Bánh cáy ngày Tết của người Thái Bình
Bánh màu trắng ngà, khi ăn có vị ngọt của đường, cay nhẹ của hương gừng, béo bùi, dẻo thơm của nếp và cốm non.
Bánh cáy là một đặc sản nổi tiếng của người dân Thái Bình. Ảnh: D.L.
Tên gọi của bánh bắt nguồn từ chính hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy). Ngày xưa, bánh cáy được người nông dân làm ra để tiến vua nhà Nguyễn và được vua khen ngợi. Bí quyết làm bánh cáy của người làng Nguyễn thuộc vào công đoạn nhào trộn nguyên liệu và chiên, ép bánh. Làm sao chiếc bánh không quá ngọt, không quá nhạt. Vừa chín, dẻo, không khô cứng. Hương vị bánh hơi cay nồng.
Làm bánh cáy phải trải qua nhiều công đoạn. Nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô. Thóc tẻ rang lên trong nồi gang, cho xòe cánh thành một thứ gọi là hạt “nẻ”. Mỡ phần chọn loại ngon, cơm dừa bào sợi, cho ướp đường nửa tháng. Để làm ra những chiếc bánh đẹp và ngon, còn có thêm các nguyên liệu như nếp cái hoa vàng, quả gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí, mạch nha, và hương hoa bưởi.
Video đang HOT
Lại chiên vàng những “trứng cáy” (hạt nếp đã chế biến) trong dầu ăn. Mạch nha được ủ rồi đem nấu trên bếp than đỏ hồng. Xong, đảo thật đều tay những “trứng cáy”, hạt nẻ, mỡ phần, cơm dừa, mứt bí, gừng sợi, thêm tí hương hoa bưởi khi đã đến độ kết dính thích hợp. Cuối cùng cho hỗn hợp đó vào khuôn, rắc phía dưới và trên khuôn một lớp vừng mỏng rồi cán bánh tùy theo kích thức to nhỏ, dày mỏng khác nhau. Sau cùng mới rắc lên một lớp bột nếp khô để chống dính.
Trong không khí se lạnh của những ngày Tết cổ truyền, ăn bánh cáy và uống nước chè thì thật không còn gì bằng. Sự kết hợp giữa nhiều nguyên liệu ấy đem đến cho bánh cáy một hương vị rất lạ, kết hợp vị ngọt thanh từ đường mía, vị cay nhẹ của hương gừng, sự béo bùi của nếp cái hoa vàng, vừng, lạc, vị giòn tan hay deo dẻo của gạo nếp rang và cốm non…
Vũ Hào
Theo VNE
Thơm cay bánh cáy Thái Bình
Tên bánh cáy được chế biến vô cùng khéo léo từ chính những nông sản thân quen.
Như bánh đậu xanh của Hải Dương, bánh phu thê của Bắc Ninh, bánh cáy từ bao đời nay đã trở thành một niềm tự hào của tỉnh Thái Bình.
Bánh cáy làng Nguyễn, đặc sản quê lúa Thái Bình - Ảnh: Thúy Hằng
Từ thành phố Thái Bình, xuôi theo quốc lộ 39 tới huyện Đông Hưng, gặp xã Nguyên Xá, ngửi thấy từ đầu làng mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp, của mạch nha, của mứt, khứu giác tự mách bảo với ta đã đến đất làng Nguyễn - quê tổ món bánh cáy.
Bánh được làm hoàn toàn từ những nông sản của địa phương như gạo nếp, mứt bí, dừa, vừng (mè), lạc (đậu phộng). Sở dĩ bánh có tên là bánh cáy bắt nguồn từ câu chuyện mang tính kỳ thú vẫn được kể lại ở làng Nguyễn.
Chuyện kể, một bà lão quanh năm làm ruộng tự chế biến được một món bánh có tên bánh cay từ gạo nếp, gừng tươi... Bà mang món bánh dâng lên Đức Vua và được ngợi khen, làng Nguyễn từ đó nức tiếng với món bánh cay độc đáo.
