Băng nhóm người nước ngoài gây án tại Việt Nam: Đạo tặc công nghệ cao
Không cần nhập nha để trộm cắp tài sản, thủ phạm chỉ việc lắp đặt một số thiết bị công nghệ cao là ung dung móc được tiền tỉ của ngành bưu chính viễn thông.
“Móc túi” tiền tỉ
Mười năm trước, việc trộm cắp cước phí của ngành bưu chính viễn thông khá mới mẻ tại Việt Nam. Lúc bấy giờ, thậm chí cơ quan chức năng còn lúng túng không biết định tội gì cho đối tượng (sau này mới thống nhất định tội “trộm cắp tài sản”). Cũng chính vì thủ đoạn quá mới lạ nên lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong truy tìm. Khi tìm ra thủ phạm thì đa số là tội phạm người Trung Quốc gây án. Chúng có nguyên một tổ chức ở nước ngoài, hoạt động rất bài bản, có sự phân nhiệm cụ thể cho mỗi thành viên. Nhập cảnh vào Việt Nam với cái mác là khách du lịch nhưng thực tế chúng chẳng đi tham quan, du lịch gì cả, chỉ thuê nguyên căn nhà nhốt mình trong đó suốt cả ngày, ban đêm ăn mặc sang trọng đến các vũ trường.
Song Long Guo sau khi bị bắt – Ảnh: Đàm Huy
Khi vào Việt Nam, chúng móc nối với một số người Việt đứng tên thuê nhà, lắp đặt điện thoại cố định… Sau đó, một nhóm khác có nhiệm vụ mang trang thiết bị viễn thông từ Trung Quốc sang Việt Nam lắp đặt, biến căn nhà cho thuê thành một trạm viễn thông thu nhỏ. Thông thường, mỗi đường dây thiết lập cả chục trạm viễn thông thu nhỏ kiểu như vậy, rải khắp địa bàn thành phố. Bọn chúng là nhân viên của các công ty ở nước ngoài chuyên bán thẻ gọi điện quốc tế. Khi khách mua thẻ của công ty rồi gọi điện thoại về Việt Nam thì cuộc gọi đó sẽ được chuyển qua các trạm viễn thông do bọn chúng lắp đặt trái phép tại Việt Nam. Trạm viễn thông trên có nhiệm vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành nội hạt cho nên người ở Việt Nam nhận cuộc điện thoại của công ty bán thẻ thì xuất hiện số điện thoại cố định hoặc số di động của Việt Nam chứ không phải số điện thoại của nước ngoài. Với thủ đoạn này, bọn chúng không phải trả phí kết nối điện thoại quốc tế cho hệ thống bưu chính viễn thông của Việt Nam để thu lợi bất chính.
Đau đầu vì thiệt hại tiền tỉ
Thời điểm bấy giờ, ngành viễn thông thường xuyên phát hiện một lưu lượng lớn cuộc gọi quốc tế bỗng dưng trở thành nội hạt. Giai đoạn đầu, cơ quan chức năng chỉ có thể tính toán được số tiền thiệt hại nhưng không thể nào xác định được ai gây ra. Thanh tra bưu chính viễn thông được giao phối hợp với trinh sát của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) vào cuộc điều tra khám phá. Lực lượng phối hợp đã được rải đi khắp nơi, rà soát truy tìm những địa chỉ nghi vấn. Trong nhiều vụ án, trinh sát sàng lọc cả trăm, cả ngàn số điện thoại bất thường để tìm ra vài địa chỉ nghi vấn.
Cơ quan chức năng đã phá được nhiều đường dây ăn cắp cước viễn thông quốc tế quy mô lớn, tuy nhiên vẫn không có dấu hiệu cho thấy loại tội phạm này đã ngưng hoạt động ở VN. Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên phản ảnh: vẫn nhận được thường xuyên các cuộc gọi của người thân từ nước ngoài về nhưng số điện thoại hiện lên là số trong nước.
