Bangladesh: Bắt chủ công tình bị sập, hơn 375 người đã chết
Cảnh sát Bangladesh hôm nay đã bắt giữ Mohammed Sohel Rana, chủ sở hữu của tòa nhà 8 tầng bị sập Rana Plaza khi nghi phạm đang tìm cách trốn sang Ấn Độ. Trong khi đó tại hiện trường, hơn 375 người được xác định đã thiệt mạng.
Nhiều máy móc đã được điều tới hiện trường vụ sập nhà
“Ông ta đã bị bắt và sẽ bị xét xử”, thứ trưởng Bộ nhà ở của Bangladesh Shamsul Haque Tuku xác nhận với báo giới về vụ bắt giữ Rana. Cùng lúc đó, một quan chức địa phương khác có tên Jahangir Kabir Nanak cho biết nghi phạm bị bắt khi đang tìm cách vượt biên sang bang Tây Bengal của Ấn Độ.
Vụ bắt giữ được tiểu đoàn phản ứng nhanh của Bangladesh thực hiện và kết quả nhanh chóng được thông báo trên loa phát thanh ngay tại hiện trường vụ sập nhà. Hiện tên này đang được đưa trở lại thủ đô Dhaka bằng trực thăng để đối mặt với cáo trạng bất cẩn gây chết người.
Ngoài Rana, cơ quan chức năng còn đang truy nã một doanh nhân người Tây Ban Nha có tên David Mayor, người có công ty ở bên trong tòa nhà bị sập. Trước đó 3 lãnh đạo của các doanh nghiệp bên trong tòa nhà cũng đã bị bắt. Cảnh sát cho biết mức án tối đã họ phải đối diện là 5 năm tù vì “bất cẩn gây chết người”.
Theo hãng tin AP, một ngân hàng và một số cửa hàng tại tầng một của tòa nhà đã đóng cửa trong sáng 24/4 sau khi cảnh sát ra lệnh di tản. Tuy nhiên quản lý của các công ty may ở tầng trên vẫn ra lệnh cho công nhân tiếp tục làm việc. Và chỉ vài giờ sau tòa nhà bị sập khiến hàng nghìn người mắc kẹt.
Video đang HOT
Trong khi đó, sỹ quan điều tra cấp cao Kaiser Matubbor cho biết 2 kỹ sư đã phê chuẩn cho phép tòa nhà tiếp tục được hoạt động chỉ một ngày trước khi thảm họa diễn ra đã bị bắt và có thể đối mặt với án tử hình.
Tại hiện trường, con số người chết vẫn tiếp tục tăng, lên 375 người, và hy vọng tìm thấy nạn nhân sống sót ngày càng mờ nhạt. 100 giờ sau khi thảm kịch xảy ra, có thêm 2 người được lực lượng cứu hộ cứu sống khỏi đống đổ nát.
Trọng tâm của hoạt động cứu hộ sẽ sớm được chuyển từ giải cứu nạn nhân sang dọn dẹp hiện trường khi mùi xác chết phân hủy ngày càng nồng nặc, cho thấy sẽ có thêm thi thể được tìm thấy một khi các máy ủi và thiết bị cẩu được triển khai.
“Chúng tôi đã di chuyển các thiết bị hạng nặng tới hiện trường nhưng vẫn đang đợi sự xác nhận của lực lượng cứu hộ bên trong rằng không còn nạn nhân nào còn sống mắc kẹt”, giám đốc lực lượng cứu hỏa quốc gia Bangladesh Ahmed Ali khẳng định với AFP.
Từ khi vụ sập nhà xảy ra, các nhân viên cứu hộ chỉ sử dụng các thiết bị cầm tay như khoan và máy cắt bởi lo ngại việc sử dụng cần cẩu có thể khiến cơ hội sống sót của nhiều nạn nhân không còn.
Trong hôm nay, các nhân viên cứu hộ đã xác định được thêm 9 người còn sống bên dưới đống đổ nát. Họ sẽ sử dụng các thiết bị hạng nặng để khoan một lỗ trung tâm từ đỉnh của “núi” bê tông xuống để tìm kiếm những người sống sót và các thi thể.
Trung tướng quân đội Chowdhury Hasan Suhrawardy, người điều phối các lực lượng cứu hộ cho biết họ sẽ cố gắng cứu sống 9 người nêu trên bằng cách di dời các tấm bê tông bằng tay với sự hỗ trợ của các thiết bị hạng nhẹ.
“Nhưng nếu không thành công, chúng tôi sẽ chuyển sang bước hai trong vòng vài giờ”, với sự kết hợp của cả hoạt động di chuyển bê tông bằng tay và bằng các cần cẩu thủy lực. Ông Suhrawardy khẳng định.
Trong một tin tốt hiếm hoi, một nữ công nhân đã được đưa ra ngoài còn sống trong hôm nay. Hasan Akbari, một nhân viên cứu hộ cho biết khi anh cố gắng tách một người đàn ông ra khỏi nữ công nhân này: “thi thể của ông ta bị xé nát thành từng mảnh. Do đó tôi phải để anh ta lại. Nhưng ơn Chúa, chúng tôi sẽ sớm có thể giải cứu anh ta với sự hỗ trợ của nhiều máy móc”.
Theo Dantri
Bangladesh bắt chủ công ty may trong vụ sập nhà
Cảnh sát Bangladesh ngày hôm nay bắt giữ chủ và giám đốc cả các công ty may ở tòa nhà 8 tầng bị sập, do những người này không sơ tán nhân viên khi thấy tòa nhà có dấu hiệu rạn nứt từ trước đó.
Một nữ công nhân của xưởng may được cứu thoát khỏi đống đổ nát sau 60h xảy ra vụ sập nhà. Ảnh: AFP.
AFP dẫn lời cảnh sát phó thành phố Dhaka, nói: "Đêm qua, chúng tôi đã bắt giữ Bazlus Samad, chủ tịch của hai công ty New Wave Buttons và New Wave Style; và Mahmudur Rahaman Tapash, giám đốc điều hành".
Cảnh sát Dhaka điều tra hai người này vì tội "sơ suất gây ra thương vong", do họ bắt các công nhân lao động quay lại nhà máy làm việc dù phát hiện ra những vết nứt trong tòa nhà từ trước đó.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina nói trong một buổi làm việc với các nhà lập pháp: "Những người có liên quan, đặc biệt là các chủ nhà máy may mặc, sẽ bị trừng phạt".
Những người công nhân sống sót cho biết họ nhìn thấy các vết nứt trong tòa nhà từ tối hôm thứ ba, tuy nhiên ngày hôm sau, chủ xưởng vẫn yêu cầu họ phải quay lại làm việc, bỏ qua lệnh sơ tán của cảnh sát.
Một quản lý của nhà máy New Wave Style, là một trong 5 người phụ trách xây dựng tòa nhà, cho hay các chủ xưởng đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của kỹ sư xây dựng.
Số người chết trong vụ sập nhà xảy ra hôm 24/4 tăng lên 324. Thêm 50 công nhân còn sống được giải thoát sau ba ngày xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ cũng tìm thấy trong đống đổ nát có nhiều thi thể đang bắt đầu phân hủy.
Theo VNE