Một đêm bà lão nằm mơ có con cáy đến khóc mình. Ít lâu sau, bà qua đời, xác bà khi mang xuống biển, những đợt sóng biển rẽ ra, đón bà vào lòng đại dương. Từ đó, tên bánh cáy được đặt cho món bánh ngọt ngon, tưởng nhớ về "cụ tổ" của món bánh quý.
Dừa tươi được ướp với đường trước khi làm bánh - Ảnh: Thúy Hằng
Có về làng Nguyễn, tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất bánh cáy của một gia đình có truyền thống lâu đời, mới thấy hết được cái tâm người ta dành cho món ăn quê hương.
Bánh cáy làng Nguyễn được chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, gồm có nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, tinh dầu hoa bưởi.
Để chứng kiến công đoạn sản xuất bánh cáy trọn vẹn, bạn phải ở làng Nguyễn... nửa tháng. Nửa tháng để ướp mỡ phần, cơm dừa trong đường cát trắng cho ngấm. Nếp cái hoa vàng phải ngâm nước, trộn gấc chín đồ thành xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (đây chính là "con cáy"). Thóc tẻ bung trong nồi gang, cho xòe cánh thành một thức gọi là "nẻ".
Nhân công của một công xưởng sản xuất bánh cáy đang cắt bánh cáy từ những tấm bánh lớn.
Chiên nẻ, "con cáy" trong dầu ăn. Nấu nóng chảy mạch nha, cho "con cáy", nẻ, mỡ phần, cơm dừa, mứt bí, gừng sợi, thêm hương hoa bưởi vào đảo thật đều tay đến độ kết dính thích hợp. Rắc thêm vừng, lạc đã được rang giòn lên mặt bánh. Bánh được ép trong khuôn lúc còn nóng.
Những năm trước, bánh cáy được làm hoàn toàn thủ công. Gần đây khi bánh cáy được mang đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, để sản xuất được nhiều bánh hơn trong một thời gian ngắn, máy móc hiện đại đã được đưa về làng Nguyễn.
Công nghệ giúp cho người làm bánh đỡ cực trong việc nhào trộn nguyên liệu, chiên, ép bánh. Nhưng một công thức để bánh ngọt vừa đủ độ, không quá mềm, cũng không quá cứng, lại thuộc về tâm huyết của những người bao đời nay gắn bó với món ăn cổ truyền của quê hương.
Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy cái lạ miệng khi trong đó có mứt bí, cơm dừa deo dẻo, gừng tươi cay nồng. Ăn bánh cáy mà uống thêm chén trà nóng là đúng kiểu.
Vì cuộc sống mưu sinh, người Thái Bình có khi phải bôn ba khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc, đi đến đâu họ cũng mang theo phong bánh cáy làm quà, coi như một lời giới thiệu về quê hương. Mỗi ngày lễ, tết, cúng giỗ tổ tiên, trên ban thờ trong mỗi gia đình người Thái Bình đều không thể thiếu phong bánh cáy.
Tàn nhang, người trụ cột trong gia đình cắt và chia đều miếng bánh cho mọi người, để con cháu lúc nhâm nhi đặc sản địa phương thêm nhớ cội nguồn của mình là mảnh đất Thái Bình quê lúa...
Đóng gói bánh cáy để mang đi tiêu thụ khắp cả nước - Ảnh: Thúy Hằng
Những cửa hàng san sát nhau khắp xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng chuyên bán bánh cáy, kẹo lạc... - Ảnh: Thúy Hằng
Theo Thúy Hằng (ihay)
[Chế biến] - Xôi dừa Kampung Kampung là tên ngôi làng nhỏ ở Kuala Lumpur (Malaysia) nổi tiếng với các món ăn dân dã, bùi béo từ nếp, dừa, khoai. Họ gọi xôi dừa là pulut inti. So với xôi Việt, pulut inti có phần ngậy béo hơn. Đặc biệt, nếp được nhuộm màu tự nhiên từ hoa bunga telang hay còn gọi là hoa bướm đậu hoặc hoa...