Video đang HOT
Như đầu năm 2008, qua xác minh, cơ quan chức năng phát hiện một số địa chỉ nhà ở Q.10, Q.5, Q.6, Q.11, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) số tiền cước phí hằng tháng rất khủng, lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng. Bằng nghiệp vụ, trinh sát đã đột nhập vào bên trong một số căn nhà và phát hiện có căn nhà lắp đặt cả trăm điện thoại cố định, ăng-ten giăng trên cửa sổ như mạng nhện; trong nhà chứa đầy thùng các-tông đựng thẻ cào. Công an xác định một số căn nhà trên do người Việt Nam đứng ra thuê nhưng họ không ở đây mà thuê giùm cho người Trung Quốc sử dụng. “Thủ phạm nhờ người Việt Nam thuê cả chục căn nhà để lắp đặt thiết bị viễn thông gây án. Có lúc trinh sát mất tới 3 đến 6 tháng mới tìm ra được một địa chỉ. Công đoạn truy tìm không dễ dàng chút nào, bởi vì bọn chúng lập “trạm viễn thông” ra nhưng chẳng có ai ở trong đó cả; 4 đến 5 ngày đối tượng điều hành mới ghé qua xem hệ thống chuyển cuộc gọi có trục trặc gì không. Nhiều lúc trinh sát chốt 24/24 cả tuần tại một địa điểm; ngủ bờ ngủ bụi mới phát hiện được đối tượng…”, một chỉ huy trinh sát tiết lộ.
Interpol Việt Nam truy nã
Trong số các vụ bị triệt phá, nổi cộm nhất là vụ Qiu Yu Yao (Trung Quốc). Mới đầu cơ quan công an mời Qiu Yu Yao lên làm việc và yêu cầu thành khẩn khai báo để được hưởng khoan hồng nhưng đối tượng vẫn quanh co chối tội. Trước những chứng cứ đầy thuyết phục, cuối cùng hắn cúi đầu khai nhận rằng các thiết bị viễn thông do đối tượng Đặng Long Vũ (quốc tịch Trung Quốc) vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, sau đó giao cho Qiu Yu Yao lắp đặt, trực tiếp quản lý, khai thác vận hành. Để đưa cỗ máy này vào hoạt động, Qiu Yu Yao đã móc nối với 11 người Việt Nam giúp sức thiết lập 10 trung tâm viễn thông thu nhỏ.
Từ manh mối này, hàng chục trinh sát đã được huy động đồng loạt kiểm tra 10 địa điểm. Công an huy động xe tải chuyên dụng đến để chở trang thiết bị viễn thông thu giữ được, gồm: 240 hộp có gắn sim CDMA, máy vô tuyến cố định cầm tay… Theo ước tính ban đầu, chỉ riêng vụ này, số cước phí viễn thông bị đánh cắp là hơn 10 tỉ đồng.
Vụ việc sau đây thể hiện rõ hơn về quy trình hoạt động của những người nước ngoài vào Việt Nam gây án và sự điều khiển từ xa của ông trùm ở nước ngoài. Đường dây này do Hong Hai Yan và Song Long Guo (cả 2 đều quốc tịch Trung Quốc) tổ chức. Năm 2006, công an chỉ bắt được Song Long Guo, đối tượng còn lại kịp trốn thoát. Công an đã thu giữ 98 hộp tích hợp sim card; 134 sim (Cityphone) – tương đương với 134 máy điện thoại. Từ tháng 4.2005 – 10.2006, thủ phạm đã nạp hơn 1,85 tỉ đồng tiền cước phí nội địa để chuyển đổi cuộc gọi quốc tế.
Song Long Guo khai nhận hắn nằm trong tổ chức chuyên lắp đặt hệ thống viễn thông trộm cắp điện thoại quốc tế, trụ sở tại Hàn Quốc; có Công ty Hai Niao tại Trung Quốc (do An De Zhe làm giám đốc) là chi nhánh. Đầu năm 2005, An De Zhe đã điều động Hong Hai Yan và Song Long Guo sang Việt Nam lắp hệ thống thiết bị viễn thông trái phép. Song Long Guo được giao nhiệm vụ lắp đặt, vận hành và sửa chữa; Hong Hai Yan chịu trách nhiệm quản lý tài chính và hỗ trợ cho Song. Vừa đặt chân đến Việt Nam, 2 người này đã thuê nhà ở đường Thái Văn Lung, Q.1, lắp máy để chạy thử sóng, sau đó thuê nhiều nhà khác ở Q.Phú Nhuận làm cơ sở lắp đặt thiết bị viễn thông. 2 đối tượng đã gây thiệt hại gần 6 tỉ đồng cho ngành bưu chính viễn thông Việt Nam. Do Hong Hai Yan đã bỏ trốn, xuất cảnh khỏi Việt Nam nên PC46 ra quyết định truy nã và Văn phòng Interpol Việt Nam đã ra thông báo truy nã quốc tế đối với Hong Hai Yan.
