‘Bảng tử thần Trump’ trên Quảng trường Thời đại
Một bảng hiệu được lắp đặt trên Quảng trường Thời đại, New York, hiển thị số người lẽ ra không phải chết vì Covid-19 nếu Trump phản ứng nhanh hơn.
“ Bảng tử thần Trump” do nhà làm phim Eugene Jarecki dựng trên mái một tòa nhà ở Quảng trường Thời đại, vốn bị bỏ trống do Covid-19. Hôm 11/5, chiếc bảng hiển thị con số hơn 48.800 người đáng lẽ không phải chết trong tổng số hơn 80.000 ca tử vong ở Mỹ.
Jarecki giải thích rằng con số hiển thị trên “bảng tử thần” dựa trên ước tính rằng khoảng 60% số ca tử vong vì Covid-19 có thể ngăn chặn được nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt giãn cách xã hội bắt buộc và đóng cửa trường học sớm hơn một tuần so với thực tế, tức ngày 9/3 thay vì 16/3.
“Bảng tử thần Trump” trên Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ, hôm 11/5. Ảnh: AFP
Jarecki cho biết thêm rằng 60% là tỷ lệ ước tính mà các chuyên gia đưa ra sau phát biểu hồi giữa tháng trước của nhà dịch tễ học hàng đầu Mỹ Anthony Fauci. Ông Fauci, người cũng là cố vấn của Trump trong cuộc chiến với Covid-19, khi đó nói rằng “nếu Mỹ bắt đầu giãn cách xã hội sớm hơn thì có thể đã cứu được nhiều sinh mạng”.
“Những mạng sống bị tước đoạt một cách không cần thiết đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm người lãnh đạo có trách nhiệm hơn trong khủng hoảng”, Jarecki cho hay. “Như tên của những binh sĩ đã ngã xuống được khắc lên các đài tưởng niệm để nhắc nhở chúng ta về cái giá của chiến tranh, việc đo đếm số người đã chết do phản ứng chậm trễ của Tổng thống sẽ đóng một vai trò xã hội quan trọng”.
Mỹ hiện ghi nhận gần 1,4 triệu ca nhiễm nCov, trong đó gần 82.000 người tử vong. Tâm dịch New York báo cáo hơn 330.000 ca nhiễm, gần 21.500 ca tử vong.
Trump hôm 11/5 chỉ trích phe Dân chủ trì hoãn mở cửa nền kinh tế vì mục đích chính trị và hối thúc các bang nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phong tỏa, dù giới chuyên gia y tế cảnh báo cần thận trọng để tránh bệnh dịch tái bùng phát.
Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Mỹ đã nâng dự báo số ca tử vong ở nước này lên gần gấp đôi do “sự bùng nổ của hoạt động đi lại ở một số bang” sau khi nới phong tỏa.
Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) tuần trước công bố mô hình dữ liệu cho thấy số ca nhiễm nCoV mới tại Mỹ có thể tăng 200.000 trường hợp/ngày vào tháng 6, gấp nhiều lần mức tăng khoảng 25.000 ca hiện nay. Số người chết bình quân trong một ngày tại Mỹ có thể lên tới khoảng 3.000.
New York chật vật tìm đường hồi sinh
Chỉ mất vài ngày để phong tỏa New York, nhưng quá trình hồi sinh thành phố hậu Covid-19 cần thời gian lâu hơn gấp nhiều lần.
New York là thành phố hứng chịu đòn giáng nặng nề nhất từ Covid-19 ở Mỹ. Tác động của đại dịch đối với nền kinh tế New York vô cùng nghiêm trọng: Hàng trăm nghìn người mất việc, ngân sách dự kiến mất ít nhất 7,4 tỷ USD tiền thuế tính tới giữa năm nay và cú sốc này sẽ vẫn còn được cảm nhận rõ ràng rất lâu sau khi New York mở cửa trở lại nền kinh tế, chuyên gia nhận định.
