Bánh cam, xôi chiên và trôi nước
Gạo nếp là nguyên liệu quan trọng để chế biến nên những món ăn bình dị nhưng rất ngon miệng.
Ngoài việc là nguyên liệu chính để nấu nên các món xôi ngon, người ta còn chế biến ra rất nhiều món ăn làm từ hạt nếp như: bánh ít, bánh cam, các món chè…. Dưới đây là 3 món ngon làm từ nếp được ưa thích ở Sài Gòn:
Bánh cam
Chẳng hiểu bánh cam có từ bao giờ, nhưng nhìn kỹ nó giống bánh trôi, chỉ là không nấu thành chè mà rán giòn từng chiếc. Chiếc bánh đơn sơ và giản dị đấy gắn liền với ký ức một thời của biết bao nhiêu người. Làm sao có thể quên được hình ảnh các cô, các bà với mâm bánh cam đi khắp các ngõ xóm cùng tiếng rao thân thương: “Ai ăn bánh cam không?”.
Được làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo, nên bánh không ngán lại dẻo dai thơm ngon. Để vỏ bánh ngon hơn, người ta còn cho thêm ít khoai lang vào trong phần bột pha chế. Bột được nhồi dẻo, mềm để làm vỏ bánh, chia thành từng viên tròn nhỏ và nắn dẹt, cho nhân đậu xanh vào giữa rồi vo tròn lại, sau đó lăn qua vừng cho vừng bám đều bên ngoài rồi đem chiên.
Sau khi chiên xong, bánh để nguội trước khi rưới lên bên ngoài một lớp mật. Mật ở đây được làm từ đường cát nấu với nước sôi theo một tỷ lệ nhất định để mật có độ dẻo, trong và vị ngọt thanh. Mật khi rưới lên bánh sẽ có màu vàng óng, trong suốt và khô bề mặt. Chiếc bánh ngon có vỏ giòn, lớp mật bên ngoài không quá dẻo để dính sang các bánh khác.
Chiếc bánh cam được chiên vàng rượm, óng ánh của mật, khi cắn vào nghe tiếng lớp mật vỡ ra trước như tiếng kẹo gương, vỏ bánh giòn bên ngoài, mềm dẻo bên trong, cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên cái vị khó quên.
Muốn ăn bánh cam, bạn có thể tìm mua trong các ngôi chợ nhỏ ở Sài Gòn hoặc may mắn lắm là ở các xe bán rong trên các con hẻm, công viên… Mỗi chiếc bánh có giá 4.000 đồng.
Video đang HOT
Xôi chiên từ lâu đã trở thành món ăn vặt yêu thích của người Sài Gòn, đặc biệt là giới trẻ. Không biết món ăn này có nguồn gốc từ đâu và bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết rằng cách đây khoảng gần 10 năm những chiếc bánh xôi chiên vàng ươm, giòn rụm được để trong tủ kính nơi góc đường hay hè phố trở thành một hình ảnh quen thuộc với người đi đường.
Mỗi chiếc bánh chỉ có vài ngàn đồng, nhưng các công đoạn làm không hề đơn giản. Đầu tiên người nấu chọn loại nếp ngon, vo thật kỹ rồi cho vào nồi nấu. Khi xôi gần chín thì rưới nước dừa để xôi vừa mềm và thơm. Một bánh xôi đạt yêu cầu khi có màu trắng, hạt nếp tròn đều, mềm và dẻo…
Bánh xôi chiên chín được vớt ra để lên giá cho ráo dầu. Bí quyết để món này ngon là người bán bao giờ cũng chiên vàng hết một mặt mới trở sang mặt bên kia. Nhân thịt thường được làm từ nấm mèo, củ sắn, thịt lợn băm nhỏ, trộn chung với nhau cùng các gia vị muối, đường, tiêu, củ hành… rồi đem xào chín. Khi ăn, tùy theo yêu cầu của người mua, người bán có thể cho thêm chà bông (ruốc) và tương ớt.
Đặc biệt, ăn bánh xôi chiên khi còn nóng mới cảm nhận được hết cái giòn rụm của xôi chiên. Vì thế, vào những ngày mưa, các hàng xôi chiên thường rất đông khách. Ở TP HCM hiện nay, người bán xôi chiên không còn nhiều như trước đây, tuy nhiên bạn có thể đến các địa chỉ như khu chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), chợ Trần Hữu Trang (quận 3).
Chè trôi nước là loại chè viên tròn làm bằng bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo. Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào, thoảng hương thơm ngan ngát của gừng già, béo ngậy của nước cốt dừa, không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người bán.
Nguyên liệu chính là bột nếp và nhân đậu xanh. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm, khi nặn viên trôi nước, lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa. Người ta hấp chín đậu, tán nhuyễn với một lượng đường vừa phải để nhân không quá ngọt, không quá ướt.
