Bánh canh bột há cảo ngày mưa
Làm sao tìm lại được hương vị đậm đà chân quê nơi phố thị? Cũng bởi trăn trở điều này nên bà Nguyệt, dân xứ Bạc Liêu hiện đang ở Bình Thạnh đã dùng bột há cảo để tái hiện lại món bánh canh năm xưa má nấu ở quê.
Nhớ ngày xưa ấy, mỗi lần các con thèm bánh canh, tối hôm trước má đong ít gạo đem ngâm để sáng hôm sau mang đi xay. Bột xay xong rồi đem bồng cho bớt nước. Cho bột lên bếp quậy “lấy trùng” (bột nửa sống, nửa chín – PV) rồi đem nhồi với bột sống cho thành khối mịn, cán thành miếng mỏng rồi cắt sợi. Bà Nguyệt kể: “Cực nhất là công đoạn “lấy trùng” nhồi bột. Phải canh sao cho khéo, nhồi khi bột còn đang nóng hôi hổi”.
Nhưng má lại thích se bột thành từng sợi trông đẹp hơn. Mà cũng bởi các con thích mút sợi bánh tròn tròn, dai dai, trôi tuột vào miệng. Bánh canh của má đúng chất miền Tây, có nước lèo hơi sệt, vị beo béo của nước cốt dừa quyện với vị ngọt của hải sản thật không thể nào quên. Bánh canh nấu cá thì tanh, nấu thịt không ra cái hồn của quê, nấu tôm là ngon nhất. Nhưng dân dã hơn cả vẫn là bánh canh nấu với dăm ba mớ tép mới xúc còn tươi.
Vì nhớ tô bánh canh thuở còn thơ ở quê má nấu, mà ở Sài Gòn biết tìm đâu ra chỗ xay bột để làm ra sợi bánh canh đúng gốc. Mua bột gạo xay sẵn về làm cũng chẳng ra được sợi bánh dai như xưa. Thêm vài lần thử nữa, với chút bột mì, bột gạo, bột năng…, bà Nguyệt tái hiện thành công sợi bánh canh năm xưa. Các loại bột đó chính là thành phần tạo ra bột há cảo. Tỷ lệ bột tuỳ theo công thức của nhà sản xuất – như một bí quyết riêng. Chỉ cần pha bột với nước và ít dầu ăn rồi cho lên bếp quấy đều đến khi bột thành khối thì tắt bếp. Lấy khối bột ra nhồi với bột năng cho khỏi dính tay rồi cán mỏng, cắt sợi.
Bà Nguyệt chia sẻ: “Khi cho bột vào nồi nhớ quấy đều để bột không dính đáy nồi. Nấu gần xong mới cho nước cốt dừa vô để nước lèo không bị hôi dầu”.
Video đang HOT
Tô bánh canh nấu bằng bột há cảo của bà Nguyệt có sợi bánh dai vừa phải, hơi sệt, nước dừa béo nhưng không ngậy quyện với vị ngọt của tôm thật hấp dẫn. Bà Nguyệt chặc lưỡi: “Chiều chiều trời mưa, húp tô bánh canh như vầy ngon phải biết”.
Có người nói, nhìn trời mưa ngay cả cánh đàn ông xa xứ cũng phải bùi ngùi vì nhớ quê nhà. Trời mưa, húp tô bánh canh như tô bánh canh má nấu hồi xưa giống như một giấc mơ, mà trong đó người ta gặp lại những cảm xúc tưởng chừng như không bao giờ tìm thấy nữa…
Theo SGTT
Bánh canh tôm vị lạ của đất Sài Gòn
Vị thơm cùng vị béo của nước cốt dừa hòa trong nước lèo làm cho món ăn đậm đà nhưng không gây cảm giác ngấy.
Bánh canh là một món ăn nổi tiếng trong ẩm thực Việt Nam. Tùy vào đặc trưng của vùng miền mà bánh canh được chế biến khác nhau. Từ hai nguyên liệu chính là sợi bánh và nước lèo, sau khi kết hợp với các nguyên liệu ăn kèm đã cho ra đời nhiều món bánh canh khác nhau.
Ở Sài Gòn, bạn có thể kể ra nhiều loại bánh canh nổi tiếng như: bánh canh cá lóc, bánh canh giò heo, bánh canh bò viên, bánh canh cua... và một món bánh canh rất ít gặp ở Sài Gòn là bánh canh tôm nước cốt dừa.
Bánh canh tôm nước cốt dừa là đặc sản của người dân miền Tây Nam bộ.
Đây là một đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhưng ở Sài Gòn chỉ có lác đác vài quán bán món ăn này. Bánh canh tôm nước cốt dừa có thành phần và cách nấu đơn giản hơn so với các loại bánh canh khác. Thành phần chính của món ăn này là tôm và nước cốt dừa.
Tôm tươi được người bán mua về, lột vỏ, bỏ chỉ đen và dùng dao đập dẹp. Sau khi làm xong, bắt chảo dầu nóng, cho tôm vào cùng một ít gia vị, đảo đều đến khi tôm vừa chín thì tắt bếp. Khi chế biến món ăn này, người bán cho sợi bánh làm từ bột gạo vào đun sôi, khi gần chính cho tôm đã làm sẵn vào, sau đó cho nước cốt dừa vào và nêm gia vị cho vừa ăn.
Thành phần chính làm nên hương vị cho món ăn là tôm tươi và nước cốt dừa.
Bát bánh canh tôm nước cốt dừa đầy màu sắc với màu trắng của sợi bánh canh, màu trắng đục hơi sệt của nước dùng, màu hồng của tôm điểm xuyết sắc xanh của hành lá trông thật bắt mắt và hấp dẫn. Cái hay của người bán là mặc dù được nấu chung với nước cốt dừa, có vị béo nhưng lại không gây cảm giác ngấy cho người ăn. Ăn một thìa bánh canh nước cốt dừa, cảm nhận cái vị ngọt của tôm, cái vị béo cùng hương thơm thoang thoảng của nước cốt dừa.
Nếu muốn ăn thử món này, bạn có thể đến địa chỉ: 459B Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP HCM. Mỗi bát bánh canh tôm có giá hơi cao, 40.000 đồng cho một bát. Quán mở cửa từ 6h đến 19h hàng ngày.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Quán bánh canh cá lóc đậm đà hương vị miền Trung Bát bánh canh nóng hổi, những thớ thịt cá trắng tinh, nước dùng thơm ngon có vị đậm đà đặc trưng của người miền Trung làm cho thực khách mê mẩn. Nằm trên con đường Nguyên Hồng (quận Gò Vấp, TP HCM) ít người qua lại, vị trí của quán cũng không có gì đặc biệt, chỉ là đôi ba chiếc bàn, một...