Video đang HOT
Người phụ nữ đeo khẩu trang đi qua Sàn Chứng khoán New York ngày 4/3. Ảnh: Reuters.
Làm thế nào để New York, tâm dịch Covid-19 của Mỹ, lấy lại được sư sôi động vốn có của nó là một câu hỏi đang khiến giới lãnh đạo chính trị, kinh doanh và văn hóa của thành phố đau đầu suy nghĩ.
Khu vực Broadway, hệ thống tàu điện ngầm, các nhà hàng đẳng cấp thế giới cùng vô số cơ sở văn hóa, nét đặc trưng thu hút giới doanh nhân, lao động và du khách của New York, lại là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh.
Một nửa số khách sạn ở New York đang ngừng hoạt động, trong khi không có bất kỳ dự đoán đáng tin cậy nào về việc bao giờ du khách sẽ quay lại. Nhiều khách sạn có thể phải đóng cửa vĩnh viễn. Giới chức lo ngại khoảng 186.000 cửa hàng có quy mô dưới 10 lao động cũng đối diện nguy cơ phá sản và việc thay thế chúng sẽ mất nhiều năm.
Bất động sản và xây dựng, những "đầu tàu lớn" kéo nền kinh tế New York, đã gần như dừng hẳn. Lợi nhuận của các công ty kinh doanh và dịch vụ tài chính, nơi người lao động hầu hết đều bị sa thải ngay lập tức nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động, được dự đoán sẽ giảm trong năm tới, thậm chí thua lỗ. Một số công ty luật đã cắt giảm tiền lương.
Khi triển vọng dỡ bỏ cách biệt cộng đồng ở New York còn mịt mờ, tất cả các khía cạnh cuộc sống của New York sẽ phải nương theo những quy tắc, thói quen và chi phí mới.
"Tôi không nghĩ New York sẽ hồi phục trong ít nhất vài năm nữa", Gregg Bishop, ủy viên hội đồng doanh nghiệp nhỏ thành phố, cho biết. "Tôi không biết liệu chúng ta có thể vực nó dậy được không nữa".
New York không phải thành phố duy nhất trên thế giới đang phải vật lộn với câu hỏi làm thế nào để mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh và trung tâm văn hóa một cách an toàn sau đại dịch. Tuy nhiên, không thành phố nào bị tàn phá nặng nề như New York. Thành phố đến nay ghi nhận hơn 13.000 người chết vì Covid-19.
Tổng thống Donald Trump đang tìm cách nhanh chóng mở cửa trở lại đất nước sau quãng thời gian phong tỏa nhằm kiềm chế virus. Hôm 20/4, ba bang miền nam đã có những động thái đầu tiên. Nam Carolina cho phép các cửa hàng bán lẻ mở cửa nhưng vẫn phải áp dụng cách biệt cộng đồng. Thống đốc Georgia và Tennessee đã thông báo kế hoạch sớm nới lỏng hạn chế đối với doanh nghiệp.
Nhưng New York khó lòng theo chân các bang trên trong bối cảnh bệnh nhân nhiễm nCoV vẫn chật cứng các bệnh viện và số người chết vì dịch bệnh mỗi ngày vẫn lên tới hàng trăm.
Văn phòng Ngân sách Độc lập thành phố ước tính 475.000 người sẽ mất việc trong năm tới. Song nhiều nhà kinh tế học cho rằng con số còn cao hơn: 1,2 triệu người mất việc tới cuối tháng 4, chủ yếu là những lao động thu nhập thấp như nhân viên nhà hàng, bán lẻ hay vận chuyển.
Thành phố New York từng hứng chịu nhiều khủng hoảng, như vụ khủng bố 11/9, cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008 hay khủng hoảng tài chính những năm 1970. Sau mỗi lần, nền kinh tế đều phục hồi, mạnh mẽ hơn nhưng cũng trầy trật trong nhiều năm.
