Băng nhóm người Việt tại nước ngoài giả danh cán bộ tư pháp lừa đảo công dân Việt Nam
Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố, các huyện có liên quan vừa phá thành công chuyên án đấu tranh với băng nhóm đối tượng người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền hơn 200 tỷ đồng, bước đầu bắt giữ 32 đối tượng.
“Chiêu bài” dùng người Việt Nam lừa người Việt Nam
Thời gian qua, tội phạm sử dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu phức tạp. Đặc biệt là các đối tượng người Việt Nam cấu kết với các ổ, nhóm tội phạm chuyên nghiệp người nước ngoài có các công ty đóng trụ sở hoạt động tại các nước trong khu vực lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản người Việt Nam.
Từ thực tế đó, từ tháng 7/2023 qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phát hiện tại tỉnh Nghệ An có một số đối tượng, ổ nhóm có nhiều dấu hiệu nghi vấn đang làm việc cho các công ty tại nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước. Hoạt động ổ nhóm này đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Các đối tượng trong đường dây bị bắt giữ.
Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã báo cáo đồng chí Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan Công an xác định, các đối tượng trong đường dây trên là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức làm việc cho các công ty nước ngoài vì một mục đích chung là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam.
Quá trình đấu tranh, Cơ quan Công an xác định Tăng Quảng Vinh (sinh năm 1989), trú tại phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng người Nghệ An và các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức cho các đối tượng người Việt Nam hoạt động phạm tội trong các công ty tại nước ngoài.
Nhóm đối tượng cầm đầu đường dây.
“Bộ máy” lừa đảo chuyên nghiệp, có tổ chức Theo đó, các đối tượng người Việt Nam hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty nước ngoài được tổ chức thành 3 tuyến gồm D1, D2, D3. D1 là các đối tượng sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng có nhiệm vụ gọi cho những người dân theo danh sách đã soạn sẵn thông báo tới “con mồi” việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.
Khi bị hại đã tin tưởng vào kịch bản, các đối tượng D1 sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2. D2 là những đối tượng xưng là Đại úy A – Cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân của ông/bà đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội… (phù hợp với nội dung cuộc gọi của D1), yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại.
Video đang HOT
Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo hiện dùng tài khoản ngân hàng gì, các tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ…) hiện có để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại.
Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu…các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây), D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại.
Tiếp đó, các đối tượng D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt. Toàn bộ quá trình liên hệ với bị hại, các đối tượng luôn yêu cầu bị hại ở không gian độc lập, kín đáo, không được cho ai khác biết sự việc, thường xuyên giữ liên lạc để dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo trên hoạt động rất tinh vi, có tổ chức, hàng ngày trong cuộc họp các đối tượng chia sẻ kinh nghiệm lừa đảo, những cách nói chuyện, câu nói, từ ngữ nói với bị hại để đạt hiệu quả cao hơn.
Lừa đảo nhiều nạn nhân với trên 200 tỷ đồng
Quá trình theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ từ 4h30 đến 8h ngày 6/2/2024, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các huyện Yên Thành, Con Cuông, Diễn Châu, Tân Kỳ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Tổ 373 (Công an Nghệ An)… và Công an TP Hồ Chí Minh, Công an các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) phá thành công chuyên án, đồng loạt khám xét, bắt giữ 32 đối tượng trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu giữ nhiều tang vật có liên quan.
Ngoài Tăng Quảng Vinh (đối tượng cầm đầu đường dây), 31 đối tượng còn lại bị Cơ quan Công an bắt giữ có 3 đối tượng trú tại TP Hồ Chí Minh gồm Vũ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1992); Lê Tuấn (sinh năm 1996) và Phạm Thanh Hậu (sinh năm 1996) cùng 2 đối tượng trú tại các tỉnh Bình Thuận và Thanh Hóa gồm: Lê Văn Tâm (sinh năm 1998), trú huyện Tánh Linh, Bình Thuận và Lê Tiến Tùng (sinh năm 1991), trú tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Tại Nghệ An, liên quan tới đường dây trên, Cơ quan Công an đã bắt giữ 26 đối tượng trú tại tỉnh Nghệ An gồm: 15 đối tượng trú tại huyện Yên Thành; 7 đối tượng trú tại huyện Con Cuông; 3 đối tượng trú tại huyện Diễn Châu; 1 đối tượng trú tại huyện Tân Kỳ.
Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam cư trú ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền lừa đảo khoảng hơn 200 tỷ đồng. Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đang tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án.
Công an Nghệ An thông báo những ai là nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo trên chưa liên hệ với Công an thì nhanh chóng trình báo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An để được phối hợp, giải quyết.
Qua chuyên án trên, Công an Nghệ An khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch; lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng…
Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, internet banking, mobile banking, cần kịp thời thông báo cho Công an nơi gần nhất.
Hack Facebook - Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế và Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tục nhận được đơn trình báo của những bị hại bị lừa đảo qua mạng Internet.
Trong đó, có nhiều bị hại là nạn nhân của các đối tượng chuyên hack Facebook.
Chiều 28/8, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế cho biết, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, Công an TP Huế liên tục nhận được nhiều đơn thư của bị hại "tố" bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Qua thu thập các đơn thư, chứng cứ và phân tích các thủ đoạn, cơ quan Công an xác định, các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao dù không mới, đã được cơ quan chức năng cảnh báo, tuyên truyền nhiều lần nhưng người dân vẫn bị sập bẫy bọn tội phạm.
Hoàng Thanh Sang (phải) và Nguyễn Minh Vũ tại phiên tòa sơ thẩm.
Đáng lo nhất là hành vi hack (chiếm quyền sử dụng) các tài khoản Facebook rồi dùng các tài khoản này liên lạc, nhắn tin đến người thân của họ để mượn tiền, hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các trang web chuyển tiền quốc tế do đối tượng tự tạo ra để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại. Với thủ đoạn này, nhiều bị hại đã tin tưởng gửi tiền vào các tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Đơn cử, như trường hợp chị N.A., giáo viên trú tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chị A. cho biết, tài khoản Facebook của một đồng nghiệp nhắn đến Facebook chị với nội dung: "Cô đang cần tiền gấp để lo việc gia đình. Nếu em có tiền sẵn trong tài khoản cho cô mượn 30 triệu đồng và hôm sau cô sẽ chuyển lại". Lúc này, chị A. nghĩ đây là cô giáo cùng trường nên không chần chừ, chuyển tiền ngay cho đồng nghiệp mượn. Hơn 1 ngày trôi qua, chị A. mới biết tin Facebook của đồng nghiệp mình bị kẻ xấu hack nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài chị A., một số nạn nhân cũng bị sập bẫy tương tự.
Theo Thượng tá Lê Ngọc Minh, thời gian qua, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã điều tra, xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo công nghệ cao nói chung và các đối tượng chuyên hack Facebook người khác để chiếm đoạt tài sản của người khác nói riêng. Tuy nhiên, nhiều thanh niên do bản tính ham chơi, thích hưởng thụ nên vẫn lập kế hoạch đi hack Facebook người khác nhằm dễ dàng chiếm đoạt số tiền lớn.
Giữa tháng 8/2022, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Hoàng Thanh Sang (SN 2000) và Nguyễn Minh Vũ (SN 1990), cùng trú tại tỉnh Quảng Trị, về các tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Kết quả điều tra của cơ quan Công an xác định, Sang đã hack tài khoản Facebook của người dùng ở nhiều tỉnh, thành. Sau đó, Sang dùng các tài khoản này liên lạc, nhắn tin đến người thân của họ để mượn tiền, hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các trang web chuyển tiền quốc tế do đối tượng tự tạo ra để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại.
Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, Sang đã thiết kế một website có tên miền "Albumanhdep.weely.com" trên mạng rồi nhắn kèm đường link cho các tài khoản Facebook qua ứng dụng Messenger. Khi có người truy cập vào và điền đầy đủ thông tin cá nhân vào đường link này, các thông tin đó sẽ được chuyển vào website trên, từ đó Sang chiếm quyền kiểm soát tài khoản các Facebook này.
Sau khi chiếm được quyền kiểm soát tài khoản, Sang thay đổi mật khẩu, xóa các thông tin xác thực của chủ tài khoản Facebook, rồi nghiên cứu và khai thác thông tin về mối quan hệ của chủ tài khoản đã chiếm đoạt. Tiếp theo, Sang mạo danh chủ tài khoản để nhắn tin, liên lạc với người thân chủ tài khoản để mượn tiền hoặc nói dối là muốn chuyển ngoại tệ về Việt Nam thông qua đường link website có tên miền: "chuyentienquocte.weebly.com" do Sang tự thiết kế để người bị hại đăng nhập các thông tin cá nhân.
Khi người bị hại nhập đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu thì Sang cùng Nguyễn Minh Vũ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của người bị hại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của họ. Sau khi chiếm đoạt tiền, Sang và Vũ sẽ chuyển tiền đến các tài khoản do chúng lập ra và chúng thực hiện việc rửa tiền thông qua hình thức mua bán tiền ảo, chuyển thành tiền Việt Nam để chia nhau tiêu xài.
Một trong số vụ mà các đối tượng chiếm đoạt số tiền nhiều nhất là hơn 1,1 tỷ đồng. Cụ thể, đối tượng Sang đã chiếm đoạt được quyền kiểm soát tài khoản Facebook "Thủy Diệp Trần" của chị T.T.D. (sinh sống tại Cộng hòa Pháp). Sang dùng Facebook này nhắn tin cho tài khoản Facebook "Nhquang Hai" của anh N.Q.H. (trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) - là em họ của chị T.T.D để giả mạo là chị D. sẽ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam cho anh H. Lúc này, Sang cung cấp cho anh H. một đường link có giao diện giống với trang web chuyển tiền quốc tế. Do không biết tài khoản của chị họ mình đã bị chiếm đoạt kiểm soát nên anh H. đã tin tưởng, đồng ý cung cấp số tài khoản, nhập các thông tin cá nhân, mã OTP vào đường link này để nhận tiền.
Sau khi anh H. nhập đầy đủ thông tin, Sang chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng và chuyển số tiền hơn 1,1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của anh H. vào các tài khoản khác nhau mà Vũ cung cấp trước đó để Vũ chuyển hóa (rửa tiền) số tiền trên thông qua mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch như: Bitcion, Remitano... sau đó bán tiền ảo chuyển thành tiền Việt Nam chia nhau tiêu xài. Với thủ đoạn trên, cả hai đã thực hiện thành công, chiếm đoạt tiền của 6 bị hại, tổng số tiền chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.
HĐXX tuyên phạt Hoàng Thanh Sang 13 năm tù với 3 tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"; Nguyễn Minh Vũ 15 năm 6 tháng tù với 2 tội danh: "Rửa tiền", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"... Ngoài ra, Tòa buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền còn lại cho các bị hại.
Trước tình trạng tội phạm lừa đảo công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần thận trọng trong giao dịch chuyển tiền, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người không hề hay biết, không chia sẻ căn cước công dân lên mạng xã hội, tuyệt đối không nhấp vào các đường link mà các đối tượng gửi về qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại... Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo thì nên phối hợp, trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để giải quyết.
Khởi tố đối tượng lừa 7 người sang Campuchia "làm việc nhẹ, lương cao" Sau khi xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm thuê cho công ty của người Trung Quốc tại tỉnh Sihanouk, Cường quay về Việt Nam lừa 7 người đi "làm việc nhẹ lương cao". Nhiều người muốn về Việt Nam phải bỏ gần 100 triệu đồng để chuộc thân. Ngày 26/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang cho...