Bánh canh 10.000 đồng của cụ bà U90
Bán bánh canh giá 10.000 đồng một tô, quán ăn nhỏ của mệ Dư 82 tuổi, bên cạnh đình làng Nam Phổ luôn đông khách ra vào.
Với người dân làng Nam Phổ, dường như không còn ai xa lạ với hình ảnh bà Dư với mái tóc búi gọn sau gáy, tay thoăn thoắt múc bánh canh ra tô bán cho khách. Hơn 60 năm làm nghề, bà là một trong những người có thâm niên bán bánh canh – món hàng rong đặc sản của làng lâu đời nhất.
“Tôi là thế hệ thứ 4 trong gia đình bán bánh canh, bắt đầu bán từ lúc 16 tuổi, mặc áo dài gánh hàng rong trên từng con phố. Thời đó còn đi chân đất, không có dép giày mà mưa nắng gì cũng bán”, bà cười và nói. Đến khi sức khoẻ không còn cho phép, cách đây khoảng 30 năm, bà thuê một mảnh sân ở gần nhà, cạnh đình làng để mở quán. Quán của bà có khoảng 7 – 8 chiếc bàn nhựa và những chiếc ghế thấp. Dù con cái muốn bà nghỉ ngơi nhưng bà muốn bán cho khỏi nhớ nghề.
Dù lớn tuổi, bà vẫn rất khéo léo và nhanh tay làm bánh canh. Ảnh: Bảo Ngân
Video đang HOT
Mỗi ngày, bà Dư dậy từ 4h để trộn bột làm bánh canh. Thay vì nhồi và cắt sợi như các loại bánh canh khác, bà cho bột vào túi ni-lông sạch, cắt lỗ nhỏ rồi cho nước bột chảy thành sợi xuống nồi nước đang sôi. Đây là công đoạn khó nhất khi nấu bánh canh Nam Phổ, bột phải sệt vừa phải, khi chín có độ dai nhẹ.
Bà cho biết, hương vị đặc trưng của bánh canh Nam Phổ là nước dùng làm từ nước luộc vỏ tôm tươi, thêm nước mắm và ruốc để tạo mùi vị đặc trưng của xứ Huế. Khi nước sôi thì cho thêm bột gạo để tạo nên độ sệt, đổ nước dùng vào nồi sợi bánh canh vừa làm rồi khuấy đều tay.
Bánh canh là món hàng rong đặc sản của làng Nam Phổ, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Không ai biết món ăn có từ bao giờ nhưng ở làng có nhiều gia đình đã gắn bó với nghề bán bánh canh 3-4 đời. Ảnh: Bảo Ngân.
Bánh canh ăn kèm thêm chả được làm từ tôm, thịt ba chỉ xay, hạt tiêu, hành tím, muối. Tất cả trộn đều, giã nhuyễn sau đó vo tròn thành viên nhỏ. Tôm làm chả là tôm gân ở vùng nước lợ, có thịt ngọt, chắc, không tanh. Nồi nhân bánh canh sánh đặc, được thêm chút dầu điều để tạo màu đỏ tươi và hành lá để tăng thêm mùi vị. Khi múc bánh canh ra tô, du khách chan thêm chút nước mắm ruốc với những lát ớt xanh (ớt cao sản) cay để món thêm tròn vị.
Mặc dù có nhiều hàng quán bán bánh canh Nam Phổ trong thành phố Huế, nhưng nhiều thực khách vẫn tìm xuống tận làng Nam Phổ để thưởng thức đặc sản chính gốc. Thuỷ Phan (25 tuổi), một du khách cho biết: “Đây là món ăn tuổi thơ của mình. Ngày trước mình hay thấy mẹ mua bánh canh gánh của các cô, các dì, sau này lớn mới có dịp về tận làng để thưởng thức chính gốc. Bánh canh ngon, vừa miệng, bột mềm không vữa. Tuy nhiên có một điểm có thể cải thiện là bà nên đeo bao tay để đảm bảo vệ sinh”.