Theo Thanh Niên
90 người tố 'sập bẫy' Việt kiều
Cơ quan điều tra Cà Mau vừa xác minh được trên 90 nạn nhân nghèo bị Công ty cổ phần Úc Việt lừa đảo xuất khẩu lao động. Hiện Chủ tịch HĐQT của công ty này đã "biến mất" cùng gần 7 tỷ đồng.
"Ai muốn được đi nước ngoài làm việc với mức lương trên 3.000 USD một tháng thì liên hệ ngay với Công ty cổ phần Úc Việt, chắc chắn sẽ được toại nguyện", lời quảng cáo hấp dẫn này đã lôi kéo khoảng 100 lao động đến đăng ký, nộp tiền, chờ ngày xuất ngoại.
Ông Việt tại một đám cưới ở Cà Mau khi còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Úc Việt. Ảnh: Thiên Phước.
Thế nhưng thông tin tuyển dụng được "rao" trên đã không như sự thật vì hiện nay cơ quan chức năng đã xác định được 93 nạn nhân bị lừa với số tiền gần 7 tỷ đồng.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, đầu năm 2008 Công ty cổ phần Úc Việt có trụ sở tại xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) do Lê Hoàng Việt - Việt kiều Australia - cùng hai người em ruột Lê Hoàng Mến, Lê Quốc Khởi đăng ký thành lập. Nông dân Lê Hoàng Mến được bổ nhiệm làm giám đốc, Việt làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 18/11/2008, công ty xin Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Cà Mau bổ sung ngành nghề dịch vụ tuyển dụng và môi giới lao động ngoài nghề chuyên kinh doanh chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản và nông sản thực phẩm.
Sau đó, giám đốc Mến có tờ trình gởi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau tuyển dụng lao động sang Australia. Nhằm lấy lòng tin các cơ quan chức năng, ông Mến khẳng định công ty đã kết hợp với một công ty ở Hà Nội để tư vấn, giới thiệu lao động.
Nhằm khuếch trương uy tín, những buổi tư vấn việc làm, Công ty Úc Việt mời cả lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đến tham dự nên hàng loạt người dân ở Cà Mau tìm đến đăng ký. Công ty tự đặt ra mức thu mỗi lao động là 15.000 USD, trong đó khi làm thủ tục nộp 4.000 USD, số tiền còn lại sang đến Australia mới nộp.
Sau khi nhận tiền, công ty không thực hiện đúng như cam kết đã hứa nên nhiều lao động bức xúc tố cáo hành vi lừa đảo của công ty đến các cơ quan chức năng. Sau đó Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh thành lập đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm nghiêm trọng của công ty này là không có văn bản cho phép nào của cơ quan có thẩm quyền, cũng như không xuất trình được tài liệu sổ sách về số lượng lao động đã đăng ký tuyển dụng và chứng từ liên quan.
Trụ sở Công ty Úc Việt đóng cửa. Ảnh: Thiên Phước.
Em Trương Chí Linh (ngụ xã Tân Phú, huyện Cái Nước) cho biết, trước kia khi xem mẫu tin tuyển dụng của Công ty Úc Việt, Linh xin gia đình được đi xuất khẩu lao động để đổi đời. Để có tiền nộp cho công ty 70 triệu đồng, gia đình em đã thế chấp giấy tờ nhà, đất và mượn họ hàng. "Đóng tiền xong, em chỉ được tham gia học tiếng Anh cấp tốc một tháng rồi chờ hoài không thấy đi Australia mới biết mình bị lừa", Linh mếu máo.
Theo Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Công ty Úc Việt không đủ điều kiện để hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nên việc tuyển chọn và thu phí của người lao động đi làm việc tại Australia của Công ty Úc Việt là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Cũng theo thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cấp phép cho Công ty Úc Việt cũng sai vì công ty này không đủ điều kiện.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đang xem xét thủ tục để nhờ Interpol tầm nã ông Việt.
Theo VNExpress
Chuyên án ngoạn mục diệt trừ trùm ma túy Cảnh sát thu giữ ma túy (Hình minh họa) Một tên Việt kiều là xã hội đen ở Australia đang trốn truy nã ở Việt Nam, một nữ quái buôn ma túy khét tiếng thành Vinh, một ông trùm ma túy đội lốt chủ trang trại. Bọn chúng đã gặp nhau trong một đường dây tội ác được xây dựng kỳ công đưa...