Băng ở Bắc Cực ngày càng mỏng hơn do Trái Đất ấm lên
Một tàu phá băng lớn đang cắt xuyên qua những khối băng dày trên vùng biển Bắc Băng Dương, mở ra tuyến đường hướng về Bắc Cực.
Tuyết bao phủ tại đảo Lofoten, Bắc Cực. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bao phủ khắp tầm mắt là một màu trắng xóa. Tuy nhiên, ngay cả ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhất trên thế giới cũng có thể cảm nhận được tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Dmitry Lobusov, thuyền trưởng của tàu phá băng “50 Let Pobedy” (50 Năm chiến thắng) của Nga ở vùng biển Bắc Cực, đã nhận thấy rõ sự thay đổi của khí hậu nơi đây trong 13 năm “lèo lái” con tàu. “50 Let Pobedy” thuộc hạm đội tàu phá băng được Nga sử dụng để thực hiện những kế hoạch tham vọng ở Bắc Cực. Những con tàu lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân làm nhiệm vụ phá băng, mở đường cho các tàu thương mại giúp Nga cung cấp dầu, khí đốt và khoáng sản cho phần còn lại của thế giới, và cuối cùng là thiết lập một tuyến hàng hải nối giữa châu Á và châu Âu.
Sau gần 30 năm bám biển, phần lớn ở Bắc Cực, ông Lobusov đã chứng kiến những tác động do hiện tượng ấm lên toàn cầu gây ra. Người thuyền trưởng 57 tuổi cho biết, vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, băng cứng và dày hơn. Đã từng có rất nhiều khối băng lâu năm hình thành trên bề mặt các đại dương vùng cực và tồn tại qua nhiều mùa băng tan chảy. Tuy nhiên, ông cho hay hiện người ta không còn thấy những khối băng lâu năm ở Bắc Cực. Theo ông, ngày nay, hầu hết lớp băng bao phủ Bắc Cực được hình thành trong năm và tan nhanh vào mùa Hè.
Các nhà khoa học cho rằng đây chắc chắn là tác động của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Cơ quan khí tượng Nga (Rosgidromet) công bố hồi tháng 3 vừa qua, lớp băng ở Bắc Cực hiện mỏng hơn từ 5-7 lần so với những năm 1980 của thế kỷ trước, và trong những tháng mùa Hè, các vùng biển hoàn toàn không có băng. Vào tháng 9/2020, diện tích bao phủ băng ở vùng biển Bắc Cực thuộc Nga là 26.000 km2 – mức thấp nhất từ trước đến nay so với cùng thời điểm trong năm. Rosgidromet cho biết nhiệt độ ở Nga – quốc gia có hơn 30% diện tích nằm trong vòng Bắc Cực, đang tăng nhanh hơn so với mức trung bình trên toàn cầu, với mức tăng 0,5 độ C mỗi thập kỷ kể từ năm 1976.
Cũng theo thuyền trưởng Lobusov, Bắc Cực vào mùa Hè chìm trong một màn sương mù. Ông cho rằng đó cũng là tác động của hiện tượng Trái Đất ấm lên, khiến độ ẩm trong không khí tăng.
Theo các nhà nghiên cứu, băng ở biển Bắc Cực đang mỏng đi nhanh gấp đôi so với suy đoán trước đây, thậm chí một số khu vực ở Bắc Cực có thể trở nên không có băng vào năm 2040.
Bắc Cực - điểm nóng mới của tình trạng biến đổi khí hậu
Bắc Cực đã ấm lên với tốc độ nhanh gấp gần 3 lần so với cả Trái Đất nói chung trong giai đoạn từ năm 1971-2019.
Tuyết bao phủ tại đảo Lofoten, Bắc Cực. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Cảnh báo trên được đưa ra trong báo cáo của Chương trình giám sát và đánh giá Bắc Cực (AMAP) công bố ngày 20/5, trùng thời điểm đang diễn ra hội nghị cấp bộ trưởng các nước thuộc Hội đồng Bắc Cực ở thủ đô Reykjavik của Iceland.
Theo báo cáo cập nhật của AMAP, trong vòng chưa tới 50 năm, từ năm 1971 đến 2019, nhiệt độ trung bình hàng năm ở Bắc Cực đã tăng 3,1 độ C so với mức tăng nhiệt độ của cả Trái Đất là 1 độ C. Các tác giả của báo cáo cho biết mức tăng này cao hơn so với đánh giá trước đây. Theo báo cáo trong năm 2019, mức tăng nhiệt trung bình thường niên ở Bắc Cực cao hơn gấp 2 lần so với mức tăng nhiệt trung bình trên toàn cầu.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu nhiệt độ của Trái Đất tăng ở mức 2 độ C, thì nguy cơ băng ở Bắc Cực biến mất hoàn toàn vào mùa Hè trước khi đóng băng trở lại vào mùa Đông, cao gấp 10 lần so với nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức 1,5 độ C như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Báo cáo cho rằng một Bắc Cực hầu như không có biển đóng băng vào tháng 9 có thể xảy ra trước năm 2050. Ở Bắc Cực, tháng 9 thường là tháng có ít nước biển đóng băng nhất.
Báo cáo dự báo, vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực có thể tăng từ 3,3 - 10 độ C, cao hơn nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1985-2014, với mức nhiệt tăng cuối cùng phụ thuộc vào lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong tương lai.
Bão Mặt Trời có thể làm mất Internet trong vài tháng Bão Mặt Trời tấn công Trái Đất, mang theo sức nóng làm các bộ lặp điện tử, cáp quang biển dẫn Internet có thể bị hỏng hoặc phá hủy hoàn toàn. Trong hội nghị truyền thông dữ liệu SIGCOMM 2021 diễn ra cuối tháng 8 tại Mỹ, các nhà nghiên cứu từ Đại học California đã cảnh báo, nếu cơn bão Mặt Trời...