Chén nước mắm cao sản đặc trưng của Huế. Ảnh: Bảo Ngân
Quán của bà Dư bắt đầu bán từ 13h đến khi hết hàng. Thông thường, bán đến 17h là nồi bánh canh đã cạn. Giá bán là 10.000 đồng một tô bình thường, tô nhỏ 5.000 đồng. Bên cạnh bánh canh, quán còn bán thêm bánh ram ít, bánh nậm, bánh lọc với giá 10.000 đồng một phần. Để đến quán, từ thành phố, du khách men theo con đường Phạm Văn Đồng (Quốc lộ 49 hay đường về biển Thuận An) rồi rẽ trái ở ngã ba, đi thẳng thấy đình làng Nam Phổ là đến nơi.
Xì xụp thưởng thức món bánh canh Nam Phổ - Huế
Dù có đi đâu về đâu, người Huế vẫn hết mực tự hào về món ngon nổi danh thiên hạ, lưu danh từ xưa tới nay - bánh canh Nam Phổ và giới thiệu cho bạn phương xa đến thưởng thức món ăn giản dị nhưng tinh tế như chính tâm hồn người Cố đô.
Bánh canh Nam Phổ là món hàng rong gia truyền của làng Nam Phổ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), cách trung tâm thành phố chừng 10 km. Không biết món ngon này có từ bao giờ nhưng nhiều gia đình ở làng Nam Phổ đã gắn bó với gánh bánh canh 3 - 4 đời nay.
Món ăn bình dị này được chế biến tỉ mỉ, công phu và tốn thời gian. Sợi bánh được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ "3 gạo - 1 lọc". Thay vì được nhồi và cắt lát như các loại bánh canh khác thì bột phải chưng cất thủy. Chưng chín vừa phải rồi đem xuống đánh đều. Cho bột vào túi ni lông sạch rồi ria xuống nồi nước đang sôi. Những người khéo tay sẽ dùng que rồi cho bột chảy theo ý mình. Bột sẽ ra từng con thuôn tròn. Sau đó, vớt ra rá để ráo nước.
Nước lèo nấu bánh canh Nam Phổ được dùng từ nước luộc tôm, cua tươi nên luôn có vị ngọt tự nhiên. Nhân bánh canh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm. Tôm là loại ở đầm, tươi, không tanh, thịt ngọt đậm đà. Tất cả được làm sạch, giã nhuyễn, viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp sánh. Tôm kết hợp với thịt ba chỉ tạo nên màu đỏ gạch trông rất bắt mắt và kích thích vị giác. Phải công nhận đây là món chả tôm thơm ngon độc đáo, riêng biệt. Khi bột trong nồi vừa chín tới, bỏ tôm và thịt viên vào. Chờ đến lúc đáy nồi vừa sền sệt thì người nấu phải canh lửa để giữ nóng đủ độ cho món ăn.
Không chỉ thu hút bởi mùi vị, tô bánh canh thật hấp dẫn với màu trắng của bánh xen lẫn nhân tôm thịt và màu xanh mướt của hành lá. Khi dùng, bạn nhớ trộn thêm chút nước mắm ớt xanh, vài cọng hành ngò. Hương vị đậm đà của tôm thịt cùng hành ngò hòa quyện cùng sợi bánh canh tạo nên sự đặc sắc cho món ăn đặc sản này.
Bánh canh Nam Phổ là thức ăn dặm ban chiều của người Huế. Ngày xưa, bánh canh Nam Phổ không có tiệm, quán cố định, phần lớn do các cô gái Nam Phổ gánh từ làng lên bán. Buổi sáng từ khoảng 9h sáng, buổi chiều 2,3 giờ, lúc nào muốn thưởng thức là phải ra đường để chờ gánh bánh canh Nam Phổ đi qua. Món ăn này ai cũng ưa thích, thích hợp cho mọi lứa tuổi, mọi hạng người. Món này đặc biệt lành tính và dễ ăn nên rất phù hợp cho trẻ em và người già. Người lao động ít tiền ăn một, hai tô vừa no lại vừa ngon; khách nhàn du gọi vào ăn một tô vài ba bánh lá để thưởng thức tài nghệ của các cô gái đảm đang xứ Huế./.
Câu chuyện về 1 quán bánh canh bà Đợi lừng danh xứ Huế Bánh canh bà Đợi nổi tiếng chính vì muốn ăn phải... đợi khá lâu. Tuy vậy, du khách sẽ không phải thất vọng khi thưởng thức món ăn hấp dẫn này. Huế là thiên đường ẩm thực giá rẻ, trong đó không thể bỏ qua bánh canh - món ăn phổ biến trong mọi khung giờ, có mặt ở mọi góc phố. Nếu...