"Cáo phó cho thành phố New York đã được viết hơn một lần và nó luôn được chứng minh là sai", James Whelan, người đứng đầu Hội đồng Bất động sản New York, bình luận.
Thế nhưng, chưa cuộc khủng hoảng nào khiến thành phố phải đóng cửa lâu như hiện nay và chưa cuộc khủng hoảng nào khiến cuộc sống của người dân bị dừng lại đồng loạt như hiện nay.
Các công ty lớn và vừa đang bắt đầu lên kế hoạch cho nhân viên trở lại công sở từng phần. Một số lãnh đạo doanh nghiệp đang nghĩ về cách sử dụng không gian văn phòng hiện tại, khi nhân viên không thể ngồi san sát như trước đây.
"Vì cần giữ cách biệt cộng đồng, chúng tôi sẽ cần nhiều không gian hơn hoặc sử dụng chúng ít hơn", Neil Blumenthal, giám đốc điều hành Warby Parker, công ty kính có trụ sở ở SoHo, New York, nói.
Giới chức thành phố và các lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại rằng sau thời gian phong tỏa, khi các công ty nhận ra họ có thể làm việc từ xa tốt thế nào, nhiều nơi sẽ tính đến việc thu hẹp quy mô văn phòng hoặc rời bỏ New York.
Những người khác lại lo ngại trước khả năng người lao động từ khắp nơi trên nước Mỹ và cả thế giới sẽ rất thận trọng với việc trở lại New York làm việc, ít nhất là trong vài năm nữa.
"Không ai muốn nền kinh tế hoạt động trở lại nhiều hơn tôi", Thống đốc New York Andrew M. Cuomo hôm 18/4 nói. "Nhưng áp lực đặt ra là khi bạn bắt đầu mở cửa, bạn sẽ phải đối diện với những đám đông, những nhóm người chen lấn trên xe buýt, tàu điện ngầm và các cửa hàng bán lẻ. Lúc đó, bạn sẽ chứng kiến thêm nhiều ca lây nhiễm mới, tỷ lệ lây nhiễm tăng cao và chúng ta lại trở về vạch xuất phát".
Đóng cửa 25.000 nhà hàng và quán bar là một vấn đề, nhưng để thu hút khách hàng quay trở lại còn là vấn đề lớn hơn.
"Bao giờ thì các công ty sẽ bắt đầu tổ chức lại sự kiện tại nhà hàng và quán bar?", Andrew Rigie, giám đốc điều hành Liên minh Khách sạn Thành phố New York, một hiệp hội phi lợi nhuận về ngành nhà hàng và giải trí về đêm, nói. "Bao giờ thì du khách mới bắt đầu quay lại?"
Đây là câu hỏi đang ám ảnh sân khấu kịch Broadway và toàn bộ ngành giải trí New York.
Du lịch mang đến gần 300.000 việc làm trực tiếp cho New York, theo số liệu từ Trung tâm Tương lai Đô thị, lấn át số việc làm trong ngành tài chính và gần gấp đôi số việc làm ngành công nghệ.
Quảng trường Thời đại ở New York ngày 19/3. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, khách du lịch sẽ không đến một thành phố bị đóng cửa, trong khi các hoạt động thu hút du khách như diễu hành, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, thể thao và lễ hội có lẽ sẽ là những phần cuối cùng của nền kinh tế được nối lại.
Nhà hát Opera thành phố đang cân nhắc liệu họ có thể tái khởi động các chương trình biểu diễn vào tháng 9 hay không. Sân khấu kịch Broadway cũng bị trì hoãn hoạt động tương tự.
Và trải nghiệm khi sân khấu kịch Broadway mở cửa trở lại sẽ rất khác, Charlotte St. Martin, chủ tịch Liên đoàn Broadway, một tổ chức thương mại, nhận định. "Chúng ta sẽ nhìn thấy những chiếc khẩu trang. Chúng ta có thể sẽ nhìn thấy những giấy chứng nhận không nhiễm Covid-19. Và số lượng buổi diễn sẽ ít hơn".
