giả hơn thì có thể cho thêm quả trứng vào dằm ra cho có "chất".
Rồi cứ thế, bỏ cả chảo bột ra giữa nhà, kế bên là bát mắm, dùng đũa quấn lấy lớp bột dẻo quẹo rồi chấm vào mắm là ăn ngon hết sảy. Cũng có bữa được "đầu tư" thì chấm với mắm nêm hay ăn kèm với cá cơm muối. Bột mì nhứt quấy khi đó bỗng trở thành món sơn hào hải vị, ngon lành vô cùng.
Bột mì nhứt quấy (bột sắn chấm nước mắm) tuy còn lạ lẫm với rất nhiều người, nhưng lại là món ăn quen thuộc và lâu đời tại Bình Định. Giản đơn vậy đó, chỉ từ chút bột sắn thôi mà trở thành món ăn gắn bó với tuổi thơ của biết bao người.
Món ăn này không hề khó làm, vì thế, sao bạn không tự mình trải nghiệm ngay hôm nay?
Theo Trí Thức Trẻ
Điểm danh những đất nước có ẩm thực nổi đình đám với vị cay "xé lưỡi" Đã là tín đồ của món cay thì chắc chắn không thể bỏ qua ẩm thực của những đất nước này đâu đấy. Vị cay thực ra không phải là "vị" được công nhận như mặn, ngọt, chua, đắng (hay thậm chí là umami). Vị cay thực chất là cảm giác cay, thuộc về cảm giác "cháy bỏng" trong miệng chứ không phải...