Khi nấu chè, cho một ít gừng già giã nhỏ và ít muối cho món chè ngọt thanh, ngát hương thơm và ấm nóng. Nấu chừng hai mươi phút là những viên chè chín, nổi lên trên mặt nước và đượm vị ngọt của đường.
Vị béo và ngọt bùi hòa hợp với nhau cùng với vị cay ấm của gừng trong nước đường và vị thơm nồng của vừng phía trên. Cắn một miếng bột, sau vị dẻo thơm của nếp là vị bùi bùi của nhân đậu. Húp một muỗng nước để cảm nhận vị ngọt ngào của đường, ấm nóng của gừng, vị béo của nước cốt dừa và thơm lừng của những hạt vừng bé nhỏ lan trên đầu lưỡi.
Bạn có thể thưởng thức món chè trôi nước thơm ngon này trong chợ Bàn Cờ (quận 3), trước cổng công viên Tao Đàn (quận 1), góc đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ (quận 5)… Chè trôi nước có giá khá rẻ với 5.000 đồng cho một chén chè có hai viên.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Cơm hến, bình dị và đậm đà
Cơm hến là sự pha trộn của rất nhiều nguyên liệu dân dã như bắp chuối, các loại rau thái nhỏ, hến, cơm trắng và mắm ruốc Huế.
Đất Cố đô không chỉ hấp dẫn du khách với núi Ngự, sông Hương, đền đài, lăng tẩm, mà còn nổi tiếng bởi nền ẩm thực phong phú và độc đáo. Nói đến ẩm thực Huế thì không thể không nhắc đến cơm hến. Món ăn bình dị của người dân lao động xứ Trung kỳ lại trở thành đặc sản, đến mức người ta đã truyền tai nhau đến Huế mà chưa ăn cơm hến là chưa cảm nhận được vẻ đẹp quyến rũ của đất thần kinh.
Cơm hến là món ăn bình dị, dân dã của người dân đất Cố đô. Ảnh: Khánh Hòa.
Cái món ăn đơn giản với hến, cơm nguội cùng các loại rau vườn lại trở thành món ăn đặc sản, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Thành phần món ăn đơn giản, nhưng ẩn chứa bên trong là sự tinh tế đến mức cầu kỳ của người Huế.
Hến là thành phần quan trọng nhất của món ăn. Ở Huế, con hến không to như các vùng khác nhưng cho vị ngọt rất ngon miệng. Hến ngâm nước gạo một thời gian để nhả hết nhớt cũng như bùn đất. Rửa sạch và đem luộc cho đến khi hến há vỏ. Vớt hến cho vào rổ, sàng lấy thịt. Lấy phần nước luộc hến sau khi đã lắng cặn.
Các thành phần khác cũng được chuẩn bị rất kỹ. Cơm trắng sau khi nấu chín, được để nguội, các loại rau ăn kèm như xà lách, húng thơm, cải xanh, môn... rửa sạch, thái nhỏ, lõi chuối non, khế chua được thái sợi. Một bát cơm hến là sự pha trộn của tất cả các nguyên liệu, cho một ít cơm nguội, các loại rau, một ít hến, thêm đậu phộng rang vàng còn nguyên hạt và vỏ, đôi ba lát da heo chiên phồng, hành phi và một nguyên liệu không thể thiếu là mắm ruốc Huế. Đặc biệt, người Hếu rất ăn cay nên cơm hến cũng không ngoại lệ. Trộn đều tất cả các nguyên liệu và thưởng thức.
Ăn cơm hến không thể thiếu nước luộc hến, vị ngọt của nó tăng thêm sự ngon miệng cho bạn khi thưởng thức. Ảnh: Khánh Hòa.
Mỗi thứ một hương vị nhưng khi pha trộn vào nhau lại có sự bổ sung đến hài hòa. Tô cơm hến vừa thơm, vừa có vị ngọt của hến, của nước luộc hến. Đó còn là cái vị đậm đà của mắm ruốc Huế, cái bùi của đậu phộng, giòn rụm của da heo, vượt lên trên tất cả là vị cay xe lưỡi của ớt Huế. Có thể nói cơm hến là món ăn cay nhất trong ẩm thực Huế, vừa ăn vừa xuýt xoa, ăn đến đâu mồ hôi chảy ra đến đấy, nhưng với người Huế như vậy mới đã, mới thấm và mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của món ăn.
Khánh Hòa
Theo VNE
[Chế biến] - Bánh cam Món bánh cam sẽ rất tuyệt để bạn dùng kèm một ly trà nóng hay khởi đầu ngày mới cùng một ly sữa ấm Nguyên liệu: - 250gr bột mì - 50gr tinh bột ngô - 180gr đường bột - 4 quả trứng để ở nhiệt độ phòng - 250gr bơ - 2 thìa cà phê bột nở baking powder - 2 quả...