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới khả năng hồi phục của New York là hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm. Đến nay, cơ quan giao thông vận tải thành phố vẫn chưa đưa ra được kế hoạch hoạt động an toàn.
Các tài xế và nhân viên ga bến gần đây được yêu cầu đeo khẩu trang trên xe buýt và tàu điện ngầm. Nhưng hệ thống chỉ đang hoạt động dưới 10% công suất. Hôm 16/4, hệ thống tàu điện ngầm New York vận chuyển 470.000 lượt hành khách. Cùng thời điểm này năm ngoái, lượng hành khách là 5,9 triệu người.
Với ngành xây dựng, các quan chức công đoàn và nhà thầu đang thảo luận về cách đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và y tế khi gần 35.000 công trường xây dựng nối lại hoạt động.
Giới chức bang tin rằng xây dựng có thể là một trong những ngành được sớm hoạt động trở lại, cùng với ngành sản xuất, bởi làm việc từ xa đối với các ngành này là bất khả thi và việc thực hiện quy chuẩn an toàn tại nhà máy, công trường cũng dễ dàng hơn.
Nhưng dỡ bỏ các hạn chế không đồng nghĩa với việc mọi hoạt động sẽ trở về như cũ. "Có nhiều cách để giảm thiểu rủi ro lây lan tại nơi làm việc, nhưng trước hết, họ cần đơn hàng đã".
Với ngành bất động sản, các nhà môi giới vẫn chưa tìm ra cách giải quyết những thách thức mới đặt ra với công việc của họ, ví dụ người mua tiềm năng giờ đây không được phép tới tham quan các căn hộ nữa, khiến lợi nhuận và doanh số sẽ sụt giảm.
Cấp bách hơn, hàng triệu người thuê nhà đang phải chật vật tìm cách thanh toán tiền thuê hàng tháng, gây lo âu về một cuộc khủng hoảng dây chuyền trên thị trường nhà ở nếu tiền thuê không được trả.
Khi không nhận được tiền thuê nhà, các chủ cho thuê sẽ không thể trả tiền vay ngân hàng đúng hạn, làm tăng nguy cơ nợ quá hạn và tài sản bị tịch thu.
"Tiền thuê nhà là một phần huyết mạch của nền kinh tế", Andrew Rein từ tổ chức phi lợi nhuận Ủy ban Ngân sách Công dân, nhận xét.
Tại công ty kính Warby Parker, quá trình mở cửa trở lại sẽ gồm ít nhất ba giai đoạn, theo giám đốc điều hành Blumenthal.
Giai đoạn đầu tiên đã bắt đầu tại nhà máy cắt ghép kính của công ty nằm ở ngoại ô thành phố. "Chúng tôi thậm chí còn sắp xếp lại dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo cách biệt cộng đồng", ông nói. Giờ ăn trưa được phân nhỏ và công nhân bắt buộc phải rửa tay sau mỗi một tiếng.
Giai đoạn tiếp theo liên quan đến việc mở cửa trở lại hệ thống cửa hàng.
Giai đoạn cuối, những người cuối cùng quay trở lại làm việc sẽ là gần 300 nhân viên văn phòng tại trụ sở công ty ở SoHo.
Ngay cả tới lúc đó, cuộc sống cũng sẽ rất khác, Blumenthal cho hay. "Chúng tôi không thể để 100% nhân viên đến văn phòng làm việc mỗi ngày", ông nói.
Vũ Hoàng
Sắp qua đỉnh dịch COVID-19, hàng loạt bang của Mỹ rục rịch mở cửa trở lại 9 tiểu bang Mỹ đang lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế và nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt khi giai đoạn dịch COVID-19 tồi tệ nhất dường như đã qua đi. Trong thông báo đưa ra mới đây, Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết các tiểu bang vùng đông bắc như New York, New Jersey và Connecticut...